Tư liệu:

Đức Cha Jean-Baptiste Urrutia (Thi)

(1901-1979)

Vị Giám Mục thứ 8 cai quản Giáo phận Huế (1948-1960)


 

Jean-Baptiste Urrutia sinh ngày 6 tháng 11 năm 1901 tại Aldudes (Basses - Pyrénées) trong Pays basque (địa phận Bayonne).

 

Aldudes nằm ở cực nam nước Pháp (nơi chấm tròn trên bản đồ).

 

Giáo xứ Aldudes ở dưới chân dãy núi Pyrénées.

Năm 1921 thầy Urrutia nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris và được thụ phong linh mục tại đó năm 1925. Tháng 9 năm này, ngài được chỉ định phục vụ tại giáo phận Huế, miền trung Việt Nam. Trước tiên ngài học tiếng Việt và làm giáo sư Tiểu chủng viện An Ninh, rồi sau đó làm Bề trên trong vòng 15 năm, từ 1930 đến 1945. 

Nhà các cha giáo Tiểu Chủng Viện An Ninh.

 

Cha Bề trên Urrutia và các cha giáo Tiểu Chủng Viện An Ninh

Phòng học Tiểu Chủng Viện An Ninh.

Trong số học trò của ngài, có chủng sinh Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận (1928-2002), sau này làm Hồng Y và đang được làm án phong Chân phước.

Tháng 5 năm 1937, Đức Cha Lemasle cử ngài làm cha Chính và vẫn tiếp tục điều hành Tiểu chủng viện. Tháng 4 năm 1945, sau cuộc đảo chính, quân Nhật bắt các thừa sai Pháp tập trung, cha Urrutia bị giam lỏng ở Nhà Chung Huế cùng với các anh em khác. Ngày 26 tháng 9 năm 1946, Đức Cha Lemasle qua đời tại Sài Gòn. Cha Urrutia điều hành giáo phận trong lúc Việt Nam chuẩn bị ráo riết cuộc chiến tranh với Pháp.

Ngày 18 tháng hai 1948 giữa cảnh chiến tranh, cha Urrutia được đặt làm Giám mục Đại Diện Tông Toà Giáo phận Huế (sau 17 tháng trống toà) với hiệu toà Isauropolis và được Đức Khâm Sứ Toà Thánh Drapier tấn phong ngày 27 tháng 5 năm 1948 .

Ngài lãnh đạo giáo phận thời chiến tranh với khẩu hiệu "In pace et caritate Christi " (Trong bình an và tình yêu Chúa Kitô). Ngài thực hiện những gì có thể.

Bản báo cáo gửi Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris cho biết: Năm nay (1950) cũng như các năm trước không thể có được các số liệu thống kê về các tín hữu trong Giáo phận Huế. Cuộc nội chiến khởi sự từ đầu năm 1947 vẫn tiếp tục không ngừng trong tất cả vùng đất của Miền Truyền Giáo. Một số giáo xứ bị phân tán, một số khác chỉ còn nửa số giáo dân, còn một nửa kia bị đưa lên núi hoặc bỏ trốn đến ở các vùng yên ổn. Ngược lại, các giáo xứ bảo đảm yên ổn nhờ ở gần các đồn lính lại thấy số tín hữu tăng gấp ba, bốn lần, nhưng những người lánh nạn này không ổn định, vì thế khó kiểm tra. Đức Cha Urrutia kể: 

"Tỉnh Quảng Bình cho đến nay được tương đối bình lặng, nhưng năm nay lại gặp nhiều thử thách. Những họ đạo dàn trải từng trạm dọc theo đường quan từ Sài Gòn đi Hà Nội và dọc theo các rặng núi đầu tiên của dãy Trường sơn.

Trong tỉnh Quảng Trị, hai vùng hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của phía bên kia. Trước hết đó là Cửa Tùng số giáo dân lên tới 6.000, qui tụ chung quanh Tiểu chủng viện với 5 linh mục phụ trách đầy đủ. Tiểu chủng viện không bị quấy phá, nhưng vì sợ rằng các chủng sinh lớn sẽ bị đưa đi bộ đội nên vào kỳ tựu trường sắp tới phần lớn trong họ sẽ vào học trường phổ thông Providence ở Huế. Phí tổn sẽ rất nặng cho giáo phận, nhưng chủng viện là một công trình sống còn và từ nay lại cần thiết hơn bao giờ hết. Ở phía nam tỉnh Quảng Trị, một vùng khác cũng hoàn toàn trong tầm kiểm soát của phía bên kia. Từ nhiều tháng không có tin tức gì về các linh mục Điển, Lượng, Huờn. Họ vẫn ở trong giáo xứ nhưng không được ra khỏi.

Trong tỉnh Huế, các giáo xứ bị phân tán nhiều hơn ở Quảng Trị và Quảng Bình. Một số giáo xứ bị sách nhiễu đến độ các giáo dân phải rời bỏ làng quê để đến sống tạm ở thành phố. Người ta có thể chia các họ đạo thành ba nhóm: trước hết là các xứ được yên ổn và những xứ có những đồn bót ở gần có thể  tự bảo vệ. Hai là những nơi thuộc quyền kiểm soát của phía bên kia. Ba là các xứ vùng xôi đậu, ngày phe này kiểm soát, đêm lại do phe kia. Hoàn cảnh của các xứ này thật rất tế nhị.

Trong lúc này, bổn phận của chúng tôi là làm cho các giáo dân có một đức tin sống động hơn,  xác tín sâu xa hơn,  nhiệt tình hơn  trong trách nhiệm làm tông đồ. Lời cầu nguyện và thử thách chịu đựng cách dũng cảm chuẩn bị những ngày mai tươi sáng hơn, nhưng trong lúc đợi chờ những ngày tốt đẹp đó chúng tôi sẽ còn phải chịu đau khổ nhiều. Sự bênh đỡ của Chúa đã nhiều lần bày tỏ và chúng tôi hoàn toàn tin tưởng nơi lời cầu nguyện của các cộng đoàn và nơi những đau khổ của những người bị giam cầm, cho dầu họ ở trong tình trạng thụ động, vẫn tiếp tục luôn luôn và hơn bao giờ hết là những nhà truyền giáo".

Trong bản báo cáo năm 1951, Đức Cha Urrutia viết: 

"Chúng tôi đang sống năm thứ 7 của những biến động và chiến tranh. Các giáo xứ bị đảo lộn đến nỗi năm nay cũng không thể thực hiện việc kiểm tra. Vào năm 1945, Miền Truyền Giáo gồm 82 họ đạo mỗi họ đều có linh mục ở tại chỗ. Vào năm 1951, 41 giáo xứ ở trong vùng do phía bên này kiểm soát, gần một đồn bót hoặc tự tổ chức bảo vệ. Nhiều giáo xứ trong số này đã thấy số giáo dân tăng gấp đôi và có khi gấp ba, các kitô hữu sống trong những vùng hiểm nghèo đã đến qui tụ quanh tháp chuông hay gần một đồn bót. Thỉnh thoảng có khi một địa điểm quan trọng ở một nơi chiến thuật trước đây chẳng có tín hữu nào, nay lại có hàng trăm kitô hữu đến ở và dần dần làm thành quanh đó cả một làng. Thế là phải đặt nơi đó một linh mục ở tại chỗ, đó là trường hợp của Diên Sanh, Vĩnh Linh và Hoàn Lão, những nhóm người gồm các tín hữu nhất là đến từ Miền Truyền Giáo Vinh, có một linh mục giáo phận này lo việc phụng tự.

Khoảng một chục họ đạo ở trong vùng xôi đậu (mixte), ban ngày phe này kiểm soát, còn ban đêm thì phe kia. đời sống dân chúng ở các vùng này hiện nay rất khó khăn, bởi vì không nên gây bất bình cho bên này hoặc bên kia. 31 giáo xứ ở trong vùng hoàn toàn do phía bên kia kiểm soát. đời sống của các linh mục và giáo dân gặp phải rất  nhiều khó khăn, 20 linh mục chia sẻ nếp sống trong các vùng này đòi hỏi kiên trì chịu đựng thử thách, tuy nhiên phần đông thỉnh thoảng cũng có thể đến Huế, lý do được phép đi lại là để lo giải quyết các vấn đề tôn giáo với Bề trên.   Đàng khác duy trì các công trình, mà chính yếu là trường học cũng khó khăn trong các vùng này. Cám ơn Chúa, các tín hữu có một đức tin lớn lao, nhưng phải được đào sâu hơn nữa trong tương lai, niềm xác tín phải vững chắc hơn và việc đào luyện hoàn toàn theo tinh thần kitô chỉ có được nhờ các trường học công giáo... Trong các vùng phía bên này, các trường của chúng tôi đã được tổ chức lại và phát triển tốt. Hiện nay các trường này quá nhỏ để có thể thâu nhận tất cả số học sinh đến xin học.

Trường Providence.

 

Trường Pellerin.

 

Trường Jeanne-d’Arc. 

Năm nay, trường Providence đã nhận 300  học sinh, trường Pellerin của các Sư huynh Lasan nhận 750, con số cho đến nay chưa bao giờ đông như vậy.

Trường Jeanne-d’Arc của các nữ tu Dòng thánh Phaolô thường nhận khoảng 400 học sinh, nay có đến 560 trong các lớp. Trong các trường tiểu học do các nữ tu coi sóc, số các trẻ tăng gấp đôi. Sẽ phải tăng thêm các cơ sở giáo dục, nhưng vấn đề khó nhất phải giải quyết là lo cho các thầy cô mới. Một cố gắng lớn đã được thực hiện để giúp phát triển.  

Nhà Mẹ Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân.

 

Nhà Mẹ (trước đây) Dòng Anh Em Hèn Mọn Thánh Tâm.

Tu hội các Anh Em Hèn Mọn giáo giảng viên và dòng các nữ tu Phú Xuân được kêu gọi thực hiện những việc phục vụ lớn lao hầu bảo đảm sự phát triển các trường và nền giáo dục kitô cho các trẻ cũng như các người dự tòng, việc này chúng tôi cũng bị giới hạn vì it  nguồn tài chánh.

Các công trình cứu trợ có cơ hội hoạt động để trợ giúp các người di cư. Hội Vinh Sơn Phaolô được tổ chức ở những trung tâm quan trọng đã xoay xở lo chỗ trú cho những người đáng thương này. Thỉnh thoảng họ cũng cung cấp các phần ăn trong lúc chờ các người này kiếm được việc làm. Khoảng 600 kitô hữư đã được cho trú trong vườn của Toà Giám Mục. Quanh trường Providence người ta đếm được 200 người, còn 400 người khác được các cha DCCT cho ở.

Năm ngoái, vì sợ các chủng sinh lớn của chủng viện bị bắt đi bộ đội, chúng tôi đã gửi các chú các lớp lớn vào trường Providence, nhưng vì an ninh đã được tái lập trong vùng của Tiểu chủng viện, năm nay chúng tôi sẽ gửi chỉ một lớp lớn thôi. Tất cả các chủng sinh khác đều về tựu lại An Ninh.

Nhà nguyện Tiểu Chủng Viện An Ninh. 

Ở Đại Chủng viện, 9 thầy phó tế đã được phong chức linh mục vào tháng sáu nhưng chỉ có 7 thầy triết học mới vào thế chỗ thôi, nhiều đại chủng sinh Miền Truyền Giáo Vinh cũng xin nhập với các thầy của chúng tôi để được đào tạo làm linh mục.

Những đau khổ của các anh em chúng tôi đang bị cầm giữ tại Vinh từ gần 5 năm nay, sự sốt sắng của các cộng đoàn và của các kitô hữu mang lại cho chúng tôi niềm hy vọng rằng thử thách sẽ giúp Giáo Hội Chúa Kitô tại Việt Nam càng vững chắc. đời sồng kitô hữu sẽ được mạnh mẽ và sức lan truyền sẽ được thấy rõ cách nhẹ nhàng trong khắp nước. Tuy nhiên các đổ nát vẫn còn chất đống: các máy bay dội bom đã phá huỷ 3 nhà thờ và làm cho hư hại nặng 3 nhà thờ khác".

Trong bản báo cáo năm 1952, Đức Cha Urrutia  trước tiên nhận thấy tình hình chung chẳng tiến triển gì từ hơn một năm nay. Cuộc chiến thực sự tại miền trung Việt nam không có chiến tuyến rõ ràng, nó xảy ra khắp nơi. Trong các thành phố, cuộc sống xem ra bình thường nhưng vẫn có những tuyên truyền, còn trong các vùng quê, vấn đề an ninh điều khiển tất cả và không một vùng nào mà khỏi những cuộc hành quân luôn để lại những sự mất mát cả mạng người lẫn vật chất. Trong năm, một số vùng thay ngôi đổi chủ, lúc bên này lúc bên kia, những đổi thay này luôn để lại những ảnh hưởng đau thương trong đời sống các giáo xứ.

Vào tháng năm, cuộc chiến xảy ra tại vùng các giáo xứ Kẻ Sen, Kẻ Bàng, Xóm Kéc lâu nay vẫn sống yên ổn. Các kitô hữu phải bỏ nhà cửa và di sư đến vùng ổn định hơn, con số lên tới hơn 2.000 người. Cộng với 10.000 người di cư đã đến trong tỉnh Quảng Bình, họ làm nên một mối lo rất lớn cho các linh mục đang cố gắng làm sao cho họ có nơi ở và việc làm.

Ngoài các cuộc di tản lớn lao như vậy, còn có một cuộc di tản liên tục khác, đó là của những kitô hữu liều mất tất cả để cứu vãn đức tin, không phải là không do dự khi phải từ bỏ nhà cửa ruộng vườn, nhưng phần đông vẫn quyết định từ bỏ trước hiểm hoạ sự trung thành với Chúa của họ bị đe doạ. Các hội Vinh Sơn Phaolô cố sức giúp xoa dịu tình trạng này, không phân biệt lương giáo, cho tất cả những người di tản. Nhưng làm sao giúp được mọi sự và cho mọi người?

Mặc dầu mọi cố gắng của lòng bác ái, số phận của những người di tản vẫn đau thương và các điều kiện sống mới của họ có nguy cơ làm suy giảm lòng đạo.

Có những người tín hữu muốn ở gần các ruộng nương của họ bao nhiêu có thể với hy vọng chẳng bao lâu có thể lấy lại được, những người khác đi ở với bà con các nơi xa, một số khác lại đi về thành phố. Tình trạng phân tán này, kèm theo tình trạng nghèo khổ rất dễ dẫn đến việc làm phương hại đến đời sống đạo đích thực nơi nhiều người.

Bản báo cáo năm 1953 cho biết:

Vào đầu tháng năm, Tiểu chủng viện An Ninh bị nhắm đến và bị xem như một trung tâm có ảnh hưởng ngoại bang của vùng Cửa Tùng. Các chủng sinh được cho nghỉ hè sớm hơn thường lệ và sẽ tựu trường ở Huế.

Thật là một niềm vui lớn khi thấy các anh em đồng sự bị cầm giữ tại Vinh nay được trả tự do. Sau khi các cha thuộc giáo phận Thanh Hoá được giải thoát vào tháng 9 năm 1952, thì vào tháng 6 năm 1953 chúng tôi được hạnh phúc gặp lại 15 linh mục khác và 4 nữ tu dòng Đức Bà Truyền Giáo được phóng thích sau một hành trình vất vả trong 9 ngày. Trong thời gian bị giam giữ  6 năm rưỡi, họ đã không quá bị gây phiền hà, nhưng việc không có bất cứ một sự liên lạc nào với các người kitô hữu, phải ăn không ngồi rồi  và bất định về tương lai quả thực là một đau khổ tinh thần đối với họ. Các cha Cadière, Roux và Boillot (84, 78 và 76 tuổi) đã không muốn trở về Pháp, nhưng muốn chết tại Việt Nam, nơi họ đã làm việc suốt cả cuộc đời.

Trong vùng do phía bên này kiểm soát, công việc phúc âm hoá được bảo đảm mặc dầu thỉnh thoảng ở trong tình trạng an ninh một nửa. Khi an ninh được đầy đủ hơn như tại các vùng trung tâm , các giáo dân di cư ở rất đông, nhiều khi hơn cả số giáo dân của chính giáo xứ đó, thế nên các nhà thờ và trường học trở nên quá nhỏ.

Chẳng hạn tại Đông Hà cha Valour phải xây một nhà thờ tạm cho 1.200 giáo dân.

Các trường đầy ngập học sinh. Năm nay các nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đã biến một trường tiểu học của họ thành trường trung học.

Trong một khu vực khác cạnh thành phố, cha Lập cùng một nhóm giáo sư công giáo trợ lực đã mở một trường trung học khác cho các nam sinh, mới đầu đã có 300 học sinh.

Trường Providence đã có thể tiếp tục có ảnh hưởng tuyệt vời giữa giới học sinh, mặc dầu trong những điều kiện khó khăn do lính chiếm đóng hoặc những người di cư đến ở một phần. Các giáo sư vui mừng chuẩn bị cho nhiều học sinh lãnh phép Rửa.

Các công trình giáo dục và từ thiện  phải đứng trước một công việc bao la cần thực hiện, nhưng rủi thay các phương tiện, cả về nhân sự lẫn tài chánh, quá bị hạn chế".

Bản báo cáo năm 1954 cho biết:

Trong năm mục vụ 1953-1954, chiến tranh tiếp tục trong cả giáo phận Huế. Thế nên một làn sóng dân di cư đổ về các thành phố, trong đó có nhiều giáo dân, nên thật đặc biệt khó khăn để lo vấn đề thiêng liêng trong các giáo xứ. Qua chuyến thăm mục vụ giáo hạt Quảng Bình vào tháng 4 năm 1954, Đức Cha Urrutia cho biết bao nhiêu khó khăn và sự can trường của các linh mục và giáo dân gặp phải hàng ngày.

Trung tâm giáo hạt Quảng Bình là Đồng Hới. Gần thành phố, có giáo xứ Tam Toà. Bình thường giáo xứ có khoảng 1.500 giáo dân, nay có tới khoảng 5.500 và một họ nhánh gồm 2.000 tín hữu đến từ  Miền Truyền Giáo Vinh. Họ chính và họ nhánh có đến 1.105 trẻ em và người lớn chịu phép Thêm Sức.

Thánh Tôma Thiện tử đạo.

Trong số này có 36 trẻ từ giáo xứ Trung Quán, quê hương của Chân Phước Tôma Thiện, họ đạo thuộc phía bên kia kiểm soát và không có lnh mục từ năm 1948. các trẻ đã được dạy dỗ tử tế và được chuẩn bị bởi một chức việc nhiệt thành của họ đạo, cũng đang dự định ngay khi về lại sẽ chuẩn bị cho 18 em rước lễ lần đầu, nêu một tấm gương tuyệt vời của Công giáo tiến hành.

.

Nhà thờ Tam Toà xưa.

Ở phía nam Đồng Hới, có nhiều giáo xứ nối tiếp nhau, đầu tiên là Mỹ Hương, quê hương của Chân Phước Antôn Quỳnh Năm

Thánh Antôn Quỳnh Năm tử đạo.

Từ năm 1947 có một đồn lính đóng gần đó, họ đạo này do cha Phú coi sóc tương đối ít chịu đau khổ qua những biến cố và vẫn tiếp tục sinh hoạt bình thường.

Mỹ Hương cách An Định 20 cây số, nhưng đến được đó cũng đầy khó khăn vì phải có những cuộc gỡ mìn mới thông thương được. Các tín hữu và 257 trẻ chuẩn bị lãnh phép Thêm Sức kiên nhẫn chờ đợi Đức Cha đến trễ mất nhiều giờ.

An Định là một giáo xứ phát triển nhiều nhờ làn sóng giáo dân di cư từ các làng quanh đó đổ về để tìm  chỗ tạm trú và sự bảo vệ của trung tâm tự vệ này đã có từ năm 1949 và tỏ ra công hiệu trong nhiều cuộc tấn công thù nghịch.

Cách An Định 8 km về phá nam là Mỹ Duyệt, cũng tự bảo vệ và ở gần căn cứ Hoà Luật Nam cách đó hai cây số rưỡi.

Trước năm 1947, Hoà Luật Nam chẳng có một giáo dân nào...nhưng nay có hàng trăm tín hữu qui tụ chung quanh trung tâm này, có nhà nguyện, có linh mục ở tại chỗ, có 82 trẻ nhỏ và người lớn ở đây chịu phép Thêm Sức. Cùng ngày đó, 103 em được Thêm Sức trong họ Mỹ Phước, ở cách xa đường quan và cũng tự bảo vệ.

Vì lý do an ninh, Đức Cha Urrutia phải trở lại Hoà Luật Nam trước tối. Từ đó  ngày hôm sau ngài đi về An Lạc, họ đạo nằm giữa một cánh đồng bao la, sát ranh giới cuối cùng do phía bên này kiểm soát.

Hành trình này giống một cuộc hành quân, trên đoạn đường 12 km, phải mở đường nghĩa là phải gỡ mìn, rồi đi bằng thuyền trên kênh đào, Đức Cha mới tới họ đạo, còn những dân quân công giáo từ khi mặt trời mọc đã đi trước trong các đồng ruộng, để tránh những sự phục kích quá dễ dàng trong cánh đồng đang mùa gặt.

Niềm vui tràn đầy trong làng được tiếp đón vị lãnh đạo giáo phận về ban phép Thêm sức cho 85 trẻ do cha Thể dạy dỗ. Không ai ngờ 10 ngày sau, phía bên kia tấn công làm phân tán họ đạo và đem cha sở thân yêu đi.

Hai bờ sông Nhật Lệ hiện nay.

Trở lại Sáo Cát, nơi chỉ cách Tam Toà bởi một con sông rộng 600 mét (Nhật Lệ), Đức Cha Urrutia ban phép Thêm sức cho 107 em của giáo xứ do cha Cressonnier đảm trách. Họ đạo này gồm những dân chài và ở tách biệt vào cuối một bán đảo cát trắng  không quá chịu đựng các biến cố.

Không phải như thế ở các họ đạo kỳ cựu Kẻ Bàng và Kẻ Sen mà tên tuổi được nhắc đi nhắc lại thường xuyên trong lịch sử các cuộc bách hại trong thế kỷ 19. Các họ đạo này lúc đó là nơi trú ẩn cho những người bị bách hại. Từ 1947, nhiều lần đó là bãi chiến trường và nhiều lần bị dội bom. Thế nên dân cư đã bỏ ruộng vườn ra ở Chánh Hoà, và dựng hai nhà nguyện tạm bằng tranh tại đó giữa dân cư để tiếp tục đời sống đạo: có 160 em được chịu phép Thêm Sức .

Ở xa hơn 3 km là Hoàn Lảo, nơi trước đây hoang vu, nhưng từ 1947, một ngôi làng đã hình thành và làm nên một họ đạo, có 188 người lớn nhỏ được chịu phép Thêm Sức. Bên kia Hoàn Lảo cách 20 km về phía bắc, nhưng ở bờ nam sông Gianh, có họ đạo Bồ Khê, xứ tận cùng của giáo phận Huế, giáp giới Miền Truyền Giáo Vinh.

Bến đò sông Gianh.

Sông Gianh xưa kia phân cách Đàng Ngoài và Đàng Trong vào các cuộc phân tranh giữa các triều đại thế kỷ 17 và 18; nay phân cách không phải chỉ hai Miền Truyền Giáo, nhưng hai vùng chế độ nghịch nhau. Từ Bồ Khê người ta nhìn thấy ở bờ bắc nhiều tháp chuông nhà thờ của giáo hạt Hướng Phương với hơn 40.000 giáo dân trước khi chia cách thù nghịch. Hơn 20.000 tín hữu đã bỏ làng mạc trốn khỏi phía bên kia, hàng ngàn người đến ở Bồ Khê và do đó 327 em hầu hết gốc giáo phận Vinh đã chịu phép Thêm Sức.

Hành trình viếng thăm mục vụ của Đức Cha Urrutia phải dừng lại đây, vì các xứ Mỹ Đức, Xuân Bồ, Ngân Sơn, Vạn Xuân, Bình Thôn, Trung Quán, Kẻ Hạc đều ở trong những vùng  do phía bên kia kiểm soát. Không linh mục nào có thể ở đó mặc dầu cả hàng ngàn giáo dân vẫn còn ở trong làng của họ. Một số người tìm cách đi lễ Chúa nhật được, hoặc ở Mỹ Hương hoặc tại Hoàn Lảo, nhưng phần đông ở quá xa khó tiếp xúc với một giáo xứ nào.

Đức Cha Urrutia kết luận:  "Một lần nữa chúng tôi đã có thể nhận thấy bầu khí các linh mục và giáo dân vùng quê đang sống giữa một hiểm nguy liên tục".  Mối hiểm nguy này còn thấy được cho đến các vùng lân cận Huế...

Cuộc hội đàm ở Genève; như đài phát thanh loan tin, được theo dõi với đầy khắc khoải trong cả Việt Nam, nhưng đặc biệt tại Trung Phần, nơi người ta nghĩ đến sông Gianh như là ranh giới phân cách hai miền nam bắc, giống như đã xảy ra trong thời Trịnh - Nguyễn. Với một sự bàng hoàng khi vào ngày 21 tháng 7, người ta biết được rằng sông Bến Hải đổ ra Cửa Tùng sẽ là làn mốc phân giới hai vùng năm 1954, như thế khoảng 20.000 tín hữu rơi vào phía bên kia.

Sông Bến Hải chia hai miền Nam Bắc.

 

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải (cũng chia làm hai phần).

  Hai phần ba trong số các tín hữu này là dòng dõi các gia đình công giáo từ nhiều thế hệ, rất gắn bó với đức tin, trong đó 18.000 người quyết định rời bỏ nhà cửa ruộng vườn hơn là phải lo mất đức tin.

Suốt tháng tám, quân đội sẽ nỗ lực giúp dân thường xuất hành về phía nam. Dân cư vùng Đồng Hới đã đi đường biển đến Tourane, những người vùng Cửa Tùng, nơi có Tiểu chủng viện, đã được xe cam nhông chở vào Quảng Trị. Khoảng 8.000 người giáo phận Vinh cũng được chở đi, và hàng ngàn lương dân. Tuy nhiên 2.000 tín hữu giáo phận Huế sống trong vùng do phía bên kia kiểm soát trước hiệp định Genève không thể rời nơi mình ở được. Chỉ có 200 người trước đây sống trong vùng phía bên này thích ở lại nhà và sống với phía bên kia.

Khi biết rằng người Việt gắn bó với đất đai, làng xóm của tổ tiên, người ta đo được sự hy sinh lớn lao các tín hữu chấp nhận để cứu vãn đức tin. Họ quả thực là con cái các vị tử đạo của thế kỷ 20.

Cuộc ra đi đông đảo của các giáo xứ đặt ra những vấn đề hóc búa. Nếu quân đội bảo đảm việc chuyên chở các dân cư, nếu phía Mỹ lo phần phí tổn để định cư, thì cần phải  lo cho tương lai của dân di cư này, lo cho họ có việc làm bảo đảm sinh sống và theo mong ước chung, duy trì cho họ sống thành làng, thành họ đạo và không bắt những người đánh cá làm nông dân, bắt người thành thị làm người nông thôn hoặc ngược lại.

Cuối cùng, giáo xứ lớn Tam Toà đã định cư gần thành phố Tourane nơi các thợ tiểu thủ công nghiệp và  phần lớn những người buôn bán trong giáo xứ này sẽ tìm được một việc làm khấm khá. Các giáo xứ Sao Cát, Bồ Khê, Loan Lý định cư ở quanh vùng Lăng Cô bên bờ biển. Nhờ các thuyền bè mang theo được, họ sẽ có thể sống nhờ nghề làm cá. Nhiều họ đạo nam Quảng Bình sống nghề nông qui tụ nhau gần Lương Văn và làm cho các cánh đồng bỏ hoang nhiều năm nay vì các biến động lại được nên giá trị. Các đồng ruộng này không sánh được với các cánh đồng ở Quảng Bình, nhưng ít nữa cũng cung cấp đủ sống cho những người khai thác.

Còn đối với  những họ đạo vùng Cửa Tùng, đa số họ vẫn ở trong tỉnh Quảng Trị, ngay phía nam làn ranh phân cách, ở quanh tỉnh lỵ và trong vùng của Đền thánh Đức Mẹ La Vang. Ở cách làng quê của mình chỉ  từ 3 đến 4 chục cây số, trong một vùng họ đã quen biết, các người tín hữu này ít thấy mình  xa lạ. tuy nhiên than ôi, họ đã phải đau khổ vì sự thiếu thông cảm của một số người đồng hương ...

Nhưng nhìn chung các tín hữu phía nam đã làm hết sức để giúp đỡ các anh em khốn khổ hơn mình. Trong một số giáo xứ, tất cả các gia đình đã quyết định cho trú tạm trong nhà mình một gia đình  di cư cho đến khi họ tìm được một mảnh đất và một nơi ở cố định.

Sau cùng, Đức Cha Urrutia cho biết Năm Thánh Mẫu đã là một năm sốt sắng: mỗi giáo xứ  lo tổ chức tam nhật kính Đức Maria Vô Nhiễm, và Đền thánh La Vang là trung tâm hành hương nhộn nhịp trong giáo phận đã lại thấy đông khách hành hương với lòng sốt sắng truyền thống, khi Đền thánh vẫn còn ở trong vùng phía nam. 

Nhà thờ La Vang trước đây. 

 

Bên trong Nhà Thờ La Vang trước năm 1972.

 

Linh đền Đức Mẹ hiện ra trước đây.

 

Đông đảo khách hành hương La Vang trước đây. 

Năm mục vụ 1954-1955, theo lời Đức Cha Urrutia, là năm hoà bình đầu tiên kế từ 1946. Đây là năm tổ chức lại các họ đạo ở phía nam vĩ tuyến 17.

Sau khi trú nhiều tháng dưới lều, các kitô hữu đã làm nhà. Một số tiền do viện trợ Mỹ phân phát giúp họ mua các vật liệu đầu tiên, cột kèo, tre và tôn. Nhà không lớn lắm, tôn nóng vào mùa hè và lạnh vào mùa đông, nhưng ít nữa gia đình có chỗ ở và mỗi người sẽ hoàn thiện từ từ tuỳ theo các phương tiện mình có.

Giữa số người hội tụ đó, một khoảnh đất được dành riêng để xây nhà thờ, trường học, nhà xứ.. Vào lúc ra đi, phần đông các họ đạo đã gỡ bàn thờ xứ mình và mang theo, mong muốn có Mình Thánh Chúa ở giữa họ, các người di cư đã tìm cách để làm một nhà gạch nhỏ, có khoá đàng hoàng, trong đó bàn thờ cùng nhà tạm được đặt lên, một căn trại che nắng che mưa cho các tín hữu nối đài nhà đó. Đây là những nhà thờ đầu tiên, rồi dần dần trong một số họ đạo, có các bức tường bao quanh, căn trại trở thành một nhà cầu nguyện đích thực hoặc một nhà thờ cố định như ở La Vang Thượng, Lập An, Mỹ Chánh, Lăng Cô...

Ngày làm phép nhà thờ là một ngày lễ. Từ khi rời bỏ làng xóm, các tín hữu đã phải làm việc khó nhọc trong niềm khắc khoải và bất định về ngày mai. Với hết tâm hồn, họ dâng những ngày công để dựng nhà thờ. Bây giờ là niềm vui lớn có được nhà thờ cho riêng họ, nơi đó họ tụ họp sáng chiều để cầu nguyện và lấy thêm can đảm: "Nầy Ta ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.. Hãy đến với Ta tất cả những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho... " Đó là những câu Phúc Âm rất thường thấy khắc ghi nơi cung thánh, phía sau bàn thờ.

Một vấn đề khác là các trường học. Người ta không thể bỏ rơi các trẻ. Các bậc cha mẹ ngay trong lúc bình thường đã trao phó cho các linh mục việc giáo dục và dạy giáo lý cho chúng vì phải bận rộn lo cơm áo cho gia đình. Thế nên, bên cạnh nhà thờ, mỗi họ đạo đều có một nơi tạm, thường là một căn trại đơn sơ, để dùng làm trường. Các nữ tu Mến Thánh Giá di cư tiếp tục hết lòng thực hiện vai trò của mình bên các trẻ. Trong một vài trường hợp, việc dựng trường đi trước việc xây nhà thờ. Chẳng hạn ở Lăng Cô, cha Cressonnier đã xây dựng cách bờ biển 200 mét một ngôi trường đẹp đẽ cho hơn 200 học sinh.

Các vấn đề trường học và nhà thờ cũng được đặt ra trong các họ đạo ngay ở các vùng trung tâm vì số tín hữu tăng lên gấp 10 lần, cũng như trong các họ đạo bị chiến tranh phá huỷ mọi sự.

Ở Nam Tây gần giới tuyến phải dựng lại hoàn toàn, nhà thờ, trường học, nhà xứ đã bị thiêu rụi hoặc phá sập vào tháng 3 năm 1952... Ở Gia Bình, nhà thờ bị bom đã thành tro bụi. Xa hơn về phía nam, tại Đông Hà trên đường đi Lào, một trung tâm quan trọng đã được lập nên với 1.200 tín hữu. Cha Valour sau khi làm nhà thờ, đã chỉnh đốn một trường học đẹp đẽ, rộng rãi và thoáng mát. Ở Quảng Trị, các nữ tu dạy học cho 400 trẻ trong ngôi trường được xây dựng cạnh nhà thờ mới và xa hơn một chút, các thầy dòng Thánh Tâm vừa khánh thành một trường trung học với 250 học sinh. Xa hơn về phía nam, ở Diên Sanh, cha Mauvais đã nới rộng nhà thờ cũng như sắp đặt chỗ ở cho các nữ tu và trường học trong những toà nhà hiện đại.... Phần đông các linh mục đều phải sửa chữa những hư hại ít nhiều quan trọng do chiến tranh gây nên. Nhiều họ đạo nhỏ có dân cư di tản đến các trung tâm trong những cuộc chiến chưa tái lập được.

Trong công cuộc xây dựng lại này, hàng giáo sĩ được trợ giúp nhiều bởi quân đội liên hiệp Pháp trước khi rút đi đã để lại rất nhiều vật liệu. Đàng khác họ cũng nhận được nhiều sự trợ giúp của viện trợ Mỹ, viện trợ Công giáo Pháp và Hoa Kỳ. Đàng khác, mối thiện cảm của thế giới công giáo đối với những người di cư cũng đã được biểu lộ qua những cuộc viếng thăm của các Đức Hồng Y Spellman, Gilrroy cũng như Đức Ông Rhodain, được Đức Hồng Y Feltin phái đến đã rảo khắp các trại di cư để nắm rõ hiện trạng và các nhu cầu.

Các sự lo lắng vật chất do hoàn cảnh đã không làm suy giảm cường độ đời sống đạo đức, nhưng lại là dịp biểu tỏ lòng đạo của các tín hữu. Số kitô hữu khó xác định được, bởi vì nếu một phần dân cư đã có chỗ ổn định, thì nhiều gia đình lại chuyển vùng, nhiều khi thay đổi nhiều lần.

Năm Thánh Mẫu 1954 đã kết thúc bằng một đại lễ vào ngày 8 tháng 12 tại Đền thánh La Vang. Đây là lần đầu tiên từ năm 1945 một cuộc hội tụ lớn có thể tổ chức tại đó trong hoà bình. Niềm vui gặp lại nhau đông đúc như thế tại Đền thánh danh tiếng này, dầu có phần giảm đi vì ở gần nguy hiểm (La Vang cách vĩ tuyến 17 chỉ 35 km về phía nam) nhưng lại thúc đấy các tín hữu càng sốt sắng hơn. Kể từ đó, họ không ngừng tuôn về La Vang với một nhà thờ không được bảo toàn trong suót thời kỳ chiến tranh và đang cần phải sửa sang lại nhiều.

 

Đạo Binh Đức Mẹ tổ chức tại  Huế cách đây 3 năm đã lan ra khắp cả giáo phận. nhiều giáo xứ hiện nay có 1 hoặc 2 praesidia. Phong trào này xem ra hoàn toàn thích hợp với các tín hữu. Lòng sốt sắng cá nhân và tinh thần tông đồ của các hội viên được duy trì nhờ những cuộc họp bó buộc. Những ai không có can đảm giữ nội qui thì tự tách ra, những người còn lại càng sốt sắng và nhiệt thành hơn.

Ở Huế, trường Providence sau khi cha Viry về Pháp đã được trao cho cha Hiền điều khiển, nhưng ít lâu sau đó, ngài phải rời Miền Truyền Giáo Huế để kế vị Đức Cha Cassaigne lãnh đạo Miền Truyền Giáo Sài Gòn mà Toà Thành tin tưởng trao phó cho ngài.

Trong năm nay, Miền Truyền Giáo đã mất hai người trong số những vị thừa sai tốt nhất, cha Roux và cha Cadìère, đã được trả tự do vào năm 1953 sau một thời gian lâu dài bị cầm giữ. Các vị đã muốn ở lại cho đến chết trong Miền Truyền Giáo Huế, nơi họ đã lâu năm phục vụ với nhiều hoa trái tốt lành... Đàng khác những cuộc tìm tòi liên tục từ khi thôi những hận thù về số phận của cha Grall cho biết chắc chắn rằng ngài đã bị chết vào chính ngày bị bắt giữ vào tháng giêng 1949, khi ngài đến Miền Truyền Giáo...

Bản báo cáo năm 1956 của Đức Cha Urrutia Đại Diện Tông Toà Huế kể về hoàn cảnh sau cuộc tàn phá: ngài cho biết những đổ nát hư hại và còn cho thấy rõ hơn ý chí phục hồi sức sống.

Lo lắng chính của các linh mục trong năm mục vụ 1955-1956 là tổ chức lại các giáo điểm được trao phó cho các ngài. Các đổ nát tinh thần và vật chất đầy dẫy do 8 năm nội chiến thực quá lớn! Giáo điểm truyền giáo Linh Yên trong tỉnh Quảng Trị không phải là trường hợp ngoại lệ, nhưng câu chuyện của  nơi này rất đặc biệt để nói về  những tàn phá mà nhiều họ đạo trong Miền Truyền Giáo phải gánh chịu.

Linh Yên có linh mục ở tại chỗ và là trung tâm của một giáo xứ trước chiến tranh có 1200 tín hữu chia thành 7 nhóm. Nằm đưới chân những động cát chạy dọc theo bờ biển từ đèo Hải Vân đến Cửa Tùng, Linh Yên nằm ngoài những trục lộ giao thông... Giáo xứ này thế nào sau đình chiến? Về vật chất, chỉ có đổ nát, nhà thờ chính, nhà xứ, trường học đều đã bị "cuốn đi" theo một cuộc máy bay dội bom. Các nhà thờ của các họ nhánh đều bị hư hại nhiều hoặc bị phá sập. Các sự tàn phá tinh thần cũng kéo theo...

Khi được tổ chức lại, các tín hữu thuộc một làng chài rất xa đến gặp linh mục và thưa: "Các trẻ của chúng con đã lớn 13,14,15 tuổi rồi mà chưa được rước lễ Vỡ lòng, nhưng chúng thuộc các kinh nguyện chính yếu ".

Hiện nay nhờ viện trợ công giáo Hoa Kỳ, nhà thờ Linh Yên đã được xây dựng lại, sinh hoạt tôn giáo bình thường bắt đầu khôi phục, và vào dịp làm phép nhà thờ, 260 trẻ em và người lớn đã chịu phép Thêm Sức.

Cha Lê Văn Ngọc lo giáo xứ này với một sự tận tâm gương mẫu. Ngài đã làm nhiều, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và ngài sống rất mực nghèo khó giữa những kitô hữu rất gắn bó với cha sở của mình.

Cũng trong tỉnh Quảng Trị, giáo xứ Hội Yên phải chịu số phận như Linh Yên, cha Mai Xuân Hiến vừa xây dựng lại nhà thờ, nhưng phần lớn trong 13 họ nhánh mới chỉ có nhà nguyện tạm thời. Nhờ ơn Chúa, trường học không bị thiệt hại và các nữ tu đã có thể làm việc lại.

Trong phía nam giáo phận, ở làng chài An Bằng, sau 8 năm nội chiến, cha Nguyễn Thanh Tiên vừa làm lại nhà thờ. Ngài hy vọng nay mai sẽ mở lại một trường học để dễ dàng hoá việc giáo dục 600 tín hữu và tiếp cận với lương dân.

Ở Hà Thanh, cha Nguyễn Văn Thọ hoàn thành một nhà thờ rộng rãi và chắc chắn. Tất cả vật liệu dồn lại trước chiến tranh đã bị thiêu huỷ và phân tán trong các cuộc hành quân.

  Trong các giáo điểm khác, như Mai Xá nơi các nhà thờ và nhà nguyện bị hư hại nặng nề, Ngô Xá nơi mọi sự đều bị phá huỷ, Linh Thuỷ nơi nhà thờ bị bom biến thành tro bụi, các linh mục chưa có ngân khoản cần thiết để dựng lại từ những đổ nát.

Các vấn đề quan trọng khác vẫn còn làm chúng tôi lo lắng: trước hết là vấn đề các người di cư. Cho đến hôm nay họ đã được viện trợ Hoa Kỳ giúp đỡ, một số đã có thể tậu được những mảnh đất để trồng trọt hầu sinh sống, nhưng những người khác vẫn không có tiền của. Tất cả sẽ còn chịu đựng những ngày khó khăn, vì cho dầu có chỗ ở phần nào tử tế rồi, họ còn phải sắm sửa vật dụng trong nhà, lo cho con cái ăn học, lo cả việc xây dựng một nhà thờ bền vững. Các linh mục sống giữa họ và chia sẻ cũng những lo lắng đó...

Tuy nhiên Đức Cha Urrutia lưu ý, bên cạnh những lo âu, năm mục vụ vừa rồi mang lại nhiều niềm vui khích lệ. Một trong những điều vui nhất đó là việc Toà Thánh bổ nhiệm cha Chính (vicaire délégué) giáo phận Huế Ximong Hoà Nguyễn văn Hiền làm Giám Mục Đại Diện Tông Toà Sài Gòn.

Vị Giám chức gốc Nhu Lý, tỉnh Quảng Trị, sau những năm học cấp hai xuất sắc tại Tiểu chủng viện An Ninh đã được Bề trên gửi đi học tại Rôma và thụ phong linh mục tại đó năm 1935. Trở về Huế năm 1940 với văn bằng tiến sĩ thần học và cử nhân văn chương, ngài đã thi hành mục vụ trong nhiều giáo xứ khác nhau và đặc trách giới trẻ. Rồi vào năm 1948, ngài được đặt làm cha Chính và Bề trên Đại chủng viện. Rồi ngài vừa lãnh trách nhiệm hiệu trưởng trường Providence thì nhận tin báo được nâng lên hàng Giám mục.

Đức Cha Hiền là vị Giám Mục Việt Nam thứ tư gốc giáo phận Huế.

Sự phát triển tốt đẹp tại các trường học của Miền Truyền Giáo là một khích lệ và hy vọng khác nữa. Các cơ sở này thịnh đạt hơn bao giờ hết. Khắp nơi, ở thôn quê cũng như thành thị, các trường ốc trở nên quá nhỏ hẹp. Ở Phủ Cam, giáo xứ đã xây một trường cho các học sinh nghèo, dự tính đón nhận 150 em tựu trường, nhưng có tới 260 em đến xin học...

Cuối cùng Đức Cha Urrutia vui mừng nhận thấy sự phát triển của Đạo Binh Đức Mẹ và hoạt động có hiệu quả của các hội viên. Chính nhờ họ mà phần đông trong 259 đôi vợ chồng ở chung ngoài luật hôn phối đã được phát hiện và hợp thức hoá.

Đức Cha rất tiếc không nói gì đến các điều kiện sống trong các họ đạo bên kia vĩ tuyến 17. Ngài cũng không hề được tin tức gì về cha Thể bị đem đi vào tháng 5 năm 1954, cũng như nơi ngài đang ở.

Trong bản báo cáo năm 1957 Đức Cha viết: 

"Năm nay, các linh mục đã tiếp tục dựng lại nhũng đổ nát chất đống do chiến tranh. Phía bắc giáo phận, không xa vĩ tuyến 17 chia đôi Việt Nam, cha Fasseaux, từ khi trở lại Miền Truyền Giáo đã phụ trách các xứ Mai Xá và Nhỉ Hạ. Cha Lộc vị tiền nhiệm vừa sửa sang nhà thờ và nhà xứ Mai Xá, nhưng các nhà nguyện và trường học của 8 họ đạo thuộc hai giáo xứ này đều bị phá huỷ. Hiện nay các tín hữu Phước Sa đã có nhà nguyện và trường học. Ở Nhỉ Hạ nhà thờ đã được sửa lại và cha sở đã dựng một ngôi nhà vừa làm nhà thờ vừa làm trường học trong họ đạo Lâm Xuân.

Xa hơn về phia tây, tại miền gần chân núi, vùng được gọi là Bái Trời những năm vừa rồi thuộc quyền kiễm soát của phía bên kia, nhiều tín hữu đã bỏ trốn, các nhà thờ và trường học bị dội bom, nay tất cả các nhà thờ đã được sữa chữa lại.

  Ở Quảng Trị, trước chiến tranh, một nhà nguyện đủ cho 300 tín hữu thành phố, nay số đó đã lên gấp 10 lần và một nhà thờ rộng rãi thoáng mát đã được xây dựng nhờ những cố gắng góp phần của chính giáo dân vừa được khánh thành. Phía đông thành phố Quảng Trị, giáo xứ Ngô Xá gồm 14 họ đạo, không một nhà thờ nào còn vững vàng. Phần đông các tín hữu đã bỏ đi và làng mạc bị tàn phá, họ không vội vàng gì mà trở về. Chỉ vào năm 1957, một linh mục đã có thể được chỉ định cho nhiệm sở này và ngài đã dựng lại nhà thờ, nhà xứ của họ chính và tổ chức một trường học ở đó.

Cách đó về phía nam, xa mọi đường giao thông, giáo xứ Hương Lâm đã là bãi chiến trường. Cha Douchet được bổ nhiệm phụ trách giáo xứ này năm 1954 đã sửa sang nới rộng nhà thờ và ngài đã hoàn thành xây dựng một trường học khi cơn bệnh buộc ngài phải đi Sài Gòn, rồi sang Pháp, nơi đó Chúa nhân lành gọi ngài về với Chúa ngày 16 tháng 6 vùa rồi. Trước khi rời nhiệm sở, ngài đã thực hiện các bản vẽ sửa sang nhà thờ Đại Lược, tập kết các vật liệu, dành sẵn ngân khoản cần thiết và đã bắt đầu dạy 70 dự tòng. Vị kế nhiệm ngài đã hoàn thành tốt đẹp công trình, dạy dỗ và đã rửa tội các tân tòng.

Trong họ đạo Nhu Lâm, nhà nguyện đã được dựng lại và vào tháng năm vừa rồi đã có thể cử hành ở đó lễ kỷ niệm bách chu niên chân phước Hồ đình Hy tử đạo, gốc làng này. Đông đúc dòng dõi trực tiếp của ngài ra sức tổ chức tam nhật và một người trong số đó đã ấn hành một tập sách nhỏ về vị Chân Phước nhắc lại cho các thế hệ hiện nay những thử thách mà các tín hữu thế kỷ trước đã phải chịu và bằng cách nào đức tin đơn sơ và sống động của họ đã chiến thắng.

Trong khi các linh mục bận rộn lo dựng lại những đổ nát, các ngài đã đón nhận nhiều người xin trở lại từ những làng trước đây hoàn toàn lương dân và thường xa nơi ở của linh mục. Những lời xin đầu tiên đến từ làng Tường Vân, ở cửa sông Quảng Trị... Các dự tòng khoảng 80 người trong nhiều tháng đã tỏ ra trung thành với việc tham dự Thánh lễ Chúa Nhật cũng như siêng năng học đạo và đã được rửa tội sau một thời gian chuẩn bị lâu dài và nghiêm túc.

Tại một vùng khác bị chiếm đóng trong 8 năm là Thanh Hương, những người xin trở lại cũng đến từ nhiều làng hoàn toàn lương dân. Không một lý do loài người nào như vì lợi ích riêng hoặc vì liên hệ với kitô hữu giải thích được những cuộc trở lại này. Nguyên cớ đã dẫn đưa các người này đến với đạo, chính một người trong họ đã phát biểu trong những buổi sum họp theo sau việc rửa tội cho họ, Sau khi cám ơn các thừa sai về những gì các ngài đã làm cho họ, hướng về các người đồng hương lương dân, họ nói: "Anh em có lẽ tự hỏi tại sao chúng tôi trở thành kitô hữu. Bên ngoài sẽ chẳng có gì thay đổi, như trong quá khứ chúng tôi vẫn thuộc về làng chúng ta, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục tham dự các cuộc hội họp, chúng tôi vẫn sẽ góp phần theo vị trí của mình cho lợi ích của tập thể, chúng tôi vẫn giữ lòng yêu quê hương hoàn toàn (và tôi còn có thể nói tình yêu này càng mãnh liệt hơn trước. bởi vì nó tựa trên các điều răn của Thiên Chúa mà bây giờ chúng tôi tôn thờ). Lý do cuộc trở lại của chúng tôi về với đạo công giáo là đây: từ ít lâu nay, chúng tôi tự đặt những câu hỏi về nguồn gốc của chúng tôi, về ý nghĩa cuộc sống và về vấn đề bên kia cái chết, chúng tôi đã tìm được các câu trả lời cho các câu hỏi này, chúng tôi đã thấy rằng những câu trả lời do đạo công giáo đưa ra là rõ ràng, chắc chắn. Các câu trả lời này làm cho chúng tôi thoả mãn hoàn toàn và đó là lý do tại sao chúng tôi đã xin theo đạo công giáo. Tôi chắc chắn rằng nếu những ai không hiểu đạo công giáo, mà biết học hỏi thì họ cũng sẽ thực hiện như chúng tôi".

Trong các làng khác ở chính vùng Thanh Hương này, nhiều hạt nhân kitô hữu đã được mạnh thêm do việc trở lại của nhiều nhóm gia đình.

Ở không xa Huế, họ đạo Phù Lương trước đây chỉ có 7 hoặc 8 gia đình đã bị mất dạng qua cuộc biến loạn, nay có khoảng 30 gia đình vừa lãnh nhận phép Rửa trong làng này và các dự tòng khác đang chuẩn bị để đến phiên mình được rửa tội.

Ba Lòng, thung lũng nhỏ trong dãy núi Trường Sơn, trong suốt cuộc chiến là trung tâm hành chánh của phía bên kia. Đó cũng là nơi các thầy dòng Phước Sơn bị tập trung hơn một năm và cha cựu Đan Phụ Bernard Mendibourne đã mất vào tuổi 80 trong hoàn cảnh đó. Ngày 7 tháng 8 vừa qua tại đây, Đức Cha Urrutia đã làm phép một nhà thờ, ban phép Rửa tội và Thêm Sức cho một nhóm tân tòng.

Ở Xuân Mỹ trên đường phân giới, 5 gia đình đã trở lại nhờ ảnh hưởng của một thiếu nữ cách đây 12 năm đã học trong một trường của các nữ tu. Cô bé đã học kinh, học giáo lý và xin chịu phép Rửa. Cha mẹ cô không thù ghét đạo (có ông nội đã giấu và cứu vớt một thanh niên có đạo suýt bị tàn sát năm 1885), nhưng lúc đó chưa muốn nghe nói về việc rửa tội cho con họ. Năm 1946 người cha của cô là cảm tình viên của liên hiệp công giáo nên vào năm sau bị tàn sát và nhiều thành viên trong gia đình bị giam giữ. Mới 15 tuổi cô bé đã bị dẫn đến trại tập trung trong vòng 2 năm.

  Được thả ra, cô bé trở về gia đình và xin chịu phép Rửa. Cô nói: "Từ năm 9 tuổi, tôi đã không trải qua một ngày nào mà không cầu nguyện và trong thời gian bị tập trung, tôi đã cầu nguyện nhiều hơn bao giờ cả". Chính cô đã đưa cả gia đình mình và một vài gia đình lân cận vào đạo. Người thanh niên đã được ông cố của cô bé cứu thoát năm 1885 sau này lại là thân sinh của Đức Cha Hiền, Đại Diện Tông Toà Sài Gòn, người mới đây về thăm Huế và được mời ban phép Thêm Sức cho cả gia đình vừa được rửa tội này.

Việc lập nên và phát triển những họ đạo mới đặt ra những vấn đề về nhân sự và nơi thờ phượng. Mỗi cụm người này sẽ phải có một nơi hội họp và một trường học, nhưng hoàn toàn thiếu các phương tiện để có được như vậy.

Việc trợ cấp cho những người di cư đã kết thúc, các trại di cư phải tự kiếm phương tiện sinh sống, một vài nơi còn phải vượt lên rất nhiều khó khăn. Một số gia đình trong số nghèo nhất đã ra đi, theo sự cổ võ của chính quyền, lên các vùng cao nguyên thuộc lãnh thổ giáo phận Sài Gòn và trên lãnh thổ giáo phận Kontum. Vì họ đi đến những vùng không có linh mục, Đức Cha Huế đã cho 3 linh mục của mình đi theo cho đến khi vị Bản Quyền sở tại có thể cung cấp những nhu cầu thiêng liêng cho các tín hữu này.

Đạo Binh Đức Mẹ tiếp tục phát triển trong giáo phận. Phong trào này xem ra thích hợp với đất nước này, các hội viên đã giúp nhiều cho việc dạy các tân tòng và đi thăm viếng những người mới theo. Dublin đã gửi đến Việt Nam một đại diện là cô Lynch đi thăm tất cả các praesidia, sửa chữa những sai lầm trong phương pháp và huấn luyện các người trách nhiệm về tinh thần và mục đích của Legio

  Các trường học luôn phát triển và khắp nơi đều thiếu các cơ sở giáo dục ...

Trường Providence như các năm trước đã đạt những kết quả đầy khích lệ (19 học sinh đỗ tú tài Pháp trên 26 người dự thi) và số học sinh ao ước theo chương trinh pháp đã tăng đến nỗi năm tới sẽ phải dạy chương trình này từ các lớp nhỏ.

Một Đại học quốc gia vừa dược mở tại Huế và cha Lefas giáo sư Providence được mời dạy.

Về phần của giáo phận ở bên kia vĩ tuyến 17, càng ngày càng khó nhận được tin tức. Không có tin gì về cha Thể bị cầm giữ từ tháng 5 năm 1954. Lúc đầu, ngài có thể đi chỗ này chỗ khác để dâng lễ cho các cụm giáo dân, nhưng từ một năm nay, thinh lặng hoàn toàn.

Trong bản báo cáo năm 1958, Đức Cha Urrutia viết:

"Năm nay các linh mục trong giáo phận vẫn tiếp tục dựng lại từ những đổ nát do chiến tranh gây nên. Năm vừa qua, cha Fasseaux đã xây dựng nhiều nhà nguyện và trường tiểu học cho nhiều nơi trong số 8 giáo xứ ngài coi sóc ở gần vĩ tuyến 17. Hiện nay trường của nhiệm sở chính là Mai Xá đã được làm lại và ngay ngày tựu trường đầu tiên, chỉ vừa đủ chỗ cho các trẻ, phần đông là lương dân, đến xin học. Hai nữ tu ở Mai Xá ngày nào cũng đi đến Vinh Quang, họ đạo cách đó 2 km, để dạy trong một căn nhà được bố trí lại làm trường học.

Xa hơn, tại Nhĩ Hạ, trường học cũng đã được tổ chức lại và các nữ tu ở tại chỗ để bảo đảm việc dạy dỗ các trẻ. Nhà thờ Lại An bị bom mìn tàn phá nay đã được sửa chữa.

Nhà thờ Thanh Hương (Nhất Đông - Tháp Đôi).

  Trong vùng Thanh Hương, ở Nhứt Đông, một trong những giáo xứ kỳ cựu của Miền Truyền Giáo (chính tại Nhứt Đông Chân Phước Gagelin đã đuựơc phong chức linh mục năm 1822), ngôi thánh đường được xây cách đây 52 năm đã bị bom mìn gây thiệt hại nặng nề, cha Hoá và các giáo dân không ngần ngại trước những chi phí và hy sinh lớn lao cần thiết để sửa chữa lại. Hôm nay cũng như trước kia. tháp đôi nổi bật trước cánh đồng rộng lớn từ xa ai cũng thấy.

Ở Thạch Bình, cha Đông đã sửa nhà thờ họ chính và xây dựng một nhà thờ khác trong họ Đông Lâm. Các kitô hữu, cũng như 180 tân tòng và cả thôn làng đã cùng bỏ ra chi phí và nhân công.

Nhiều trại tạm cư cũng muốn thay nhà nguyện tạm của họ bằng những nhà thờ vững chãi, nhờ đó vào tháng 5 nhà thờ La Vang Hữu ở gần Đền thánh Đức Mẹ danh tiếng đã được làm phép. Đó là thành quả những cố gắng của cha Trúc, với nhiều bạn bè và giáo dân của ngài trợ lực.

Cũng một nghi thức làm phép nhà thờ được cử hành ở gần Truồi, nơi cha Liên đã đưa giáo dân của mình đến ở trong một cảnh trí gợi nhớ nơi họ đã phải rời bỏ năm 1954. Những cánh đồng dưới chân núi, có khe suối chảy xuống tưới tiêu, đã giúp họ tìm lại cuộc sống bình thường, như họ đã sống tại làng gốc của họ ở phía bắc vĩ tuyến 17.

Giáo dân Sáo Cát vui vẻ góp phần xây dựng Nhà Chúa nay cũng như xưa.

  Cha Cressonnier dừng bước với các giáo dân của mình bên bờ biển trên động cát Lăng Cô đã khởi sự xây dựng nhà thờ Sáo Cát bằng đá bền vững. Các giáo dân đã lấy làm hãnh diện về nhà thờ tương lai của mình và tự nguyện mang đến cho cha sở tiền thu được từ nhiều ngày đi biển và họ đảm trách các công việc có thể làm được.

Phong trào trở lại khởi sự năm ngoái đã phát triển. Số người xin nhiều nhất là từ các làng ở xa các linh mục, nơi chưa có một kitô hữu nào và ờ phía bên kia trong suốt thời gian chiến tranh. Vào tháng 10 năm 1957, một nhóm 324 nguời dân Lai Hà đã đi tìm gặp vị linh mục gần nhất để xin học đạo. Ở Lai Hà trước chiến tranh có một nhóm nhỏ 35 nguời công giáo, một số đã chết, một số di cư đến các vùng yên ổn và nhà nguyện đã bị san bằng.

  Các người tân tòng nói: "Chúng tôi đã đi tìm một tôn giáo vững chắc đưa ra những câu trả lời cho các vấn đề chúng tôi đặt ra, đạo công giáo thoả mãn chúng tôi, chính vì thế chúng tôi muốn trở thành kitô hữu". Hai tháng sau, số tân tòng lên hơn 900. Một linh mục trẻ là cha Tuệ được giao nhiệm vụ dạy các tân tòng này, cũng như một nhóm khác gồm 350 người thuộc một làng bên cạnh. Làng Lai Hà đã dựng một nhà nguyện trên chính nơi của nhà nguyện cũ đã bị tàn phá và hiến một vài mẫu đất để xây dựng một trung tâm công giáo, một ngôi trường rộng rãi đã hoạt động tại đó do các nữ tu được làng cấp phương tiện sinh sống. Tất cả những người dự tòng này sẽ chịu phép Rửa trong năm nay..

Xa hơn về phía bắc, gần Thanh Hương, những làng khác đã theo gương này. Một ngôi trường đã được mở tại Đại Phú cũng như ở Ưu Điềm nơi các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm dạy 230 trẻ còn lương dân, gần 300 người dân làng này đã xin trở lại đạo.

  Trong làng quan trọng Mỹ Xuyên, vào thế kỷ trước có một họ đạo nhỏ đã bị triệt tiêu trong cuộc bách hại 1885. Vào mùa xuân vừa rồi, khoảng 400 người dân làng này đã xin chịu phép Rửa và một nhà nguyện đã được dựng lên tại nơi cũ.

Ở Phong Nguyên 200 người đã xin trở lại đạo vào cuối năm 1957 và đã xây một nhà thờ lúc đó xem ra quá rộng, vì có thể chứa từ 4 đến 5 trăm người, hiện nay các tân tòng đã gần tới 1000 người.

Tại Thạch Bình trước đây là lãnh địa của cha Chapuis trong 30 năm, cha Đông lo tổ chức lại các họ đạo đã bị tàn phá và phân tán. Trong cuộc chiến nhiều chức việc của các họ này đã bị tàn sát, phần lớn các nhà nguyện bị phá huỷ. Hiện nay 750 dự tòng chuẩn bị chịu phép Rửa.

Trong tỉnh Quảng Trị, những cuộc trở lại đông đúc. Thuỵ Khê có 90 tân tòng. Ở Mai Xá cha Fasseaux vừa tái tạo các họ đạo, vừa dạy hơn 200 người mới theo, sau khi đã rửa tội khoảng 50 người.

Xa hơn về phía nam, trong một vùng nhiều năm nay chỉ có những cuộc trở lại nhỏ lẻ, quanh vùng Bố Liêu khoảng 30 gia đình gồm 112 người đã quyết định trở lại đạo một cách vững vàng, mặc cho các lương dân ra sức ngăn cản trước tiên bằng khuyên dỗ, rồi sau đó bằng hăm doạ.

Quanh vùng Đông Hà, cha Valour bận rộn lo 1.800 tín hữu và nới rộng nhà thờ, đã phải thêm việc lo cho gần 200 tân tòng, ngài đã nhờ đến các hội viên Legio để dạy họ.

Ngoài những nhóm tân tòng trong các làng cho đến nay chưa có một kitô hữu nào, người ta cũng có thể nói hầu như tất cả các xứ đạo đều có những người xin trở lại. Hiện nay trong toàn Miền Truyền Giáo, có 6.952 người đang học đạo để lãnh nhận phép Rửa.

Phong trào trở lại nay đặt ra những vấn đề cấp thiết và trước tiên là việc dạy các tân tòng. Các hội viên Legio cống hiến thời gian rảnh rỗi của họ, nhưng họ không thể hiện diện khắp nơi. Để giúp giải quyết vấn đề này, một khoá đào tạo giáo lý viên đã được tổ chức trong kỳ hè tại trường Providence. 85 người tự nguyện đủ mọi lứa tuổi đã đến dự, cũng có một số tân tòng tham dự chuyên cần.

Một khó khăn khác là thiếu ngân khoản cần thiết cho việc xây dựng các nơi thờ phụng và các trường học cần có. Nơi nào chưa có, thì tụ họp nhau tại các tư gia...

Hiệp với các cuộc biểu dương diễn ra tại Lộ Đức nhân dịp kỷ niệm bách chu niên Đức Mẹ hiện ra(1858-1958), các tín hữu đã muốn tôn vinh Đức Mẹ một cách đặc biệt tai Đền thánh La Vang.

Khách hành hương khắp nơi tuôn về Đền thánh La Vang.

 

Từ Đồi Thánh Giá La Vang trước đây nhìn xuống.

Nhiều giáo phận đã tổ chức những cuộc hành hương cấp giáo phận và nhiều nhóm hàng trăm khách hành hương do các vị Giám Mục Đại Diện Tông Toà dẫn đầu đã tuôn đến từ Qui Nhơn, Kontum, Sài Gòn, Cần Thơ... Trong cuộc kiệu Mình Thánh Chúa và thánh lễ đại triều bế mạc những cuộc biểu dương lớn lao mừng Mẹ Lên Trời này, người ta tính có khoảng 30.000 người tham dự. Đền thánh La Vang ở cách vĩ tuyến 17 khoảng 30 km...

Các trường đầy ngập học sinh. Năm nay các nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đã chuyển một trong những trường tiểu học của họ tại Huế thành trường trung học theo chương trình Việt. Trong một khu vực khác, ở ranh thành phố, cha Lập cùng một nhóm giáo sư công giáo trợ lực đã mở một trường trung học khác cho nam sinh, khởi đầu có 300 học sinh.

Trường Providence vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng tuyệt vời giữa giới trẻ học sinh, mặc dầu trong những điều kiện khó khăn do một phần trường có quân đội đóng quân, một phần khác có những người di cư tới ở. Các giáo sư hân hoan chuẩn bị phép Rửa cho nhiều học sinh.

  Các công trình giáo dục và bác ái đứng trước một công việc quá lớn phải thực hiện, nhưng đáng tiếc là các phương tiện về nhân sự cũng như tài chánh quá bị hạn chế.

Bản báo cáo của Miền Truyền Giáo Huế năm 1959 mang lại cảm tưởng niềm vui ngày mùa thu hoạch vào kho lẫm của một vụ mùa tốt tươi. Các thợ gặt đã vất và lâu dài và tưởng chừng vô ích, bỗng nhiên vụ mùa trổi vượt cách tuyệt vời quá cả niềm hy vọng.

Đức Cha Urrutia Đại Diện Tông Toà Huế viết: "Bên cạnh công việc chăm lo bình thường các họ đạo, mối quan tâm lớn lao của giáo phận trong năm nay là tổ chức những giáo điểm mới cho các tân tòng.

Trong một số nhóm, sinh hoạt tiếp diễn theo nhịp bình thường lâu nay: kinh nguyện, dạy giáo lý, rửa tội, trong các nhóm khác nổi lên những khó khăn khá vất vả để vượt qua... Từ một năm nay người ta tìm cách làm cho các tân tòng đổi hướng. Các cố gắng của họ không hề có kết quả trong những nhóm đã được tổ chức, nhưng không thiếu phần nguy hiểm cho những gia đình hoặc những cá nhân sống riêng lẻ. Người ta hầu như rình chờ xem có ai muốn trở lại. Một khi ngửi mùi thấy có nguy cơ trở lại đạo, tức khắc họ đến và cố sức làm cho những tân tòng thay đổi ý định. Họ biết rằng người vợ tình cảm hơn, cũng như mê tín hơn nên họ gây áp lực trên người vợ ,để người này làm cho người chồng từ bỏ ý định. Và có thể thấy những tổ ấm rất hợp nhất lại bị nguy cơ chia rẽ vì vấn đề tôn giáo.

Ngược lại, Đạo Binh Đức Mẹ có một số nữ tín hữu mới trở lại và thuận lợi hơn những nữ tín hữu đạo dòng, các nữ hội viên này nắm bắt ngay tâm hồn của những bà do dự. Họ là những khí cụ quí báu cho các linh mục cần nhờ đến họ và hầu như luôn luôn sự can dự của họ đều đạt kết quả tốt đẹp. Các hội viên Legio này qui tụ những bà ao ước trở lại, trả lời những thắc mắc, kể lại kinh nghiệm riêng của mình, trình bày cách xác tín và nhịêt tâm sự sống, sự an bình, sự chắc chắn họ đã gặp được trong kitô giáo và như thế xoá đi những do dự.

Năm vừa rồi phần lớn các cuộc xin trở lại đến từ các làng hay các nhóm làng ở gần. Điều này giúp xây dựng nên những trung tâm cho hàng chục và cả hàng trăm tân tòng. Năm nay ngược lại, nhiều người xin trở lại đến từ các làng hoàn toàn lương dân, ở xa các họ đạo và các nhóm 4 hoặc 5 gia đình kitô hữu. Việc dạy họ sẽ khó hơn vì ở xa, vì các tân tòng ở tản mác và các nhóm quá nhỏ bé. Lại sẽ phải dạy tăng cường và dài lâu, vì những nhóm nhỏ mới theo này sẽ không được theo dõi gần gũi cho bằng những người được liên kết với những họ đạo lớn.

Một khi đã quyết định trở lại đạo, các tân tòng trung thành với kinh nguyện và việc học giáo lý Nhiều linh mục kèm theo những bài dạy giáo lý là các cuộc thuyết trình (conférences) được tổ chức ban tối. Tất cả giáo dân đều tham dự, và khi vị thuyết trình nói hấp dẫn và đơn sơ rõ ràng, thì cuộc hội thảo có thể kéo dài hàng giờ... Các cuộc nói chuyện nầy mang lại nhiều ích lợi và thường lôi cuốn thêm những cuộc trở lại mới.

Đáng tiếc là các người thuyết trình, linh mục và giáo dân, không có nhiều, trong lúc nhiều người tôn giáo khác lại khởi sự phổ biến tôn giáo mình với những hoạt động phát tờ rơi và thuốc men lôi cuốn nhiều người đến nghe...

  Sau những suy tư thuộc lãnh vực chung, Đức Cha Urrutia duyệt qua giáo phận từ bắc đến nam. Việc nhìn lại này thật bổ ích cho thấy rõ những điều kiện sống của các họ dạo.

Đứng đầu các cộng đoàn kitô dọc theo vĩ tuyến 17, cha Cơ thấy 25 giáo dân được rửa tội cách đây 2 năm, thực tế đã bị trục xuất khỏi làng Xuân Mỹ, nhưng cuộc bách hại nửa vời này thay vì gây hại cho đức tin của họ, xem ra lại làm cho đức tin bén rễ sâu hơn. Trái lại nhóm 86 tân tòng của Thuỵ Khê phải vất vả trong những khó khăn đến nỗi việc dạy giáo lý bị tê liệt. Bù lại, thiện chí trong làng Tân Hà lại tạo điều kiện tốt cho việc đào luyện 45 tân tòng.

Xa hơn về phía nam, cha Fasseaux vừa tỉếp tục xây nhà thờ và trường học, vừa tổ chức họ đạo mới Chợ Hôm. Ở đó ngài đã rửa tội 80 người mới theo và tiếp tục dạy 200 tân tòng khác.

Đông Hà trước năm 1972.

Cha Valour ở Đông Hà đã có thể vượt qua những khó khăn không có nguyên do rõ ràng mà 155 người mới theo ở Lâm Lang phải chịu đựng. Hiện nay họ đã lãnh phép Rửa và hãnh diện về nhà nguyện của họ. Một ngôi nhà mới xây dựng sẽ tiếp đón nay mai các nữ tu để bảo đảm việc dạy các trẻ và tạm thời dạy các dự tòng mới. Cha Valour hăng hái lo không chỉ 2000 tín hữu của ngài, nhưng còn cả hai nhóm tân tòng ở Trúc Kinh và Phương Gia. Cha trẻ Poncet có được trường học tuyệt diệu để kiện toàn việc đào tạo tông đồ cho ngài bằng cách giúp vị quản hạt.

  Dọc theo sông Quảng Trị, cha Khôi đã định cư họ đạo từ Di Loan di cư vào trên một khoảnh đất rất tốt bảo đảm phần sinh sống cho mọi người. Ngài còn lo cho Ba Lòng, trại tập trung cũ của phía bên kia ở chân núi. Rất lâu trước các biến cố, ở đó đã có một họ đạo sốt sắng. Nơi đó ngài đào tạo được một số tông đồ nhiệt thành đưa dẫn hơn một trăm người đồng hương đến học đạo.

  Xa hơn về phía bắc Quảng Trị, làng Ái Tử đã có giờ phút vinh quang vào thời phân tranh giữa các triều đại (thế kỷ 15) hiện có 51 tân tòng.

Về phía nam sông Quảng Trị, cha Cầu quản xứ Nhu Lý, đã hoàn thành nhà nguyện Tường Vân nơi đó 22 người mới theo đạo làm tăng thêm số 98 người đã được rửa tội năm trước. Ngài cũng đã sửa chữa lại các nhà nguyện Phú Tài và Phan Xá.

 

Thánh Phanxicô Trung tử đạo.

Họ đạo này đã cử hành trọng thể lể kỷ niệm bách chu niên cuộc tử đạo của Chân Phước Phanxicô Trung quê ở đây. Vào dịp này 40 người lớn được rửa tội.

Tại Bố Liêu giáo xứ của những tín hữu rất kỳ cựu, cha Hiệp đã làm cho giáo xứ tăng thêm 55 người con mới của Chúa, trong khi đó, cha Tuế quản xứ Ngô Xá đã ban phép Rửa cho 306 người đến từ các nơi trong 19 họ đạo. Ngài được các hội viên Legio giúp dạy giáo lý các tân tòng: điều này giúp ngài dành một phần thì giờ để dựng lại những đổ nát chất đống do chiến tranh trong vùng này, nơi tất cả các nhà nguyện và phòng hội đã bị phá huỷ.

  Tỉnh Thừa Thiên là nơi có tân tòng nhiều nhất và sống thành nhóm. Tại Phong Nguyên cha Cần đã rửa tội 268 người mới theo và tiếp tục dạy 1.213 dự tòng trong 14 làng. Ngài đã có thể lập sở các nữ tu trong 3 họ đạo và nghĩ đến việc xây các nhà nguyện và trường học.

Ở Mỹ Xuyên cha Tin đã tổ chức một họ đạo mới đông dúc với 440 tín hữu mà lòng sốt sắng là phần thưởng cho những cố gắng và lo âu của ngài.

400 tân tòng của Ưu Điềm và của Trạch Phổ cho đến nay được giao cho cha sở Kẻ Văn phụ trách, nhưng ngài không có nhiều thời gian để lo cho họ vì ngài đã coi sóc 1.200 giáo dân trong 6 họ đạo. Một linh mục vừa được bổ nhiệm sẽ lập nên một khu vực mới mà trung tâm sẽ là Ưu Điềm. Trường học đã được xây dựng và do các nữ tu phụ trách sẽ giúp ngài trong việc tông đồ. Trường này đã có 300 học sinh, tất cả còn lương dân.

Ở Đại Phú, cha Điển tổ chức nhiệm sở mới, trong năm nay ngài đã rửa tội 354 tân tòng và dạy những người dự tòng khác. Trường và trạm khám do các nữ tu phụ trách đã tạo nên một bầu khí thuận lợi cho đạo.

Xa hơn về phía nam là Lai Hà, trung tâm phong trào trở lại trong cả vùng Chính nơi đó là điểm khởi đầu, cha Tuệ đã rửa tội 368 tân tòng của Chí Long, họ đạo sẽ được chuyển giao cha cha Điển coi sóc. Cha Tuệ còn có ở Lai Hà hơn 1.100 người đạo mới chia ra trong 6 làng rất gần nhau. Mỗi làng có trường sơ cấp và tại trung tâm có một trường rộng lớn, được xây dựng theo yêu cầu của xã. Dòng địa phận Anh Em Thánh Tâm phụ trách và đã mở những lớp tiểu học và hai lớp đầu cấp trung học. Còn phải xây nhà thờ, hiện thời tạm xử dụng một căn trại che tồn .

Trong vùng Thạch Bình, cha Đông cùng cha phó trợ lực tiếp tục dựng lại các đổ nát vật chất của 18 họ đạo cũ. Năm nay ngài đã rửa tội 493 tân tòng. 320 người khác còn đang học đạo.

Cuối chiến tranh, vài trăm tín hữu di cư đến Bồ Điền gần An Lỗ... Họ đã định cư ở đó. Cha Tiếp đã xây ở đó nhà thờ, trường học, nhà xứ và lo dạy 410 tân tòng mà hơn một nửa thuộc một làng cách đó 4 km.

Về phía nam Huế, cha Viên ở Sư Lỗ thường thăm viếng những làng lương quanh vùng. Ngài đã có thể ban phép Rửa cho 98 người ở họ đạo mới Lê Xá. Ngài còn lo cho 211 tân tòng trong số đó nhiều người ở các làng rất xa thù nghịch với đạo .

Ở Vinh Hoà, cha Lộc đã tung các người trẻ làm việc tông đồ. Nhờ thăm viếng và tạo mối tương quan với các gia đình lương dân, làng Mỹ Á cách chỗ ngài ở 6 km đã được tiếp cận. Hơn 800 dự tòng xin và đang học để lãnh phép Rửa. Một trường học sẽ do các nữ tu phụ trách đang được xây dựng. Rất gần đó, ở phía nam, tại làng Mỹ Lợi khoảng 100 gia đình tự đặt vấn đề trở lại nhưng chưa quyết định.

Sau khi duyệt lại các trung tâm tân tòng chính yếu, Đức Cha Urrutia ghi nhận ít có linh mục nào không lo dạy cho hàng chục tân tòng và còn thêm: chỉ có Chúa biết những âu lo vất vả mà các linh mục phải chịu qua những cuộc trở lại này, bởi vì có sự chống đối mãnh liệt về phía các người khác đạo và thời gian thử thách kéo dài từ một năm đến một năm rưỡi.

Trong năm mục vụ 1958-1959, số người lớn được rửa tội là 4.433 người và trẻ em là 4.299. Với đà nầy cùng với số tử tương đối thấp chỉ khoảng 700 người, giáo phận Huế sẽ phát triển rất nhanh. Tuy nhiên nhiều giáo dân buộc phải di cư về phía nam. Đất ở đây nghèo, các vùng đất trồng trọt được đã được chiếm cứ, cho nên có một phong trào di cư đến những miền giàu có hơn.

Khởi sự cách đây 40 năm, khi các đồn điền cao su được mở ra, phong trào di dân này không bao giờ thôi, hiện nay lại mạnh hơn. Chính vì thế trong năm mục vụ 1957-1958, 3.835 người công giáo đã rời bỏ giáo phận và năm nay là 5.398 người theo cách này. Được chính quyền khuyến khích và giúp đỡ, họ đi đến ở các miền đất giàu có hơn và đáp ứng tốt hơn với những cố gắng của họ.

Xa đi khỏi giáo phận Huế, tất cả các người di dân này không xa Giáo hội. Khắp nơi trong miền Nam, người ta gặp thấy các giáo dân Huế và nói chung họ làm hãnh diện cho giáo phận gốc của mình.

Song song với công việc mục vụ truyền giáo và bổ túc một cách tốt đẹp, công trình trường học cũng phát triển. Trường Providence, trường Pellerin do các Sư huynh Lasan đảm trách, trường của các Sư huynh Thánh Tâm ở Quảng Trị mỗi năm đều tăng số học sinh. Kết quả đạt được trong các kỳ thi chính thức làm cho các trường nầy nổi tiếng... Tỉ lệ các học sinh lương dân luôn tăng thêm trong các trường của Miền Truyền Giáo.

Kết thúc bản báo cáo, Đức Cha Urrutia kể ra như là biến cố nổi bật nhất trong năm, đó là cuộc viếng thăm của Đức Hồng Y Agagianian, Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin và là Đặc sứ của Đức Thánh Cha tại Đại Hội Thánh Mẫu Sài Gòn.

Đức Hồng Y Đặc Sứ Agagianian.

Các vị lãnh đạo dân sự và quân sự phối hợp cùng các lãnh đạo tôn giáo để tổ chức đón tiếp Đức Hồng Y cách rất xứng đáng với sự tham dự đông đảo cúa các tín hữu làm cho cuộc lễ diễn ra thật hoành tráng, khi ngài đến hành hương Đền thánh Đức Mẹ La Vang.

Vào năm 1960, cha Valour, Bề trên địa phương bắt đầu nêu lên những "biến cố trong năm ".

Biến cố thứ nhất là việc thay đổi Bề trên địa phương. Sau một nhiệm kỳ Bề trên phong phú, Cha Cressonnier đã xin trở lại hàng ngũ bình thường trước sự luyến tiếc của mọi người và đã được cha Valour thay thế.

Phong trào trở lại đã khởi sự thế mà đã ba năm, nhất là trong các vùng Đông Hà, Mai Xá, Cam Lộ vẫn tiếp tục phát triển khi mạnh khi yếu, kèm theo những khó khăn khi nhiều khi ít.

Cha Valour ở Đông Hà nhận thấy đột nhiên xuất hiện các tân tòng trong 24 làng quanh vùng và ngài cố gắng qui tụ họ lại trong 6 trung tâm tiếp xúc và dạy đạo. Một nhà thờ nhỏ được dựng lên và nhiều nhà nguyện khác cũng sẽ mọc lên khi có phương tiện. Có 10 gia đình đã lãnh nhận phép Rửa.

Cha Fasseaux ở Mai Xá cũng thấy lãnh địa của ngài lan rộng do nhiều trung tâm kitô hữu mới được lập nên. Hai nhóm tân tòng đã lãnh phép Rửa năm nay gồm 30 gia đình. Các cơ sở cần xây dựng đặt ra nhiều vấn đề, nhưng dầu tuổi đã lớn ngài vẫn chẳng thấy nhọc mệt gì trong việc mở thêm các công trường.

Cha Neyroud ở Cam Lộ có phần toả ra mọi hướng và phong trào trở lại rất lâu mới thành hình được nơi chỗ ngài ở giờ đây xem ra được mở ra đúng hướng. Một nhà thờ nhỏ đang được xây dựng tại Cùa.

Cha Mauvais ở Vạn Thiện cũng đã xây nhà thờ cho một họ đạo nhỏ ở xa. Vùng đất đỏ trong mùa mưa không dễ dàng cho ngài di chuyển.

Cha Cressonnỉer ở đầu kia Miền Truyền Giáo là Lăng Cô hoàn toàn để tâm lo cho các ngư phủ. Ngài kiếm được cho họ chiếc tàu thuỷ nhỏ chạy máy giúp tạo nên những điều kỳ diệu.

Các thành tích có được tại trưòng Providence trong kỳ thi tú tài Pháp là kết quả của những cố gắng luôn mới mẻ của các cha Lefas, Duval, Oxarango, Petitjean làm việc không ngừng trong sự đồng tâm hiệp lực và tìm cách bù đắp lại việc thiếu giáo sư bằng chính công sức của mình.

Năm vừa rồi là năm thực tập (année de stage) của hai cha Etcharren và Poncet. Cộng đoàn nhỏ của chúng tôi đã không nhận được vị thừa sai mới nào kể từ năm 1948 và lại không ngừng mất đi những thành viên năm này qua năm khác. Có ý kiến đồn rằng các thừa sai đã trôi rồi và chúng tôi là những người thoát nạn cuối cùng, bị coi như phải biến mất nhanh chóng. Hai cha đến làm tan đi những lời đồn đại dó và thái độ của hai đồng sự trẻ này nhanh chóng được người ta đánh giá cao. Họ đã được đặt một người ở La Vang, một người ở Đông Hà.

Trung tâm hành hương La Vang đã được chọn cho cha Etcharren, một môi trường hoàn toàn Việt Nam, nơi đó ngài có dịp gặp nhiều linh mục bản xứ ghé qua, điều rất bổ ích cho nhiệm vụ mục vụ tương lai của ngài. Ngài đã có dịp giúp giải tội và làm nhiều công việc giúp cho những linh mục quanh vùng. Luôn điềm tĩnh, rất ân cần, cảm nhận rất tinh tế, ngài được đánh giá cao ngay tức khắc. 5 tháng cuối ở Mai Xá, ngài thế cha Fasseaux bị bệnh. Nơi đây cũng thế, ngài có dịp thể hiện các đức tính tốt lành của ngài và trong thời gian ngắn, ngài đã thành một vị thừa sai đầy kinh nghiệm.

Cha Poncet ở Đông Hà ít được ưu đãi hơn. Tuy nhiên ngài đã biết rút ra lợi ích tốt nhất từ những hoàn cảnh sống bằng cách tạm trú nhiều ngày nơi các tân tòng với những bài giảng Chúa nhật trong các giáo điểm, và dạy giáo lý cho các trẻ tại trường học ngày thứ năm hàng tuần trong suốt năm. Ngài thích lo cho các tân tòng nhiều, năng tham dự các buổi hội họp được tổ chức nơi họ ở. Ngài dấn thân cho đến chỗ lo xây nhà thờ Trúc Kinh, đòi ngài phải vận động và lo lắng nhiều.

Ngài đã chiếm được cảm tình mọi người và giáo xứ đã biểu lộ rõ ràng điều đó khi ngài rời xa họ.

Cha Valour kết thúc bản báo cáo với một vài ước mong nói lên tinh thần tông đồ của cộng đoàn này "Phải tăng cường nhân sự. Chúng tôi không có nhiều để lo cho các nhiệm sở và các cha trường Providence lại xin thêm giáo sư ".

Về vấn đề tân tòng, ngài nói thêm: "Cần cộng tác để giúp các linh mục trong việc mục vụ. Chẳng hạn cho in một cuốn sách giáo lý dẫn giải để dùng cho các giáo lý viên, làm sao có đuợc các sách kinh giá rẻ, tạo điều kiện cho các buổi hội thảo giáo lý, tìm ngân khoản để giúp các giáo lý viên v.v. Bao nhiêu điều cần thiết không thực hiện được đối với từng người, nhưng có thể được khi cộng tác với nhau" .

Ngày 24 tháng 11 năm 1960, các giáo phận tông toà ở Việt Nam được nâng lên Giáo phận Chính toà. Bấy giờ giáo phận Huế được nâng lên Tổng giáo phận đồng thời với Tổng giáo phận Hà Nội và Sài Gòn. Đức Cha Urrutia bàn giao giáo phận cho Đức tân Tổng Giám Mục Phêrô Martinô Ngô Đình Thục. Toà Thánh thăng chức Tổng Giám Mục hiệu toà Carpathos cho Đức Cha Urrutia như một cử chỉ ghi công và tưởng thưởng. Ngài vẫn muốn sống và làm việc tại Tổng giáo phận Huế. Ngài lui về ở tại Trung tâm Thánh Mẫu La Vang... Ngài cũng đã tham dự Công đồng Chung Vaticanô 2 tại Rôma .

Công đồng chung Vaticanô 2 tại Rôma

Sau đó, vào tháng 2 năm 1966, Đức Cha Urrutia đến ở Trụ sở truyền giáo dành riêng cho các thừa sai Hội Truyền giáo Hải Ngoại Paris tại Đông Hà (Quảng Trị). Rồi "mùa hè đỏ lửa 1972", ngài phải di tản vào Huế.

Năm 1974 Đức Cha Urrutia về Pháp thăm lại quê hương bạn bè. Ngài dự định sẽ trở lại Việt Nam, nhưng xảy đến biến chuyển lớn ngày 30 tháng 4 năm 1975. Thế là Đức Cha phải ở lại Pháp vĩnh viễn.

Ngài qua đời ngày 5-1-1979 tại Montbeton, thọ 78 tuổi, 50 năm phục vụ tại giáo phận Huế với 12 năm làm Giám Mục Đại Diện Tông Toà lãnh đạo giáo phận .

Đức Cha Urrutia thuộc Hội Truyền giáo Hải Ngoại Paris là vị Giám mục thứ 8 và cuối cùng kết thúc sứ mệnh lịch sử thời kỳ Đại Diện Tông Toà tại Giáo phận Huế.

 

(Theo Lê Ngọc Bích - Lê Đình Bảng - Lê Thiện Sĩ, Giám Mục Người Nước Ngoài qua chặng đường 1659-1975 với các Giáo phận Việt Nam, Hà Nội 2009 trích dịch từ nguyên văn Pháp ngữ trong Archives des Missions Etrangères de Paris

Linh mục Stanislaô Nguyễn Đức Vệ