Tư liệu:

Tư liệu về 10 Vị Thừa Sai MEP đã phục vụ tại Giáo phận Huế - Phần 1


WTGP Huế sẽ lần lượt giới thiệu mỗi kỳ 10 Vị Thừa Sai MEP đã phục vụ tại Giáo phận Huế (1850 - 1975)

Tài liệu do Linh mục Stanislaô Nguyễn Đức Vệ chuyển dịch từ các tư liệu do ARCHIVES MEP cung cấp. 

1. Đức cha Pellerin (Phan) 

François Marie Henri-Agathon Pellerin sinh ngày 20 tháng 02 năm 1813 tại Locmaria, giáo xứ Saint-Corentin  ở Quimper (Finistère). Cha ngài trước kia là lục sự toà án công lý hoà bình của tổng (canton) Saint-Pol-de-Léon, rồi làm thư ký riêng của
ông Miollis, tổng đốc Finistère và mất sớm, mẹ ngài là một phụ nữ đạo đức và dũng cảm, sống tại Kergos cho đến năm 1854. Bốn người chị em của ngài đều là
nữ tu.

François Marie Pellerin học xuất sắc các lớp troisìème, seconde và rhétorique tại Tiểu chủng viện Saint-Vincent ở Pont-Croix (1828-1831). Vào tháng 10 năm 1831, François Marie Pellerin vào Đại chủng viện Quimper. Thầy được chú ý, ngoài bản tính dịu dàng, còn vì sự dễ dàng ăn nói và một trí nhớ tuyệt vời. Sau khi lãnh chức phụ phó tế tháng 07 năm 1834, các vị bề trên gửi thầy đi Paris để hoàn thành việc học thần học tại Saint-Sulpice. Sau 2 năm, thầy được Đức cha Quélen phong chức linh mục ngày 17 tháng 12 năm 1836, trong nhà nguyện Couvent des Oiseaux.

Vào giữa tháng giêng 1837, cha Pellerin trở về Quimper bên Giám Mục giáo phận mình và được bổ nhiệm làm cha phó Saint-Louis de Brest.'

Ngày 15 tháng  07 năm 1843, cha Pellerin nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại, rue du Bac. Khi ngài đến Paris, số thỉnh sinh truyền giáo là 7 người, nhưng từ giữa tháng 10 năm 1843, số này có khoảng 30.

 Trong số các bạn đồng môn, có một Tổng Giám Mục tương lai là Đức Cha Laouenan (Pondichery), hai vị Đại diện Tông toà tương lai, Đức Cha Daveluy chết tử đạo ở Triều Tiên và Đức cha Chauveau ở Tây Tạng, cha Borelle sau này làm cha chính ở Sài Gòn và cha Thivet, cho đến lúc qua đời, làm bề trên Học viện chung Pinăng.

Sau cuộc tĩnh tâm 10 ngày sốt sắng, ngày 08 tháng 11 năm 1843 cha Pellerin nhận được quyết định đi Đàng Trong và rời Chủng viện Hội Thừa Sai ngày 26 tháng 12 năm 1843 cùng 5 vị thừa sai khác, trong đó 4 vị được sai đến Malacca, còn vị thứ năm là cha Legrand de la Liraye đi Đông Đàng Ngoài.

Ngày 10 tháng giêng 1844, con tàu rời bến Saint-Nazaire, vòng qua Mũi Hảo Vọng và đưa 6 nhà truyền giáo đến cảng Pinăng vào tháng 07 sau đó.         

Ngài trải qua gần 10 tháng tại Học viện chung Pinăng. Vừa dạy thần học, ngài vừa bắt đầu học tiếng Việt với khoảng 50 chủng sinh của các miền truyền giáo.

Cuối tháng 05 năm 1845, ngài qua Singapore cùng các cha Galy và Philiphê Minh, thánh tử đạo sau này; tất cả ăn mặc kiểu người Việt. Trong cuộc hành trình (theo hai bức thư ngài viết) ngài suýt bị bắt nhiều lần do các viên hải quan trông coi bờ biển dài, cũng như do các chú cọp.

Chỉ vào đầu tháng 10 năm 1845, ngài mới đến Bình Định ở với Giám mục của ngài và tự nguyện hiến thân lo việc rao giảng Tin Mừng cho người dân tộc, để chuẩn bị những nơi trú tạm thời cho các linh mục, hoặc cho các tín hữu bị bách hại. Cuộc lên đường dự định vào dịp Noel năm 1845 không thực hiện được.

Đức cha Cuénot đánh giá ngài rất cao và để tưởng nhớ Chân phước François Jaccard nên đã đặt tên cho ngài là Phan. Vào cuối tháng 9 năm 1846, Đức cha Cuénot chọn ngài làm Giám mục phó, dầu ngài còn trẻ (33 tuổi) và không thích. Một đoản sắc (bref) ký ngày 11 tháng 03 năm 1844 ban cho Đức Cha Cuénot quyền chọn một Giám mục phó với quyền kế vị và tấn phong như Giám mục hiệu tòa Biblos thay cho Đức cha Dominique Lefèbvre, cũng do đoản sắc đó, được đặt làm Đại diện Tông tòa Tây Đàng Trong thiết lập thành miền truyền giáo độc lập.

Trong bức thư gửi cho thân mẫu, ngài kể lại:

"Vào cuối tháng 09, Đức cha Cuénot gọi con đến nơi ngài trú ẩn và không nêu lý do. Đến căn chòi của Đức cha, ngài dạy con chuẩn bị tĩnh tâm ngay và 8 ngày sau, trong đêm 04 tháng 10, lễ Đức Mẹ Mân Côi, con đã được tấn phong Giám mục.

Các bà đạo đức đã trở lại đạo trong gia đình các quan mang biếu con các vòng vàng để làm một thánh giá đeo ngực và một chiếc nhẫn, có thợ ở đây chạm khắc cho con cũng khá đẹp. Còn mũ mít (mitre) làm bằng giấy, gậy bằng gỗ, con là một Giám mục nghèo (sans bas et sans souliers), lâu đài con ở bằng tranh, nhưng con vẫn là Giám mục phụ trách một đàn chiên 30.000 tín hữu và 10 triệu người lương”.

Nghi thức đã được tổ chức trong một đêm mưa gió ở tu viện Mến thánh Giá Gò Thị. Hàng giáo sĩ và các tín hữu tham dự ít: một vài chức việc chính yếu trong các giáo xứ Gò Thị, Gia Hựu và các nữ tu cùng nhiều đại và tiểu chủng sinh. Đồ trang hoàng và nhất là ánh sáng tầm thường. Ngược lại hồng ân Chúa Thánh Thần tuôn tràn càng dồi dào rất cần thiết trong thời buổi đầy biến động này.

Vào tháng 3 năm 1848, Đức Cha Pellerin đi thuyền từ Tourane đến Huế. Ngài viết cho một người bạn:

"Sau một chuyến hành trình 2 ngày 2 đêm, tôi đã đến dưới thành quách cung điện hoàng gia; nhưng tôi phải nằm trong chiếu cho tới nửa đêm. Vì chiếc thuyền phải buộc chặt dưới chân một cây cầu, qua một lỗ hổng của chiếc chiếu, tôi đã có thể thỏa thích chiêm ngắm những nơi vẫn còn tỏa mùi máu của các thánh tử đạo ”.

Đêm đến, ngài được dẫn vào nhà một Kitô hữu và ở lại đó 3 ngày. Vì từ khi Đức cha Labartette mất (ngày 06 tháng 08 năm 1823), không có vị Giám mục nào đến Huế, nên thấy được rằng người ta lấy làm hạnh phúc đón ngài.

Cuộc thăm viếng của vị Giám Mục đến các xứ đạo ở Huế được dễ dàng nhờ một vị quan trong triều, thái bộc Micae Hồ Đình Hy, là người thường đi theo ngài bằng thuyền và như thế tránh cho ngài khỏi bị kiểm soát.

Một ngày kia, ở gần Dương Sơn (cách Huế 12 km), con thuyền của vị Giám mục chạm mạnh vào một chiếc thuyền khác làm cho hư hại đôi chút. Chủ thuyền la lối om sòm khuấy động cả vùng và muốn bắt đền các người chèo thuyền của Đức cha, quan Hồ Đình Hy không mang theo tiền trong túi nên để chiếc áo mình lại hầu xoa dịu và bồi thường, rồi cuộc hành trình tiếp tục.

Vào đầu tháng 03 năm 1849, Đức cha suýt bị bắt ở Dương Sơn. Hai tên lính người lương, được sai đi lấy cho bằng được vôi trầu để dùng trong triều đình và trong các bàn thờ tổ tiên của nhà vua, bất thần đi vào trong vườn nơi Đức cha đang trú ngụ và chúng thấy ngài rõ ràng. Thay vì báo cho làng lương chỉ cách đó vừa tầm một phát súng, chúng cấp tốc chạy về Huế tố cáo. Lợi dụng thời gian đó, Đức cha xếp dọn hành lý và trong lúc các người cho ngài trú xóa đi những dấu vết về việc ngài có ở đó, một con thuyền nhỏ chèo nhanh đưa ngài đi đến một giáo xứ cách đó 5 hay 6 dặm (có lẽ Thanh Hương hoặc Kẻ Văn).

Ngài chỉ ở đó vài ngày và tuần sau, ngài đã có mặt tại Di Loan (hoặc Loan Lý) nơi cha Sohier đang ở. Khi cập bến, thuyền của ngài bị lật nơi chỗ nước khá sâu và thế là ngài phải bơi vào bờ.       

Rồi Ngài viết:

"Hiện nay tôi ở trong một mái tranh tạm được. Tôi không còn ngủ trên đất; nhưng nằm trên một sàn ván. Sau khi đã hỏi ý Đức Cha Cuénot, và đặt tất cả dưới sự bảo trợ của Trái Tim Vô Nhiễm Đức Maria, tôi đã lập một trường trong mảnh vườn vừa mua được. Tôi gọi lại tất cả học sinh cũ đã bị phân tán cùng các linh mục bản xứ và một vài người mới khác, tất cả khoảng 30. Ngôi nhà cha Sohier ở biến thành nhà nguyện cho cả họ đạo. Các chủng sinh ở trong ba mái nhà tranh, mà một cái dùng làm nhà nguyện và trong các ngày lễ được trang hoàng bằng lụa là bản xứ và của Ấn Độ. Chúng tôi còn có một bàn billard  được phủ len và dùng cho các chủng sinh giải trí vì họ không bao giờ ra khỏi vườn được. Một bà già giúp việc cung cấp đồ ăn hằng ngày cho chúng tôi, nhưng thỉnh thoảng, khi thấy bị người ta quá để ý, bà trở về tay không.

Các chủng sinh ngủ trên một chiếc chiếu trải rộng trên nền đất. Chúng tôi thiếu thốn nhất là các thứ sách. Tất cả chủng sinh mang lại cho chúng tôi nhiều niềm an ủi nhờ lòng đạo đức, sự dễ bảo và chuyên cần làm việc. Tôi sắp ban các chức nhỏ cho vài người trong họ vào dịp Bốn Mùa trước Noel. Họ cũng thường phải chạy tán loạn, cũng như tôi”.

Một lá thư mới đây của Đức cha viết ngày 18 tháng 09 năm 1850, cho biết số chủng sinh trường mới này là khoảng 50, trong đó có 9 thầy thần học. Đứng đầu chủng viện là một vị thừa sai tuyệt vời (cha Sohier) với một linh mục mới chịu chức trong năm này giúp đỡ.

Vài tháng sau trận dịch tả lớn (1849), Đức cha Pellerin đến Kẻ Sen cuối miền truyền giáo và ở đó một tháng rưỡi. Hồi đó cha Galy làm quản xứ kể lại:

"Tôi biết rằng Đức cha phó đang ở trong vùng của chúng tôi để  giảng tĩnh tâm cho một cộng đoàn nữ tu và cử hành nghi thức mặc áo dòng cho nhiều tập sinh, cách nơi tôi ở chừng một ngày rưỡi đường.

Một tấm giấy ngài viết cho tôi biết lúc nào ngài đến Kẻ Sen. Tôi nhìn đồng hồ chỉ một giờ sáng và cả một sự thinh lặng bao phủ ngôi làng. Sự chậm trễ bắt đầu làm tôi lo lắng. Cuối cùng tôi nghe tiếng chó sủa. Người ta kêu lên "Đức cha phó đến” và họ ra mở cổng. Đây là đoàn tháp tùng Vị Giám mục.

Nhưng Đức cha đâu? Ở giữa một đoàn giáo lý viên ăn mặc chỉnh tề, tôi nhận ra một người trẻ vai hẹp, đi chân không, và tay cầm gậy. Dáng mặt trắng nhạt kia cho tôi biết đây không phải là một người Việt. Rồi vầng trán rộng kia mà nhiều sợi tóc bắt đầu không còn mọc được nữa, gò má nhô lên, cằm hẹp, đôi mắt đen nằm sâu trong hố mắt và được bao quanh bởi các quầng xanh nhạt, không bao giờ có thể đó là Đức cha Pellerin. Tôi dám chắc thân mẫu ngài cũng không thể nhận ra ngài qua những nét đó.

Sự bất định của tôi nếu có thì chỉ kéo dài một chút thôi, cho đến khi Đức cha đổ nước rửa chân. Chúng tôi ôm lấy nhau một lúc, mà không thốt ra được một lời nào. Không cầm được cảm xúc và cả nhọc mệt, Đức cha nằm dài trên giường ở phía sau.

Tôi muốn nói, nhưng lưỡi tôi líu lại chẳng phát âm được gì. Tuy nhiên tôi nhớ đến một thứ rượu tuyệt diệu mới nhận được từ Toulouse. Tôi mời Đức cha uống một ly làm cho ngài bỗng chốc lấy lại sức như phép lạ. Tôi bắt đầu bình tĩnh trở lại và cuộc chuyện vãn khởi sự vui vẻ, khi các người tháp tùng yêu cầu chúng tôi nghỉ ngơi một chút...

Tin về việc Đức cha đến thăm chẳng bao lâu lan ra khắp cả vùng. Đây là một biến cố lớn đối với cộng đoàn Kitô hữu nhỏ bé, chưa nói đến việc các giáo lý viên luôn tìm cách bày tỏ lòng tôn kính.

Các phái đoàn của các họ đạo khác nối đuôi nhau từ sáng tới chiều. Đức cha chẳng ao ước gì hơn là được tiếp xúc trực tiếp với họ. Kẻ Sen là nơi duy nhất người có đạo sống thành một khối với nhau; còn ở các nơi khác, họ sống lẫn lộn nhiều ít giữa lương dân, và do đó không thể làm nơi trú ẩn thường xuyên cho các thừa sai. Với lý do nhà tôi quá nhỏ, chúng tôi đã xin biến nhà của chủ vườn thành nhà nguyện để vị Giám mục hành lễ. Các giáo lý viên là những người đầu tiên lo dựng một bàn thờ và những vật dụng cần thiết.

Ngay ngày đầu tiên, nhiều bà con của chủ vườn và  nhiều người ở gần đó đã tham dự thánh lễ. Ngày hôm sau, Đức cha đã có một cử tọa khá đông để có thể cho một bài giáo huấn nhỏ. Mỗi ngày cử tọa càng đông đúc ao ước chiêm ngắm và nghe Đức cha nói chuyện đến đầy nhà đầy sân...

Đồng thời Đức cha truyền đặt một tòa giải tội trong nhà nguyện của ngài, tòa của tôi đã có sẵn trong nhà các nữ tu. Cả một đoàn đông đúc đến nhà thờ, có ba thầy thần học chuẩn bị các hối nhân cũng ở chính nơi mà Đức cha và tôi đang giải tội. Trừ ra một khoảng thời gian sau cơm trưa dùng để sắp đặt các việc bên ngoài và xét xử các tranh chấp, còn cả ngày chúng tôi lo giải tội.

Tất cả những ai trong vùng chưa chịu phép Thêm Sức chuẩn bị lãnh nhận vào Chúa Nhật tới, Đức cha sẽ ban phép Thêm Sức long trọng tại nhà thờ.

Cả một đoàn dân đông nghẹt chờ đợi tại đây. Từ chân bàn thờ cho đến cửa chính, chỉ thấy đầy nghẹt đàn ông, đàn bà và trẻ con, chen chúc nhau, mồ hôi đầm đìa... Khi Đức cha ngỏ lời, đám đông này chen chúc nhau lại gần bàn thờ hơn nữa với lòng ao ước đạo đức. Chuyển động này có vẻ lộn xộn một chút thôi, rồi lại bắt đầu chăm chú hơn... Chẳng bao giờ có một diễn giả được ở trong hoàn cảnh đặc biệt như thế: đền thờ là một căn trại, được trang hoàng như nhà thờ, thính giả là những Kitô hữu đáng thương, khóc trong thinh lặng và từ hai mươi năm nay sống trong bầu khí bách hại, chỉ mong bảo vệ được những nghi lễ bị cấm đoán trong bóng đêm tăm tối. Xin các người dân tốt lành ở Brest miễn chấp cho, chắc rằng Đức cha Pellerin không muốn đổi ngai tòa bằng tre của ngài và cử tọa ở Kẻ Sen thay cho ngai tòa  và cử tọa sáng chói trước đây ở Saint-Louis.

Vào lúc gà gáy lần thứ hai, nghi thức kết thúc. Thay vì về nơi tạm trú dưới tán lọng che và tiếng trống, ngài thoát nhanh không nghi thức. Đức cha Pellerin đã thành lập Hiệp hội Thánh Tâm và Mân Côi. Đó là dịp để mừng long trọng hai lễ đẹp đẽ này, một ở Kẻ Sen và một ở Kẻ Bàng.

Thời gian Đức cha lưu trú kéo dài một tháng rưỡi. Mọi thời gian trong ngày đều dành cho việc giải tội và thăm viếng. Chúng tôi dành một phần đêm cho các cuộc chuyện vãn thân tình. Dầu các cuộc chuyện vãn này vui thú đến đâu, thì việc thiếu giờ ngủ cuối cùng làm cho chúng tôi sinh bệnh. Nhất là Đức cha vất vả công việc hơn tôi nhiều không thể đương nổi lâu dài kiểu sống này. Nhưng một đàng là may, một đàng là rủi, các công việc cấp bách gọi Đức cha về Bình Định. Bấy giờ là thứ năm, Đức Cha sắp đặt rời chúng tôi vào chiều Chúa nhật tới.

Giây phút buồn bã này làm các tín hữu lo lắng đến như một tia chớp. Tôi hết sức cố gắng vững tâm chịu đựng. Ngày Chúa nhật, lúc hai giờ rưỡi chiều, tôi còn lại một mình trong căn nhà hoang vắng.

Cuộc ra đi của Đức cha làm cho tiếng khóc xé lòng vang lên tận những ngôi làng kế cận và nghe được rất lâu ngay tại nhà tôi đang ở. Tôi biết rằng các lương dân ngạc nhiên vì những tiếng khóc than inh ỏi này và nói với nhau rằng: "Đó là vị lãnh đạo của người Da tô đã viếng thăm con cái mình; giờ đây ông ấy ra đi, nên họ khóc thương buồn bã. Ồng đi đâu? Ai mà biết. Các quan chắc vui lắm nếu biết được”.

Đây là giai đoạn cuối cùng Đức cha phó viếng thăm vùng xa nhất của miền truyền giáo sau khi đã khởi sự cuộc viếng thăm mục vụ cách đây ba năm.

Trong thời gian ở Kẻ Sen, công việc cấp bách gọi Đức cha về Bình Định. Một bức thư của Đức cha Cuénot gửi tới mời ngài về để thông tri cho ngài đoản sắc đề ngày 27 tháng 08 năm 1850 chia Đông Đàng Trong thành hai giáo phận. Ba tỉnh phía bắc (Thừa Thiên, Quảng Trị và Quảng Bình cho đến sông Gianh) nhập thành một giáo phận mới gọi là Bắc Đàng Trong với Đức cha Pellerin làm Đại diện Tông tòa. Cũng một đoản sắc đó ban cho Đức cha Pellerin năng quyền tấn phong một giám mục phó hiệu tòa Gadara tùy ngài chọn.

Ít lâu sau vào giữa tháng 09 năm 1850, Đức cha Pellerin đã đến Bình Định gặp Đức cha Cuénot và hai vị Giám mục chuẩn bị chia địa phận. Tất cả trải qua tốt đẹp khồng có trắc trở nào và đầu năm 1851, Đức cha Pellerin về giáo phận mới của mình.

Số các Kitô hữu lúc đó của giáo phận Bắc Đàng Trong khoảng 24.000. Hàng giáo sĩ gồm 2 vị thừa sai: cha chính Sohier ở Di Loan và cha Galy ở Kẻ Sen; 10 linh mục bản xứ, mà chỉ có 6 vị mạnh khoẻ.

Để đáp ứng mọi điều chẳng lành có thể xảy ra, nhân dịp năm Toàn xá, Đức cha nhanh chóng chọn và tấn phong một Giám mục phó. Ngài chọn cha chính Sohier .      

Lễ tấn phong được tổ chức tại Di Loan ngày 17 tháng 08 năm 1851. Khách mời gồm bề trên mỗi cộng đoàn dòng tu (communauté religieuse), các giáo lý viên lớn (grands catéchistes) của mỗi tỉnh, hai giáo lý viên đứng đầu của mỗi giáo xứ, cùng với nhiều giáo dân thường nhiệt thành và tận tuỵ góp phần lo cho miền truyền giáo. Mặc dầu có cuộc bách hại, nhưng những người được mời đều có mặt. Cũng thế hầu như tất cả các linh mục bản xứ đều tham dự nghi lễ.

Ngày 17 tháng 09 năm 1851, Đức cha gửi lá thư mục vụ đầu tiên cho riêng các linh mục và giáo sĩ của miền truyền giáo, Ngài viết:

Vào giờ phán xét cuối cùng, chúng ta sẽ phải trả lẽ về những bổn phận của mình, cũng như về những tín hữu được giao cho chúng ta chăm sóc và cả những lương dân mà chúng ta đã lơ là trong việc làm cho trở lại, nhưng trước hết về thái độ tốt lành của những chủ chăn đối với đàn chiên, về sự dạy dỗ và việc làm của chúng ta. Đó là một trách nhiệm hiểm nghèo mà chúng ta chỉ nhờ ơn Chúa giúp mới đạt đến đích. Các linh mục phải khẩn cầu các ơn này cùng với chúng tôi và cho chúng tôi; các ngài phải nhớ bổn phận này đối với đoàn chiên. Chúng tôi xin phó dâng cả miền truyền giáo cho Đức Mẹ... Tòa Thánh đã ban phép cho chúng tôi chọn một Giám mục phó với quyền kế vị. Các cha đã biết điều này từ lâu. Tất cả những gì ngài truyền sẽ phải được thực hiện như chính chúng tôi truyền dạy vậy.

1. Chúng tôi thông truyền cho các cha những năng quyền như đã có từ trước...

2. Tất cả những luật lệ cũ thời Đức cha Labartette có hiệu lực trước đây vẫn được chúng tôi duy trì; cũng như những điều khoản (prescriptions) của Công đồng 1841 (Gò Thị). Bổng lễ cũ của các lễ requiem và các lễ khác vẫn còn hiệu lực cho đến khi có chỉ thị mới.

3. Các cha có thể sắp đặt các của cải cộng đoàn:

a/ để nuôi các giáo lý viên trong thời gian học và  sắm cho họ một áo trắng (habit blanc)

b/ để trang trải chi phí cho việc rửa tội các trẻ em lương dân nguy tử

c/ để dạy các Kitô hữu nghèo, hoặc nhỏ hoặc lớn. Đối với tất cả các phí tổn khác không được nói đến, sẽ phải báo cho chúng tôi trước.

d/ mỗi linh mục phải có với mình một hoặc hai người rửa tội (baptiseurs) để lo các trẻ em ngoại giáo nguy tử. Tôi nhấn mạnh điểm này, vì quá thiếu những lớp người này trong giáo phận mới của chúng ta.

4. Mỗi tháng, mỗi cha phải gửi một bản báo cáo về tình trạng của giáo xứ mình, như luật cũ đòi hỏi. Hiện nay điều này sẽ là một việc dễ dàng.

5. Trong phần lễ quý xin đọc: pro vicario nostro apostolico Francisco Maria. Ngày lễ Mân Côi phải thêm vào lời nguyện thánh lễ pro anniversario consecrationis episcopi và đọc "Franciscum-Mariam, episcopum Bibliensem. Cũng như vào Chúa nhật intra octavam Assumptionis B.M.V, sẽ phải đọc cũng lời nguyện đó cho Đức Cha Phó: Josephum-Hyacintum, episcopum Gadarensem.

Làm tại Di Loan, ngày 17 tháng chín 1851

Franciscus-Maria-Henricus-Agathon Pellerin, episcopus Bibliensis.

De mandato ill.vicarii apostolici.

Thomas Hữu, secretarius

Hai tuần sau, xuất hiện lá thư mục vụ thứ hai gửi riêng cho các nữ tu, ký ngày Lễ Mân Côi năm 1851 (không ghi nơi ký). Đức cha phải gánh một trách nhiệm nặng nề, tha thiết xin các nữ tu cầu nguyện, nhất là khẩn cầu Đức Maria Vô Nhiễm, Ngài nói:

"Trong miền truyền giáo mới của chúng tôi, các tu viện chiếm một chỗ ưu tiên, và chúng tôi cũng sẽ chăm lo đặc biệt. Những điều bó buộc các nữ tu gắt gao hơn đối với các tín hữu bình thường và sự thánh thiện của giáo dân bình thường không đủ cho các nữ tu, nên họ phải trung tín đáp ứng với những ân sủng đặc biệt...”

Một bức thư mục vụ thứ ba viết ngày 18 tháng tám 1852 cho hàng giáo sĩ Miền Truyền Giáo, nhắc lại lệnh truyền chương 8 của công đồng Gò Thị: tìm tòi và nuôi dưỡng các chủng sinh đàng hoàng và có khả năng để gửi họ sang Học viện chung. Không ai có thể được gửi sang đó trước khi trải qua một năm giúp một linh mục; mỗi chủng sinh phải trình diện với một chứng thư thích hợp. Những người nghi ngại phải được cho về không chậm trễ.

Chớ gì các linh mục gửi về tất cả chi tiết liên quan đến các hiệp hội được thiết lập nơi các ngài: Hội Trái Tim Đức Maria, Hội Mân Côi v.v.; trụ sở ở đâu? số hội viên? Ước gì những ai còn những bổng lễ dư ra chuyển cho những cha đang thiếu hoặc cho Đức Giám Mục.

Chủng viện được thiết lập tại Di Loan năm 1849 đã bị gỡ bỏ vào tháng 06 hoặc tháng 07 năm 1852, có lẽ theo lệnh của Đức cha Pellerin, để tránh sự phá hủy hoàn toàn. Ngày 29 tháng 09 năm này (1852) Đức cha viết:

"Năm nay, chúng tôi vẫn phải chịu bao truân chuyên, bởi vì cuộc bách hại ngày càng dữ dội... Tôi suýt bị bắt...Tôi đã phải lâm bệnh nặng và thập tử nhất sinh trong vòng15 ngày...Vụ mùa mới đây lại  mất...Gió bão lớn lật đổ tất cả và lụt lội gây nhiều tổn thất nặng nề. Tất cả những điều đó như là hình phạt cho cuộc bách hại. Chủng viện hoàn toàn bị hư hại đã có thể sửa chữa lại hoàn toàn”.

Một bức thư chung cho hàng giáo sĩ đề ngày 02 tháng giêng 1853 cho chúng ta biết về đời sống đạo trong năm 1852: trên tổng số 24.500 giáo dân, số xưng tội mùa Phục Sinh chỉ có 12.453, số xưng tội do lòng sốt sắng là 8.170, có 1.460 trẻ em con nhà có đạo được rửa tội, 364 trẻ em lương dân, 114 người lớn và 736 người chịu phép Thêm Sức. Tiếp theo đó là lời bình của Đức cha: "Các số này ít ỏi quá. Đúng là nhiều thợ gặt tông đồ phải bệnh tật, những người khác thì bị cuộc bách hại cản trở, nhưng cũng có nhiều người đã không làm hết bổn phận của mình”.

Một bức thư dịp Noel 1853 cho chúng ta biết những biến cố chính yếu trong năm này. Đức Cha đã có thể phong chức hai tân linh mục, hai phó tế và 4 thầy chức nhỏ. Chủng viện đã phải nghỉ trong 3 hoặc 4 tháng, và sau các kỳ nghỉ bất đắc dĩ này, khoảng 50 chủng sinh đã tựu lại để tiếp tục học, cho dầu thỉnh thoảng có báo động. Trong thời gian nghỉ dạy thần học, Đức cha đã có thể thăm viếng một phần lớn Miền Truyền Giáo và ngay cả trú lại trong kinh thành Huế. Có một đêm giảng rất gần đền Vua, ngài quên nên nói giọng hơi quá lớn và các tín hữu đã phải nhắc ngài trở lại với thực tế.

Ngày 10 tháng giêng 1854, mặc cho tình trạng sức khỏe yếu kém, Đức cha cũng đã thông tri cho hàng giáo sĩ số liệu năm 1853, hầu hết đều tiến triển hơn năm 1852. Số xưng tội mùa Phục Sinh vượt hơn năm trước 3.000 lượt, số xưng tội do lòng sốt sắng vượt hơn 4.600 lần. 279 người lớn được rửa tội, 1.116 người được Thêm Sức, ban phép hôn phối cho 205 đôi, ban phép Xức dầu thánh cho 550 người cùng 373 Của Ăn Đàng và 646 trẻ em lương dân được rửa tội.

Vào cuối năm 1853, cha Galy đã vĩnh viễn rời Kẻ Sen để tìm một nơi trú ẩn tại Đàng Ngoài trong những giáo xứ nghèo và ít được biết đến nhất. Cha Choulex đến ở với Đức cha Pellerin vào tháng 07 năm 1854, nhưng ngài khó thích nghi với khí hậu. Cả hai vị lo cho một cuộc tĩnh tâm chịu chức tại Di Loan đã vội vàng chạy trốn và bỏ lại tất cả. Cha Choulex trải qua 3 tháng làm mồi cho bệnh sốt, nằm trên nền đất trong một túp lều tại Bái Trời. Căn nhà ở Kẻ Sen mới  làm đã phải bị phá huỷ lại. Đức cha Sohier ở cuối vườn, gần một cộng đoàn nữ tu tại Kẻ Sen phía Bắc miền truyền giáo. Cuối năm 1854, số các linh mục bản xứ gồm cả các vị bệnh tật  là 20.

Một bức thư của Đức cha Pellerin viết ngày 10 tháng giêng 1855 gửi các linh mục cho biết rằng số liệu năm 1854 thấp hơn nhiều so với 1853. Số xưng tội mùa Phục Sinh nhìn chung cũng không đạt được nửa số giáo dân, mặc dầu số xưng tội do lòng sốt sắng tạm được. Chỉ có 53 người lớn được rửa tội, cùng với 44 người đang học đạo. Số Thêm Sức là 347 thấp hơn bao giờ hết. Số các trẻ em lương dân nguy tử được rửa tội là 688. Đức Cha khen đặc biệt 2 linh mục và khiển trách vài vị lơ là.

Đức cha viết:

"Hãy tin tưởng phó thác cho Chúa và Đức Mẹ. Chúng ta sẽ không bị cám dỗ vượt quá sức mình. Nếu Thiên Chúa còn muốn có thêm vài vị tử đạo, thì đó sẽ là niềm hạnh phúc lớn lao nhất cho những ai được như thế. Chẳng bao lâu nữa Satan sẽ kiệt lực, nhưng nó chỉ bị quật ngã hoàn toàn nhờ ơn đặc biệt của Đức Maria Vô Nhiễm mà chúng ta không thôi cầu khẩn để Nước Chúa tiến triển. Xin các cha cho chúng tôi biết số kitô hữu đang bị đói kém, chúng tôi sẽ làm hết sức để cứu giúp họ”.

Một ít lâu sau khi công bố sắc lệnh 18 tháng chín 1854, các quan chức và lính tráng có đạo đều được báo cho biết những điều khoản liên can đến mình; nhưng một năm sau đó, sắc lệnh của nhà vua, dầu đã được gửi cho các quan đầu các tỉnh, vẫn chưa được thông truyền cho các vị trưởng các tổng, các làng.

Vào năm 1855, mọi sự như năm trước, Đức cha Pellerin tiếp tục an ủi và khích lệ các người kitô hữu đáng thương của ngài.

Một lá thư chung ký ngày 11 tháng giêng 1855 viết:

"Mùa chay sắp bắt đầu. Đây là thời gian mọi tín hữu phải sám hối và tất cả mọi người cũng phải đi vào trong tinh thần của Giáo Hội. Mặc dầu  không thể thực hành tất cả các việc đó trong yên bình hoàn toàn, anh chị em cũng phải lợi dụng mọi ơn riêng của mùa chay như mọi tín hữu khác trên hoàn cầu. Điều đầu tiên phải làm đó là tránh xa mọi tội lỗi, vì dầu làm mọi việc lành và chịu mọi đau khổ, nhưng chúng là nguyên nhân của mọi sự dữ trong đời sống hiện tại và tương lai. Cuộc sống quá vắn vỏi để chạy theo những đam mê xác thịt, chạy theo những hưởng thụ không được phép hoặc tìm kiếm những của cải bất công. Theo lời Kinh Thánh: "Niềm vui trong phút chốc sẽ trở nên hình khổ muôn đời". Thà chịu đau khổ, mất hết của cải và phải chết hơn là xúc phạm Thiên Chúa là Đấng phải được tôn thờ trên hết mọi sự. Trong thời gian đầy biến động này, một đức tin sống động giúp chúng ta chịu đựng mọi khốn khổ chóng qua, trong lúc phần thưởng thì bền vững và không cùng. Các tội lỗi gây ra bao nhiêu sự dữ này do người kitô hữu phạm phải còn lớn hơn tội của những lương dân. Bệnh tật, chiến tranh, mất mùa, đói kém và bao nhiêu nỗi khốn khổ khác, chung hoặc riêng, đều do tội lỗi gây nên và trong mọi thời một thế quyền chống lại Chúa và đạo luôn kéo theo những hình phạt như anh chị em đang chịu. Đừng than trách Chúa, đừng để mình chán nản! Hãy nhớ rằng anh chị em là  con cái Thiên Chúa là Đấng sẽ không chối bỏ chúng ta nếu chúng ta trở lại với Người. Hãy can đảm lên để khỏi mất phần thưởng đời đời”.

Ngày 05 tháng tư 1855, Đức cha Pellerin gửi cho hàng giáo sĩ bức thư giáo huấn của ngài: "In coena Domini” mà trong bốn, năm mươi năm nên như lề luật được mọi linh mục thừa sai và bản xứ rất tôn trọng. Đức cha Retord đã thông truyền và dẫn giải cho hàng giáo sĩ của ngài nhiều lần. Đức cha Caspar cũng đã thường xuyên nhắc lại trong các cuộc tĩnh tâm cho các linh mục bản xứ của ngài...

Mười ngày sau, Đức cha Pellerin thông tri cho các tín hữu các miễn chuẩn ngài vừa xin được:

“1.Các tín hữu được phép làm việc xác các ngày Chúa Nhật và lễ trọng kể từ trưa, trừ các lễ Phục Sinh, Hiện Xuống, Giáng Sinh và  Mông Triệu.

2. Những người rất nghèo có thể xin cha sở cho phép làm việc cả sáng lẫn chiều các ngày Chúa nhật và lễ trọng, trừ 4 lễ đã kể trên.

3. Việc miễn chuẩn công việc tay chân không bao hàm việc miễn tham dự thánh lễ.

4. Tất cả mọi người đều buộc đọc các kinh ngày Chúa nhật, sáng, trưa và tối; những ai được miễn chuẩn kiêng việc xác đều buộc phải thực hiện càng nghiêm nhặt hơn để bù lại.

 Chúng tôi hy vọng rằng khi nhận được các sự miễn chuẩn này, anh chị em sẽ tăng thêm lòng sốt sắng yêu mến Chúa và chịu đựng những điều trái ý. Tháng năm gần đến, chúng tôi nhắc lại những lời khuyên nhủ anh chị em như thường làm là chạy đến khẩn cầu Đức Trinh Nữ”.

Ngày 9 tháng bảy 1855, Đức cha Pellerin loan báo long trọng tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội:

"Thật là một điều vui mừng và hy vọng biết bao! Gần 200 Giám mục tham dự  lễ công bố ngày 08 tháng 12 năm rồi, vào chính lễ Mẹ Vô Nhiễm. Hãy hòa tâm tình và lời ca tụng với toàn thể Giáo Hội trong dịp công bố tín điều này của Đức Mẹ là Đấng nay sắp tuôn tràn ơn lành cho chúng ta càng nhiều hơn nữa! Hãy tin tưởng nơi Mẹ! Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ có hòa bình. Nhưng ước gì mỗi người lo xa lánh tội lỗi, và tăng thêm lòng khiêm tốn! Nhiều nỗi khổ đau có là do một vài kitô hữu đầy kiêu căng không hiểu được: họ từ chối tùng phục và cứ để mình hay phê bình chỉ trích và nhục mạ  tha nhân”.

Tại đây, chúng ta không thể công khai mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm như các tín hữu khác thực hiện. Chúng ta sẽ cố hết sức bù lại:

"1. Làm một tuần cửu nhật kính Đức Mẹ và kết thúc vào lễ Mẹ Lên Trời Hồn Xác...Làm chung với nhau nơi nào có thể được!... Đọc một số kinh...

2. Ngày lễ Mông Triệu mọi linh mục dâng một thánh lễ để ca tụng tôn vinh Đức Trinh Nữ và khẩn cầu Ngài trợ giúp. Chớ gì các nữ tu hiệp thông trong ý cầu nguyện này”.

 Lá thư đề ngày 02 tháng giêng 1856 kể lại những số liệu đạt được trong năm 1855. Có hơi trổi vượt hơn năm trước. Hơn 1.000 lần xưng tội của trẻ em chứng tỏ việc dạy lớp trẻ không quá bị ảnh hưởng. Có 799 người chịu phép Thêm Sức. Số rửa tội các trẻ thuộc gia đình công giáo bình thường, mặc dầu một nửa số này là do các chức và các giáo dân thực hiện. 68 người lớn chịu phép Rửa, trong khi 84 người đang học đạo. Đức Cha thấy số này còn kém và chưa đủ, ngài nói:

"Các chức cần phải hoạt động nhiều hơn trong quá khứ. Con số các trẻ lương dân nguy tử được rửa tội (593) thấp hơn trong tất cả các miền truyền giáo lân cận. Để nâng lên, cần phải tăng  số lượng và công việc của những người lo rửa tội (baptiseurs). Chớ gì các linh mục lo giữ các qui luật (règlements) đã định: "Serva ordinem et ordo te servabit”! Tính kiêu ngạo luôn gây nên nhiều điều xấu; hãy chống lại tính này trong các tín hữu của mình! Chớ gì kẻ nào biết mình đang mắc lỗi, hãy lo xin lỗi và sẽ được tha thứ. Nhiều linh mục quá lơ là chẳng bao giờ gửi tờ trình hàng tháng; một số khác thì làm không đầy đủ. Cần sửa chữa lại trong lịch cho các ngày 15,16, và 17 tháng 05.

Trong thư viết ngày 15 tháng 12 năm 1855, Đức cha cho biết số liệu hiện có của hàng giáo sĩ bản xứ:

"Mặc dầu Tự Đức và các thuộc hạ làm gì, vào  lễ Mân Côi 1855, tôi đã phong chức 1 linh mục, 4 phó tế, 10 thầy chức nhỏ và một thầy chịu phép cắt tóc, nên bây giờ chúng ta có: 16 linh mục bản xứ, 5 phó tế, 15 thầy chức nhỏ, một thầy cắt tóc và khoảng 40 chủng sinh trong đó có những người học thần hoc, những người khác học latinh”.

Trong suốt những tháng đầu năm 1856, cuộc bách hại tôn giáo tăng gấp đôi rất khốc liệt: Đức cha Pellerin phải hạn chế các cuộc thăm viếng các họ đạo. nhưng ngài lợi dụng  thời gian nghỉ ngơi bắt buộc này để dạy các thầy thần học và nâng cao tinh thần của các linh mục bằng những cuộc tĩnh tâm riêng trong vài ngày. Ngài nói với họ:

"Hàng giáo sĩ, các nữ tu và các giáo lý viên là như đầu và con tim của Miền Truyền Giáo. Chúng tôi xác tín rằng tất cả sự hung bạo của những kẻ bách hại sẽ không đi đến chỗ diệt được đạo, bao lâu đầu và con tim vẫn vững vàng... Hỡi anh em là các linh mục, anh em là những vị chỉ huy trong đạo binh của Chúa. “Sicut sacerdos, sic est populus” (linh mục thể nào, dân chúng thể ấy). Anh em là những kho tàng và người phân phát hồng ân Chúa. Và những hồng ân đầy uy lực này phát xuất nhất là từ các bí tích, cầu nguyện và hãm mình. Nhờ việc dùng tốt những phương thế này, anh em sẽ quật ngã những kẻ thù lớn lao của anh em: đó là ba thù (triple concupiscence - những sự công danh, lợi lộc cùng là dâm dục sa đà). Nhất là chính nơi tòa giải tội anh em sẽ đi dến chỗ hạ được tính kiêu căng, hãm cầm lòng ham muốn và chế ngự nhục dục. Mọi chán nản, mọi nhu nhược về phía anh em sẽ dẫn đến chỗ nhiều linh hồn bị mất đi, hoặc chính  Miền Truyền Giáo bị huỷ hoại”.

Đức cha đã sắp đặt sẵn sàng cho việc ngài có thể bị bắt. Ngài đã gửi một số tiền cho quan Micae Hồ Đình Hy, giáo lý viên lớn nhất (cậu cả) của tỉnh Thừa thiên để giúp đỡ những người tuyên xưng đức tin bị giam trong những nhà tù ở Huế. Cũng thế, ngài cũng đặt một phần các ruộng đất của miền truyền giáo đứng tên ông. Về những gì liên quan đến việc quản trị thiêng liêng các tín hữu, ngài có thể an tâm tin cậy Đức cha Sohier Giám mục phó của ngài...

Sau đó, quan Micae Hồ Đình Hy bị bắt ngày 08 tháng 11 năm 1856. Bản cáo trạng gán cho ngài tội đưa tàu chiến của Pháp đến, vì cho rằng chính con trai ngài kêu đến (con trai là Hồ Đình Giang, sau này làm linh mục là cha Tính), tội tiết lộ và phổ biến các lệnh kín của hội đồng và cứng lòng theo phái vô đạo của những người Datô.

Hồ Đình Hy đã cố gắng từ quan một cách vô ích: Tự Đức không chấp thuận. Nhà Vua nói: "Đây là một nhân viên đã phục vụ trong 30 năm nay, chẳng bao giờ sai lỗi điều gì, trong lúc không ai trong các  vị tiền nhiệm của ông có thể lo chức vụ này hơn 3 năm.”

Nhưng khi nghe đọc bản cáo trạng, nhà vua giận điên lên, lập tức giáng chức và ký lệnh bắt và xử ông ngay.

Ngày hôm sau tòa án hình sự truyền cho ông viết tờ khai, rồi đánh đập ông dữ dằn, như một tên trộm thấp hèn... nhưng Micae Hy vẫn không lay chuyển.

Theo lời yêu cầu của ông, Đức cha Sohier sai cha Thận đến giải tội và mang Mình Thánh Chúa đến cho ông (ngày 19 tháng 12). Rồi vào các ngày 15, 18 và 21 tháng năm 1857, quan Micae Hồ Đình Hy bị dẫn đi bêu xấu trong 4 khu vực của thành phố Huế, và phải chịu mỗi lần 60 roi ở hai quảng trường chính. Ngày 22 tháng 05 năm 1857, thánh Micae Hồ Đình Hy chịu chém đầu tại chợ An Hòa.

Charles de Montigni đến Tourane vào sáng ngày 23 tháng giêng 1857 trên chiếc tàu "Marceau”. Ông đưa theo Đức cha Miche, Đại diện Tông tòa Cambodge và các linh mục Fontaine và Roy. Chỉ còn lại đó tàu "Capricieuse”, còn tàu “Catinat” đã được đô đốc Guérin gọi về Macao. Vào tối ngày 23 tháng giêng có một cuộc thảo luận trên tàu Marceau giữa sứ giả đặc biệt của Triều đình Huế cùng nhiều đồng sự với Montigni. Đức cha Pellerin được mời làm thông dịch viên cho cuộc họp đó. Đức cha Miche và hai cha bạn của ngài cũng tham dự. Trong bản báo cáo của các quan chức ở Tourane gửi cho Tự Đức, họ nói đến sự hiện diện của 5 hoặc 6 vị giám mục, ai cũng mang thánh giá bằng vàng và trú trên hai tàu của Pháp. Ngày hôm sau Montigni gửi cho Đức Cha Pellerin lời ghi chú sau đây: "Xin Đức Cha lưu ý các quan chức rằng nếu câu trả lời của Huế cho điều được ghi nhận hôm qua chậm trễ nhiều ngày, thì tôi thấy rằng mình phải đích thân đến Kinh đô với tàu “Marceau”, điều tôi thật rất tiếc bởi không có sự chấp thuận đặc biệt của Hoàng Đế”.

Mặc dầu Đức cha Pellerin không bằng lòng điều lưu ý này, ngài vẫn đi với một viên sĩ quan và vài người lính đến dinh các quan chức ở Tourane để thông báo cho các quan điều đó. Sau bữa cơm trưa trên tàu Marceau, Đức cha Pellerin mới biết được dự án của một hòa ước mới.

Hai vị Giám mục đoán trước sự thất bại của sứ mạng Charles de Montigni và nhất là những hậu quả tai hại từ thất bại này cho các thừa sai, các tín hữu và các công trình của họ, nên xin vị quan toàn quyền hủy bỏ những điều khoản từ 3 đến 7 hoặc hẹn lại để xin tham khảo thêm. Trong bức thư gửi cho Bộ trưởng ngoại giao Paris, nhất là trong thư ngày 19 tháng ba 1857, Montigni kể nhiều về các thảo luận đó. Ông tuyên bố với các giám mục rằng dầu ông là sứ giả của chính phủ để bảo vệ các lợi ích tôn giáo Đàng Trong, nhưng ông không thể cũng không muốn hy sinh tất cả với bất cứ giá nào, còn về lời hăm dọa tàn sát các thừa sai và các tín hữu cũng như huỷ diệt bất thần đạo công giáo, ông nói: “Tôi thì nghĩ ngược lại”.

Khoảng 10 ngày trôi qua trong kế hoạch trì hoãn, Triều đình Huế rõ ràng chống lại mọi giao ước với một lực lượng Âu châu và đã tránh mọi tiếp xúc. Nhà Vua để qua đi thời hạn mà không trả lời, Montigni dọa sẽ kêu đến chính phủ của ông và chắc chắn chính phủ này sẽ không để lưng chừng... nếu nhà Vua còn dám xử tử các thừa sai và Kitô hữu.

Ngày hôm sau, 07 tháng 02, Montigni rời Tourane trở về nhiệm sở đại sứ tại Thượng Hải và đến đó ngày 07 tháng 06. Đức cha Pellerin vẫn luôn ở trên tàu Capricieuse và đến Hồng Kông ngày 13 tháng hai 1857. Ở đó Ngài nhận được một bức thư của Đức cha Retord báo cho biết rằng cuộc bách hại tôn giáo có một chuyển biến đầy hăm dọa nhất cho đến tận Bắc Kỳ. Không thể trở lại miền truyền giáo của mình được và theo ý kiến đồng thuận của nhiều bạn đồng sự, Ngài quyết định đi Pháp để trình bày tình trạng khốn đốn của các Miền Truyền Giáo Đông Dương ...

Ngày 10 tháng ba 1857, Đức cha Pellerin rời Hồng Kông qua ngã Alexandrie và cập bến Marseille ngày 20 tháng 05.

Đáp trả sứ mạng của Charles de Montigni, Tự Đức sai xử Hồ Đình Hy (22 tháng 05 năm 1857) như chúng ta đã thấy và quyết định một lần dứt khoát đối với đạo công giáo trong vương quốc của mình. Ngay từ cuối tháng năm 1857 tất cả các chánh tổng, các lý trưởng đã nhận được lệnh lùng bắt các linh mục thừa sai và bản xứ.

Có lẽ không có sắc lệnh nào bách hại trước đây được thi hành cách khắc nghiệt như sắc lệnh ngày 07 tháng 06 năm 1857.

Napoléon III đã được báo cáo cho biết tình trạng bấp bênh tại Việt Nam.

...Sau khi biết rõ về vấn đề này do ông Cintrat (giữ văn khố và trước đây điều hành các vấn đề chính trị) báo cáo, Hoàng đế đã lập một ủy ban do bá tước Brenier làm chủ tịch, có ông Cintrat và đô đốc  Fourichon làm thành viên.

Trong thời gian này, nhờ Đức Hồng Y Bonnechose giới thiệu, Đức cha Pellerin đã được hội kiến Napoléon III tại Biarritz và Hoàng đế  hứa giúp đỡ cách hữu hiệu, đồng thời đề nghị ngài thông tri yêu cầu của ngài cho Bộ Ngoại Giao ...

...Ngày 30 tháng tám 1857, ủy ban đặc biệt này kết luận: “ Những âm mưu được lặp đi lặp lại chống các thừa sai, những kiều bào và những người được chúng ta bênh vực biện minh cho  những biện pháp sửa lỗi mà chúng ta được mời gọi thực hiện”.

Biết được vậy, Đức cha Pellerin sửa soạn trở lại miền truyền giáo của mình, mặc cho những lời khuyên và những dự báo xấu của các bác sĩ. Brest và Quimper thi nhau quảng đại dâng cho ngài những đồ trang hoàng đẹp nhất, cả những bình thánh và ân cần mời mọc ngài đến thăm. Khắp nơi người ta mời ngài nói chuyện và hội thảo về công cuộc truyền giáo của ngài. Nhưng điều dữ đang xảy ra tại Việt Nam đâm thấu con tim. Ngài nói: “Thật quá khắc nghiệt để ở lại ăn không ngồi rồi và xa cách đoàn chiên trong lúc trận chiến xảy ra khốc liệt nhất”. Thế nên ngài bắt đầu buồn đến chết được và xuôi tay…

Ngày 07 tháng 03 năm 1858,Đức cha rời Paris có cha Antoine Marie Raynaud một thừa sai trẻ tháp tùng. Cuộc hành trình đi qua ngã Alexandrie và càng  gần tới đích, Đức cha càng cảm thấy mình như sống lại. Tại Singapore người ta  biết được rằng Việt Nam đóng cửa và để tránh mọi phiền toái đáng sợ, hai người lữ hành đã đi thẳng đến Hồng Kông và cập bến ngày 22 tháng 04...

Mỗi lá thư từ Việt Nam gửi đến đều mang lại cho vị Giám mục đáng thương đang sống lưu đày một vài tin tức buồn bã nhưng vinh quang.

Ngày 28 tháng 07 năm 1858, Đức cha Melchior Garcia San Pedrro, dòng Đa Minh Tây Ban Nha và là Đại diện Tông tòa Trung Đàng Ngoài (Tonkin Central) bị phân thây. Ngày 06 tháng mười 1858, xảy ra cuộc hành quyết cai đội Phanxicô Trung, người Phan Xá (Quảng Trị). Ông Trung đã xin sung vào quân tình nguyện đi đánh quân Pháp. Trước khi chấp thuận, các quan truyền ông phải lạy bàn thờ các thần hộ mệnh và đạp thánh giá, thánh Phanxicô Trung từ chối và bị kết án chém đầu ngay...

 Ngày 27 tháng mười 1859, từ Hồng Kông Đức cha Pellerin viết cho một kinh sĩ bạn thân của ngài:

 “Tôi chậm viết thư cho anh vì chẳng có gì hay để viết cả và tôi luôn chờ đợi hoà bình. Cho đến đây tôi đã đau khổ nhiều cách; tôi thấy cái chết rất gần bằng nhiều cách...đói, khát, chìm tàu; nhưng tôi có thể tâm sự với anh rằng chưa bao giờ tôi đã phải đau khổ như năm nay. Tôi tưởng rằng cuộc viễn chinh sẽ mang lại hoà bình nhưng kìa điều ngược lại đã xảy đến. Cuộc bách hại dữ dằn hơn, và cho đến nay tôi không thể vào lại miền truyền giáo của tôi. Tất cả tín hữu và các đồng bạn của tôi bị săn lùng như những thú dữ, và có một số lớn các vị tử đạo. Có thể nói hoàn toàn thất bại cho đến hôm nay và người ta đổ cả thất bại đó lên đầu chúng tôi. Tất cả những gì tôi có thể nói, chính là người ta luôn hành động ngược lại những chỉ dẫn chúng tôi đã trình bày, khi người ta đã muốn nghe chúng tôi nói, vì thật hiếm khi người ta xin ý kiến chúng tôi. Phần tôi đã trở lại Hồng Kông, ngay khi thấy rằng mình chẳng có gì để làm  đối với cuộc viễn chinh và tôi không thể ở lại lâu hơn mà không phương hại đến việc mục vụ của tôi sau này”...

Bức thư cuối cùng của Đức cha Pellerin (27 tháng 10 năm 1859) đã cho chúng ta biết cuộc bách hại các kitô hữu tại Việt Nam luôn luôn ngày càng lớn hơn... Đức cha Sohier (23 tháng tám 1860) còn cho biết:

Các nhà tù ở Kinh đô đầy những Kitô hữu mà mỗi ngày người ta bắt phải chịu những nhục hình ghê gớm, vì họ không chịu bỏ đạo... Tất cả những thông thương đều bị ngăn chận vì người ta giữ rất nghiêm nhặt các nẻo đường và các lối đi. Chính vì thế mà anh em ở tại Paris biết rõ những gì xảy ra tại Tourane hơn chính tôi đang ở gần cảng này.”

Các bác sĩ ở Hồng Kông và các anh em trong Sở Quản Lý của Hội Thừa Sai thấy Đức cha Pellerin xuống sức một cách rõ ràng liền thúc bách ngài đi nghỉ ở Manila, nơi các cha dòng Đa Minh nồng nhiệt mời ngài. Hãy để chính ngài kể lại cảm tưởng cho em gái ngài:

Anh vui hưởng ở đây (Manila) sự tiếp đón hết sức nồng hậu và quảng đại của các cha dòng Đa Minh. Người ta chỉ tìm cách làm cho anh thoải mái. Anh đi xe hơi, đi ngựa, đi tàu trong đất nước đẹp nhất thế giới, dân cư là những Kitô hữu thuộc hạng tốt nhất. Khắp nơi anh đi, người ta đều tổ chức lễ hội liên tục, có cả ca hát, hoà nhạc, rồi chuông vang. Dân chúng rất thoải mái... Cho đến các vùng quê xa xôi, có những thánh đường rất giàu có, nhưng không quá cao vì thường xảy ra động đất... Nơi nào người ta cũng muốn giữ anh lại...”

Sau khoảng năm sáu tháng, Đức cha như trẻ lại, trở về Hồng Kông rồi khoảng giữa tháng 11 năm 1860 ngài đi Poulo-Pinang. Ngày 19 tháng 02 năm 1861, ngài viết:

Tôi đã rời Hồng Kồng vào tháng 11 vì ít có liên lạc với Đàng Trong. Ở Poulo-Pinang, tại Học viện chung, tôi có nhiều học trò. Việc trở về miền truyền giáo của tôi trở nên càng không thể thực hiện được hơn bao giờ hết, cuộc bách hại quá dữ dằn. Tôi chỉ được tin từ một giáo phận ở Đàng Trong và một giáo phận khác ở Đàng Ngoài. Tôi không biết các linh mục, các chủng sinh, các nữ tu và các tín hữu của tôi thế nào rồi. Đức cha Cuénot đã bị bắt và chết trong tù (14 tháng 11 năm 1861). Vừa mới chết, người ta ra lệnh chém đầu ngài.”

Ngày 02 tháng 11 năm 1861, Đức cha Pellerin lên tàu “Mayotte”...có cha Desvaux và 4 chủng sinh người Việt tháp tùng đi Singapore và ghé lại Sở quản lý của các cha thừa sai tại đó.

Rồi ngài rời Singapore ngày 04 tháng 12 năm 1861 cũng trên tàu “Mayotte” và đến Học viện chung Pinăng ngày hôm sau trước sự tiếp đón đầy hân hoan của khoảng  60 chủng sinh Việt Nam...

Phần miền truyền giáo Huế trong khoảng thời gian ngoài một năm mất chừng 8.000 tín hữu, hoặc vì đói hoặc vì bị ngược đãi, hoặc theo sau những khốn khổ phải chịu trong thời gian lưu đày hoặc trốn tránh, hoặc ít lâu sau khi về lại.

Ngày 24 tháng 10 năm 1860. thánh Giuse Lê Đăng Thị, cai đội ở Huế và là con của cai đội Tu ở Kẻ Văn (Văn Quĩ) bị xử giảo (thắt cổ) tại chợ An Hoà.

Thánh Gioan Hoan, nguyên thư ký của Đức cha Taberd và một trong những linh mục tốt nhất của Đức cha Pellerin, bị xử trảm (chém đầu) tại Đồng Hới vào tuổi 63. Hơn một nửa đời ngài đã trải qua bằng cách trốn từ tỉnh này sang tỉnh khác, vừa dạy dỗ cho nhiều chủng sinh, trong số đó có 11 người làm linh mục.

Ngày 06 tháng giêng 1862, Đức cha đặt viên đá đầu tiên xây dựng nguyện đường của Học viện chung, nơi tám tháng sau là chỗ ở cuối cùng của ngài ngay dưới chân bàn thờ.

Ngày 23 tháng giêng (1862) từ Poulo-Pinang, Ngài viết:

Nỗi khổ tâm thường ngập tràn lòng tôi. Điều đã được thực hiện tại Đàng Trong cho đến nay có lẽ là tất cả những gì buồn thảm nhất như chưa từng có. Những gì các tín hữu của chúng tôi phải chịu có lẽ không có mẫu trước trong lịch sử Kitô giáo và người ta vẫn chưa thấy được khi nào chấm dứt những khổ đau đó... Tôi sắp cố gắng gửi một chủng sinh về trong miền truyến giáo của tôi, và nếu có cách nào đó, tôi cũng sẽ cố gắng lẻn về...”

Sau đây là bức thư cuối cùng của Đức cha Pellerin đề ngày 04 tháng 07 năm 1862 và gửi cho cha Pernot:

Tôi xin trả lời thư của cha đề ngày 24 tháng 05  theo sức của tôi. Tôi đau khá nghiêm trọng vì cơn bệnh ăn dần ăn mòn và nhanh chóng đưa tôi đến mộ, nếu không thể ngừng. Các bác sĩ không thấy được đó là bệnh gì, nhưng tôi ngày càng yếu dần đi và không thể ăn gì cả v.v....  Người ta nói rằng tôi cần phải thay đổi không khí, nhưng đi đâu, nhất là bây giờ phải nghĩ đến việc trở lại miền truyền giáo của tôi; cuối cùng, xin cho ý Chúa được thể hiện!

Trước khi đi Poulo-Pinang, Đức cha Pellerin cảm thấy trước giờ cuối cùng của mình gần đến, với tâm hồn trầm tĩnh, ngài đã lo trước mọi chuyện. Sau đây là lời trối của Ngài:

“Nhân danh Cha....

Tôi đã sống và chết trong Hội thánh công giáo Rôma, và tôi hoàn toàn tùng phục Đức Thánh Cha, Vị đại diện Chúa Kitô trên trần gian.

Tôi cầu xin Chúa tha thứ cho tôi... Tôi trao phó mình tôi cho Người, nhất là nhờ sự trung gian của Mẹ lành, của các thánh Bổn mạng và các vị Tử đạo Đàng Trong.

Tôi xin tất cả những ai mà tôi đã làm gương xấu tha thứ, như tôi tha thứ cho tất cả những ai đã gây khổ cho tôi điều gì. Điều đã làm cho tôi khổ đau nhất trong cả đời tôi là sự không thành công của cuộc viễn chinh Pháp tại Đàng Trong và những bất hạnh do đó mà có cho đạo thánh trong các miền truyền giáo tại Việt Nam. Tôi đã gây nên cuộc viễn chinh này, nhưng tôi chỉ làm theo lời khuyên của những người khôn ngoan và đặc biệt của Đức Thánh Cha và Bộ Truyền Giáo.

Tôi tuyên bố tất cả đồ dùng của tôi hoặc mang danh nghĩa của tôi đều thuộc miền truyền giáo Bắc Đàng Trong, tất cả những gì có thể thuộc về riêng tôi, hoặc tại miền truyền giáo, hoặc tại các Sở quản lý hay đang ở với tôi, tôi xin cho miền truyền giáo hết. Tuy nhiên tôi ao ước người ta gửi cho những người thân thuộc của tôi một vài đồ đạo đức hoặc những đồ tôi dùng, và nếu có ai giúp tôi trong những giờ phút cuối cùng, tôi xin thưởng công cho họ. Tôi cũng xin vị kế nhiệm tôi đừng để Thầy Phụng là người đã liều mạng sống mình để cứu mạng tôi phải sống cực khổ.

Tôi cũng xin vị kế nhiệm tôi công bố cho cả miền truyền giáo đã được trao phó cho tôi biết rằng tôi đã không bao giờ ngừng yêu thương họ hết lòng, các thừa sai, các linh mục bản xứ, các nữ tu, các giáo lý viên và mọi Kitô hữu.

Tôi xin để tuỳ lòng bác ái của vị kế nhiệm việc làm lễ cầu cho linh hồn tôi, những lễ mà ngài xét thấy thích hợp. Thói quen của Hội Thừa Sai là làm lễ giỗ cho vị Đại diện Tông toà đã qua đời.

Tôi trao trách nhiệm cho cha chính Desvaux, và nếu thiếu vắng ngài, cho vị thừa sai nào khác của giáo phận Bắc Đàng Trong thi hành lời di chúc này của tôi.

Làm tại Singapore ngày 15 tháng 06 năm 1862, Lễ Chúa Ba Ngôi.

François Marie Henri Agathon Pellerin

Giám Mục Biblos và Đại diện Tông toà Bắc Đàng Trong

Tôi xác nhận bản này hoàn toàn theo đúng bản gốc

Joseph Hyacinthe Sohier, Giám mục Gadare.”

Để tránh mọi chậm trễ và rắc rối trong việc kế nhiệm ngài, ngài đã từ chức Đại Diện Tông Toà Bắc Đàng Trong.

Cha Martin và các vị phụ trách Học viện chung Pinăng cho biết:

Mọi ngưòi đều ca tụng lòng đạo đức của ngài, tính vui vẻ như thiên thần và sự từ bỏ của ngài”. Mặc dầu rất yếu, nhưng xem ra ngài ít đau đớn hơn khi ngài đến Pinăng và ngài đã tỉnh táo cho đến hơi thở cuối cùng. Vì ngài ngủ được rất ít, một trong những người canh bệnh bất thần đạt được việc làm cho ngài thiếp đi cả chục lần bằng cách nói: “Thưa Đức cha, chúng ta đi ngủ” , nghe vậy ngài liền trả lời “Phải, đi ngủ” và con người thánh thiện bắt đầu đọc kinh Sub tuum và ngủ trước khi đọc xong kinh đó. Như thế đêm trôi qua từ kinh Sub tuum này đến kinh Sub tuum khác cho đến sáng.

Suốt cả đêm mồng 08 rạng mồng 09 tháng 09, Đức cha không ngủ được chút nào; nhưng hôm sau ngài ngủ được cả buổi sáng. Thức dậy lúc 11 giờ, ngài gọi cha Martin và nói với cha rằng ngài xét thấy nên chịu phép Xức dầu thánh. Cha Martin  trấn an ngài và nghi thức được dời lại.

Vào lúc 4 giờ rưỡi, Đức cha lại bảo đi tìm cha bề trên để xưng tội, sau đó cha bề trên ban Của Ăn Đàng và phép Xức dầu thánh cho ngài. Đức cha đã đón nhận với một niềm tin sống động nhất và lòng đạo đức sâu xa. Vào lúc 5 giờ, Đức cha lên cơn dữ dội và cha bề trên ban ơn toàn xá.

Ngày thứ bảy 13 tháng 09, Đức cha liên tục yếu dần. Vào lúc trưa lưỡi líu lại, và không thể nói rõ ràng, mặc dầu hoàn toàn tỉnh táo. Vào 4 giờ chiều, ngài hấp hối và thở hơi cuối cùng lúc 5 giờ 45 cách nhẹ nhàng không chút dao động.

Nghi thức tẩm liệm đau thương được cử hành cách long trọng nhất vượt mọi ước vọng. Đức cha Bouchau với tất cả các thừa sai quanh vùng và các vị điều hành Học viện chung đều tham dự, tất cả gồm 12 vị.

Linh cửu ngài được đặt trước bàn thờ chính của nhà nguyện, nơi ngài đã đặt viên đá đầu tiên 8 tháng trước đây.

Lời loan báo cái chết của ngài hầu như không được biết đến mấy trong miền truyền giáo của ngài: nhiều người trong số những người tận tâm kính phục ngài cũng đã chết vào thời gian đó, hoặc trong cơn lưu đày hoặc sau khi bị lưu đày trở về. Các chủ chăn cũng như tín hữu hoàn toàn ngụp lặn trong những lo lắng tái lập lại nơi ở cũ và hoàn toàn bị thiếu đi những điều cần thiết, bị lương dân gây phiền hà và thường không được các quan chức xét xử công minh trước bao nhiêu phản kháng.

Trong khoảng 12 năm sau cái chết của Đức cha Pellerin, nghĩa là cho đến hoà ước Dupré (15 tháng 03 năm 1874), và nhất là trong những cuộc tàn sát mới năm 1884, việc tưởng nhớ đến Đức cha phai mờ dần, đến nỗi thế hệ hiện nay hoàn toàn mất đi bóng dáng ngài...

Vào một buổi sáng đẹp trời, Hội đồng thành phố Sài Gòn đã biểu quyết đặt tên ngài cho một con đường ở Sài Gòn. Đường mang tên Pellerin trong suốt 60 năm (nay là đường Pasteur).

Rồi khi khánh thành ngôi trường của các Sư huynh Lasan tại Huế, Sư huynh Aglibert đáng nhớ đã muốn lấy tên Đức cha Caspar đương nhiệm đặt cho trường. Vị này mạnh mẽ phản ứng lại và gợi ý cho Sư huynh hiệu trưởng đáng kính gọi cơ sở mới thiết lập là “Trường Pellerin”, điều này đã được thực hiện.

Thay vì dời hài cốt của Đức cha Pellerin về Huế, tác giả những hàng này nghĩ rằng tốt hơn là nên làm sống lại hoặc gợi nhớ trong ký ức vị tiền phong khiêm tốn của thời kỳ anh hùng này. Hic est fratrum amator qui non cessat interpellare Deum pro nobis! (Đây là người yêu mến anh em, là đấng không ngừng cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta)

Khẩu hiệu của ngài – Grandis tibi rsstat via (1 V 19,7) (Vì đường còn dài đối với ngươi).

 

2. Cha Galy-Carles (Lý I) 

Giấy khai sinh của ngài mang tên Carles, Jean-Paul, gọi là Galy; những giấy tờ chính thức khác gọi ngài là Carles-Galy; người ta thường gọi ngài là Galy. Ngài sinh ngày 08 tháng 10 năm 1810 tại Montesquieu-Volvestre (Haute-Garonne), thụ phong linh mục trong địa phận ngày 07.12.1836 và nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại ngày 05.02.1837. Ngày 15.05.1838 ngài lên đường hướng tới Đàng Trong. Đến Pinăng, ngài được gởi đi Xiêm năm 1839. Ngay từ đầu, ngài đã khai mở như thế cho nhiều thay đổi vùng truyền giáo mà hoản cảnh sẽ bó buộc ngài trong suốt thời gian của sự nghiệp tông đồ. 

Chẳng bao lâu, ngài xin đi Đàng Trong, nhưng sau khi gặp Đức cha Retord ở Macao là vị Đại diện Tông tòa Tây Đàng Ngoài và một trong các vị thừa sai của ngài là cha L.Taillandier vừa ra khỏi tù ở Canton, ngài đã đi với các vị đó đến Đàng Ngoài, từ nơi dó ngài dự tính vào Đàng Trong. Ba tháng sau khi đến đó, vào ngày lễ Phục Sinh 15.04.1841, ngài bị bắt ở Phúc Nhạc cùng với cha Berneux. Người ta cho rằng ngài là vị thừa sai Tây ban nha Hermosilla đang bị lùng bắt. Ngài chẳng tìm cách làm cho những người bách hại khỏi lầm. Ngài bị giam ở Nam Định, và vì các quan tuyệt đối muốn nhận ra ngài là cha Hermosilla:” Này! làm người bị bắt, tôi sẽ thế chỗ của ngài trên trời!”. Ngài chịu đựng nhiều cuộc bách hại, và hai lần bị đánh roi. Được dẫn đến các nhà tù ở Huế, ngài bị kết án tử hình, nhưng hưởng án treo cùng với các cha Charrier, Berneux, Miche và Duclos. 

Sau 23 tháng bị giam cầm, ngài được thiếu tá Levin-Lévêque cứu thoát và đưa về Pháp, từ đó chẳng bao lâu sau ngài lại lên đường trở về lại. Trên đường về, khi ghé đảo Bourbon, ngài thực hiện một cuộc quyên góp để xây nhà thờ Singapore. 

Vào năm 1845, ngài đã đi trong miền truyền giáo Đông Đàng Trong và rao giảng Phúc Âm cho một vài họ đạo ở phía bắc Huế. Năm 1847, ngài ở vùng Kẻ Sen. Ngài vẫn còn ở đó vào năm 1850, lúc thiết lập địa phận Tông tòa Bắc Đàng Trong. 

Vì cuộc bách hại buộc phải trốn tránh, ngài đã đi qua miền truyền giáo Tây Đàng Ngoài. Năm 1853 hoặc 1854, ngài phải sống trong tình trạng bị truy lùng, trốn tránh trong các họ đạo nghèo khổ nhất và ít được biết đến nhất. Không tìm được chỗ ở nữa, ngài đã trú tại Hồng Kông, và cho đô đốc Rigault de Grenouilly những điều cần biết về Việt Nam. Năm 1860, ngài đến Sài Gòn và nhập vào miền truyền giáo Tây Đàng Trong. Ngài lo điều hành các vùng Hóc Môn, Tân Hưng và Bà Điểm . Ngài qua đời tại Sài Gòn ngày 15.10.1869, và được an táng tại Bà Điểm, một quận của Gia Định. 

 

3. Đức cha Sohier (Bình) 

Sohier Joseph Hyacinthe chào đời tại Désertines (Mayenne) ngày 22.09.1818. Cậu vào học tại Tiểu chủng viện Précigné (Sarthe) và Đại chủng viện Mans.  

Chịu chức phó tế, thầy gia nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại ngày 21.02.1842,  rồi thầy thụ phong linh mục ngày 21 tháng 05 sau đó và lên đường đi miền truyền giáo Đàng Trong ngày 21 tháng 12 cùng năm đó.

Vào năm 1844, cha Sohier thuộc miền truyền giáo Đông Đàng Trong và năm 1850 thuộc Bắc Đàng Trong, khi các giáo phận này được thành lập. 

Ngày 18.09.1850, Đức cha Pellerin viết một lá thư cho biết rằng số các học viên của trường mới (chủng viện Di Loan) là 50, trong đó có 9 thầy thần học. “Đứng đầu chủng viện là một vị thừa sai tuyệt vời (cha Sohier) với một linh mục mới chịu chức năm này giúp đỡ”. 

 Vào hạ tuần tháng 09 năm 1850, Đức cha Pellerin đến Bình Định gặp Đức cha Cuénot và hai vị Giám mục đã chuẩn bị chia địa phận . Mọi sự  diễn tiến xuôi chảy và đầu năm 1851, Đức cha Pellerin ra lại địa phận mới của mình (Bắc Đàng Trong). 

Số Kitô hữu Bắc Đàng Trong hồi đó  khoảng 24.000. Hàng giáo sĩ gồm hai thừa sai: cha Chính Sohier ở Di Loan và cha Galy ở Kẻ Sen; hơn 10 linh mục bản xứ mà chỉ có 6 vị được chuẩn nhận. 

Ngày 28 tháng 03 năm 1851, Tự Đức ban bố một sắc lệnh bắt đạo mới, các thừa sai bị lùng bắt. Cha Galy bị tố giác phải chạy thoát thân; nhà ngài trú tại Kẻ Sen bị đốt cháy... 

Để tránh mọi sự bất ngờ phiền toái, Đức cha Pellerin, nhân dịp năm toàn xá, đã cấp bách chọn để tấn phong một vị Giám mục phó.  Ngài đã chọn cha chính  Joseph Hyacinthe Sohier do tông sắc ngày 27.08.1850, cha Sohier đã được đặt làm giám mục Gadare và là giám mục phó của Đức Cha Pellerin. 

Lễ tấn phong  được tổ chức tại Di Loan ngày 17.08.1851. Khách mời gồm bề trên mỗi cộng đoàn dòng tu (communauté religieuse), các giáo lý viên lớn (grands catéchistes) của mỗi tỉnh, hai giáo lý viên đứng đầu của mỗi giáo xứ, cùng với nhiều giáo dân thường nhiệt thành và tận tuỵ góp phần lo cho miền truyền giáo. Mặc dầu có cuộc bách hại, nhưng những người được mời đều có mặt. Cũng thế hầu như tất cả các linh mục bản xứ đều tham dự nghi lễ. 

Vào cuối năm 1853, cha Galy đã vĩnh viễn rời Kẻ Sen để tìm một nơi trú ẩn tại Đàng Ngoài trong những giáo xứ nghèo nhất và ít được biết đến nhất. Cha Choulex đến ở với Đức cha Pellerin vào tháng 07 năm1854, nhưng ngài khó thích nghi với khí hậu. Cả hai vị lo cho một cuộc tỉnh tâm chịu chức tại Di Loan đã vội ng chạy trốn và bỏ lại tất cả. Cha Choulex trải qua 3 tháng làm mồi cho bệnh sốt, nằm trên nền đất trong một túp lều tại Bái Trời. Căn nhà ở Kẻ Sen mới được làm đã phải bị phá huỷ lại. Đức cha Sohier ở cuối vườn, gần một cộng đoàn nữ tu tại Kẻ Sen phía Bắc miền truyền giáo. 

Từ năm 1857 cho đến năm 1862 khi có hoà ước giữa Việt Nam và Pháp, ngài phải sống một cuộc đời du cư do cuộc bách hại. Qua nhiều tuần lễ, ngài phải ẩn nấp trong một thân cây giữa rừng. 

Ngày 13.09.1862, Đức cha Pellerin qua đời, ngài trở thành Đại diện Tông toà Bắc Đàng Trong. 

Năm 1863, đô đốc Bonnard và đại tá Palanca đến Huế để phê chuẩn hoà ước đã quyết định năm trước, ngài lợi dụng cơ hội này để làm cho sự hiên diện của ngài cũng như của các linh mục được chấp nhận, vì các quan chức lâu nay vẫn bắt bớ.     

Năm sau đó, ngài di Pháp để chuẩn bị lập một học viện (collège) như vua Tự Đức xem ra ao ước, nhưng các quan chức cản trở. 

Trở về lại miền truyền giáo của mình, ngài cho xây dựng gần nơi ngài ở một ngôi thánh đường được khánh thành năm 1867. 

Cha chính Dangelzer cho biết: Trong năm 1869, Đức cha Sohier đã viếng thăm mục vụ cả miền truyền giáo, có ít nữa 2 vị  thừa sai trợ giúp, cùng với các linh mục bản xứ và các thầy giáo sĩ. Các vị đi khắp cả xứ mà không bị quấy rầy. Chính các lương dân tỏ ra đầy tôn trọng và quí mến. Trong các giáo xứ, cuộc thăm viếng của Đức cha là một đại lễ. Thường người ta buộc phải giữ vừa phải nhiệt tình của các giáo dân, để khỏi gây nên sự ganh tị của các nho sĩ. Đức cha đã làm phép nhiều nhà thờ mới và ban phép Thêm Sức trong cả hành trình của ngài. 

Mục đích của cuộc hành trình là khảo hạch học thuyết kitô giáo. Đến giờ đã định, mọi người tề tựu trong thánh đường. Trên bàn thờ, đặt các thánh giá, các tượng ảnh và các bộ áo Đức Bà (scapulaires) : những phần thưởng kích thích lòng ham muốn của các thí sinh. Đức cha chủ toạ cuộc thi với sự trợ lực của cả hàng giáo sĩ. Những ai trả lời đúng tất cả các câu hỏi giáo lý và đọc thuộc các kinh nguyện  không bị trục trặc thì được nhận là”nhà thông thái”(docteurs) và số những người này khá đông. Những ai  biết ít hơn, thì ở cấp thấp hơn. Còn những ai không biết cho đủ, thì bị duổi khéo và lấy làm xấu hổ. 

Sau cuộc thi là công bố những người thắng cuộc và trao phần thưởng. Không chỉ có những người trẻ tham gia cuộc thi, nhưng cũng có những người đã lập gia đình, và cho đến các cụ đã 80 tuổi. Các người tham dự đều vui mừng hân hoan, bởi nhờ lòng nhiệt thành của các linh mục bản xứ, các tín hữu trong giáo phận đã được dạy dỗ rất đầy đủ về học thuyết Kitô giáo. 

Cha chính Dangelzer còn cho biết:

Năm 1869, số kitô hữu trong giáo phận là 24.212 người... Nhân sự của miền truyền giáo này gồm có: 1 Giám mục, 7 thừa sai người Âu. 37 linh mục bản xứ, 2 phó tế, 5 thầy chức nhỏ và 13 thầy đã chịu phép cắt tóc. Do sự giảm sút trợ cấp của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, số chủng sinh trước đây là 70, nay giảm lại còn 30, tuy nhiên đó là không kể 24 chủng sinh đang học tại học viện chung Pulo-Pinang. Các nữ tu người Việt là 360 “. 

Ngài đã tham dự Công đồng Chung Vaticanô I năm 1869-1870 và dự Hội nghị các Đại diện Tông toà để nhìn lại Qui luật chung của Hội Thừa Sai Hải Ngoại... 

Trong bản báo cáo gửi về Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris năm 1873, Đức cha Sohier cho biết: 

“Giáo phận gồm khoảng 25.187 kitô hữu trên tổng số 2 triệu dân... Các kitô hữu làm thành khoảng 112 họ đạo, trừ một vài họ đạo quá nhỏ, còn tất cả các họ đạo khác đều có một nhà nguyện ít nhiều sử dụng được. Trong toàn cả giáo phận chỉ có 5 nhà thờ khá vững chắc và khang trang để có thể cất giữ Mình Thánh Chúa. Các tân tòng nhiệt tâm thi nhau xây dựng các nhà thờ mới và chấp nhận nhiều hy sinh lớn lao để thực hiện, nhưng họ tiến hành chậm rãi vì nghèo khó. 

Chủng viện của miền truyền giáo có 33 chủng sinh, không kể 28 thầy đại chủng sinh, trong đó có 2 phó tế, 5 phụ phó tế, 4 thầy chức nhỏ và 13 thầy chịu phép cắt tóc.

Có 20 trường nam gồm 257 học sinh và hai trường nữ gồm 43 em. Hai cô nhi viện cho 272 cô nhi. Thêm vào đó có 2 tiệm thuốc và 2 trang trại. Nhân sự của miền truyền giáo gồm 1 Giám mục Đại diện Tông toà, 7 thừa sai người Âu và 37 Linh mục bản xứ, 7 cộng đoàn gồm 350 nữ tu người Việt ”. 

Rồi trong bản báo cáo năm 1874, ngài viết:

Tôi đã phong chức cho 3 tân linh mục bản xứ. Trong nhiều vùng thuộc giáo phận của tôi, các kitô hữu vẫn còn phải chịu những sách nhiễu lâu dài và dữ dằn vì Thập Điều ( 10 điều lệnh do Minh Mạng công bố và Tự Đức làm mới lại) mà họ bị ép buộc phải nghe đọc.

Vào tháng sáu, 6 chủng sinh từ Pinăng về đến Huế mang theo hộ chiếu do đô đốc Sài Gòn cấp cho. Mặc dầu vậy, hay đúng hơn là cũng vì vậy, họ đã bị bắt giữa đường và bị dẫn về kinh đô như những tù nhân, nơi đó người ta nhục mạ họ  rồi họ bị kết án  mỗi người phải lãnh 90 roi vì đã nhờ cậy sự bảo vệ của người Pháp. Chúng tôi chỉ có thể giúp các thầy đó khỏi bị ăn đòn bằng cách nộp 108 quan tiền chuộc.

Mặc dầu những sách nhiễu đó, chúng tôi cũng đã tổ chức các cuộc  tĩnh tâm cho tất cả các linh mục như thường lệ, cử hành long trọng lễ Phục Sinh,  tổ chức hoành tráng các cuộc kiệu Minh Thánh Chúa đang được cất giữ trong 8 nhà thờ.

Chuyến viếng thăm mục vụ mới đây được thực hiện trong 3 tháng. Khắp nơi tôi đều được đón tiếp với nhiều sự biểu lộ niềm hân hoan lớn lao. Chỉ có một nho sĩ trưởng làng đã nhục mạ chúng tôi mà thôi. Nhưng viên phó huyện trưởng biết được cách cư xử đó, đã hạ chức ông nầy và cho đánh đòn ngay giữa toà. Hành vi công bằng này đã an ủi nhiều các người có đạo và làm cho lương dân phải tôn trọng”.

Sự kiện đáng nhớ nhất trong giáo phận cần được nêu lên là cuộc hành trình của Đức cha Sohier đến Bắc Kỳ như là sứ giả của nhà Vua.

Bản báo cáo năm 1874 viết: 

Khi ở Huế người ta biết được quân Pháp đã chiếm Hà Nội, Vua và chính phủ hoảng hốt. Vua nhờ Đức cha Sohier và cha Chính của ngài, là những người đã bị bách hại trước đó, đi Bắc Kỳ với tư cách môi giới (intermédiaires) điều đình với ông Garnier để tránh những khốn khổ mới cho các giáo dân của mình và có lẻ cho mọi kitô hữu Việt Nam, Đức cha đã bằng lòng nhận sứ mạng khó khăn này với điều kiện nhà Vua trao toàn quyền cho các sứ giả mà Vua đã có từ lâu nay ở Sài Gòn để kết thúc (conclure) một hoà ước với nước Pháp,  đồng thời sai đi Bắc Kỳ cùng với ngài một vị quan lớn được quyền bàn với ông Garnier vấn đề giao thương (la qưestion commerciale). Vua đồng ý tất cả và các vị đi ngay . Với đầy vẻ uy nghi, Đức cha đã rời Huế  ngày 1 tháng 12 và đến Hà Nội ngày 16. 

Các biến cố diễn biến rất nhanh, kết quả chỉ đạt được bởi một phái bộ mới và sau nhiều khốn khổ lớn lao. Đức cha Sohier đã trở lại miền truyền giáo  sau đó một thời gian. Tinh trạng chung còn lâu mới bình lặng lại và các nho sĩ thoả mãn vì biết được những cuộc tàn sát ở Bắc Kỳ, rất ao ước tái diễn những điều đó tại Nam Kỳ. Tuy nhiên  từ lúc đó, trật tự đã được duy trì ”. 

Cũng vào năm 1874, ngài được truy tặng Bắc Đẩu Bội Tinh vì những việc phục vụ đất nước mình, Vua Tự Đức cũng trao tặng Huy Chương cho ngài năm 1868. 

Khi hoà ước được ký ngày 15.03.1874 chấp nhận Công giáo được tự do tại Việt Nam, Đức cha cố gắng làm sao để hoà ước này được công bố. Ngài đạt kết quả vào tháng 10 năm 1875. 

Trong bản báo cáo năm 1875, Đức cha Sohier viết: 

Năm ngoái, tôi đã thực hiện trong một phần miền truyền giáo của tôi một chuyến thăm mục vụ kéo dài 3 tháng và đã được hoàn thành rất tốt đẹp. Trong mỗi giáo hạt, tôi đã cho tổ chức các cuộc rước kiệu rất đẹp đẽ tôn vinh Mình Thánh Chúa, làm phép các nhà thờ và nghĩa trang, giảng tĩnh tâm cho các linh mục và các nữ tu, chủ toạ các buổi thi giáo lý trong mỗi giáo xứ, cử hành bí tích Thêm Sức v.v. Các nghi thức này quá quen đối với bên trời Âu, nhưng đối với chúng tôi, trong một đất nước trước đây là lò bách hại, lại là một việc mang đến tràn đầy hân hoan và thán phục...”

Về tổ chức và các công việc của miền truyền giáo, Đức cha cho biết: 

Miền truyền giáo của tôi gồm gần 3 tỉnh, đó là tỉnh Thừa Thiên  hay tỉnh của Vua, nơi có kinh đô, tỉnh Quảng Trị và hai phần ba tỉnh Quảng Bình. Một vị thừa sai trông coi một tỉnh hoặc một phần tỉnh như là linh mục tổng quản (archiprêtre).

1. Cha Pontvianne là bề trên tỉnh Quảng Bình; ngài lo việc điều hành 6 linh mục bản xứ, hai nữ tu viện và lo giám sát 4.845 giáo dân, trong đó có 741 người thuộc quyền ngài đặc biệt coi sóc.

2. Cha Pineau là bề trên hai giáo hạt rộng lớn, lo việc điều hành 8 linh mục bản xứ, một nữ tu viện lớn và giám sát 7.225 giáo dân, trong đó có 500 người thuộc quyền ngài đặc biệt coi sóc.

3. Cha Bonin là bề trên hai giáo hạt lớn, lo việc điều hành 8 linh mục bản xứ, hai nữ tu viện và giám sát 7.424 giáo dân, trong đó có 1.022 người thuộc quyền ngài đặc biệt coi sóc.

4. Cha Dangelzer dạy thần học, coi sóc một giáo xứ gồm 614 giáo dân, giải tội cho các nữ tu của hai tu viện) và các nữ tu ở cô nhi viện Kim  Long, đồng thời, bao lâu các công việc khác của  ngài không có gì trở ngại, cùng với tôi lo việc điều hành 14 linh mục bản xứ và giám sát 6.041 giáo dân trong tỉnh của Vua.

5. Cha Renauld có nhiệm vụ điều hành các trang trại của chúng tôi nơi có những cơ sở chính của Nhà Dục Anh (Sainte-Enfance) - (tôi sẽ nói đến một ít sau này).

6. Cuối cùng tôi đặt cha Mathey đứng đầu linh mục đoàn. Về phần tôi thì lo điều hành tổng quát cả miền truyền giáo, lo liên lạc bên trong và bên ngoài, lo sổ sách tính toán của sở Quản lý, vì không có sẵn một vị thừa sai nào để có thể giao phó trọng trách này, điều này càng làm cho tôi thêm rối rắm...

Trong miền truyền giáo, chúng tôi có hai trang trại cho Nhà Dục Anh , một đã được lập ra cách đây sáu năm, nay rất phát triển, còn trang trại kia lớn gấp ba lần đã được khởi công năm nay. Cho miền truyền giáo, chúng tôi còn có một trang trại khác nữa cũng đang hình thành, mặc dầu đã được khởi sự cách đây ba năm. Vì trang trại này ở chỗ rất tốt và ở đó có thể tạo ra những gì cần thiết để sinh sống, nên với sự đồng thuận của tất cả anh em, tôi đã định chuyển trụ sở của chúng tôi đến đó, xây dựng ở đó một nhà thờ đẹp đẽ và một nữ tu viện v.v.... Đó cũng có thể sẽ là một nơi tĩnh dưỡng cho miền truyền giáo của chúng tôi, một nơi tĩnh tâm cho các linh mục và nơi nương tựa cho các tân tòng dễ bị hư mất, nếu phải trở về giữa những làng lương dân ở quê của họ. Tôi đã đặt cha Renauld đứng đầu để lo các công trình hết sức quan trọng này “.

Ngày 14.01.1876, Đức cha Sohier viết:

"Ngày 24.10.1875, theo lời kêu nài lại của Công sứ Rheinart, Vua Tự Đức đã cho ra một sắc lệnh công bố điều 3 của hoà ước. Chúa nhật sau đó, ngày 31 tháng 10, tôi đã long trọng công bố sắc lệnh này trong nhà thờ Kim Long, sau thánh lễ có sự tham dự của các vị trong phái bộ ngoại giao và mọi kitô hữu trong vùng. Sau đó chúng tôi đã hết lòng hết sức cất lên bài Te Deum . Tôi cũng ra một thư luân lưu truyền hát bài ca tạ ơn Chúa tại tất cả các giáo xứ trong miền truyền giáo , sau khi đọc sắc lệnh tự do này.

Nhưng các quan chức không công bố gấp rút như tôi. Cho đến bây giờ sắc lệnh vẫn còn nằm trong hồ sơ của các vị tổng đốc và tri huyện. Người ta dễ hiểu thái độ tránh trút này của họ; quả là nhọc nhằn khi phải đốt đi những gì họ đã quí trọng và quí trọng những gì họ đã đốt đi. Tuy nhiên trong những ngày nầy người ta từ khắp nơi tin cho tôi rằng họ mời những lý trưởng đến phòng làm việc của họ để nhận các bản sao sắc lệnh. Thế là chúng tôi đã bước vào một thời kỳ mới để các kitô hữu Việt Nam đáng thương thở được thoải mái kể từ gần 50 năm qua”.

Vào tháng 06 năm 1876, dầu đuối sức, ngài vẫn muốn thực hiện một chuyến thăm Quảng Bình. Bị cơn bệnh quật ngã hai tháng sau đó tại Kẻ Sen, giáo xứ đã thường làm chỗ cho ngài trú ẩn thường xuyên và lâu dài trong những ngày xấu nhất của cuộc bách hại, ngài đã trút hơi thở cuối cùng tại đó ngày 3 tháng 9 và được chôn cất trong thánh đường. 

Cha chính Dangelzer của miền truyền giáo Bắc Đàng Trong cho hay những chi tiết sau đây về giây phút cuối cùng của Đức cố Giám mục: 

Từ hai năm nay, Đức cha  Sohier đã bị bệnh kiết lỵ thường xuyên tấn công. Tình trạng này gây cho chúng tôi phải nhiều lo âu và nhiều lần chúng tôi đã thỉnh cầu Đức Cha  tìm cách  phục hồi sức khoẻ ở nơi nào có khí  hậu ít độc hại hơn, nhưng rủi thay, chúng tôi đã không thể đạt được điều đó và chẳng bao giờ Đức Cha muốn giải quyết bằng việc rời bỏ miền truyền giáo thân yêu của Ngài.         

Vào cuối tháng 06, Đức cha đã bắt đầu cuộc thăm viếng mục vụ của ngài nơi tỉnh Quảng Bình. Nhận lời mời của Đức cha Croc, ngài đã đi đến  tận Hướng Phương để làm phép thánh đường mới của vùng này. Từ đó ngài trở lại Kẻ Sen cử hành trọng thể lễ Đức Bà Mông Triệu Thăng Thiên, nhưng mệt nhọc trong  dịp này đã gây nên một cuộc tấn công mới của cơn bệnh quái ác, cuộc tấn công này dữ dội hơn mọi lần khác.         

Bởi thế, ngày 16 tháng 08, Đức cha cảm thấy bệnh nặng nguy tử, nên bấy giờ Ngài chỉ nghĩ đến việc dọn mình chết lành mà thôi. Nghe tin đó, mợi người trong miền truyền giáo, hàng giáo sĩ và các tín hữu đều đọc kinh cầu nguyện xin cho khỏi tai hoạ đang đe doạ này. Các thừa sai và các linh mục bản xứ chạy đến vầy quanh Đức cha, các bác sĩ giỏi nhất trong vùng được mời đến, nhưng mọi sự đều vô ích. Thiên Chúa nhân lành đã muốn thưởng công cho người tôi tớ trung tín của Ngài.         

Cơn bệnh cứ tăng thêm, từ ngày này qua ngày khác Đức Cha suy yếu dần. Ngay từ những ngày đầu Đức cha đã chịu các Bí tích cuối cùng . Mọi  ân xá Giáo Hội ban cho trong giây phút cuối cùng đều đã được áp dụng cho ngài Cho đến cuối Đức Cha vẫn biết rõ mọi sự, ngài nói lên những ước muốn cuối cùng và sắp đặt mọi sự cho tang lễ của Ngài.        

Cuối cùng ngày 03 tháng 09, ít lâu sau trưa, Đức cha nhẹ nhàng trút linh hồn về với Chúa. Sự mất mát này làm cho mọi tín hữu tràn ngập âu sầu; các linh mục bản xứ khóc thương người cha tuyệt diệu nhất; các vị thừa sai càng đau đớn hơn, vì họ mất đi vừa là một người cha, vừa là một người bạn tận tuỵ nhất. Vì đặc trách các công vụ của Pháp là người đã có thể đánh giá cao tư cách hoà giải và lòng nhân lành của Đức cha cũng chia sẻ nỗi đau buồn của chúng tôi; chính các vị Thượng Thư của Vua Tự Đức cũng nói lên tâm tình phân ưu và chia sẻ niềm thương tiếc với  chúng tôi”. 

Hiền lành, khôn ngoan và hiếu hoà, ngài đã luôn cho thấy bằng chứng tinh ý và khôn khéo (tact et habileté): ngài nâng dậy được những đổ nát do cuộc bách hại gây nên, mặc dầư sự thù hằn của các quan chức , và ngài đã giúp ích  cho đất nước mình mà vẫn giữ được mối giao hảo với vua Tự Đức. Một con đường ở Sài Gòn mang tên ngài. 

Khẩu hiệu Giám mục của ngài: Pax vobis (Ga 20,19) (Bình an cho anh em). 

 

4. Cha Choulex (Trông) 

Cha Choulex, Joseph-Marie sinh tại Evian-les-Bains (Haute-Savoie) ngày 14.10.1819. Nhập địa phận Paris và thụ phong linh mục ngày 20.12.1845, ngài thi hành mục vụ trong nhiều giáo xứ ở thủ đô. 

Chính ngài là người vào năm 1852 và 1853 đã dẫn đưa một trong những hối nhân bị bệnh là bà Goldsmit đến chỗ xin được chữa lành với những vị tử đạo của chúng ta mà Án phong Chân phước đã được thụ lý năm 1840 và 1843. Bệnh nhân làm theo lời khuyên của ngài đã được nhậm lời và sự lành bệnh đó đã là một trong những phép lạ được chấp thuận và được công nhận bởi Bộ Phụng Tự để phong Chân phước cho các vị tử đạo này. 

Ngày 07.12.1853 cha Choulex nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại và ngày 17 tháng 12 tiếp đó ngài lên đường đi Bắc Đàng Trong. Cuộc bách hại đang thời kỳ rất dữ dội, ngài gặp những nguy hiểm lớn lao và chịu đựng rất nhiều gian khổ. Có một năm, vào giữa mùa mưa và đang đau ốm, trong suốt ba tháng, ngài chẳng có chiếc giường nào khác ngoài mặt đất và chẳng có nơi ở nào khác ngoài một chòi lá. Bị cơn sốt dằn vặt, ngài trở về Pháp năm 1866 và rời Hội Thừa Sai Hải Ngoại. 

Ngài làm phó xứ tại Saint-Philippe-du-Roule năm 1868, rồi phó xứ thứ hai tại Saint-Augustin năm 1872, và qua đời trong chức vụ đó, tại Evian, ngày 28,08.1882. 

 

5. Cha Paspin (An I) 

Cha Paspin, Jules-Constant chào đời ngày 11.11.1829 tại Wiseppe (Meuse). Thụ phong linh mục ngày 11.06.1854, rồi ngày 08 tháng 07 sau đó, ngài nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại và lên đường đi Bắc Đàng Trong ngày 27.06.1855, lúc đó đang bị cuộc bách hại dữ dội hoành hành. Ngài chưa có thời gian làm việc cho công cuộc tông đồ thì đã qua đời vì những lao nhọc và thiếu thốn vào ngày 18.10.1856, ở gần Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam. Ngài đã tháp tùng Đức cha Pellerin đang tìm cách trú ẩn trên các hải thuyền của Pháp. 

 

6. Cha Raynaud 

Cha Raynaud, Antoine-Marie sinh ngày 20.06.1832 tại  làng Auzolles, xã Villedieu (Cantal), thụ phong linh mục ngày 20.12.1856, nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại ngày 15.03.1857 và lên đường đi Bắc Đàng Trong ngày 07.03.1858. Ngài đã qua đời ngày 05 tháng 10 sau đó ở cửa biển Đà Nẵng, trước khi đến miền truyền giáo.

 

7. Cha Desvaux (Đề I) 

Cha Desvaux, Jean-Patrice, sinh tại Pleutihen (địa phận Saint-Brieuc) ngày 18.04.1827, theo học và thụ phong linh mục tại địa phận của ngài, nơi ngài thi hành mục vụ trong vài năm. Vào Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại ngày 14.10.1857, ngài đã lên tàu tại Bordeaux để đi Bắc Đàng Trong ngày 29.08 năm sau. 

Đức cha Puginier viết:” Đến Hồng Kông, ngài đã gặp vị Đại diện Tông tòa của ngài là Đức cha Pellerin đang bị cầm giữ xa miền truyền giáo của ngài do cuộc bách hại, và ngài cũng đã phải chia sẻ cảnh lưu đày. Thời gian thử thách này, ngài không để trôi qua ăn không ngồi rồi; ngài bắt đầu học tiếng Việt dưới sự hướng dẫn của Đức cha đáng kính. Ngài đã nhanh chóng được Đức cha đánh giá cao và trao cho tước vị và quyền hạn của một cha chính. Các cửa vào miền Đàng Trong vẫn luôn bị khép kín, cha Desvaux trong tư cách tuyên úy đi theo các đội quân Anh đang cùng quân đội Pháp hành quân tại Trung Hoa và chiếm Bắc Kinh. 

Năm 1862, một hòa ước được ký giữa nước Pháp và triều đình Huế cuối cùng mở ra các cánh cửa của miền truyền giáo cho ngài. Nơi đó, trong nhiều năm, ngài chia sẻ với Đức cha Sohier, vị kế nhiệm Đức cha Pellerin, các mối lo âu và các công việc điều hành địa phận. Năm 1866, ngài đi ra Tây Đàng Ngoài và được giao việc xây dựng một tiểu chủng viện, rồi tiếp đó điều hành một giáo hạt. Chính trong nhiệm sở này ngài đã làm việc suốt 12 năm và cái chết đã đến chấm dứt sự nghiệp của ngài. 

Vào đầu tháng 08 năm nay, cha Desvaux đã bị dịch tả, trong một họ đạo thuộc giáo hạt của ngài đang được ngài thăm viếng, và trong vài giờ, ngài kiệt lực. Ngài có thời gian để chịu các bí tích cuối cùng, và an nghỉ trong Chúa cũng vào ngày hôm đó, lúc 10 giờ tối. 

 “Cha Desvaux, Đức cha Puginier còn viết, đã tạo được một ảnh hưởng lớn trên các linh mục bản xứ, các giáo lý viên, và các giáo dân được trao cho ngài coi sóc. Nếu vóc dáng bên ngoài của ngài to lớn gây ra một sự e sợ khi tiếp xúc lần đầu với ngài, thì sự tốt lành đầy tình hiền phụ của ngài nhanh chóng chiếm mọi con tim. Người bạn đồng sự của chúng ta đã làm nhiều điều tốt đẹp trong giáo hạt của ngài và ảnh hưởng của ngài đã cho phép ngài mang lại những việc phục vụ lớn lao cho 6 họ đạo được ngài coi sóc. Ngài để lại nhiều thương tiếc cho chúng tôi là những người bạn đồng sự của ngài và cho các linh mục cũng như giáo dân  trong giáo hạt rộng lớn .” 

 

8. Cha Bernard (Thới) 

Cha Bernard, Théodore-Prosper sinh ngày 08.11.1834 trong giáo xứ Dammartin-sur-Meuse (Haute-Marne). Sau khi chịu các chức nhỏ, ngài đã nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại ngày 27.04.1857. Thụ phong linh mục ngày 18.12.1858, rồi ngày 20.02.1859 ngài lên đường đi Bắc Đàng Trong và bắt đầu các công việc. 

Khoảng cuối năm 1864, ngài ở Tòa Giám mục Huế, còn Đức cha Sohier ở Pháp; tại đó ngài bị những người lương dân tấn công , những người này được các nho sĩ thuê tiền và tìm cách giết ngài, sau khi đã đốt cháy nhà ngài ở. Ngài đối đầu cơn giông tố, ngài đã viết cho vị bộ trưởng, và do thái độ can trường của ngài, ngài đã đi đến chỗ khám phá ra âm mưu của các nho sĩ lập nên để chống lại các kitô hữu và chống lại vua Tự Đức. 

Vào năm 1866 hoặc 1867, ngài qua miền truyền giáo Tây Đàng Trong, được đặt coi sóc nhiệm sở Tân Triều trong vài tháng, rồi đi Vĩnh Long và qua đời tại Biên Hòa  ngày 18.12.1868. 

 

9. Cha Poret 

Cha Poret, Jean (1833-19…) sinh ngày 02.08.1833 tại Orglandes (Manche), thụ phong linh mục ngày 19.12.1857, nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại năm 1858 và ngày 20.02.1859 lên đường đi Bắc Đàng Trong.

Ngài rời Hội Thừa Sai Hải Ngoại  và trở về địa phận Coutances năm 1863. Bấy giờ ngài làm phó xứ ở Saussey, ở Anneville-en-Saire, ở Valcanville, ở Graignes trước khi được bổ nhiệm năm 1870 làm linh mục trrong cung ở Cauquigny và năm 1875 làm quản xứ Biniville. Vào năm 1884, ngài lui về Valognes, và làm tuyên úy nhà tù cho đến năm 1912. 

 

10. Cha Dangelzer (Đăng) 

          Đức cha Caspar, Đại diện Tông tòa Bắc Đàng Trong, đã viết ngày 14 tháng 09 vừa rồi như sau: 

Trong buổi sáng ngày 11 tháng 09, gió bắt đầu thổi mạnh, tuy nhiên không có dấu gì báo trước một cơn bão. Vào quãng trưa, cơn giông tố tăng cường độ và lúc 2 giờ trưa ùa vào với một cơn cuồng phong kinh khủng. Từ 48 năm nay các cụ già chưa bao giờ thấy một trận cuồng phong như thế. 

Cha Dangelzer cũng như tất cả chúng tôi bị cô lập trong nơi ở của mình, không thể liên lạc gì với bên ngoài. Cùng với cha phó người bản xứ, ngài tìm cách chống đỡ những phần thiếu chắc chắn trong nhà của ngài. Căn phòng của người bạn đồng sự của chúng tôi quá xang gió, ngài đã đề phòng bằng cách xa khỏi nơi đó. Nhưng có một lúc, hoặc để xem những thiệt hại do trận bão đã gây ra như thế nào, hoặc để lấy một vật dụng gì đó rất quí giá đối với ngài, ngài đã đi vào trong căn phòng. Than ôi! chưa đi được ba bước thì một bức tường không chịu được sức gió đổ xuống và cha chính thân yêu đã nằm trong đống gạch vụn. Vị linh mục bản xứ, biết được tai nạn, vội chạy đến trong căn phòng, chỉ thấy đống gạch vụn, vội vàng giải tội lòng lành cho vị thừa sai đáng kính. 

Dọn đống gạch vụn ra, người ta thấy cha Dangelzer bị thương ở đầu, nhưng còn sống; người ta khiêng ngài ra một nơi chắc chắn hơn. Xem ra ngài không quá đau nơi những vết thương. Ngài còn nói chuyện được với cha phó khá lâu làm cho người ta tưởng rằng ngài không bị vết thương gì nghiêm trọng, Nhưng sau 4 tiếng đồng hồ, đột nhiên ngài mê man, Vị linh mục bản xứ ban bí tích Xức Dầu Thánh cho ngài. Cơn hấp hối kéo dài vài phút. Những lời cuối cùng của ngài là một hành vi chịu đựng và hoàn toàn phó thác cho thánh ý Chúa. 

Đó là hy lễ Thiên Chúa đã chọn lựa trong hàng ngũ giáo sĩ”. 

Louis-Étienne Dangelzer sinh tại Obernay (Strasbourg, Bas-Rhin) ngày 25.02.1839. Ngài theo các lớp học latinh đầu tiên trong thành phố quê hương của ngài, và ý thức rất sớm về ý định dâng mình cho việc phục vụ bàn thờ. Tuổi của ngài, lớn hơn tuổi của các đồng bạn, làm cho ngài lo sợ không đạt được sớm các bậc cấp cung thánh; để khỏi bị kêu đi quân dịch, ngài đã làm việc với bao nhiêu hăng say đến nỗi trong một năm ngài đã qua các môn học của lớp đệ ngũ và đệ tứ. Như thế ngài đã có thể vào Đại chủng viện đúng thời hạn để khỏi phải lo nhập ngũ và nguy cơ mất ơn gọi.

Sau hai năm Đại chủng viện, ngài vào cơ sở rue du Bac. Ngài đã lãnh các chức nhỏ ngày 18.09.1861. Năm 1863, được quyết định cho miền truyền giáo Bắc Đàng Trong, ngài rời bỏ Alsace thân yêu và nước Pháp để lên đường theo tiếng Chúa gọi và trao hiến đời mình cho đất nước Việt Nam, ngay cả dòng máu của mình, cho dẫu ngài vẫn còn được phép hy vọng ít nữa là dâng hiến mọi năng lực tâm hồn và thân xác ngài để mở rộng nước Chúa. 40 năm hoạt động tông đồ của ngài vừa được đội triều thiên bằng hy tế cao cả đã được Chúa yêu cầu như là bảo chứng lòng phó thác quảng đại của ngài trong bàn tay Chúa Quan Phòng. Biết bao công việc đã hoàn thành trong suốt sự nghiệp lâu dài của ngài! Biết bao vinh quang ngài đã mang về cho Chúa và cho Giáo hội!. 

Những đức tính của cha Dangelzer đã làm cho ngài liên tiếp được ba vị Đại diện Tông tòa chọn làm cố vấn thân tín của giám mục và đại diện giáo quyền. Tính ngay thẳng của ngài đã làm cho ngài gặp phải những sự không bằng lòng, nhưng vẫn không lùi bước một ngày nào và cuối cùng người ta đã phải nhận ra rằng cha chính thân yêu đã thúc đẩy lòng lo ích chung vượt lên những giới hạn của bổn phận. 

Các vị tử đạo mà ngài đã làm việc để thảo ra những hồ sơ tố tụng tông đồ (procès apostoliques) sẽ đến trước mặt ngài khi ngài rời khỏi thế gian. Nhiều tâm hồn đã được ngài trợ giúp lúc vượt qua chốn lưu đày về quê hương vĩnh cửu sẽ nối hàng dài trước mặt ngài cho đến ngai danh dự được Thiên Chúa dành cho ngài. Ngài đã nhận ra họ và đã gọi chính tên họ, oves voco nominatim (Ga 10,3), như chính ngài đã làm rất tốt, khi gặp các con chiên hoặc những tín hữu quen biết. Biết bao lần ngài đã làm cho các anh em kinh ngạc, khi đặt đúng tên trên mỗi hình ảnh mang đến cho ngài ! Và tất cả những người tân tòng đều lấy làm thỏa mãn khi có chỗ trong trí nhớ của cha chính đáng kính. 

Cha Dangelzer đã vui thích học hỏi thần học và các vị linh mục bản xứ lớn tuổi biết được ngài dạy các môn luân lý rõ ràng biết bao, những môn ngài phải ôn lại, sau khi từ Pinăng trở về, để chuẩn bị các chức thánh. 

Sự đều đặn của ngài đã thành kiểu mẫu: ai cũng biết ngài chăm làm công việc gì vào giờ nào trong ngày. Người ta nói:”ngài có những tập quán rất đều đặn” (réglé comme papier de musique); và chúng tôi hy vọng rằng sự trung thành với luật lệ riêng đó sẽ còn mãi suốt đời. Nhưng, trong những ý định khôn dò của Chúa quan phòng, việc ngài đi từ thế giới này qua thế giới bân kia phải ngắn ngủi và không phải đau mòn mỏi, như xem ra ngài luôn e ngại. Ngài chỉ hấp hối trong gần một khắc đồng hồ; tuy nhiên chừng đó đủ cho ngài trao phó linh hồn trong tay Chúa với một sự phó thác của người con thảo. Chúng ta đã chẳng nghe ngài lặp đi lặp lại tiếng “fiat” khi ngài đón nhận những bí tích cuối cùng đó sao?. Chắc hẳn thật thảm thương những hoàn cảnh trong đó cha chính thân yêu đã bị cất đi trước sự quí mến của anh em và các giáo dân đã biết ngài, nhưng đời sống, sự tận tâm,và sự từ bỏ của ngài dẫn chúng ta về với tư tưởng được diễn tả trong Kinh Thánh, khi công bố thật cao quí cái chết của những ai đã được thánh hóa trên trần gian: Pretiosa in conspectu Domini mors sanctorum ejus (Tv 116,15) (Đối với Chúa thật là đắt giá cái chết của những ai trung hiếu với Người). 

Chúng tôi lấy làm hạnh phúc có thể thêm vào bản tiểu sử vắn vỏi này những chỉ dẫn sau đây do một người anh em ở địa phận Bắc Đàng Trong cung cấp. 

Cha Dangelzer là một con người học thức và làm việc nghiêm túc; môn thần học và mục vụ luôn được ngài yêu thích nhất. Ngài để phần lớn thì giờ của ngài vào các môn đó. 

Ngài học hỏi một cách liên tục và thấu đáo, dùng các tác giả được đánh giá cao nhất và đầy đủ nhất, và cũng dùng báo Ami du Clergé, không hề xua đi vì độ dài của các vấn đề được bàn đến, cũng như dầu có thích hay không. Mới đây ngài nói rằng ngài đã đọc 6 cuốn của bộ sách Palmieri từ đầu đến cuối, không bỏ qua một dòng nào. 

Sự ham thích học hỏi đó nơi ngài chẳng phải là một hướng chiều tự nhiên: ngài tự buộc mình làm thế vì lợi ích các linh hồn. Để làm việc mục vụ với nhiều hoa trái hơn. 

Việc soạn các bài giảng của ngài làm cho ngài quan tâm cũng bằng việc linh hướng cho các giáo dân. Dầu ngài đã quen việc giảng thuyết lâu rồi, và ngài nói tiếng Việt dễ dàng, không bao giờ ngài giảng mà không soạn, tôi đã thấy ngài trải qua cả tuần để xem lại điểm nào đó về giáo lý mà ngài sẽ giảng vào Chúa nhật tới. Ngài tham khảo thần học và các tác phẩm của cha Schneider, và sau đó lấy đề tài giảng làm chất liệu để suy gẫm. Thế nên các lời huấn giáo của ngài có cung giọng thuyết phục và xây dựng chỉ có được do một giáo thuyết thực sự rõ ràng và vững chắc. Mặc dầu tuổi cao, ngài giảng mọi chúa nhật, ít khi nhờ một vị khác lo phần mục vụ này. Ngay trong ngày qua đời, ngài  giảng tuần đại phúc đã khởi sự được hai ngày. 

Rất hiếu khách đối với anh em, ngài tỏ ra thích thú tiếp đón trong các cuộc thăm viếng và cứ mỗi lần như thế, ngài nhắc đi nhắc lại để người ta đến thăm ngài thường xuyên hơn. Trong những dịp này, ngài làm tất cả những gì có thể để chúng tôi thấy thoải mái và chuyện trò với chúng tôi với hết lòng chân thành. 

Vì ngài có được những tác phẩm hay, ngài lợi dụng các cuộc thăm viếng của chúng tôi để đề nghi chúng tôi đọc, nhất là nhắn nhủ chúng tôi về đời sống của các linh mục thánh, đặc biệt thánh Vinhsơn Phaolô, thánh Phanxicô Xavie, thánh Phanxicô Salêsiô. Rất thường chúng tôi nghe ngài kêu lên: ”Ôi, biết bao gương lành để bắt chước trong các đời sống của thánh Vinhsơn Phaolô và thánh Phanxicô Salêdiô!” 

Sự thành thật là một trong những khía cạnh nổi bật cá tính của ngài. Khi cần, ngài biết nói lên sự thật không sợ mất lòng. Trách nhiệm cha chính được ngài thực hiện trong 38 năm, đặt ngài vào những tình trạng tế nhị, nhưng ngài luôn thẳng thăn đi theo con đường của ngài. Đó là điều một ngày kia ngài nói với tôi:”Tôi không theo kiểu chính trị; hơn một lần người ta đã muốn tôi làm như thế khi thi hành bổn phận của mình, nhưng tôi có thể nói rằng tôi đã chẳng bao giờ quan tâm đến điều người ta sẽ nói, mà chỉ nhắm đến việc chu toàn trách nhiệm của mình”. 

Có được một trí thông minh và một óc phán đoán tốt, ngài mang lại trong việc điều hành một tính thẳng thắn và một phán đoán chắc chắn cho thấy ngài là một vị bề trên; thế nên ngài đã được quý chuộng trong mọi nhiệm sở ngài phụ trách. 

Ngài chuyên cần ngồi tòa cáo giải, thích dạy các trẻ chuẩn bị Rước Lễ lần đầu và làm mọi sự có thể được để bảo đảm cho chúng bền tâm. Với chủ đích này, ngài tụ họp chúng hàng tháng và sau khi đã dạy chúng chuẩn bị xưng tội, ngài để chúng tự xét mình. 

Bác ái đối với mọi người, và quan tâm thật nhiều đến những  người đau yếu, ngài ít khi rời khỏi nơi ở của mình để như ngài nói, sẵn sàng đi đến nơi nào bổn phận kêu mời ngài. 

Dưới vẻ bên ngoài hơi nghiêm, ngài giấu ẩn một con tim nhạy cảm với bất luận trường hợp quý mến nhỏ nhặt nào, và ngài có tâm tình biết ơn  cao độ. 

Nếu loại trừ những năm đầu tiên trong sứ mạng và thời kỳ bắt đạo 1885, cha Dangelzer sống một cuộc sống luôn luôn rất bình lặng: đàng khác ngài là một người có máu lạnh và kể lại không chút cảm xúc các cuộc mạo hiểm của ngài trong cuộc nổi dậy 1885. Ngài chỉ có thời gian trú ẩn ở chủng viện An Ninh với những giáo dân để tránh sự hung dữ của lương dân. Ngài nói:”Nhà của tôi vừa xong; tôi ở đó mới ba ngày thôi. Tôi đã phải rời bỏ nó. Nó bị để mặc cho cướp bóc và đốt cháy. Thế là tôi mất đi tủ sách  và tất cả những gì tôi có. Giữa những tử thi của các giáo dân, người ta tìm thấy một người vóc dạng to lớn; các lương dân đã reo hò tưởng rằng tôi đã chết, nhưng họ chợt nhận ra ngay đó là xác một người ở Di Loan, cũng rất to lớn, Tôi quyết định không rời bỏ các kitô hữu đáng thương của tôi, và chết với họ nếu phải chết: Chúa nhân lành đã không muốn tôi như thế”.

(Còn tiếp...)