Tư liệu:

Tư liệu về Phaolô Khiêm - Thầy Đại Chủng Viện quê ở Phủ Cam


Một trong những mục đích chính yếu được các vị thừa sai thuộc Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris đề ra là đào tạo trong các nước được họ rao giảng Phúc Âm một hàng giáo sĩ bản xứ. 

Ở Phương Đông cũng như tại Châu Âu, Chúa nhân lành khéo chọn lựa và đào tạo những tâm hồn đáng được lãnh nhận ấn tích linh mục, và cộng tác vào công trình lớn lao cứu rỗi loài người. Nhưng nhất là chính những đất nước nói tiếng Việt, là nơi đã dâng cho Giáo Hội nhiều linh mục nhất và là những vị ưu tú. 

Người ta đã viết về cuộc sống của các linh mục, được các Vị Đại Diện Tông Toà đầu tiên của Đàng Ngoài đào tạo,và chẳng phải không cảm động khi đọc chuyện kể những khổ đau và những nhân đức của họ.  

Người chủng sinh mà tôi kể lại cuộc sống đã không thể hiến dâng đời mình cho phần rỗi của các người đồng hương; thầy đã không chịu đau khổ và đã không hiến mạng sống vì đức tin, tuy nhiên tôi tin rằng bức huân chương vẽ nên gương mặt dịu hiền của thầy có thể có chỗ đứng bên cạnh những bức chân dung các tổ tiên của thầy trong đức tin: một cành huệ trắng giữa một bó hồng tươi thắm. Các vị thừa sai dày công đào tạo những tâm hồn như thế đã không uổng phí lao nhọc trước mắt Thiên Chúa và loài người. Ước gì tất cả các đại chủng sinh Đàng Ngoài và Đàng Trong nên giống Phaolô Khiêm trong những năm tháng học tập. Ước gì tất cả có thể trở thành những linh mục thánh. 

Ngày sinh và những năm đầu đời 

Phaolô Khiêm sinh tại Phủ Cam, họ đạo ở vùng lân cận Huế năm Mậu Thìn, ứng với năm 1868 dương lịch. Cha là Phêrô Huy, làm nghề thầy thuốc, và do đó có một địa vị đặc biệt và cuộc sống phần nào khấm khá. Mẹ là Anna Tình, người Thợ Đúc, có lẽ là giáo xứ đầu tiên trong các họ đạo lân cận kinh đô, nổi tiếng do nghề đúc các khẩu súng thần công, được các vua Việt Nam, nhờ một nhà thám hiểm người Bồ trợ giúp, đã cho đúc vào tiền bán thế kỷ 17. Vì cha gốc Phủ Cam, nên Phaolô Khiêm có họ hàng với gia đình của quan đội Phaolô Bường, người nổi tiếng nhất trong các vị tử đạo Việt Nam, gương mặt đẹp nhất giữa những chứng nhân đức tin anh dũng, bị Vua Minh Mạng truyền chém đầu ngày 23.10.1833, nay đã được tôn phong Chân Phước, Phaolô Khiêm có người chị đầu sau này vào tu viện và đã bị quân phản loạn tàn sát năm 1885. Chính song thân cũng đã tuyên xưng đức tin, và vào thời phân sáp, đã bị người ta lấy sắt nung đỏ khắc lên má hai chữ nhục mạ Tả Đạo, “Đạo tà” mà biết bao Kitô hữu vẫn còn mang hôm nay với niềm kiêu hãnh. 

Vào khoảng hai ba tuổi, Phaolô Khiêm theo cha mẹ về Truồi, xứ đạo phồn thịnh cách Huế 4 giờ đi đường về phía nam. 

Một vài năm sau, khoảng 1883, họ đạo này bị các nho sĩ triệt tiêu và các Kitô hữu đã đổ máu mình ra vì đức tin, với một lòng can đảm xứng với các vị tử đạo thời Giáo Hội sơ khai. Khi Phaolô Khiêm đi đến đó, mọi sự còn yên tĩnh. Cậu ở đó 4 hoặc 5 năm. Tôi không thể kể ngày tháng đích xác vì người Việt không thích nói về niên đại: hiếm khi họ nhớ rõ các ngày tháng. Chính vào thời kỳ đó có một sự kiện được Phaolô Khiêm kể lại nhiều lần cho một người bạn: vào một đêm kia, như thường xảy đến trong các vùng ở gần núi, “ông” cọp đi vào trong chuồng heo và bắt mất một con heo. Cả gia đình ngủ ở nhà trên. Nhân dịp này, để tạ ơn Chúa đã giữ gìn con cái mình, cha mẹ của Phaolô Khiêm chắc đã hiến dâng cậu cho Đức Mẹ để xin Mẹ đoái thương giúp con mình được làm linh mục nếu đẹp ý Chúa. Trong lúc ấy, cha của cậu qua đời. Mẹ cậu tái giá, còn Phaolô Khiêm được trao phó cho người cậu bên ngoại chăm sóc, đó là cha Bửu, một linh mục đã lớn tuổi bấy giờ phụ trách họ đạo Đại Lộc cách Quảng Trị chừng hai ba giờ đi đường về hướng bắc. Phaolô Khiêm được 8 hoặc 9 tuổi, được gọi là Chú (oncle) theo kiểu người Việt. Người Việt gọi tiếng danh dự này những ai đáng kính nể cách nào đó, trong đó có các người Tàu; các Kitô hữu muốn bày tỏ sự kính trọng các trẻ giúp việc cho các linh mục và có chí hướng làm linh mục, nên gọi họ là chú cho dù còn trẻ tuổi, cũng như ở Pháp, người ta cũng gọi là “Cha” (Père) một tu sĩ hoặc một nhà thừa sai còn rất trẻ.

Chú đôi khi cũng ngang hàng với các chức trong họ đạo; trong các cuộc họp chú cũng ngồi ngang hàng với các chức, chú là người được linh mục tin tưởng, lo dọn phòng, lo các chi tiêu hàng ngày của linh mục, lo hòm đồ lễ mà vị thừa sai luôn mang theo mình, dọn bàn thờ, dọn đồ lễ...; mọi công việc, đôi lúc tế nhị và nặng nhọc, người ta dễ nhận thấy điều đó, đòi hỏi những nhân đức và những thái độ mà nhiều người không có được. Thế nên thật khó để tìm cho được một Chú tốt lành.

Dưới sự hướng dẫn của ông cậu, Phaolô Khiêm chu toàn nhiệm vụ rất tốt; bạn của Phaolô Khiêm lúc bấy giờ, nay đã làm linh mục, đã chứng nhận điều đó. Cây roi mây, khí cụ sửa lỗi quan trọng ở Việt Nam, hiếm khi để lại những dấu vết xanh nhợt trên lưng của Phaolô Khiêm. Một vị thừa sai đã thấy chú lúc bấy giờ nói với tôi rằng chú xem ra rất thông minh, rất đạo đức, và đã biết được nhiều chữ Hán, đây là dấu chỉ đánh giá không sai về kiến thức và sự thông thái đối với những người Việt. 

Nhập Tiểu chủng viện 

Thông thường, sau khi đã ở phục vụ các Cha trong vòng hai năm thử thách, các trẻ được gửi vào Tiểu chủng viện để học tiếng Latinh. Phaolô Khiêm đã ở lại lâu hơn để phục vụ ông cậu và chỉ vào năm 1881, chú mới nhập Tiểu chủng viện An Ninh ngày 8 tháng 9 dưới sự che chở của Đức Mẹ. Các học sinh được đòi hỏi vào lúc tựu trường phải biết đọc và viết tiếng Latinh và tiếng Việt. Phaolô Khiêm trải qua một cách xuất sắc những thử thách của cuộc thi đầu tiên làm cho bao con tim đập mạnh và bao nước mắt phải đổ ra này. 

Thời gian trải qua ở Tiểu chủng viện là một thời gian hạnh phúc, tràn đầy niềm vui thánh thiện, sống vô tư; tương lai còn xa và bức màn che kín chỉ hé mở vào lớp đệ nhị hoặc đệ nhất. Chức linh mục, người ta hé thấy như một mục đích hướng tới, nhưng là một mục đích không thật rõ ràng, người ta ao ước mà không biết đó là gì. Công việc lớn lao bây giờ là học, giữ luật nhà, nhất là vui chơi. Những năm vui vẻ mà mỗi người nhớ lại với niềm hạnh phúc trôi qua thật nhanh biết bao. Chú nhỏ Phaolô Khiêm cũng cảm nghiệm như thế. Chú hết sức bằng lòng được ở trong chủng viện. Để có một khái niệm, chỉ cần nhớ lại thái độ của những chú mới vào, vui chơi hồn nhiên, bằng lòng gặp được bao nhiêu bạn bè, niềm vui thật dồi dào, những tiếng la hò, cũng phải nói, rộn ràng ngược với sự yên tĩnh, trang nghiêm của những chú lớn hơn, đã quen những thói tục và lễ phép của người Việt. Nhưng ai mà không biết rằng nếu đời sống chủng viện có những quyến rũ, thì cũng có những nỗi buồn, những đau khổ, cái lạnh mùa đông, cái nóng mùa hè, sự thinh lặng, việc làm đôi lúc đè rất nặng trên đôi vai của những trẻ từ 10 đến 15 tuổi. Trong điều này, người Việt cũng giống như người Pháp, với sự khác biệt về nơi chỗ, khí hậu, giống nòi, càng tăng thêm hàng ngàn nỗi buồn nhỏ bé của đời học sinh. Tại Pháp, nói đến chủng viện là nói đến nhà cao cửa rộng đẹp đẽ, nhà ngủ rộng rãi, phòng lớp và phòng học thoáng mát, đóng kín khít khao và khá ấm về mùa đông, những sân rộng có bóng mát người ta có thể chơi đủ mọi thứ. Ở Việt Nam, còn xa mới được trang bị như thế. Chủng viện bây giờ có những tiến bộ: nhà cửa cao ráo hơn, thoáng mát hơn, xinh xắn hơn với nước vôi quét trên các bức tường bằng đất trộn; nhưng những mảnh vữa còn sót lại của chủng viện trước đây vẫn còn làm cho người ta tưởng ra được ngôi nhà đã che chở Phaolô Khiêm thời niên thiếu. Ngôi nhà cũ của các Cha, nay làm phòng chơi cho các chủng sinh, được xem như một ngôi nhà Việt đẹp đẽ nhưng không thể sánh được với những gì thấy ở Pháp, lợp tranh, tường bằng ván hoặc đất, rõ ràng là không có tầng lầu, thấp, tối, mỗi bước đi là vấp phải từ 15 đến 20 cột nhà chống đỡ phần mái. 

Nhà nguyện, nay làm thành một phần nhà ngủ cho các chú nhỏ cũng như thế. Các thứ khác đều biến mất. Chính trong nhà này Phaolô Khiêm đã trải qua 9 năm, 9 năm học hành vất vả cho cho một trẻ Việt, vì đối với chú cuộc sống ẩn cư ngược với cả tự nhiên, cả đối với một người Âu và còn hơn nữa, dưới một khí hậu làm hao tổn của xứ Đàng Trong, công việc trí óc, dầu hạn chế thế nào, làm mòn mỏi những sức khoẻ tốt nhất. Suốt ngày, chú làm việc trong một phòng học mở ra tứ phía, trừ phía bắc có gió bấc thổi, than ôi, phòng học tội nghiệp! Bàn gỗ trắng, có hộc để sách vở; nền đất nện; một cây nến toả khói đáng thương thắp lên mỗi tối trong một góc phòng; chẳng cần nói người ta chỉ học được lúc ban ngày; vài bức tranh đạo treo nơi các cột nhà; cuối phòng là tượng Đức Mẹ nhân lành, chủ tọa việc học hành và chúc lành những cố gắng của các chủng sinh và canh giữ - Không có giám thị phòng học, người ta chẳng bao giờ khó chịu về điều đó. Có tiếng nói đây đó; một người mới nào đó ít am hiểu luật lệ hay hoa tay múa ngón thay vì lo làm bài dịch, nhưng chẳng bao giờ lộn xộn, như những học sinh thường, và nhất là như các giáo sư ở Pháp có thể nghĩ tưởng ra. Chẳng bao giờ có lửa ấm, không cửa sổ cũng chẳng có cửa chính, vì cũng chẳng có vách tường: mùa đông khi gió phía bắc thổi về và mưa đổ xuống trong nhiều tuần nhiều tháng, nhiệt độ cho dù cũng chịu được đối với người Âu đủ áo xống ấm áp, thì lại rất khó chịu đối với những chú chỉ mặc một thứ bông vải rất mỏng manh.

Lúc đó Phaolô Khiêm phải làm như các kẻ khác, trùm tai bằng một miếng vải: xem ra lỗ tai là phần nhạy cảm nhất và tinh tế nhất của một người Việt. Và vì điều đó không đủ sưởi ấm các phần còn lại của thân thể, nên đặt chân trên ghế dài. Co chân tay lại theo hình quả cầu, lấy vạt áo che phủ toàn thân bao nhiêu có thể và cứ thế chờ đợi tiếng trống nhỏ chỉ giờ ra hiệu để vọt ra, nhảy cà tửng, làm giản gân cốt các chi thể hơi bị mỏi mệt bởi tư thế không mấy thuận lợi đó, và kéo một điếu thuốc, vì mọi người ở Việt Nam đều hút thuốc. Biết bao lần, ở Pháp, về mùa đông, người ta tự an ủi chịu những đau khổ trong ngày với ý nghĩ tối đến, mình sẽ được nằm ngủ trong một chiếc giường êm ái, dưới những tấm chăn màn ấm áp; chú chủng sinh nhỏ bé người Việt cũng chẳng có được niềm an ủi đó. 

Các bức vách nhà ngủ phía dưới không sát đất, bên trên không sát mái vì người ta làm nhà nghĩ đến mùa hè mà chẳng tưởng đến mùa đông; thế nên dầu người ta lo đóng các cửa, thì gió thổi, cái lạnh, khí ẩm vẫn thoả thích thổi vào quanh căn phòng lớn. Chiếc giường bằng ván hoặc bằng tre, trải lên một chiếc chiếu, chẳng làm cho êm dịu như một tấm nệm và chiếc chiếu lác trùm lên người của chủng sinh chẳng có êm dịu như những chiếc mền len bao phủ toàn thân chẳng để lọt ra một chút hơi ấm tự nhiên nào. Ngược lại, trong khi tiểu chủng sinh ở Pháp nghe tiếng chuông đánh thức vào lúc 5 giờ sáng, liều mình phạm tội nhẹ thoả mãn hoặc nhác nhớm, thì tiểu chủng sinh An Ninh đã nhanh nhẹn nhảy xuống giường, xếp chiếu, và mặc áo ngoài đã cởi ra trong khi ngủ, nếu có, vì rất thường các chủng sinh ngủ với mọi áo mặc có trong tủ áo đơn giản của mình. 

Đó là cuộc sống trong mùa đông. 

Mùa hè, dù có những hấp dẫn, cũng kéo theo những nhọc nhằn mà ở Pháp chỉ hơi đoán ra thôi: trời nóng như thiêu, không khí oi bức, mồ hôi rịn ra trên khắp mọi cánh cửa và làm ướt áo mặc, chiếc quạt phe phẩy nhanh và liên hồi, vậy mà cũng chẳng làm cho mát mẻ. 

Khi hoạ lại đời sống của một chủng sinh người Việt, tôi phải thú nhận rằng, tôi lại để mình theo nhãn quan phong tục tập quán người Âu, nhiều điều xem ra khác lạ, khó nhọc cho một người Âu, thì hoàn toàn tự nhiên nơi đây. Đời sống của học sinh Pháp cũng có những nhọc nhằn và những thiếu thốn có lẽ còn khó chịu đựng hơn học trò Việt. Nhưng học trò Việt dù sao cũng có một cuộc sống dễ chịu hơn gấp bội những bạn bè mà họ đã để lại trong thôn làng mình, ngồi vắt vẻo trên lưng trâu trời mưa cũng như trời nắng, hoặc lao nhọc trong các cánh đồng mùa đông cũng như mùa hè. 

Phaolô Khiêm đã trải qua những thử thách đó như các bạn mình. 

Thế nhưng, thời gian đầu thật vất vả. Vài tháng sau khi tựu trường, các chủng sinh đến dự để tăng thêm phần long trọng cho nghi thức Chầu Thánh Thể liên tục tại nhà thờ Di Loan, khi trở về Phaolô Khiêm bị một thứ sốt thương hàn đã cất đi mạng sống của nhiều người Việt. Chẳng bao lâu tình trạng trở nặng buộc cha Bề trên Tiểu chủng viện ban Phép Xức Dầu cho chú, và vì người ta thấy chú là một chủng sinh rất tốt lành, cha Bề trên đã khởi sự cùng với cả cộng đoàn làm một tuần cửu nhật để cầu xin Đức Mẹ thương cho chú được lành bệnh. Phaolô Khiêm chưa đủ chín muồi để về trời, Đức Maria đã muốn ban cho chú cơ hội để tạo thêm nhiều công nghiệp bằng cách yêu cầu chú hiên dâng cuộc đời, sau khi vượt qua nhiều bậc cấp thánh điện và như chỉ còn một bước nữa để đạt đến chức linh mục. Chú vượt qua cơn bệnh và cả thầy trò đã đi kiệu trong vườn chủng viện để tri ân Mẹ nhân lành. 

Cuộc bách hại 1886 - Các biến cố tại Quảng Trị 

Phaolô Khiêm đã rời ông cậu để vào Tiểu chủng viện thế là đã 4 năm khi nổ ra các biến cố 1885. Trong đêm mồng 4 hoặc 5 tháng 7 năm đó, quân Văn Thân, do âm mưu của Thuyết, kẻ thù không đợi trời chung với những người ngoại quốc và hồi đó làm quan nhiếp chính của triều đình bất ngờ tán công thành Mang Cá, một phần của Đại Nội Huế ở đó có đội quân Pháp trú đóng. Nhiều sĩ quan và lính tráng bị chết trong cuộc mai phục nhỏ nhen này. Nhưng sau thời gian đầu kinh hãi và lộn xộn, quân Pháp đã phản ứng lại. Thuyết vội vã chạy trốn vào miền rừng núi, mang vị vua theo ông, và trên đường chạy đã truyền lệnh nổi dậy. 

Phải có thời gian cho quân Văn Thân tổ chức. Vào cuối tháng 7, mọi sự đã sẵn sàng trong tỉnh Quảng Trị: Thuyết và vua Hàm Nghi rút về Cam Lộ, đóng quân trong núi, điều khiển duới tay cả quân phản loạn, cả những quan lại do chính quyền tạm thời của Huế đặt lên. Sáng ngày Chúa Nhật 6 tháng 9, quân Văn Thân lợi dụng lễ an táng trọng thể một ngưòi bà con của Quan Tuần, hay quan đầu tỉnh, nghi thức lôi kéo một số lớn dân chúng đến dự, để len lỏi từng nhóm vào thành Quảng Trị. Đến trưa, thấy quân số đã đủ, hiệu lệnh vang lên, chúng lột khí giới các lính gác tường thành và đóng cửa thành. Chúng chém đầu Quan Án, vị quan lo tư pháp, vì ông không muốn tùng phục chúng, bắt quan đầu tỉnh, trói lại và truyền nộp mọi con dấu chính thức. Một số người nói rằng chính vị quan, được tin cuộc nổi dậy, đã tự trói mình để khỏi bị nghi ngờ. 

Quân phản loạn làm chủ thành phố, mở các kho lương thực của nhà vua, chiếm đoạt các khí giới tìm được và phân phát cho các nho sĩ hoặc lương dân khác đã tụ họp thành một số lớn dưới các tường thành của thành phố. Họ được chỉ định những gì phải làm; các nạn nhân đã được chỉ rõ hoàn toàn; đó là các Kitô hữu. Giáo xứ lớn Cổ Vưu, nằm ở cửa thành phố, hồi đó được điều hành bởi một thừa sai nguời Âu và cha Bửu, cậu của Phaolô Khiêm, đang bị một cơn bệnh dai dẳng kèm theo những tật nguyền không thể một mình lo cả giáo hạt. Đức Cha đã đặt ngài ở đó mới khoảng năm sáu tháng, vị thừa sai đã nghe về cuộc nổi dậy từ lâu. Nhiều lần ngài đã cảnh báo hai vị quan ở Quảng Trị ý định của quân phản loạn. Nhưng hoặc do không để tâm đến, hoặc đúng hơn do đồng thuận với quân phản loạn, họ đã chẳng coi ra gì những lời cảnh báo của ông Cha.

Tuy nhiên vừa nghe tin thành phố bị chiếm, các Kitô hữu thấy chẳng có vũ khí và biết số phận dành cho mình, liền lo sợ hoảng hốt. Không hỏi ý ông Cha, phần đông các người mạnh khoẻ đã chạy trốn lên núi. 

Chớ gì người ta không nên sớm ném đá họ, và chớ gì người ta nhớ đến điều suy nghĩ mà tôi đã nhiều lần nghe người ta nói với các Cha đã tham dự các quang cảnh tương tự: “Phải có mặt đó, bấy giờ người ta mới hiểu được và miễn chấp nhiều điều mà người ta có lẽ xét đoán gay gắt từ xa”. Ông Cha ở một mình. Làm gì đây? Chống cự lại là điều không thể; tự nộp mình cho lý hình là thiếu khôn ngoan và vô ích. Chính ngài cũng quyết định chạy thoát thân. Khi trời chạng vạng tối, ngài trốn vào nơi bụi bờ với một vài Kitô hữu còn ở lại. Cha Bửu đang bị bệnh mệt nhọc, không còn sức, từ chối đi theo: “Này Cha, chúng ta không thể tránh cái chết; nếu chết, thì tôi ao ước chết giữa họ đạo của mùnh”. Tuy nhiên khoảng 15 phút sau khi ông Cha kia đã đi, bị thuyết phục bởi những nài van của vài Kitô hữu, ngài cố gắng thoát chết bằng cách trốn đi. Nhưng hiệu lệnh của cuộc nổi dậy đã được ban ra trong khắp mọi làng. Từ khắp nơi, người ta nổi trống, các nông dân trang bị giáo mác, đã bao vây họ đạo. Không thể trốn được, lo sợ và thất vọng, rồi đã kiệt sức, cha sở quay lại nhà thờ, quyết định chết với đoàn chiên của mình. 

Các cụ già, phụ nữ, trẻ em không thể chạy trốn được phải ở lại trong họ đạo không được bảo vệ, họ đến trú bên bàn thờ và đóng bít cửa nhà thờ. Trước tiên các lương dân không dám tới gần, sợ gặp chống trả quyết liệt, nhưng chẳng bao lâu thấy không có động tĩnh gì trong làng, chúng liền đốt các nhà cửa và tập trung quanh nhà thờ. Các Kitô hữu hát kinh cầu cho người hấp hối. Đục thủng vài ba cửa sổ, quân phản loạn quẳng rơm và củi vào trong nhà thờ. Chúng sắp thiêu các Kitô hữu. Trong khi đó, các lương dân quanh vùng kêu gọi những phụ nữ và thiếu nữ có đạo. Chúng vừa gọi tên từng người và nói: “Đến đây, đến đây, em sẽ ở trong nhà anh, người ta sẽ không làm gì em đâu, em sẽ được đối xử tử tế”. Nhưng những vị tử đạo trẻ trung ấy, xứng với những thế hệ đầu tiên của Kitô giáo, thà chết hơn phạm tội. Họ trả lời: “Không, chúng tôi không muốn bỏ đạo; chúng tôi ở với cha mẹ, chúng tôi sẽ cùng chết với họ!” 

Người ta châm lửa, ngọn lửa bùng cháy, trong phút chốc lửa đốt cháy đống củi và rơm rạ, và cả xà nhà. Cái gì xảy ra lúc đó? Chẳng ai biết. Một năm sau, vào tháng 5 năm 1886, khi Cha phụ trách giáo hạt muốn đào xới đống đổ nát của nhà thờ, ngài gặp thấy tại một góc, trong một khoảng trống giữa những khúc xương đã bị vôi hoá nhiều hơn ở chỗ đó, người ta nhận thấy một vài cây đèn có phủ vải len. Người ta biết rằng cha Bửu đã đắp chiếc mền len. Người ta có thể dựng lại dễ dàng tấn thảm kịch vào lúc các ngọn lửa và khói lan ra cả nhà thờ, các Kitô hữu đã phải chạy ùa tới nơi vị quản xứ, đứng sát cạnh ngài để nhận bí tích giải tội lần cuối, bằng cách đó ông cậu là người cha thứ hai của Phaolô Khiêm đã qua đời. 

Xin tha cho tôi sự dong dài này. Tôi đã muốn kể lại sự kiện cho người ta biết một khía cạnh của các chủng viện tại Việt Nam, đó là những chủng viện của các vị tử đạo: các chủng sinh hướng đến chức linh mục tại đó, nếu không phải con cái của các vị tử đạo, thì hầu hết cũng có một người nào đó trong gia đình mình đã tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô; nhiều người đã mất ngay cả cha lẫn mẹ trong các cuộc tàn sát mới đây. Máu của tổ tiên họ là hạt giống dồi dào trổ sinh trong tâm hồn họ và làm phát sinh các nhân đức làm cho họ trở thành các linh mục tốt: chắc hẳn đây là một trong những nguyên do giải thích số đông các linh mục, và là những linh mục tốt lành mà dân tộc Việt Nam hiến dâng cho Giáo Hội. 

Các biến cố An Ninh và Sáo Bùn 

Phaolô Khiêm đã trải qua kỳ hè năm 1885 trong an bình. Cuộc âm mưu vẫn giữ bí mật. Cuộc nổi loạn chỉ nổ ra vào thời gian nhất định. Phaolô Khiêm đến Tiểu chủng viện An Ninh 15 ngày trước ngày tựu trường đã được ấn định là ngày 8 tháng 9, vì chú thuộc về nhóm chủng sinh canh nhà trong thời gian cuối kỳ nghỉ. Thế nên chú đã rời ông cậu của mình khi xảy ra cuộc chiếm đóng thành Quảng Trị và cuộc tàn sát họ đạo Cổ Vưu. Hành trình của chú đã không gặp vấn đề gì. Chỉ vào ngày thứ hai 7 tháng 9 chú mới được tin thành Quảng Trị bị chiếm. 

Hãy nghe Cha Bề trên Tiểu chủng viện kể: “Ngày thứ hai 7 tháng 9 chúng tôi mới được tin thành Quảng Trị bị quân Văn Thân chiếm. Đồng thời đó cũng là ngày tựu trường các chủng sinh. Chúng tôi nhớ ngay đến các cuộc tàn sát Kitô hữu trong miền truyền giáo Đông Đàng Trong, những cuộc tàn sát khởi từ việc chiếm đóng các thành phố và tỉnh lị, chúng tôi đã thấy ngay rằng giờ thử thách đã điểm cho những họ đạo lớn và đẹp đẽ của Quảng Trị. Các thừa sai và linh mục bản xứ vùng Đất Đỏ tụ họp tại Di Loan nơi nhà cha Chính đã tức khắc quy tụ các Kitô hữu trong vùng tại hai nhiệm sở để bảo vệ và sẽ có thể hỗ trợ cho nhau hơn: Di Loan và Tiểu chủng viện An Ninh. Đồng thời chúng tôi đã sai hai chiếc thuyền làm nghề biển đi xin ứng

cứu, một đi về phía nam: Huế, nơi có Đức Cha, một thuyền khác đi về hướng bức nơi cha Hery, cha sở Sáo Bùn và nơi quân Pháp tại Quảng Bình. Trên con thuyền sau này, người ta cũng gửi theo vài chủng sinh vừa mới nhập học trong ngày, để giữ cho có vài linh mục tương lai cho đoàn chiên mà Chúa Quan Phòng sẽ vui lòng cứu vớt, nếu chúng tôi phải sụp đổ”. 

Phaolô Khiêm ở trong số các chủng sinh này; về phía ngài, cha Hery quản xứ Sáo Bùn tả lại trong nhật ký của ngài về việc tốp nhỏ này đến: “Vào ngày 8 tháng 9 cha Thới ở Ba Ngoạt (họ đạo cách Tiểu chủng viện An Ninh 4 giờ đi đường) đến nơi tôi. Ngài suy sụp, nói không ra tiếng, buồn đến chết được. Các giáo xứ của ngài bị triệt tiêu: các nhà thờ và nhà cửa của Kitô hữu đều bị lửa thiêu rụi...tỉnh Quảng Trị ngập trong lửa và máu; giáo hạt của cha Chính chỉ còn là đống đổ nát.” 

 “Vào lúc 4 giờ chiều một con thuyền vô danh thả neo ở Sáo Bùn; đó là dân di tản từ Quảng Trị và 15 chú Tiểu chủng viện thoát chết được cha Bề trên phó giao cho tôi. Vài lời của ngài cho tôi biết rằng những toán quân có vũ khí nhắm đến cơ sở này để sẵn sàng chiếm cứ. Đám cháy lan rộng khắp chung quanh và các Kitô hữu bị chém đầu rất gần đó. 

Vừa tới Sáo Bùn, Phaolô Khiêm cùng hai người bạn đi đến thăm một trong những người bà con là cha Cơ, quản xứ Mĩ Phước, ở quanh vùng đó. Chú gặp được chị hai của chú ở đó: như tôi đã nói, người chị này đã vào Dòng Mến Thánh Giá và theo lệ thường, chị đến đó vào thời gian tằm làm kén để thu trữ lụa cho tu viện mình, trong một vùng có tiếng nuôi tằm lượng lớn. Chị sẵn sàng trở lại tu viện, khi tin tức về cuộc nổi loạn Văn Thân đến ngăn trở và buộc chị phải lưu lại tu viện Mĩ Phước. Vài ngày sau đó, cha Cơ xuống Sáo Bùn cùng với các Kitô hữu và nữ tu của tu viện. Vào tháng 2 sau đó, sau một thời gian tạm yên cho phép ngài có thể trở lại giáo xứ, ngài đã bị lương dân thiêu cháy trong nhà thờ của ngài cùng với một số lớn các Kitô hữu và nữ tu, trong đó có người chị của Phaolô Khiêm: đó là hai vị cầu bầu bên toà Chúa nhân lành, hai vị bảo trợ mới từ trời cao canh giữ người chủng sinh trẻ tuổi này. 

Để có một ý niệm về những gì xảy ra tại Sáo Bùn, về cảnh tượng mà trẻ thơ thấy trước mắt hàng ngày, về những sự kiện mà ngài tham dự vào, sẽ phải kể trọn cuốn nhật ký mà cha Bề trên chủng viện kể lại cuộc bao vây đáng nhớ mà hơn 4000 Kitô hữu chống cự tại cơ sở này trong gần 2 tháng, hầu như không có vũ khí chống lại quân phản loạn liên minh với tất cả những người lương trong vùng. Phải nói rằng 7 cuộc tấn công của kẻ thù bị đẩy lui nhờ sự che chở của Mẹ Vô Nhiểm là Đấng ghi dấu mỗi ngày lễ Mẹ trong tháng 9 bằng một cuộc chiến thắng của Kitô hữu trên lương dân, sự dũng cảm của các Kitô hữu trong cuộc chiến, sự sốt sắng của họ sau chiến thắng, lòng nhiệt thành và tận tâm của các thừa sai và các cha quản xứ người Việt, cuối cùng sự giải thoát chủng viện bởi quân Pháp. Nhật ký đã được in trong tập sách nhỏ với đầu đề: Hội Truyền Giáo Hải Ngoại trong cuộc chiến Bắc Kỳ. 

Một vài hàng rút ra từ cuốn nhật ký của cha Hery, được xuất bản trong cùng tập sách nhỏ đó sẽ cho một ý niệm về cảnh tượng họ đạo Sáo Bùn, nơi có những người bị lưu đày của chủng viện trú ngụ. 

Cha Hery viết: 

 “Ngày 9 tháng 9. Nhà của tôi chật ních người, cả nhà thờ cũng thế. Người ta thấy từ khắp nơi, các Kitô hữu hốt hoảng chạy đến, người đi bộ, kẻ đi thuyền, kêu khóc vang đường mà chẳng để ý gì đến nguy hiểm đang gặp phải vì làm cho người ta nhận ra mình như thế. Các người lương chiến thắng trêu tức khi thấy các người này đi qua. Tôi phân phát lúa thóc trong kho dự trữ của tôi cho họ. Khi thóc lúa đã phát hết, chỉ có các trẻ em mới được ăn: cha mẹ bị đàn áp chỉ biết khóc lóc trong đau thương. 

 “Ngày 11 tháng 9 - Tin tức rất xấu. Những cuộc đốt cháy tại Bái Trời và Đất Đỏ đã làm mọi người hoảng sợ. Các Kitô hữu ở phía nam tỉnh chạy về nơi tôi. Các linh mục bản xứ cho đến nay vẫn trụ vững lại buộc phải chạy về Sáo Bùn, vì không có giáo dân nào muốn lưu lại với họ tại những nhiệm sở khác nhau của họ. 

 “Ngày 13 tháng 9 - Kinh nguyện được tổ chức đọc liên tục. Toà giải tội đầy những kẻ muốn thanh tẩy, và bàn quỳ rước lễ đầy những người cảm thấy quá sức cần được nuôi dưỡng bằng Bánh ban sức mạnh, cũng là Bánh của niềm an ủi tột cùng...Ốc đảo nhỏ Sáo Bùn biến thành đồn luỹ. Khắp nơi các công sự được dựng lên khá vững chắc để giúp chúng tôi chờ đợi sự trợ giúp khi bị tấn công của lính Pháp ở cách đó chừng một khắc đồng hồ đi đường. Một chiếc thuyền túc trực chờ nơi cầu sẵn sàng hướng về thành phố để kêu cứu viện. 

 “Ngày 24 tháng 9 - Tất cả các nguồn lương thực cạn kiệt và những toán quân có vũ khí tăng cường tấn công. Hôm nay cũng là một ngày lễ kính Đức Mẹ, dấu hiệu cho thấy chúng tôi không phải sụp đổ... 

“Các tín hữu van xin tôi đừng bỏ rơi họ trong thời điểm nguy hiểm này và đàng khác, sự sống của các bạn đồng sự và các giáo dân Đất Đỏ có thể tuỳ thuộc vào sự xuất hiện của tôi tại Tiểu chủng viện. Sau một kinh Hãy Nhớ, tôi giao phó các giáo xứ của tôi cho các linh mục bản xứ, trao những lời nhắc nhủ cho mọi hoàn cảnh và tôi lên thuyền vào lúc 11 giờ đêm... 

Trong suốt thời gian cuộc biến loạn này tại An Ninh, cũng như trong cả Trung Kỳ và Bắc Kỳ, sự kiện nổi bật nhất, mà chính lương dân cũng công nhận, đó là sự bảo trợ thấy rõ của Đức Mẹ đối với các Kitô hữu. Các tín hữu tại An Ninh nói: “Đức Mẹ đã cứu chúng tôi; các lương dân không có được Người Mẹ nhân lành đó!”. Trong trận chiến đầu tiên, và trong những trận tiếp theo, bàn thờ nhà nguyện Đức Mẹ Lộ Đức toả sáng như trong các giờ chầu những ngày đại lễ. Mọi người đều cầu nguyện, lần hạt Mân Côi, và đàn ông đi vào lửa đạn với tràng chuỗi đeo vào cổ. Một bức ảnh Đức Bà chiến thắng được treo trên đỉnh mặt tiền nhà thờ, nơi ngày đêm các người canh đánh trống; và buổi chiều lúc quân thù đã bị đẩy lui, theo hiệu lệnh từ tháp chuông, kinh cầu Đức Bà đã được cùng nhau hát lên tạ ơn Đức Mẹ”. 

Đàng khác, ở Cây Gia, trong miền truyền giáo Đông Đàng Trong, “các lương dân bảo đảm rằng trong mọi cuộc chiến chống lại các Kitô hữu, họ đã thấy vô số đạo binh các trẻ nhỏ mặc đồ đỏ và khuôn mặt toả sáng cùng chiến đấu cạnh các Kitô hữu. Một bà đẹp mặc toàn đồ trắng đứng trên nóc nhà thờ và như đang điều khiển hoạt động”. 

Sự phù hộ của Đức Mẹ ở khắp nơi. Người ta chẳng có thể cũng tin vào việc Mẹ phù trợ cách đặc biệt cho trẻ Phaolô Khiêm, là người đã được thánh hiến cho Mẹ lành từ thời thơ ấu và Mẹ đã một lần cứu chú thoát chết sao? Một số lớn các bạn học của chú đã bị quân phản loạn tàn sát, và người ta thật đầy an ủi khi xem lại sổ sách của Tiểu chủng viện, thấy cạnh tên của một vài chủng sinh lời phê đầy vinh dự - là lời phê tốt nhất: bị tàn sát vì đức tin! – Phaolô Khiêm không có niềm hạnh phúc này. Sau khi trải qua 4 tháng tại Quảng Bình, Phaolô Khiêm tựu trường lại cùng với các bạn học, vào dịp Noel năm 1885. 

Khi đến chủng viện, chú gặp thấy lính Pháp đóng nhiều trạm chung quanh. Chính chủng viện cũng cho thấy bộ mặt chỉ như là một đống đổ nát. Cha Bề trên viết: “Mới hôm qua đây, các chủng sinh học hành và cầu nguyện trong yên tĩnh và niềm vui, thế mà hôm nay chiến tranh đã đi qua đó, người ta thấy khắp nơi dấu vết của nghèo cực và đổ nát. Nhà của của chúng tôi chỉ còn lại những chiếc cột và phần mái. Những ván nằm, nhưng bức ngăn, bàn ghế ngồi học, cũng như trong phòng ăn, nhà nguyện, giường ngủ, tất cả đã được mang ra làm thành ngăn chặn những quả pháo và đạn được...Nhà nguyện Thánh Tâm, gần hoàn thành, và ngọn tháp cao đã giúp chúng tôi thường đánh lạc hướng các dự kiến của quân địch, đã bị các quả pháo xuyên thủng và các vật dụng rải rác khắp nơi để chống cự lại. 

Mặc dầu sự hiện diện của các toán quân, vùng này cũng không yên tĩnh. Chỉ một báo động nhỏ, các tín hữu thoát khỏi cuộc tàn sát liền ùa vào trong chủng viện để tìm nơi trú ẩn. Ban ngày, vài chủng sinh nằm ngủ ở đó, khoảng chừng ba chục; ban đêm họ chia phiên canh chừng hoặc trên ngọn tháp hoặc nơi thành luỹ. Người ta hiểu rằng trong những hoàn cảnh như thế, năm học hoàn toàn bị bỏ mất về mặt học hành: không có lớp học, chẳng có giờ giấc. Mừa hè đến, cha Bề trên thấy tình trạng vùng này còn bị khấy động, không cho các chủng sinh về nhà. Chỉ vào tháng 9 năm 1886 khi yên tĩnh được lập lại, ít nửa trong các vùng quanh chủng viện, các lớp học mơi lại bắt đầu. 

Những đặc tính (qualités) và nhân đức (vertus) của Phaolô Khiêm 

Bản chất thông minh, thành công trong mọi môn học, hát hay, chơi đàn dương cầm (harmonium) khá giỏi, cùng với các thứ đó chú lại có những đặc tính tâm hồn làm cho chú nên một chủng sinh đặc biệt và được yêu mến, Phaolô Khiêm không thể không nổi bật trong cộng đoàn. Hầu như mọi lúc sống ở chủng viện, chú làm nhiệm vụ đánh đàn và tư thánh. Chú chu toàn cả hai nhiện vụ nặng nhọc và tế nhị cũng như đầy an ủi này, nhất là nhiệm vụ sau, với lòng nhiệt thành và tận tâm. Chú được các cha giáo đánh giá cao và tin tưởng, nhưng những điểm tốt chứng tỏ điều đó không làm cho chú thêm lòng kiêu ngạo. 

Người Việt được dựng nên như thế - và trong điều này họ giống phần nào người Âu - là ngay khi họ thấy mình hơn kẻ khác, dù chỉ với độ dày của một viên gạch, với một chiếc áo lụa hoặc một cái quần đùi mới, họ chỉ thấy mình họ và khinh dễ kẻ khác. Phaolô Khiêm trung thành với ý nghĩa tên gọi của mình - Khiêm, là khiêm tốn - và biết tránh tảng đá ngầm làm cho bao người trẻ đánh mất chính tâm hồn mình vì nhân đức không đâm rễ sâu. Chắc hẳn chú biết rằng Chúa nhân lành đã hào phóng ban cho chú những hồng ân trong bản tính tự nhiên và trong ân sủng, nhưng cảm giác về chính mình này mà lòng khiêm nhượng đích thực không đòi phải biến thành hư không, không làm phát sinh trong chú cả sự cao ngạo lẫn lòng khinh bỉ. Chú luôn biết giữ lấy sự đơn sơ và một nụ cười, dấu hiệu chắc chắn của nhân đức. Sau này, khi vào Đại chủng viện, để thử thách, người ta tách Phaolô Khiêm khỏi những trách vụ làm nổi bật và nên đặc biệt, khi người ta làm bộ đối xử với thầy như người bình thường khác để xem thực sự thầy có đáng hưởng ân huệ lớn lao người ta muốn ban cho thầy hay không, nghĩa là phong chức linh mục cho thầy một năm sớm hơn thời gian thường lệ; bấy giờ, chắc hẳn thầy sẽ phải đau khổ; cha linh hướng nhận rõ điều đó; nhưng thầy vẫn luôn tỏ ra tốt lành và dễ mến, chẳng hờn dỗi cũng chẳng có ý xấu. Tôi đã nói một trong các phận vụ của thầy là đánh đàn và hát trong các giờ kinh. Tài nghệ để chu toàn các nhiệm vụ này không phải ai cũng có được. Phúc thay những ai được Chúa ban cho điều đó! Thầy Phaolô Khiêm nhỏ bé là một trong những người được ưu tiên đó; thế nên rất thường khi giọng thầy cất lên, trong trẻo và rung động, dưới “mái tranh” hồi đó được dùng làm nhà nguyện. 

Tôi muốn nêu bật đặc tính giọng ca của thầy: Thầy hát với hết tâm hồn. 

Chứng tá này đến từ Sơ Bề trên Viện Dục Anh Huế, nơi sau này mỗi ngày Chúa Nhật thầy đến đánh đàn và hát trong buổi chầu Phép Lành Mình

Thánh Chúa. Đó là một lời ca tụng có giá trị qua miệng một người hiến thân cho công việc bác ái trong các miền truyền giáo từ gần 30 năm qua, và là người cháy lửa yêu mến Chúa, biết đoán ra ở nơi nào tình yêu này hiện diện. Phaolô Khiêm mang tình yêu Chúa trong lòng thầy đến qua giọng hát của mình. Chẳng phải hoàn toàn hợp với tinh thần của Giáo Hội đó sao? Biết bao người chỉ hát ngoài miệng lưỡi, thốt ra những lời tình yêu và ca tụng mà chẳng cảm nếm tự sâu thẳm tâm hồn! 

Đến trong trí tôi nhiều đoạn thư thánh Phaolô khuyên dạy chúng ta hát không chỉ với miệng lưỡi, nhưng tận sâu thẳm tâm hồn: Implemini Spiritu Sancto...cantantes et psallentes in cordibus vestris Domino. Hãy ngập tràn Thánh Thần, vừa hát thánh ca và thánh vịnh tự thẳm sâu cõi lòng cho vinh quang Chúa - Và nơi khác: Verbum Christi habitet in vobis abundanter... in gratia cantantes in cordibus vestris Deo. Ước gì lời Thiên Chúa ở trong anh em cách dồi dào...hát lên trong tâm tình tạ ơn tận sâu thẳm tâm hồn anh em để ca ngợi Chúa. Theo xét đoán của Vị Tông Đồ, lời ca ngợi Thiên Chúa tự sâu thẳm tâm hồn này là dấu chỉ “bình an của Chúa Kitô trổi vượt trong tâm hồn” của Phaolô, người “được Chúa Thánh Thần ngập đầy tâm hồn”; người “có lời Chúa Kitô ở mãi bên trong cách sung mãn” nghĩa là đã được suy ngắm tận sâu thẳm tâm hồn.

Có gì lạ lùng sau đó thầy hát, như lời Vị Tông Đồ, in gratia, điều có thể hiểu rất đúng, như một nhà chú giải nói “với ân sủng, với sự thanh nhã, sao cho làm sinh ra trong thầy và trong những ai nghe lòng yêu mến Chúa và niềm vui siêu nhiên phát ra từ đó”. 

Có lòng (avoir du coeur)! Nếu ở Pháp, thỉnh thoảng người ta mắc lỗi vì quá đà nơi điểm này, thì không phải như thế tại Việt Nam, khác xa lắm! Ngôn ngữ, mà người ta nói là “linh hồn bất tử của một dân tộc”, “sự nhập thể tài năng của một dân”, tỏ ra cho chúng ta bằng cách này thấy dân Việt Nam trong một ngày không mấy thuận lợi. Chắc hẳn có vài lối diễn tả mà tiếng lòng (coeur) được dùng rất hay, nhưng trong biết bao trường hợp khác tiếng này đi vào trong các kiểu nói của người Pháp được thay thế bằng tiếng bụng (ventre) trong những lối nói tương đương của người Việt. Dấu hiệu của sự tận tâm, của hy sinh được thay thế bằng dấu hiệu ích kỷ! May thay, tinh thần nhiệt thành, tận tâm, biết ơn không xa lạ gì nơi Việt Nam, mặc dầu những trạng thái tâm hồn này bộc lộ đôi khi một cách khác với ở Pháp, nhưng chúng vẫn có; Phaolô Khiêm vững vàng trong khía cạnh này. Ơn Chúa hoạt động trong thầy. 

Thầy không bao giờ để mình xuôi theo những tình yêu riêng (amours particuliers) là tai ương cho bao đứa trẻ, và làm cho bao ý ngay lành và lòng sẵn sàng đi đến chỗ thảm bại, đôi khi làm cho những người chỉ muốn hiến thân cho phần rỗi các linh hồn và vinh quang Chúa nên vô ích. Những chứng tá của bạn bè cùng lớp với thầy rõ ràng về điểm này. Một trong những bạn học của thầy nói với tôi: “Thầy “thân” với con. Sinh cùng một làng, phục vụ cùng một cha xứ và vẫn giữ mối thân tình với con, điều thật dễ hiểu; có lẽ thầy “thân” con hơn những người khác; nhưng thầy không có yêu riêng bạn nào. Thầy yêu thương tất cả chúng con và “chúng con tất cả yêu thầy lắm”. Thầy lưu giữ một kỷ niệm đầy thân ái đối với các cha giáo cũ và viết thư thăm trong những dịp đặc biệt. Trên giường hấp hối, sau một trong những trận thổ huyết kinh khủng của thầy làm chúng tôi lo sợ phải mất thầy ngay, sau khi đã xin lỗi các cha giáo đến bên thầy để giúp thầy, thầy đã nhắc đến các cha giáo Tiểu chủng viện, đặc biệt cha Bề trên, là người đã thương yêu thầy nhiều, thầy xin chúng tôi chuyển lời xin lỗi của thầy đến các ngài và thưa với các ngài đừng quên thầy trước mặt Chúa nhân lành. Cũng vị linh mục đó, khi nghe bệnh tình của đứa con tinh thần cũ của mình, đã viết cho tôi để nói với thầy một khi đã ở trên trời cao, xin nhớ đến những người đã thương yêu thầy dưới đất này. Tôi nói lại điều đó và người bệnh thân yêu trả lời cho tôi rằng thầy sẽ nhớ đến với một nụ cười dường như cho thấy rằng sự nhắc nhở đó là không cần thiết. Vào những ngày cuối của cơn bệnh, lúc sức lực của thấy càng lúc càng suy giảm, thầy muốn thay đổi thầy thuốc và đón một trong những người cháu nhỏ mà cha mẹ thầy không muốn, vì thấy không giỏi bao nhiêu. Thầy rất tiếc về điều đó. Thầy nói: “Cậu ấy không giỏi, đúng thế, nhưng có lòng, có thiện chí, có lẽ cậu ấy chữa được!” Thầy chưa biết rằng có những đau đớn mà tình yêu cũng như sự tận tâm của con người thôi không thể ngăn ngừa được.  

Đó là cuộc sống của Phaolô Khiêm ở chủng viện, đạo đức và trầm lắng. Thầy đã đạt được ở đó các nhân đức và kiến thức phải có để một ngày kia chu toàn được sứ vụ linh mục; thầy có nhiều bạn đồng môn; thầy cũng có những bạn thông minh như mình; những người bạn khác như thầy cũng có thiện chí và chuyên chăm hết lòng cho các bổn phận học sinh. Nhưng một điều đáng lưu ý, đó là tất cả, hoặc một lúc nào đó trong đời học trò, đã yếu kém về mặt này hay mặt khác, đã vấp lầm lỗi này kia, cho dù nhẹ thôi, nhưng cũng đủ kéo xuống, ít nữa trong chốc lát, những lời quở trách nghiêm khắc, hoặc cả sự đánh giá thấp của vài vị giáo sư hoặc của các Cha khác đã biết họ. Còn nơi Phaolô Khiêm không giống thế. Chắc hẳn, cũng như mọi trẻ, thầy cũng đã phải có một vài vết nhẹ đối với luật lệ của Tiểu và Đại chủng viện - Chớ gì ai không có tội thì hãy ném đá chị này trước đi! - Nhưng chẳng bao giờ thầy đã xúc phạm các cha giáo và các Cha khác trong điều nặng; chẳng bao giờ người ta đã quở trách thầy về những thiếu sót nặng nề hoặc đối với lề luật, hoặc trong cách cư xử. 

Trong suốt thời gian học của thầy, cũng như sau khi chết, tất cả đều đồng ý nhận biết tính tốt của thầy, ý ngay lành và nhân đức của thầy. Đó là một chứng tá có giá trị; chắc hẳn nó không đủ để làm cho một người nên một vị thánh, nhưng nó không phải là ít nặng ký, nếu người ta suy xét rằng đôi lúc thật khó để làm vừa lòng mọi người. 

Cuộc viếng thăm Tiểu chủng viện của Vua Đồng Khánh 

Chỉ có một biến cố còn làm rộn lên sự bình lặng của những năm học của Phaolô Khiêm đã xảy ra tại Tiểu chủng viện. Đó là vào năm 1887, vua Đồng Khánh trong nhất thời đã có ý tưởng từ bỏ nếp sống nhàn hạ của các vị tiền nhiệm. Ông đã muốn ra khỏi cung điện, tỏ mình cho dân chúng, mang an bình đến cho những tỉnh còn rộn ràng. Vì vậy, ông quyết định làm một cuộc hành trình cho tới Đồng Hới, thủ phủ tỉnh Quảng Bình. Ông đi ngang qua Chợ Huyện, cách Tiểu chủng viện 10 cây số. Các sĩ quan Pháp đi theo nhà vua đã mời các Cha dự tiệc. Vào lúc tráng miệng, một ý tưởng xuyên qua tâm trí của một trong các vị này: nếu người ta đưa Nhà Vua đến chủng viện! Điều này chắc sẽ gây ấn tượng tốt trong cả xứ: các lương dân sẽ hiểu rằng phải sống an hoà với những Kitô hữu mà Nhà Vua đã khấng viếng thăm. 

Vừa nói ra là làm liền. Nhà Vua đến chủng viện. Ngài được đón tiếp long trọng. Một chiếc ngai được dựng lên trong phòng hội chính; một chiếc ghế bành, một chiếc bàn nhỏ phủ nệm; tất cả những gì thấy đẹp nhất. Các Cha đến chào Nhà Vua cùng với các sĩ quan; rồi cả nhà, chủng sinh và Kitô hữu theo nhau đến phủ phục năm lần theo nghi thức đã định. Trong thời gian đó, các vị hầu cận vua đã lấy ra một chiếc gương nhỏ và đặt trên bàn trước mặt Hoàng Đế. Tấm gương này luôn theo vua Đồng Khánh. Nhà Vua luôn có nó trước mắt và từ đó, ông chiêm ngắm dáng vẻ cao sang của ông. Ông trải qua nhiều giờ liền cho công việc cao cả này. Nhà Vua không rời khỏi ghế bành suốt ngày. Chiều đến, người ta mang chiếc dương cầm (harmonium) của nhà nguyện đến và chú Phaolô Khiêm chơi một vài bài. Chú và điệu nhạc làm vui lòng Nhà Vua. Tức khắc ngài muốn mua chiếc đàn. Người ta vất vả vận dụng đủ mọi cách để Nhà Vua đừng có ý đó nữa, với lý do là chiếc dương cầm đó không xứng với Hoàng Đế, để rồi người ta sẽ mang đến từ Pháp một chiếc khác tốt hơn....Nhà Vua đồng ý với những lời xin lỗi đó và muốn bày tỏ sự chấp thuận của mình. Ngài ra hiệu: “Này anh Hoàng!”. Anh Hoàng là người thông dịch ở bên ngài, một linh mục của miền truyền giáo kế cận, là người dù được bao vinh dự nâng cao, vẫn luôn tở ra không chê trách được và hiện nay, bị mất hết các danh dự chóng qua đó, đang lo một giáo xứ với lòng nhiệt thành tận tâm. Anh Hoàng tiến lên và cúi rạp mình trước Nhà Vua. Đồng Khánh muốn tặng cho các Cha 100 đồng để giúp giáo dân của giáo xứ, nhưng ngài không có sẵn. Thế nên ngài mượn các Cha chủng viện để tặng cho Linh mục lo giáo xứ. Đối với một vị vua, đó là một cách xem ra đặc biệt ở Pháp, còn tại An Ninh thì không ai ngạc nhiên về điều đó. Xin nói thêm rằng Nhà Vua trung thành trả lại số tiền đã mượn. Đối với những vị thừa sai hiện diện, ngài còn cho một đồng tiền vàng lớn, rồi cho các linh mục bản xứ một đồng tiền vàng nhỏ hơn và một tấm bằng; cho các học trò là 4 hay 5 chữ do ngời bút nhà vua viết ra. Cuối ngày, người ta trình lên Nhà Vua một tờ giấy kể lại các biến cố trong ngày, vua Đồng Khánh ký và ấn dấu vào. Sau cuộc viếng thăm của Nhà Vua, một biến cố thực sự cho chủng viện, mọi sự trở lại bình thường, và Phaolô Khiêm hoàn tất việc học triết.

Đại chủng viện 

Chính vào tháng 9, ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, Phaolô Khiêm vào Đại chủng viện. Thật là một bước tiến lớn được thực hiện để bước qua ngưỡng cửa của ngôi nhà này nơi người ta chuẩn bị trực tiếp cho chức linh mục. Ở Việt Nam cũng như ở Pháp, điều này làm cho nhiều người lo sợ. Đối với Phaolô Khiêm vào Đại chủng viện là bước tiếp theo, là sự bổ túc cần thiết cho những năm học dài trải qua tại An Ninh. Đàng khác, không ai trong lớp của Phaolô Khiêm vắng mặt; họ gồm tám người học triết ở An Ninh; họ vào Phú Xuân là 8 thầy thần học. Đối với Phaolô Khiêm vào Đại chủng viện lại có thêm sức hấp dẫn: thầy sắp được ở gần mẹ và dì là những người còn trên đời và sông ẩn dật tại Thợ Đúc, họ đạo nhỏ gần kinh đô, Thợ Đúc và An Ninh cách xa nhau gần 100 cây số; từ nay thầy chỉ còn cách một con sông để về nhà. Thầy có thể về thăm những người thân trong những ngày được ra ngoài và những người này cũng có thể mang đến cho thầy hàng ngàn thứ đồ nhỏ bé mà một chủng sinh người Việt cần đến hoặc tưởng rằng cần có: một vài lá thuốc để bồi vào lượng dự trữ đã hết, một vài thứ thuốc phòng khi bị ho, một khăn quàng cổ, ít trứng gà vịt và nhiều vật dụng khác mà trái tim người mẹ biết cần dùng đến. 

Sự khác biệt giữa một đại chủng sinh và một tiểu chủng sinh thật lớn. Ngay khi một người Việt được vào Đại chủng viện, thầy được xem như một nhân vật. Trong lúc ngay cả khi là một tiểu chủng sinh, như tôi đã nói, thì đã có danh hiệu danh dự là Chú (oncle). Chú ngang hàng với các chức sắc của họ đạo, khi người ta đến thăm chú ở nhà khách, chú ngồi nơi chỗ giữa, còn những người thăm viếng, ngay cả người mẹ đều ngồi ở nơi thấp hơn. Thật là một điều hoàn toàn khác biệt khi lên Đại chủng viện; họ đội khăn quấn quanh đầu cách đẹp đẽ, đi ra tay cầm một cây dù mở ra mọi lúc mọi nơi; xem ra đó là tập tục. Khi họ chịu chức cắt tóc, họ mang danh hiệu là thầy, thầy giáo hay đúng hơn là thầy lý đoán (magistrats) như người ta thường gọi cách hơi lạ lùng trong miền truyền giáo. Một ngày kia, cha Bề trên Tiểu chủng viện hỏi một chú triết học: Lớp trước chú sắp nhận chức cắt tóc, từ nay khi chú nói chuyện với họ chú sẽ thưa thế nào khi nói về mình, chú có gọi mình là tôi, hay dùng tiếng con, nói lên sự tôn trọng của người dưới khi nói với những người trên? “Ô! Thưa Cha, con sẽ dùng tiếng con (fils)” – Khi con sẽ nói chuyện với thầy Phaolô Khiêm, anh em họ với con, mà thường khi con đã chơi đùa với nhau , sao con lại sẽ nói là con của Khiêm? – “Phải, thưa Cha, đó là thông lệ”. Điều này chứng tỏ sự tôn kính ở Việt Nam đối với các linh mục tương lai như thế nào..

Phaolô Khiêm vào Đại chủng viện dưới sự che chở của Mẹ nhân lành. Đức Maria đã phải chúc lành cho người con của Mẹ, bởi vì người con này hết lòng chu toàn các bổn phận. Cuối cùng, tôi thấy các sách học của thầy, đầy những ghi chú, bằng tiếng Việt, Latinh và tiếng Pháp; thầy muốn hiểu các tác giả và thường xin giải thích những chỗ khó. Thầy không chỉ bằng lòng với các sách học trong lớp, rất thường thầy đã được các cha giáo khen thưởng. Thầy thường lật biết bao trang sách cổ điển, tự điển, thánh kinh, thần học. Thầy ham thích đọc sách, điều rủi thay hiếm thấy ở Việt Nam. 

Chuyên cần trong học tập và trong lớp, đạo đức và trầm lắng nơi nhà nguyện, thầy tích cực chăm lo làm vườn trong giờ dành cho việc lao động chân tay. Một chủng sinh nói với tôi rằng người ta nhận thấy thầy sẽ bứt rứt khi rút ngắn giờ lao động năm ba phút. 

Thầy xem đó như thuộc về kỷ luật cũng như việc học hành và cầu nguyện. Thầy cùng với một bạn học khác chăm lo một khoảnh vườn phía trước nhà nguyện. Tôi thường cười vui khi thấy mỗi ngày họ hái một bông hoa, hoặc bứng một bụi cây đem trồng vào một nơi khác, rồi lại bứng lên vài ngày sau đó để trồng lại khi nơi này khi nơi khác. Đổi lại, vạt đất trồng hoa đối diện được giao cho hai người khác săn sóc. Họ hầu như chẳng bao giờ chăm lo, vậy mà các cây trồng ở đó mọc lên tươi tốt và chắc chắn, cành lá đầy màu sắc, còn phần dành cho Phaolô Khiêm chỉ có những cây bị còi, chẳng đẹp tí nào. Đối với thầy, kết quả chẳng quan trọng: thầy làm việc vì vâng theo lề luật và với niềm hạnh phúc. 

Thầy ứng đối cách sống động: một vị thừa sai vừa mới tới, người ta dẫn ngài tới chủng viện, các chủng sinh đến chào và chúc mừng việc ngài đến trong miền truyền giáo. Thầy niên trưởng rõ ràng nói bằng tiếng Latinh để vị đó hiểu được, rồi thầy xin một ngày nghỉ - đó là câu kết quen thuộc lời chúc mừng của các chủng sinh ở Đàng Trong - “A! Cha Brrg trên nói, điều đó chẳng giá trị gì; tiếng Latinh quen quá rồi, hãy xin bằng tiếng Pháp”. Thầy niên trưởng không biết nói tiếng Pháp. Phaolô Khiêm tiếp lời không chậm trễ (bằng tiếng Pháp): “Chúng con xin Cha ban cho hai ngày nghỉ!” Người ta cười vui vì thấy lời xin đúng lúc: nhưng tôi nghĩ rằng người ta chỉ cho một nửa điều thầy xin thôi. Vào khoảng giữa năm thứ ba thần học, Phaolô Khiêm lãnh chức cắt tóc cũng như tất cả các bạn cùng lớp. Đó là ngày thứ bảy tuần thánh 24.3.1894 - Tuy nhiên người ta rất cần có các linh mục. Năm nay các cuộc trở lại nhiều, hơn 3.200 người lớn được rửa tội; nhiều họ đạo mới được thiết lập; nhiều nhiệm sở mới yêu cầu được tăng cường; một vài linh mục già yếu vừa mất và đàng khác người ta chỉ có hai linh mục trẻ mỗi năm, có năm chẳng có cuộc phong chức linh mục nào.

Quân phản loạn năm 1883 đã tàn sát một số lớn các tiểu chủng sinh, phân tán, triệt tiêu những lớp học đáng ra cung cấp cho những nhu cầu của thời buổi. Đức Cha định phong chức trước cho hai thầy mới lãnh phép cắt tóc. Dĩ nhiên Phaolô Khiêm được chỉ định và ngày 23.9.1896, thầy chịu 4 chức nhỏ. Điều này cho thấy rằng trong vòng 2 năm nữa thầy sẽ là linh mục. 

Thầy tăng cường gấp đôi lòng hăng say học hành, nhất là để tiến tới trong đường đạo đức và trọn lành. Tiếng tăm về những tiến bộ thầy thực hiện trên nẻo đường này đã lan cả đến Tiểu chủng viện: một trong những chủng sinh đã nói cho tôi về điều này mới đây. Chứng tá của các bạn cùng học về Phaolô Khiêm, nghĩa là của những người thích hợp nhất để xét đoán Phaolô Khiêm, là một trong những danh hiệu tốt nhất làm rạng danh Phaolô Khiêm. Nhiều chủng sinh ở đây sống đạo đức “một cách bình thường” theo lối diễn tả của họ; Phaolô đã hiểu được rằng về vấn đề nhân đức, phải luôn vượt ra khỏi điều bình thường, các thánh là những người độc đáo theo mẫu của mình; luôn luôn lên cao, không bao giờ bằng lòng với điều đang làm, dầu người ta tin rằng mình cũng làm tốt như những người khác; và các bạn của thầy nhận biết rằng thầy đặt tâm nhiều về điểm này. 

Những ngày thầy đã rước lễ, thầy hướng về đó luôn; sau khi ăn sáng, viếng Thánh Thể lâu, cám ơn Chúa một lần nữa về điều Ngài đã khấng ngự xuống trong lòng. Ngày thứ tư và Chúa Nhật, cũng tại nhà nguyện và quỳ gối, thầy đọc kinh nhật tụng kính Đức Trinh Nữ. Sau này khi cha Bề trên miễn chuẩn cho thầy mọi việc học hành vì bệnh tật, thầy vẫn không bỏ việc đạo đức nào; thầy luôn quỳ gối tham dự Thánh lễ và sau khi đã rước lễ thầy vẫn quỳ gối tạ ơn Chúa, đến nỗi cha Bề trên đã phải truyền cho thầy từ nay phải ngồi. Phaolô Khiêm làm việc cho cõi trời; Đức Maria thấy trước những hiểm nguy thầy sẽ gặp phải nếu còn ở trên dương thế này, nên đã muốn đưa thầy về với Mẹ. 

Cơn bệnh 

Vào đầu tháng 12 năm 1894 cơn bệnh phát ra. Trước tiên một vài lần thầy bị ho ra máu và thầy giấu kỹ đối với bạn bè, ngay cả khi những bạn này lo ngại vì thấy thầy xanh xao, không biết thầy có phải chịu một vài tai biến nào chăng. Cơn bệnh tiến nhanh. Chẳng bao lâu thầy xin đi khám bác sĩ nơi cư trú và theo phái thuốc cho một tiẻu chủng sinh cũng bị tức ngực như thế. Thầy được chấp thuận. Vị bác sĩ nhận thấy có những vết thương khá nặng trong buồng phổi. Phaolô Khiêm được miễn mọi việc học hành và việc hát ngay từ khi khởi đầu cơn bệnh, thầy đi dạo mỗi ngày quanh vùng. Một vài ngày trước Noël, thầy đi thăm một người bạn ở gần đó. Trời mưa, đường lầy lội, rất thường xảy ra như vậy. Chân không lội qua những vũng to đầy nước và bùn. Lội như thế đã làm cho thầy ho ra máu nặng trong đêm trước đêm canh thức Giáng Sinh. Suốt đêm cả nhà đều chỗi dậy. 

Chúng tôi thấy ngay biến chứng nặng nề của tai biến. Nếu tiếp tục ho ra máu, thì sẽ chết trong thời gian ngắn. Các phương tiện loài người đều vô ích. Sau khi kể lại điều đó với cha Bề trên, lợi dụng thời gian các chủng sinh tụ họp trong nhà nguyện để xét mình riêng, tôi nói với họ về tình trạng nặng nề của nguời bạn học, việc thiếu các phương tiện loài người để chữa trị, quyền năng Đức Mẹ Vô Nhiễm Lộ Đức; rồi tất cả chúng tôi cùng đến sấp mình đưới chân Mẹ nhân lành, “Đức Mẹ cao cả” như người Việt thường nói, để xin Mẹ ban sức khoẻ lại cho Phaolô Khiêm, nếu đẹp ý Chúa. Các chủng sinh quyết tâm hành động; ngay ngày hôm sau, đúng lễ Giáng Sinh, họ rước lễ cầu cho người bệnh. Đêm Noël trôi qua không có chuyện gì. Phaolô Khiêm có thể rước lễ tại nhà nguyện trong Thánh lễ ban ngày, nhưng thầy kiệt sức. Tôi mang nước Đức Mẹ Lộ Đức cho thầy trong ngày. Thầy phải uống trong khi các chủng sinh làm tuần cửu nhật kính Đức Mẹ. 

Đức Mẹ có vẻ động lòng bởi những lời cầu khẩn của chúng tôi. Ngày 31 tháng 12, tôi viết cho cha Bề trên Tiểu chủng viện: “Mẹ nhân lành đang làm phép lạ. Người bệnh khá hơn. Ngày thứ hai trong tuần cửu nhật, sau một lần ho ra máu nặng, người ta đã cho thầy chịu Của Ăn Đàng; ngày thứ ba, ban chiều, sau một lần nôn ra máu còn nặng hơn, thầy đã lãnh nhận Bí Tích Xức Dầu Thánh; ngày thứ tư, không có ho ra máu; ngày thứ năm, chỉ một ít thôi, hôm qua không có gì; hôm nay cũng không có gì; chính Đức Mẹ đã bít các vết thương nơi buồng phổi. Tất cả không phải là hết, vẫn còn một ít cục máu đông nhỏ, nhưng Đức Mẹ sẽ hoàn thành công trình của Mẹ và sẽ ban cho người bệnh đủ sức khoẻ và mạnh mẽ để làm linh mục, bời vì chính vì thế mà tuần cửu nhật đã được khởi sự”. 

Quả thật, Đức Mẹ xem ra phải mủi lòng vừa bởi lòng sốt sắng của các chủng sinh, vừa do thái độ tốt đẹp của người bệnh, vừa do những hoàn cảnh làm cho việc chữa lành rất có ích theo tính loài người, nếu không phải là cần thiết. Lại tiếp tục ho ra máu, một phần các chủng sinh chạy đến nhà nguyện để nài van Đức Maria, còn phần khác lại bên người bệnh và chăm sóc với một sự tận tình đáng phục. Ngay giữa khi lên cơn, Phaolô Khiêm đặt mọi niềm hy vọng nơi Chúa. “Hãy cầu nguyện, đúng không?” thầy nói với những người săn sóc mình. Thầy hợp ý với những lời kinh người ta đọc chung quanh mình, với những lời kêu khẩn đạo đức người ta gợi lên cho thầy; thầy hôn kính Thánh Giá. Thánh Vịnh Miserere là lời kinh thầy ưa thích, cũng như những lời cầu khẩn Đức Mẹ, “Regina virginum, ora pro me”, tiếng van nài đó, tôi nghe thầy nhiều lần kêu cầu Mẹ một cách khẩn thiết ghi dấu lòng thầy nhiệt tâm ao ước dâng hiến cho Đức Maria qua lời thề của chức phụ phó tế, và chăm lo chuẩn bị cho bước quyết định này bằng một sự trong trắng như thiên thần. Thầy một lòng đơn sơ phó thác cho Mẹ nhân lành. Giứa những lúc lên cơn, thầy thường tỏ dấu nhờ tôi lấy nước Đức Mẹ Lộ Đức gạch hình thánh giá trên trán cho thầy, thầy trộn thêm nước này vào trong các đồ uống của thầy, xác tín rằng sự cứu chữa, nếu có đến, thì sẽ đến từ đó và nhờ Đúc Mẹ mà các phái thuốc của bác sĩ có công hiệu - Thỉnh thoảng tôi hỏi: “Thầy Phaolô Khiêm có tin vào Đức Trinh Nữ không?” - “Ô ! Vâng, con tin lắm! Chỉ có Mẹ là Đấng có thể chữa con lành bệnh”! – “ Đức Mẹ Lộ Đức được biết đến nhiều ở Pháp, nơi Mẹ đã làm nhiều phép lạ; nhưng ở đây, Ngài ít được biết đến, thầy phải hứa với Mẹ, nếu Mẹ chữa thầy lành, thầy sẽ dịch một tập sách tiếng Pháp công bố những lời ca tụng Mẹ”- “Thưa cha, con rất sẵn sàng, nhưng con phải nói điều này cho “người cha linh hồn con” trước đã; nếu ngài cho phép, con xin hứa điều đó”.  

Ngày cuối cùng trong tuần cửu nhật, như để thử thách lòng tin tưởng của chúng tôi, lại thêm một lần ho ra máu nữa. Đã là ranh giới. Ở Phủ Cam, giáo xứ sinh quán, ở Thợ Đúc nơi người mẹ đang sống, tại Tiểu chủng viện An Ninh, người ta cầu nguyện. Nhiều bạn học chung quanh đều hứa cầu nguyện cho thầy; một trong số này đã viết cho tôi là đã hứa với Đức Trinh Nữ một điều, nếu Mẹ cho thầy Phaolô Khiêm lành bệnh. Mọi sự đều vô ích. Trái đã chín muồi cho cõi trời. Chúa muốn đưa vào Thiên Đàng bông hoa trẻ trung này của đất Việt, kẻo sợ lưới thế gian làm hoen ố. Người bệnh ngày càng yếu dần”. Cơn bệnh tiếp diễn như thường tình, đó là lời của những người hiểu được, còn những người khác vẫn tiếp tục hy vọng vào lòng nhân lành của Đức Trinh Nữ. 

Vào lúc khởi đầu cơn bệnh, người ta cho mời vị bác sĩ thông thường của cả nhà, “thầy thuốc” như người Việt thường gọi, là người có tiếng trong vùng. Nhưng sau khi đã thăm hỏi vị bác sĩ Toà Công sứ, và vị này đã ân cần gửi những thuốc uống để ngăn các cuộc ho ra máu, người bệnh ngừng uống thuốc nam. Trong lúc ấy, vị bác sĩ Pháp phải vắng nhà một thời gian. Bấy giờ, theo yêu cầu của gia đình, người ta mời đến một thầy thuốc già người Việt, lương dân, thầy Bình, mà tiếng tăm vang xa. Người ta đi mời thầy bằng thuyền, và các y tá đưa thầy vào với nhiều dấu kính trọng vì tuổi tác và vì sự thông thái của thầy. Một ngày kia sau khi thầy đã chăm chú bắt mạch người bệnh thật lâu ở tay trái, tay phải, chân trái và chân phải, người ta hỏi: “Thưa thầy, thầy thấy người bệnh thế nào?” – Ôi, thưa Cha, tim đã bị hỏng, lửa, khí nóng, rất nhiều, chẳng còn hy vọng gì nữa”. Câu trả lời cho thấy vị thầy thuốc già này, nếu giỏi giải thích được khí sắc, thì ngược lại không hiểu nhiều về những gì xảy ra trong cơ thể con người. Lại nữa, hoặc ông không dám quywat định chữa lành bệnh nhân, hoặc người bệnh không tin tưởng vào ông, ông có ý tốt là “chạy” theo kiểu nói người Việt, nghĩa là từ chối lo cho người bệnh. Tiếp sau đó, người ta mời 2 vị khác, cả hai lúc đầu, cho rằng mình sẽ chữa lành bệnh nhân trong vài ngày”. Các vị đã chẳng chữa lành bao nhiêu bệnh nhân còn bệnh hơn cả thầy Phaolô Khiêm! Họ không nghi ngờ gì, các thầy thuốc người Việt này! Nhưng dần dần họ mất tin tưởng vào các thầy thuốc này; người bệnh có chút nào hy vọng, thấy thuốc thang hiệu nghiệm được vài ngày, rồi bắt đầu nghi ngờ và theo yêu cầu của gia đình, lại xin gặp một thầy thuốc khác. Vị cuối cùng đã lo là thầy Huy, một người bà con với thầy, người chắc chắn đã bỏ ra nhiều công sức để lo, cũng chẳng đạt kết quả hơn các người khác. 

Xem ra sự tin tưởng của Phaolô Khiêm nơi sự khéo léo của thầy thuốc, thực ra là do bà con bạn bè hơn là do thái độ của riêng thầy, bởi vì, như tôi đã nói, nhiều lần thầy đã lặp đi lặp lại với tôi rằng các phương thuốc chẳng làm gì, chỉ mình Đức Trinh Nữ mới có đủ quyền năng chữa lành. Phương dược trong đó thầy đặt tin tưởng nhất, sau sự trợ giúp của Đức Maria là không khí tốt. Thầy thích những ngày trời tốt, mặt trời toả sáng, không khí trong lành, những ngày đó, thầy thấy khá hơn. Lúc đó người ta khiêng giường của thầy ra hành lang nhà ngủ, đối diện với mảnh vườn, và thầy cảm thấy tươi tỉnh lại. Một ngày kia tôi kể cho thầy tấm gương của một thầy kinh viện đạo đức Dòng Tên, mà trên giường chết, người ta nói cho thầy về mùa xuân và những cánh hoa, và thầy đó đã trả lời: “Ôi! hỡi người anh em, mùa xuân và các hoa trên mặt đất, tôi sẽ chẳng còn thấy nữa; nhưng mùa xuân cõi trời, các cánh hoa của cõi trời, tôi sẽ thấy chúng mãi mãi!” Phaolô Khiêm hiểu ý và cười, đặt mình tùng phục thánh ý Chúa. 

Nụ cười buồn bã chịu đựng và phó thác cho ý Chúa, an bình thánh thiện trong tâm hồn, thầy luôn có trên môi khi người ta gặp thầy: “Này, thầy Phaolô Khiêm, hôm nay thấy thế nào!” – “Ô! thưa Cha, con đau lắm, con không ngủ được, con quá mệt vì phải ngồi luôn” –“ Nhưng Chúa đã chịu đau đớn hơn thầy, khi chịu Thương Khó: Thế nên, hãy dâng một chút đau khổ của thầy cho Ngài!”. Và Phaolô Khiêm cười. Một lần khác “Thưa Cha, con sợ đêm nay con sẽ còn ho ra máu, có lẽ thế” - “Này, hãy nghĩ đến Chúa một chút, chính Ngài cũng đã lo sợ nơi Vườn Cây Dầu khi nghĩ đến điều Ngài sắp chịu. Hãy kết hợp nỗi sợ của thầy với của Ngài”. Và người bệnh cười, làm một cử chỉ dâng hiến và kết hợp với Đức Giêsu đau khổ. Vào những ngày cuối của cơn bệnh, thấy sức lực ngày càng xuống, đến nỗi thầy không còn có thể làm một cử động nào nữa, thầy trở nên rất buồn. Tôi cho thầy thấy điều đó: “Này, vui lên, hãy hết lòng đón nhận ý Chúa” – “Nhưng thưa Cha, đúng vậy” - “Không, không đúng, khi nói tiếng vâng mà thầy vẫn rất buồn; hãy vui lên cách chân thành, hãy vui nhận cách chân thành”. Và thầy vẫn trả lời cho tôi bằng một nụ cười mà chắc chắn phát xuất tự sâu thẳm tâm hồn và bộc lộ những thái độ tâm hồn thầy. Phúc cho ai có thể giữ được nụ cười đó giữa những đau khổ và những ưu phiền cuộc sống.! Tôi sẽ còn đến gặp thầy thường xuyên và trong suốt thời gian thầy lâm bệnh, nghĩa là trong gần 2 tháng, tôi chỉ bắt gặp nơi thầy hai cử chỉ nhỏ tỏ vẻ nôn nóng. 

Những ngày cuối cùng - Cái chết - Đám tang 

Từ nhiều đêm, chúng tôi thay nhau canh thức, đến xem thầy thường xuyên, xác tín rằng giờ định mệnh sắp đến. Chúng tôi nghĩ rằng Đức Trinh Nữ là Đấng thầy đã được tận hiến từ khi còn trẻ và người ta kêu cầu nhiều cho thầy trong suốt cơn bệnh chẳng nuốn chữa lành thầy trên cõi trần này để thầy làm linh mục, sẽ đến tìm thầy trong ngày 11 tháng 2 lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức. Trong đêm thầy đã vui mừng biết được ngày lễ cử hành hôm đó. Buổi sáng, thầy còn nhận Của Ăn Đàng một lần nữa. Tại Lộ Đức khi Mình Thánh Chúa đi qua giữa hàng các bệnh nhân sùng kính Đức Mẹ, đã xảy ra nhiều cuộc chữa lành danh tiếng. Buổi sáng ngày 11 tháng 2 tụ họp bên người bệnh, trong chính lòng thầy có cả Chúa Giêsu và Đức Mẹ, cả Con và Mẹ; sẽ có xảy ra phép lạ không? Ngày trôi qua như bình thường. Đức Mẹ để cho Con Mình hái lấy tâm hồn được đau khổ thanh luyện này và liên kết với lời nguyện vĩnh cửu của Ngài trên trời. Tôi nói với thầy khi đến thăm thầy trong đêm: “Hãy chú ý, người ta vừa cử hành lễ Mẹ nhân lành; ngày mai là lễ của Chúa”. Phaolô Khiêm cầu nguyện sốt sắng hơn. Thầy không ngủ suốt cả đêm. Ngày hôm sau, lúc 11 giờ rưỡi sáng, người ta vội vã đến gọi Cha Bề trên. Khuôn mặt người bệnh thân yêu, đã ốm lắm rồi, đã hư đi nhiều, đã biến đổi tức khắc dưới tác động của đau khổ. Thân xác thầy bắt đầu quằn quại. Giờ hấp hối đã bắt đầu, Vị linh hướng ban ngay cho thầy phép lành toà thánh lúc nguy tử, thầy sốt sắng lãnh nhận, với đầy đủ ý thức mà thầy đã giữ hầu như cho đến hơi thở cuối cùng. 

Đức Cha được tin đó, liền đến ban phép lành cho người hấp hối. Quanh giường thầy, các chủng sinh thưa đối đáp lời kinh cầu cho nguời hấp hối. Mẹ thầy, đứng bên cạnh con, khóc âm thầm. Cơn hấp hối tiếp tục, sự đau đớn càng sắc bén hơn, thân xác cứng đờ ra, tứ chi quằn quại, đàm đầy ngực, người bệnh không còn sức ho ra nữa, hơi thở bị ngắt quãng, người ta cảm thấy hơi thở sắp ra khỏi miệng đang há ra; tuy nhiên linh hồn của Phaolô Khiêm vẫn tiếp tục hợp với lời kinh và những lời nguyện tắt người ta gợi lên cho thầy, người ta nhận ra điều đó rõ ràng nơi các cử chỉ của đầu và mắt khi người ta nói cho thầy, cho đến khi xem ra thầy đã mất tỉnh táo. Vào 1 giờ 10 trưa, một vài tiếng thở ra dài, hai lần nâng ngực nhẹ. Thiên Chúa phán xét linh hồn Phaolô Khiêm. Các chủng sinh quỳ quanh giường cầu khẩn các thiên thần, và tất cả các thánh “đến giúp, đưa linh hồn này dâng lên trước nhan Đấng Tối Cao”. Họ cầu nguyện xin Chúa Kitô đón nhận, chính Ngài là Đấng đã gọi linh hồn này”, và cha Bề trên “phó giao cho Thiên Chúa linh hồn tôi tớ Phaolô của Ngài, chết cho cõi đời này, được sống cho Chúa”; ngài cầu nguyện Chúa “nhân danh lòng nhân lành khoan dung và hay thương xót của Ngài thương xoá bỏ các tội lỗi mà bản tính mỏng dòn loài người của thầy dã mắc phải” 

Đức Cha đã tham dự cuộc hấp hối và cái chết của thầy đã nói: “Đây không phải là một kinh De profundis phải đọc, mà là một kinh Te Deum; chúng ta có thêm một vị bảo trợ nữa trên trời cao”. Đó là tâm tình chế ngự chúng tôi sau quang cảnh đầy an ủi này: tất cả chúng tôi cũng ao ước chết như nguời chủng sinh này; tất cả chúng tôi đều được thấm nhuần một niềm vui thánh thiện khi nghĩ đến việc chẳng bao lâu nữa thầy sẽ được họp mặt cùng ca đoàn các thiên thần và các thánh, để hát lên mãi mãi vinh quang của Chúa Nhân Lành và từ trời cao, thầy sẽ cầu bầu cho những ai đã yêu mến thầy trên mặt đất này, các cha giáo, các đồng bạn và những vị ân nhân đã giúp thầy trong suốt thời gian học hành của thầy. 

Ngày hôm sau, sau Thánh lễ trọng thễ và kinh tiễn biệt được hát ở chủng viện, người ta đã đưa xác thầy về nơi an nghỉ cuối cùng. Bà con thầy đã ao ước trước tiên đưa về nhà thờ Phủ Cam, nơi thầy sinh trưởng. Linh cửu được đặt trên hai chiếc thuyền lớn kết lại với nhau; tất cả những tay chèo là bà con của người quá cố, chít khăn trắng trên đầu dấu hiệu tang chế, chèo nhịp nhàng, theo nhịp hai cây trắc người ta gõ vào nhau; người mẹ vận đồ tang, áo dài thụng trắng hai tay rộng, không có đường viền, khóc thương đằng sau quan tài. Rồi đến chiếc thuyền chở những chủng sinh và 6 hay 7 chiếc thuyền khác chở những Kitô hữu; xen lẫn tiếng chèo là lời kinh nguyện của những người khóc thương với câu điệp khúc đầy xúc động: “Xin Chúa tha tội linh hồn Phaolô; xin Chúa thương xót linh hồn Phaolô!” 

Sau phép lành từ biệt trong nhà thờ Phủ Cam, đoàn rước hướng về nghĩa địa, nơi chôn cất rộng rãi về phía nam thành phố Huế, nơi lương giáo cùng nằm cạnh nhau an nghỉ. 

Bây giờ một nấm mồ bằng đất nện phủ lấy hài cốt của Phaolô Khiêm. Quanh thầy nằm nghỉ cả đoàn đông dảo dân chúng đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi tầng lớp. Chớ gì tất cả hoặc ít nữa một phần lớn, vào ngày sống lại chung, tìm được chỗ như thầy ở bên hữu Đấng Phán Xét tối cao! 

(Dịch từ nguyên bản Pháp ngữ : M. Cadière, Paul Khiêm, Elève du Grand Séminaire, de Phủ Cam., Annales des Missions Ẻtrangères 1904, trong” Một số tài liệu của các vị Thừa Sai Hải Ngoại Paris”, do Lê Thiện Sĩ sưu tập). 

Lm. Stanislaô Nguyễn Đức Vệ