Tư liệu:

Tư liệu về 10 Vị Thừa Sai MEP đã phục vụ tại Giáo phận Huế - Phần 2


WTGP Huế sẽ lần lượt giới thiệu mỗi kỳ 10 Vị Thừa Sai MEP đã phục vụ tại Giáo phận Huế (1850 - 1975)

Tài liệu do Linh mục Stanislaô Nguyễn Đức Vệ chuyển dịch từ các tư liệu do ARCHIVES MEP cung cấp. 

11. Đức cha Pontvianne (Phong)

Đức cha Martin-Jean Pontvianne sinh tại Issengeaux (địa phận du Puy) ngày 01.03.1839 trong một gia đình tộc trưởng duy trì những truyền thống đức tin và tận tụy của thời xa xưa (một người em của vị quá cố đáng kính thuộc Hội Thừa Sai Hải Ngoại và làm việc ở miền đông Su-tchuen; hai người khác đã mặc áo Dòng Phanxicô tại tu viện Phanxicô Tuân Thủ sơ khởi, một người thứ tư hiện đang ở Đại chủng viện du Puy, và người thứ năm đang ở với người mẹ đạo đức, để an ủi tuổi già và bắt chước các nhân đức của bà). Chính nhờ ở bên cha mẹ mà ngài học yêu mến và thực hành nhân đức. Nhà cha mẹ ngài rộng mở cho mọi người thiếu may mắn, người thiếu thốn có chỗ trong tổ ấm nhà ngài và các trẻ quen xem ngài như một người anh. Được đào luyện trong mái trường của lòng tận tâm này, vị Giám mục tương lai ôm ấp ước mong hiến thân phục vụ Chúa và tha nhân, và ngài muốn sứ vụ này được thể hiện một cách anh hùng nhất. 

Sau khi đã hoàn tất việc học tại Tiểu chủng viện Monistrol, ngài báo cho người mẹ đạo đức của ngài ý định làm nhà thừa sai. Mẹ ngài để lặng đi bản tính tự nhiên và chỉ nghe những gợi ý của đức tin. Bà là người đầu tiên khích lệ và chúc lành cho ý định của con mình. Đến Paris ngày 23.10.1860, Pontvianne học tất cả các môn thần học tại Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại, Thụ phong linh mục ngày 30.05.1863 và ngày 06.07 sau đó ngài lên đường đi Bắc Đàng Trong. 

Đến Huế, vị tân thừa sai được trao cho việc quản trị một giáo hạt quan trọng và ngài chăm lo cho đến ngày được nâng lên hàng Giám mục. Ngay khi khởi đầu sự nghiệp, ngài đã biết nhờ tính hòa nhã và lòng tốt của mình chiếm được sự quý mến của các bề trên và cảm tình của các anh em. Quá sức nghiêm khắc đối với chính mình, ngài lại có đối với các bạn đồng liêu và tất cả những ai vây quanh ngài những sự quan tâm và một sự hòa đồng chinh phục mọi con tim. Những vị thừa sai trẻ tiếp nối thục tập đời sống tông đồ bên cạnh ngài đã giữ lại kỷ niệm về sự dịu hiền và lòng bác ái của ngài. 

Lòng bác ái đó đã được ngài đẩy đến mức tối đa khi giúp đỡ những người nghèo; chính ngài sống nghèo, thường ngày tự bớt đi những gì cần thiết để có thể an ủi một người bất hạnh nào đó. Khi tiếp đón trong nhà ngài một người ăn xin nghèo khổ, ngài chăm sóc lâu giờ với sự dịu hiền của một người mẹ; và khi người được chăm sóc đó chết, chính ngài lo việc chôn cất chứ không để cho người khác. Sự khắc khổ của ngài thường vượt quá giới hạn. Với một lòng nhiệt thành hăng say và thể chất cường tráng, ngài không hề mệt nhọc trong việc thi hành mục vụ. Giáo hạt của ngài bị một cuộc bách hại mới đây tàn phá dữ dội trong nhiều năm, đã được ngài lo lắng tổ chức lại hoàn toàn. Ngài chăm lo đặc biệt cho cô nhi viện do cha Desvaux thành lập, cơ cở này đã trở nên rất quan trọng dưới sự dìu dắt của ngài. 

Sau khi Đức cha Sohier mất, cha Pontvianne được chỉ định kế nhiệm. Ngài được Đức cha Croc tấn phong tại Huế ngày 12.05.1878.

Cha Dangelzer viết cho chúng tôi: "Vừa tròn một năm Đức cha de Botra nhận chức Giám mục, giữa đông đảo dân chúng đầy hứng khởi; mọi người lặp đi lặp lại lời tung hô cho triều đại Giám mục của ngài: Ad multos annos. Than ôi! Niềm vui của chúng tôi không tồn tại được lâu dài mà không pha lẫn ái ngại. Đức cha đã không còn sức khỏe vạm vỡ không sợ đương đầu với những nhọc mệt, với bất kỳ công việc nào nữa. Mà từ vài năm nay rồi, ngài đã cảm thấy khó chịu trong người thường xuyên; nhưng lúc đó chúng tôi chưa nghĩ đến vấn đề gì nặng nề. Sau cuộc tấn phong, Đức cha bắt tay vào công việc cách hăng say, và khởi sự thăm viếng địa phận, giải tội, giảng dạy, đổ sức ra khắp nơi. Sức khỏe đã bị bất ổn của ngài không thể chịu được bao nhiêu nhọc nhằn, và người ta đã phải đưa ngài đang xuống sức về lại kinh đô. Các bác sĩ người Việt cho rằng tình trạng bệnh của ngài là vô vọng. Vị bác sĩ phái bộ Pháp đã chăm sóc cho ngài, nhờ đó Đức cha lấy lại đôi chút sức lực. Người ta đã có đôi chút hy vọng, nhưng điều này không kéo dài lâu và theo lệnh bác sĩ, bệnh nhân phải rời miền truyền giáo. Ngài lên đường đi Sài Gòn với niềm xác tín rằng sẽ nhanh chóng hồi phục sức khỏe và chẳng bao lâu sẽ trở lại trong miền truyền giáo thân yêu của mình. 

Thiên Chúa đã quyết định cách khác! Từ Sài Gòn Đức cha Pontvianne đã được đưa đến Hồng Kông. Nhưng ở đó, cũng như các nơi khác, tất cả mọi chăm sóc người ta hết sức lo cho ngài vẫn không kết quả. Cha Patriat cho chúng tôi biết những chi tiết sau đây về giờ sau hết của vị Giám mục quá cố: "Đức cha Pontvianne vừa rời chúng ta. Đó là ngày 30.07, vào lúc 3 giờ 15 phút sáng, linh hồn tốt lành của ngài đã rời thân xác hay chết để đi về nơi vĩnh phúc. Cái chết cũng như cuộc sống của ngài là của một vị thánh: luôn đơn sơ, khiêm tốn, đạo đức và khắc khổ, ngài đã duy trì cho đến hơi thở cuối cùng một sự bình lặng hoản hảo. Đã từ lâu ngài chỉ còn mong ước quê trời. Một ngày kia người anh em giúp bên cạnh ngài hỏi ngài ao ước gì; ngài đã trả lời:” Tôi chỉ ao ước cõi thiên đàng”.

Đức cha Pontvianne đã sắp đặt các việc của ngài cách bình thản. Ngài đã dạy viết thư cho Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo để báo tin cho biết ngài sắp chết và bảo đảm sự vâng phục cũng như lòng thảo hiếu tận tụy của ngài cho đến hơi thở cuối cùng.”

Lễ an táng Đúc cha Pontvianne đã được cử hành ngày hôm sau 31.07. Thánh lễ do Đức cha Raimondi, Đại diện Tông tòa Hồng Kông chủ sự. Tất cả hàng giáo sĩ trên đảo và đông đảo người tham dự, trong đó người ta thấy có các vị đại sứ Pháp, Bồ Đào Nha, Brasil và nhiều nhân vật quan trọng thấy mình có bổn phận phải bày tỏ tâm tình kính trọng và quý mến đối với vị Giám chức quá cố.

Đức cha Pontvianne tạ thế lúc mới 40 tuổi đời, làm Giám mục Bắc Đàng Trong 14 tháng. An táng trong nghĩa trang Bêtania ở Hồng Kông.

Khẩu hiệu Giám mục của ngài: Quasi via transeuntibus (Is 51,23) (Làm đường đi cho kẻ qua người lại) 

12. Cha Cros (Lầu) 

Cha Cros, Claude-Victor sinh ngày 21.07.1840 tại thôn Fressonnet, xã Saint-Maurice-en-Gourgois (Loire), học tiểu chủng viện Saint-Jodard . Sau khi chịu phép Cắt tóc ngài nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại ngày 17.10.1863. Làm linh mục ngày 23.12.1865, ngài lên đường đi Bắc Đàng trong ngày 14.02.1866.  

Ngài làm giáo sư Tiểu chủng viện An Ninh và mất ngày 04.12.1870 tại Thanh Hương khi trên đường vào Huế; ngài đã được chôn cất trong nhà thờ Kim Long. 

13. Cha Maybon (Mai) 

Cha Maybon, Jean-Baptiste, sinh ngày 20.03.1843 trong xã Verdun-sur-Garonne (Tarn-et-Garonne), chịu phép Cắt tóc tại Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại ngày 05.04.1864, làm linh mục ngày 26.05.1866, rồi ngày 15.07 sau đó, ngài lên đường đi miền truyền giáo Bắc Đàng Trong. 

Vừa mới tới, ngài đã ngã bệnh, trở lại Pháp năm 1868, rời bỏ Hội Thừa Sai Hải Ngoại, và qua đời tại Montauban (Tarn-et-Garonne) ngày 11.03.1871. 

14. Cha Claude Bonin (Ninh) 

Cha Claude Bonin sinh ngày 28.09.1839 tại St.Didier-en-Bresse, địa phận Autun, tỉnh Saône-et-Loire. Ngài thuộc một gia đình có 14 người con. Ngài khởi sự các môn học của giáo hội và chịu phép Cắt tóc ngày 30.05.1863. 

Ngày 25.09.1864, ngài nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại. Chịu các chức nhỏ ngày 10.06.1865, chức Năm ngày 23.09.1865, chức Sáu ngày 26.05.1866, thụ phong linh mục ngày 20.12.1866, nhận bài sai đi địa phận Tông tòa Bắc Đàng Trong (Huế), và lên đường ngày 15.03.1867. 

Đến Huế ngày 02.07.1867, ngài trải qua 2 tháng ở Tòa Giám mục Kim Long, rồi đi Sáo Bùn làm phó cha Pontvianne trong 2 năm. Vào năm 1870, ngài được bổ

nhiệm về Tiểu chủng viện An Ninh. Ngài đã làm bề trên Tiểu chủng viện đồng thời giữ chức hạt trưởng Đất Đỏ. Tại chủng viện, ngài xây hai nhà ngũ mới, một phòng học lớn, một nhà cơm. Trong 5 năm ở đó, ngài là cha giải tội bất thường của các tu viện Di Loan, Nhu Lý, Bố Liêu, thăm viếng các tu viện đó cứ mỗi ba tháng. 

Tháng 07.1875, ngài làm cha sở Bố Liêu trong vòng 2 năm. Ngài có các cha phó tiếp nhau giúp ngài là cha Girard và cha Julien. Năm 1877, ngài lo giáo xứ Kẻ Bàng. Ngài vẫn ở đó vào năm 1885 trong cuộc bách hại Văn Thân. Mùa xuân năm 1886 cha Héry kiệt sức đã rời họ Sáo Bùn để đi đến dưỡng đường Bêtania ở Hồng Kông. Cha Bonin thế ngài trong nhiệm sở này. 

Hồi đó Sáo Bùn có đến 300 nhà hoàn toàn công giáo, với khoảng 1.200 giáo dân. Ngày 24.06.1886, mười ngày sau khi dọn đến Sáo Bùn, quân Văn Thân đã đốt cháy tất cả các nhà tranh và giết chết 52 giáo dân. Cha Bonin đã chạy thoát bằng thuyền với các giáo dân khác. Ngài mất hết đồ đạc và trú tại thành Đồng Hới. Ngày 05.08.1886 đến lượt thành Đồng Hới bị tấn công và 3 giáo dân phải chết. Vào cuối năm 1886 cha Bonin sắp đặt cho các giáo dân của ngài và những người lánh nạn chung quanh đến ở Tam Tòa. Sáo Bùn đã bị bỏ đi hoàn toàn. Cha Bonin ở Tam Tòa làm cha sở và hạt trưởng Quảng Bình, cho đến tháng 10.1895. Ngài có các cha phó liên tiếp giúp ngài là cha Laffitte và cha Max de Pirey. 

Tháng 10.1895, ngài được bổ nhiệm làm cha sở Cổ Vưu và là hạt trưởng; như những vị tiền nhiệm, ngài chạy vạy lo cho họ đạo nhỏ La Vang có được một nhà nguyện rộng rãi hơn và đẹp hơn. Kiệt sức do bệnh kiết lỵ, ngài phải đi sang dưỡng đường ở Hồng Kông, và từ đó đi Pháp, để giáo xứ lại cho cha Chabanon và cha Học. Khi trở về, ngài lại điều hành giáo xứ Cổ Vưu và đều đều đi thăm viếng các họ đạo trong giáo hạt của ngài. Các cha Girard, Serraz và Delvaux là các cha phó của ngài. 

Năm 1900, ngài cổ võ cha Guichard xây dựng nhà thờ Thạch Hãn và lăng mộ các Thánh Phanxicô Jaccard (Phan) và Tôma Trần Văn Thiện chủng sinh. Nhà thờ hoàn thành, vào năm 1901, ngài mở một trường học với số học sinh chẳng bao lâu vượt quá một trăm. Mỗi ngày cha Bonin đi từ Cổ Vưu đến trường Thạch Hãn. Hai giáo viên và một giáo sư chữ Hán trợ lực và cha Delvaux phụ trách lớp nhất. 

Tháng 03.1904, nhà ngài ở Thạch Hãn hoàn thành, cha Bonin đến ở đó làm cha sở của giáo xứ này, và ở lại đây 17 năm. Ngài mở mang trường học; mỗi chúa nhật, lúc 11 giờ, ngài dạy giáo lý tại nhà thờ cho những người lớn tham dự đông đúc và đều đặn. Vào tháng 03.1905, ngài đi Hồng Kông sáu tháng; năm 1906, ngài đi đến Ấn Độ và trở về lại năm sau. Năm 1917, ngài còn có một kỳ nghỉ tại Hồng Kông. 

Năm 1921, ngài đã rời Thạch Hãn để đi Dương Sơn, nơi cha Hilaire ở, rồi năm 1922, ngài lui về Tiểu chủng viện An Ninh. Ngài đã tham dự cuộc cấm phòng năm của các thừa sai tại Phú Xuân từ ngày 10-16.01.1923, nhưng vì mệt ngài không thể trở lại An Ninh. Sau khi chịu bí tích Xức Dầu Thánh, trong chiều ngày 23.01.1923, sức khỏe ngài khá hơn một thời gian. 

Là niên trưởng của Hội Thừa Sai, trong đêm 15 rạng ngày 16.02.1925, ngài nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng tại Tiểu chủng viện An Ninh, Đức cha Allys chủ sự lễ an táng, Ngài an nghỉ trong nghĩa trang nhỏ của Tiểu chủng viện An Ninh. 

15. Cha Renauld (Đồng) 

Sinh tại Andermy ngày 01.05.1839 trong một gia đình rất danh giá và công giáo sâu đậm, Jean-Nicolas Renauld học văn học cổ điển tại học viện giáo sĩ Sierk, nơi đó các thành quả văn chương, tài năng hội họa cũng như lòng đạo và sự vui tính của ngài nhanh chóng chinh phục được lòng quí trọng và tâm tình yêu mến của mọi người, cả thầy giáo lẫn học sinh. Sau 5 năm ở Đại chủng viện Metz, ngài thụ phong linh mục ở Rôma nơi ngài đã đến học bổ túc thần học. Giáo xứ Dornot gần Metz là nơi ngài khởi sự làm việc mục vụ; ngài chỉ ở đó một năm: tâm hồn tông đồ của ngài cần một cuộc sống đòi hỏi nhiều hy sinh hơn Một bệnh cổ họng suýt gây phương hại thành quả mục vụ của ngài, có lẽ cả đến việc buộc vị linh mục trẻ phải ngồi không, nhưng đây lại là một cơ hội để ngài có một quyết định anh hùng: ngài khấn làm thừa sai, nếu Chúa ban lại sức khỏe cho ngài. Ngài được nhậm lời và đã giữ lời. Sau những cuộc giã biệt xé lòng, ngài rời xa gia đình để đến sống một năm tại Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris và ngày 26.11.1867, ngài lên tàu đi Bắc Đàng Trong. 

Đó là thời kỳ vua Việt Nam là Tự Đức muốn thành lập tại Huế một trường cao học, nên đã xin Đức cha Gauthier, Đại diện Tông tòa Nam Đàng Ngoài đi Pháp chiêu mộ các kiến trúc sư và kỹ sư để phục vụ đất nước và dạy trong trường đó. Cha Renauld đã theo học những môn đặc biệt tại Paris; đàng khác kiến thức của ngài thích hợp để chu toàn một công việc như thế. Ngài đi Huế cùng với Đức cha Gauthier, cha Montrouziès và một bác sĩ y khoa. Nhưng khi các vị giáo sư đến với những dụng cụ và sách vở cần thiết cho việc thiết lập ngôi trường đã dự phóng, các nho sĩ đầy thù hằn và ganh tị liền ngăn cản việc thi hành ý định đã được vua Tự Đức ấp ủ. 

Cha Renauld không hề hối tiếc về điều đó: việc mục vụ lo các linh hồn lôi cuốn ngài cách bất khả kháng. Ngài thiết lập cách xa Huế một quãng và điều hành trong nhiều năm ngôi trường-trang trại (ferme-école) Viện Dục Anh, nơi đó ngài giáo dục những tập quán đời sống kitô hữu cho biết bao cô nhi khổ cực; là kỹ sư, chính ngài đã vẽ tất cả các sơ đồ và điều hành việc xây dựng các tòa nhà của trang trại này. 

Sau khi quân Pháp chiếm Huế, ngài trở thành vị tuyên úy quân đội của đoàn quân viễn chinh. Việc ngài thông thạo tiếng bản xứ, uy thế ngài có được trong xứ sở này làm cho ngài được đề cử làm thông ngôn trong các cuộc thương thảo chuẩn bị hòa ước. 

Trong tư cách đó, ngài đã thực hiện những việc phục vụ tuyệt hảo cho đô đốc Courbet là người rất quí trọng và yêu mến ngài. Một ngày kia, khi tham dự hội đồng, ngài để ý một viên thuyền trưởng mang cái tên gợi lên cho ngài những kỷ niệm xa xưa của thời thơ ấu: đó là đại úy Maigret, bây giờ đã là phó đô đốc, là người đã thường xuyên lui tới lâu đài Malavillers. Trực thuộc Andermy là cái nôi của gia đình ngài. 

Hai người đồng hương nhận ra nhau và ôm chầm lấy nhau trong nước mắt. Đô đốc Courbet cảm động dừng hội nghị một lúc để cho phép hai người Lorraine nói chuyện với nhau lâu hơn về nơi sinh trưởng. Thật là một niềm vui dịu dàng cho con tim của vị thừa sai đáng thương. 

Lòng tận tâm đối với quê hương suýt trở thành một điều bất hạnh cho ngài. Trong cuộc chiếm đóng, những biện pháp an ninh rất nghiêm nhặt được quyền hành quân sự thực hiện để ngăn cấm người ta tới gần thành. Cha Renauld không biết lệnh cấm đó hoặc nghĩ rằng mình không phải giữ luật đó vì ngài có nhiệm vụ thông dịch, nên một ngày kia ngài chèo thuyền trên con sông bao quanh tường thành; lính canh Pháp nổ súng và viên đạn xuyên qua đôi má của ngài. May thay vết thương không nặng, và ít lâu sau lành lặn, nhờ những chăm sóc tận tình của một người đồng hương xứ Metz, bác sĩ trưởng Mangin. 

Uyên bác, lịch sự, dễ thương, đạo đức, ngài có tất cả để chinh phục các tâm hồn, và nhiều sĩ quan vẫn giữ những mối giao hảo đối với ngài chứng tỏ ngài được mọi người rất quí trọng. 

Sau đó cha Renauld được bổ nhiệm làm bề trên Đại chủng viện Huế; chính đó là nơi ngài đã tận dụng sức lực cho nghiệp vụ tông đồ, hết mình phục vụ các người trẻ được giao phó cho ngài, bằng những kho tàng khôn ngoan và kinh nghiệm có được suốt một cuộc đời thật phong phú kèm theo những thử thách. Đã 3 năm, chính quyền Pháp tưởng thưởng các việc phục vụ quê hương của vị thừa sai bằng huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh; sự khiêm tốn của ngài thật lớn lao đến nỗi khi nhận được phong bì báo tin huy chương này, ngài đã chẳng nói một lời với hai cha đi theo và ngài cấm gia đình không được loan truyền tin đó tại Andermy.   

Vị thừa sai già đi nhanh chóng; vị linh mục tốt lành kiệt sức, bị thiếu huyết (anémié); khoảng cuối tháng hai vừa rồi, ngài đi Hồng Kông với hy vọng một khí hậu mát mẻ hơn sẽ phục hồi sức khỏe đang bị nguy hiểm nặng nề cho ngài. Dọc đường ngài xuống sức và buộc phải dừng lại Đà Nẵng, tại đó ngài vừa qua đời vì suy yếu dần, có hai người anh em trợ giúp.  

Những hàng trên đây phần lớn rút ra từ bản tiểu sử được cha Lacombe, giáo sư học viện Saint-Fourier ở Lunéville đăng trong Semaine religieuse của địa phận Nancy. Chúng tôi nghĩ phải thêm các chi tiét sau đây được cha Izarn cung cấp, ngài là người đã kế nhiệm cho Renauld quá cố làm bề trên Đại chủng viện Huế. 

“Chính vào ngày thứ sáu 11 tháng ba, là ngày Giáo Hội mừng lễ kính Tấm Khăn Liệm, cha Renauld đã tắt thở nhẹ nhàng, không dằn vặt như một cây đèn hết dầu. Ngài đã làm việc 31 năm trong miền truyền giáo, mà 15 năm trong tư cách bề trên Đại chủng viện. 

Gương mặt của người anh em này quả là một gương mặt thật độc dáo. Vóc dáng cao lớn, các đường nét lộ rõ, đôi mắt nhanh nhẹn và sâu, trán rộng, vòng tóc trang điểm đầu sói và bộ râu trắng đẹp đẽ làm cho ngài mang vẻ oai phong của một trong những gương mặt thầy dòng hay giám mục thời trung cổ, được các bậc tổ tiên đã vẽ rất rõ nét trên khung cửa kính màu của các nhà thờ chính tòa. 

Tôi sẽ không đi đến chỗ nói rằng cha Renauld là một thượng quan; các thượng quan hiếm lắm. Cha Renauld là một người có tầm hiểu biết rộng lớn và tốt đẹp, kèm với một sự khiêm tốn làm nổi bật đặc biệt các điều đó. Các người anh em gần gũi ngài đôi khi bị cám dỗ cho rằng sự khiêm tốn đó là quá đáng. Quả thực, nó làm tê liệt hành động bên ngoài của ngài và nếu cha Renauld là người liên kết một cách tinh vi các tài năng rất đa dạng đã không tung mở trọn vẹn theo đúng mức độ, chính là vì không thể chịu đựng được sự tầm thường và ngờ vực cách không đáng về sức lực của ngài, để chu toàn những công trình đã hoàn thành với những phương tiện hèn kém có được trong miền truyền giáo. Ngài thích cứ ở trong vai trò khiêm tốn của mình và làm việc với hết năng lực tâm hồn cho việc thánh hóa và công trình chủ yếu đã được trao phó cho ngài: đó là đào luyện hàng giáo sĩ bản xứ. 

Nhưng công cuộc này cũng vậy, ngài đã yêu quí biết bao! Không phải ngài cần phải nhớ lề luật của Hội Thừa Sai thân yêu của chúng ta buộc chúng ta phải đặt hàng giáo sĩ bản xứ lên hàng đầu trong các lo lắng của chúng ta, Impendam et super impendar ipse pro animabus vestris (2 Cor 12,15) (Tôi tiêu phí tiền của, và tiêu phí cả sức lực lẫn con người của tôi vì linh hồn anh em), ngài có thể nói như thế cho các chủng sinh mỗi ngày và mọi lúc. Nhưng đáp lại, ngài muốn các học trò của ngài và nhất là những người được ngài hướng dẫn đặc biệt, có được một ý niệm lớn lao, rất lớn lao về sự cao cả của ơn gọi. Một đàng chính ngài bị xúc động trước sự cao cả của chức linh mục và những trách nhiệm khủng khiếp kèm theo, đàng khác, nghiêm khắc với chính mình, một nhân đức khắc khổ và một sự đều đặn lớn lao trong cuộc sống, ngài không để dàng bằng lòng mở toang các cánh cửa của cung thánh. Có nên phàn nàn về điều đó không? Có được phép nghĩ rằng có lẽ ngài đã giữ các cửa đó hơi bị khép kín? Điều chắc chắn, đó là cùng với tuổi tác và dày kinh nghiệm, ngài đã sửa đổi cách nhìn. Nếu trong những năm đầu làm bề trên Đại chủng viện, quyền uy có lẽ là hiền phụ, nhưng kiên vững đến không xiêu lòng, mang lại cho diện mạo tinh thần của cha Renauld một cái gì đó hơi cứng rắn, thì trong những năm cuối, tất cả những sự dồi dào của con tim ngài xuất hiện như giữa ban ngày và chính với lòng dịu hiền của một người mẹ, ngài đã hướng dẫn bước vào con đường trọn lành những người trai trẻ với con tim hay thay đổi, nhưng đầy thiện chí để họ trở thành những phụ tá rất quý báu cho miền truyền giáo. Biết bao linh mục đã trải qua dưới những cánh tay mạnh mẽ của ngài, giỏi vận dụng cây búa và cái kéo để làm cho các tâm hồn kitô hữu nên những viên đá được tuyển chọn cho Giêrusalem trên trời? Tôi không biết điều đó và đàng khác cũng không quan trọng. Ngài đã làm việc như một tay thợ lành nghề trên những chất liệu đã dọn sẵn với lòng hết sức chăm lo ở Tiểu chủng viện, nhưng vẫn còn chưa thành hình dạng. Và nếu sự khiêm tốn của ngài không ngăn cản, ngài đã có thể nói khi qua đời, xét đến các hoàn cảnh và các khó khăn đã vượt thắng: exegi monumentum (Horace, Odé, Livrre III, 30) (tôi đã hoàn thành một công trình bất hủ)”. 

Cha Lacombe viết vào cuối bản tiểu sử: ”Tin về cái chết của cha Renauld đã gây ra ở Andermy và Malavillers niềm xúc động sâu xa. Nhiều người đã biết ngài hồi còn là linh mục trẻ và đã ghi nhớ về ngài kỷ niệm đầy cảm xúc và tôn kính; ngày ngài dâng lễ lần đầu tiên trong nhà thờ giáo xứ nhà, ngài xuất hiện tỏa sáng, đầy xúc động bởi hồng ân Thiên Chúa đã ban cho ngài, đến nỗi những giáo dân trong xứ đã được đánh động thật nhiều và hôm nay họ vẫn nhắc đến kỷ niệm đầy xúc động đó. 

Ngày thứ năm 21.04.1898, cha xứ Andermy, với nhiều anh em vây quanh, đã dâng một thánh lễ long trọng cầu cho linh hồn người quá cố khả kính được an nghỉ. Để nhắc lại cho các người đồng hương hai mối nhiệt tình lớn lao phủ đầy con tim không chia sẻ của vị tông đồ, quốc kỳ nước Pháp xếp li phủ trên nấm mộ bên cạnh áo các phép và dây stola; thập tự của Bảo Quốc huân chương nằm trên những tấm màn tang, trên đó có nhiều huy chương Hoàng Đế Việt Nam đã tưởng thưởng cho ngài.” 

16. Cha Montrouziès  

Cha Montrouziès mất ngày 22.09.1878, vào lúc 51 tuổi. Đức cha Croc đã viết:” Cha Montrouziès thân yêu đã trút hơi thở cuối cùng. Chết vào ngày lễ kính Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ, để rồi được an táng ngày lễ Đức Mẹ ban ơn, đó là phần thưởng cho người anh em đạo đức và dể mến do lòng sùng kính Đức Trinh Nữ của ngài”. 

Cha Jean-Pierre-David Montrouziès sinh tại Réalmont (địa phận Albi) ngày 26.01.1828. Ngài thụ phong linh mục ngày 20.12.1851. Sau khi trải qua khoảng 12 năm tại Paris trong trường tư, ngài nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại ngày 01.05.1867. 

Vào thời kỳ đó Đức cha Gauthier, Đại diện Tông tòa Nam Đàng Ngoài đến Pháp. Được vua Tự Đức trao nhiệm vụ thiết lập tại Huế một học viện cao học, ngài đi tìm nhân sự và chất liệu cần thiết cho một công trình mà thành quả có thể mang lại ảnh hưởng thật lớn lao cho tương lai của đạo Công giáo trong đất nước Việt Nam. Đức cha Gauthier gặp được nơi chính phủ Pháp chỗ dựa rất tốt; ngài đã nhận được ngay cả những sự trợ giúp làm cho nhiệm vụ của ngài được dễ dàng và ngài có thể lên tàu tại Marseille ngày 25.11.1867. Cha Montrouziès là một trong hai vị thừa sai được Đức cha Gauthier đem theo để lo việc thiết lập học viện Việt Nam đó. 

Các vị thừa sai đến Huế vào những ngày cuối tháng hai năm 1868; nhưng việc xây dựng trường mà cá nhân nhà vua ủng hộ, lại bị gây khó khăn, và cuối cùng bị ngăn cản bởi ý xấu của các quan cận thần. Một vị quan lớn đã chính thức thông báo cho các giáo sư rằng”chính quyền không thể sử dụng các việc phục vụ của họ, họ có thể tự do ra đi”, Một vị bác sĩ đi theo các thừa sai đã trở về Pháp. Các cha Montrouziès và Renauld ở lại Huế, tùy sự sắp xếp của Đức cha Sohier, Đại diện Tông tòa Bắc Đàng Trong. 

Trong khi chờ đợi hoàn cảnh thuận lợi hơn, cha Montrouziès được trao nhiệm vụ dạy cho một vài thanh niên công giáo tiếng Pháp và khoa học, nhưng ngôi trường đơn sơ nhỏ bé đó lại gây khó chịu cho một vài quan lớn và tháng 08.1871, cha Montrouziès lại phải đến với Đức cha Gauthier ở Nam Đàng Ngoài, miền truyền giáo đã được định cho ngài lúc ban đầu. 

Năm 1874, lúc cuộc bách hại ở Nam Đàng Ngoài đã tàn phá hơn 200 họ đạo và sát hại gần 2.000 giáo dân, Đức cha Croc, phó của Đức cha Gauthier, đã sai các cha Montroziès và Michaud đi Sài Gòn để cho nhà chức trách Pháp biết tình trạng đó. Vào tháng 03.1875, ít lâu sau khi trở lại Đàng Ngoài, cha Montrouziès , do tình trạng sức khỏe xấu đi, buộc phải trở về Pháp. 

Ngài lưu lại đó chỉ vài tháng. Ngài dùng một phần thời gian nghỉ ngơi này để vẻ lại bản đồ chi tiết miền Nam Đàng Ngoài và thảo ra phần nghiên cứu địa lý uyên bác khởi sự được xuất bản ngay sau khi vị thừa sai lên đường, nhưng thật đáng tiếc vẫn chưa hoàn thành. Cha Montrouziès đã xuống tàu lại để về miền truyền giáo của ngài ngày 16.01.1876, chẳng chờ đợi bình phục hẳn. Ngài đã quá tin ở sức mình. Tại Đàng Ngoài, ngài cũng gặp đi gặp lại những nguyên nhân làm đuối sức nên phải trở về Pháp. Ngài đã không có đủ sức lẫn thời giờ để sắp đặt các điểm ghi chú cần đưa vào trong việc soạn thảo công việc lớn lao, mà ngài đã nghĩ tới chương trình và chuẩn bị các chất liệu. 

 Trong suốt sự nghiệp tông đồ, cha Montrouziès nổi bật trong lòng nhiệt thành đạo đức và tính khí dịu dàng. Thường xuyên đau yếu, không bao giờ nghe ngài than van một chút nào; đối diện với đau khổ là cả một sự kiên nhẫn chịu đựng và một sự vui vẻ không gì làm phai nhạt được. Ngài liên kết một lòng khiêm tốn sâu xa với một vốn học thức hiếm thấy. Ngài đã chết, mang theo vào trong mộ sự quý chuộng, lòng cảm mến và sự thương tiếc của mọi người. 

17. Cha Pineau (Phi I) 

Sinh tại Saint-Aubin-du-Pavoil, địa phận Angers ngày 22.07.1844, cha François Pineau nhập Hội Thừa Sai Hải Ngoại ngày 25.09.1865 khi chưa có chức gì. Thụ phong linh mục ngày 06.06.1868, ngài lên đường đi Bắc Đàng Trong ngày 16.08 sau đó. Đến Sài Gòn ngài phải ở lại gần một năm trong thành phố này trước khi có thể ra miền truyền giáo của ngài. Thời gian đó không bi mất đi; ngài dùng để học tiếng Việt và có nhiều tiến bộ đến nỗi chẳng bao lâu ngài có thể thi hành mục vụ trong vùng lân cận Sài Gòn. 

Cuối năm 1869, ngài có thể đi đến miền truyền giáo của mình, được sai đến Tiểu chủng viện An Ninh và đã làm bề trên trong những năm cuối này. Ngày 07.07, cha chính địa phận Dangelzer đã viết:”Thấy số lượng chúng tôi ít người, Đức cha Sohier lại cũng giao cho cha Pineau điều hành cả một giáo hạt rộng lớn. Ngài đã luôn chu toàn trách nhiệm với lòng đầy nhiệt thành. Than ôi, các công việc của ngài quá nhiều đã làm hại sức khỏe của ngài trước thời gian. Từ vài tháng nay, ngài cảm thấy những sự bất ổn khá nặng nề; nhưng ngài vẫn tiếp tục lao mình vào các công việc thường xuyên, nói rằng chẳng có gì và chính chúng tôi cũng chưa lo đến một tai ương xảy ra gần đến thế. Được tin đầu tiên cha Pineau đau nặng, cha Renauld đến săn sóc. Ngài đến quá chậm, cha Pineau đã trút linh hồn cách nhẹ nhàng ngày 02.07 trong tay cha Mathey là người đã ban các bí tích cuối cùng cho ngài. 

Nhân đức chúng tôi kính phục nơi người quá cố thân yêu, đó là sự giản dị, sự khiêm tốn; ngài làm việc không thôi, ngài kiệt sức và chẳng bao giờ tìm cách khoe mình một chút nào; ngài làm việc chỉ vì Chúa, và chính vì thế Chúa đã chúc lành cho việc mục vụ của ngài. Đời sống của ngài rất hãm mình; ngài giữ đúng luật lệ của ngài và cho thấy luôn trung thành với các việc đạo đức. Giữa những khó khăn, lao nhọc, như rất thường gặp trong cuộc đời của vị thừa sai, sự chịu đựng của ngài không bao giờ chối cãi được. Thế nên Chúa đã thấy ngài chín muồi cho cõi trời. Ngài đã rời chúng ta, nhưng để lại cho chúng ta một gia sản quí báu: tấm gương của các nhân đức tông đồ”. 

18. Cha Brillet (Hiền) 

Cha Martin-Henri Brillet sinh tại Bonnoeuvre (Loire-Inférieure), ngày 16.08.1845 và nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại ngày 28.07.1870, sau khi đã qua Tiểu và Đại chủng viện địa phận ngài với việc học hỏi văn chương và thần học xuất sắc. Chiến tranh đã buộc ngài lui về Nantes, từ đó ngài trở lại ngay khi hòa bình được ký kết ngày 31.01.1872, ngài đã xuống tàu đi miền truyền giáo Bắc Đàng Trong. 

Thiên Chúa có những bí mật khôn dò, và nếu đôi lúc con người tưởng rằng mình đã khám phá ra, vì con người xét đoán tương lai theo niềm hy vọng của mình, chẳng bao lâu phải thú nhận rằng các xét đoán của mình là vô ích và tin tưởng hão huyền. 

Có được một trí thông minh xuất chúng, một tâm hồn cao thượng, một trí nhớ tốt, dấn thân mạnh mẽ cho ơn gọi, cha Brillet xem ra là một khí cụ được chuẩn bị cách tuyệt vời. Ngài đúng như vậy, nhưng là cho đau khổ hơn là cho công việc. Chưa đầy hai năm một cơn bệnh đau đớn bất ngờ chụp lấy ngài. 

Do lệnh Giám mục , ngài đi Sài Gòn nơi cha sở nhà thờ chính tòa de Kerlan hết lòng lo cho ngài, nhưng vô ích! Cơn bệnh chỉ có tăng thêm, và xem ra gần đến giờ người anh em của chúng ta chẳng có nương nhờ gì khác ngoài việc lên đường đi Pháp. Lúc đó cha Gernot, được gọi đến Sài Gòn để lo công việc của miền truyền giáo, đến thăm người bệnh. 

Ngài có bản tính tự nhiên mạnh mẽ lôi kéo ngài đến với sự yếu kém một cách mãnh liệt bất cứ ở nơi nào gặp được, rồi theo bản năng, bản tính này cúi xuống trước hết để yêu mến, rồi nâng dậy và bênh đỡ. 

Cha chính địa phận nói:”Này cha Brillet, tôi ở Cái Mơn, thiên đàng của Đàng Trong, hãy đến đó, chúng tôi sẽ chữa lành cho cha, tôi hứa điều đó với cha, hãy đến!” và ngài phân tích những vui thỏa tinh thần và vật chất của thiên đàng đó. Các linh mục bản xứ, các nữ tu, các vị tuyên xưng đức tin, các kitô hữu, tất cả đều đầy tận tâm không ai bằng đối với các vị thừa sai, một nhà thờ tuyệt đẹp, một nhà thuốc đầy đủ, một thức ăn dồi dào và trong lành. Khung cảnh đầy quyến rũ, nhưng nhất là sự cống hiến thật chân tình, bàn tay giang ra đầy hào hiệp làm cho cha Brillet chấp nhận cách vồn vã và đầy lòng biết ơn. 

Tuy nhiên dầu những sự tận tâm tăng dần chung quanh người bệnh đáng thương, việc lành bệnh vẫn chậm chạp, rất chậm; có những ngày buồn bã, mhững giờ khắc thất vọng không mong chữa lành. Sự ngồi không đè nặng con tim người bệnh, dưới nụ cười của ngài, người ta cảm nhận một nỗi đau đớn chua chát.”Ôi! thừa sai, thỉnh thoảng người ta nghe ngài kêu lên, tôi là thừa sai tông đồ, và tôi không làm gì cả, chẳng làm gì cho Chúa, cũng như cho các tín hữu, tôi luôn nằm trên giường hoặc trên ghế dài, chẳng làm gì cả; cả cuộc đời tôi là thế”. Và những tiếng thổn thức ngắt quảng cuộc độc thoại xé lòng đó. Nhưng chẳng bao lâu lời kinh nguyện đưa ngài về lại yên tĩnh trong tâm hồn trĩu nặng và niềm tin nói với ngài rằng sự nhẫn nhục chẳng phải là một nhân đức vô bổ. 

Tuy nhiên dần dần những cơn khủng hoảng thưa đi, cuối cùng dứt hẳn. Thực là một ngày tốt đẹp khi người anh em này chỉ còn yếu buồng ngực, đi đến Thuận Hiệp, thiết lập một nhiệm sở mới. Hoạt động trước kia của ngài phần lớn đã trở lại, ngài xây dựng một nhà thờ, một nhà xứ, một nhà làm trường học. Tiếc thay các công việc đó nhanh chóng bào mòn sức lực của ngài, sự yếu ốm dai dẳng càng tăng thêm mỗi ngày; nhưng niềm vui vẫn trọn vẹn. Đàng khác, nếu ngài không thể thăm viếng các họ đạo xa nữa, ngài vẫn còn công việc trí thức làm niềm an ủi; ngài không để cho việc đó trôi đi. Ngài đọc nhiều, đọc rất kỹ, và liên tục, có phương pháp và suy tư, biện luận thần học, lịch sử, khoa học, không có môn gì mà ngài không để ý; ngài sẵn sàng chia sẻ những gì đã đọc được, và nói chuyện với ngài thật đầy hứng thú khi tiếp xúc và trao đổi với ngài; người ta thưởng thức lời ngài, rõ ràng, lanh lợi, mạnh mẽ, đôi khi gợi hình, các ý tưởng tiếp theo những chuyện kể, các sự kiện tiếp theo những lý thuyết, các dự định tiếp sau những lời khuyên.Vào năm 1879, ngài được đặt ở Chợ Lớn, được các sơ dòng thánh Phaolô thành Chartres chăm sóc lảm cho ngài có phần tươi lên. 

Thành phố Chợ Lớn có hơn 50.000 cư dân, trong đó có vài trăm giáo dân cả Hoa lẫn Việt; vị tiền nhiệm của cha Brillet chỉ biết tiếng Hoa nên ít lo được cho người Việt. Người anh em của chúng ta bao lâu sức khỏe cho phép lo bù đắp sự bỏ sót ngoài ý muốn đó; gần ngôi nhà thờ cũ, ngay trong sân nhà xứ, ngài dựng lên một ngôi nhà nguyện đơn giản nhưng đẹp đẽ, giúp các giáo dân người Việt có thể hoàn toàn tự do đến để thỏa mãn lòng đạo của mình. Vài tháng sau đó, ngài còn phụ trách những cộng đoàn kitô hữu mới hình thành ở quanh vùng Chợ Lớn; nhưng những cố gắng đó cuối cùng làm ngài kiệt sức, từ lúc đó ngài chỉ có yếu dần.Trước tiên ngài được chủng viện Sài Gòn cho nương nhờ, rồi đến dưỡng đường Hồng Kông; và ngày 26 tháng 05 vừa rồi, cha Patriat viết cho các vị điều hành Chủng Viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại bức thư sau đây, cho chúng ta biết về những giây phút cuối cùng của người anh em với những chi tiết rất hay: 

Ngày 22 tháng này, lúc 11 giờ 20 sáng, an nghỉ trong Chúa người anh em rất thân yêu Martin-Henri Brillet, hưởng dương khoảng 41 tuổi. Đã 10 năm nay người anh em rất thân yêu này kéo lê cơn bệnh vừa mở ra cho ngài cánh cửa vào cõi Vĩnh Hằng, đã hơn sáu tháng ngài không thể ngủ được. Sự dồn ép đến độ làm cho ngài bị ngộp thở ngay khi nằm ngửa ra. Không bao giờ ngài phàn nàn điều đó, sự nhẫn nhục chịu đựng cách quảng đại và liên tục của ngài không chỉ nên như bài học cho chúng tôi, nhưng còn làm cho chúng tôi kính phục, cho đến hơi thở cuối cùng, đúng 4 tuần sau cha Delétraz thân yêu. Ngài không hấp hối, ngài thực sự an nghỉ trong Chúa, cách nhẹ nhàng và thánh thiện như ngài đã sống. Bằng cách đó Thiên Chúa đón nhận những kẻ được tuyển chọn trên cõi đời này để làm đông thêm cõi thiên đàng”. 

19. Cha Mathey (Thiện I)  

Cha Mathey (Paul-Emile) sinh ngày 14.04.1851 tại Saint-Geosmes (Langré, Haute-Marne). Sau khi chịu các chức nhỏ, ngài nhập Chủng Viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại ngày 20.09.1871. Thụ phong linh mục ngày 30.04.1874 và ngày 01.07 ngài lên đường đi Bắc Đàng Trong.Qua đời ngày 19.12.1927 tại Kim Châu. 

Cha Paul-Emile Mathey sinh tại Saint-Geosmes ngày 14-04-1851 do cha mẹ đạo đức sâu xa đã dâng cho Giáo Hội hai người trong số con cái mình: một người là sư huynh các trường Kitô, qua đời cách đây vài tháng, người kia là linh mục Hội Thừa Sai Hải Ngoại, người yêu quí của chúng tôi vừa qua đời. 

Cha Mathey vào Tiểu chủng viện Langres năm 1863, rồi vào Đại chủng viện năm 1870. Chính trong năm chiến tranh này ngài bị bắt như một tên đào ngũ ngay lúc ngài đi đến văn phòng trưng binh để ghi tên.

Ngài chịu phép Cắt tóc năm 1870 do Đức cha Guérin và chỉ vào năm 1871 ngài mới thực hiện ý định làm thừa sai. Ngài nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris tháng 09 năm đó, thụ phong linh mục ngày 30.04.1874 và được chỉ định cho miền truyền giáo Huế. 

Đến Huế ngày 20.02, ngài ở đó để học tiếng Việt cho đến khi được bổ nhiệm ra Tiểu chủng viện An Ninh năm 1875. Từ 1878 đến 1884 ngài làm việc mục vụ trong tỉnh Quảng Bình, để sau đó vào tỉnh Quảng Trị và lưu lại đó từ 1884 đến 1887. 

Chính tại đó ngài đau lòng thấy các họ đạo bị tàn phá, các giáo dân bị sát hại bởi các nho sĩ là những người đã quyết định dẹp bỏ tất cả dân công giáo dưới chiêu bài xua đuổi người ngoại quốc khỏi đất nước. 8000 giáo dân bị tàn sát, bị thiêu sống trong vài ngày tại tỉnh Quảng Trị. Cha Mathey đã được báo trước về phong trào chống lại các kitô hữu này và công bố cho các chủng sinh đang nghỉ thường kỳ tại nhà:”Nếu chúng con muốn chết tử đạo vì đức tin, hãy vào nơi cha, chúng con sẽ chẳng phải chờ đợi lâu”. 

Cha Mathey đi vào kinh đô để báo cho các quan biết về phong trào khác thường này và trở về giáo xứ Cổ Vưu ngay, tại đó, sau khi về đến, ngài nghe một tiếng nổ lớn; đó là dấu hiệu quy định loan báo cuộc chiến thắng dễ dàng của loạn quân trên các quan và công bố tình trạng chiếm đóng. Ngài vội viết cho Đức cha Caspar tấm giấy sau đây:” Thành Quảng Trị bị các nho sĩ chiếm đóng; tình trạng chúng con rất khó khăn, Đức cha có thể làm gì cho chúng con được không? Nếu chúng ta không gặp nhau được nữa trên cõi đời này, thì xin giã biệt! Con xin hy sinh”. 

Rồi vào chiều tối, hai người phụ nữ lương dân báo tin về quyết định tàn sát người công giáo, ngài quy tụ giáo dân trong nhà thờ khoảng gần 800 người hô hào, khích lệ họ và giải tội tập thể cho họ. Nhưng cảnh tượng đàn chiên này, phần lớn gồm đàn bà trẻ con sẵn sàng để phải chết, chắc chắn làm cho ngài suy nghĩ và tức khắc gợi cho ngài quyết định kéo họ ra khỏi cái chết đang chờ bằng cách chạy trốn . Ngài khuyên họ làm thành từng nhóm và đi theo hẻm núi đến họ đạo đầu tiên gần tỉnh Thừa Thiên. Dầu ngài thúc đẩy hăng say và hiểm nguy gần kề, nhiều người công giáo do dự; có người thì không thích bỏ làng mạc, nhà cửa, của cải, những người khác thì từ nhiều năm đã sống dưới sự hăm dọa bách hại mà luôn thấy sự hăm dọa chẳng có gì và không thể tin rằng một ngày kia nó sẽ được thực hiện. Sự pha trộn giữa bướng bỉnh và ảo tưởng này là nguyên do làm cho gần 600 Kitô hữu phải chết. 

Cha Mathey cải trang ra đi với vài người vào giờ đã định; cha Bửu là cha phó phải bắt kịp ngài cùng với các giáo dân khác. Vào lúc báo động, cha Mathey nép mình lại trong bụi rậm đợi chờ cha phó trong vô vọng, cha Bửu đã bị đánh lừa bởi những tiếng la vang của những người đang tìm nhau nên quay trở lại và bị bắt tại làng Long Hưng. 

Cha Mathey tránh qua đêm trong làng gần đó, nằm trong đám ruộng và ngày hôm sau, 07.09.1885, nhờ một người lương vùng La Vang hướng dẫn đã đi về Huế hầu như một mình; vì 200 giáo dân đã theo kịp ngài lại không muốn đi xa hơn. Ngày 08.09, những người đi theo cùng ngài tiếp tục đi đường đó cách nhọc nhằn, bởi vì họ vừa đói vừa khát, thức ăn mang theo đã quăng hết khi nghe báo động. Ánh nắng càng làm tăng thêm nỗi nhọc mệt của họ và nhiều người trong họ nằm dài bên vệ đường không thể đi tiếp nữa. Cuối cùng người dẫn đường báo cho mọi người biết có họ đạo nhỏ Ba Trục (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) nơi đó khi nhìn thấy cha Mathey và tình trạng mấy người đi theo ngài ai cũng rất kinh hoàng; người ta nhanh chóng đến giúp những người chậm chạp và đưa về những kẻ đuối sức nằm trên đường hẻm. 

Ngày 09.09 cha Mathey mà mọi người tưởng đã bị giết, về tới Huế.Từ đó ngài lại có thể lên đường sau vài ngày và đến đúng lúc để cứu các thừa sai và giáo hữu bị bao vây trong Tiểu chủng viện An Ninh. Cha Mathey đã không cạn lời khi có dịp nói về những biến cố bi đát đó như một kỷ niệm luôn sống động trong ngài. 

Tháng ba năm 1887, cha Mathey đi Hồng Kông, rồi, sau ba năm nghỉ ngơi, vào tháng 06 năm 1890 ngài đến giúp miền truyền giáo Qui Nhơn. Ngài làm cha sở Xóm Nam từ 1890 đến 1892. Sau đó ngài được bổ nhiệm làm giáo sư Đại chủng viện Làng Sông. Ngài ở lại đó từ tháng 02.1892 đến tháng 07.1894, rồi năm 1898 ngài về lại nhiệm sở Xóm Nam cho đến khi được bổ nhiệm đến Gò Thị thay cha Vivier vừa qua đời. Năm 1904 ngày lại đi nghỉ ở Hồng Kông , rồi trở lại năm 1907 để ở nhà xứ Qui Nhơn và ngài buồn lòng rời đó năm 1911 để lo giáo xứ Chợ Mới (Nha Trang) theo yêu cầu của cha chính Gagnaire, Bề trên miền truyền giáo trong thời gian vắng bóng Đức cha. Ngài ở đó cho đến năm 1913, năm đối với ngài khởi sự con đường Canvê. Đã mệt nhọc, lại còn thêm bị Phân Khoa Y học nhận thấy ngài bị phung và do đó bị buộc phải rời việc mục vụ, để đến ở một mình trong một căn nhà được xây riêng cho ngài gần bệnh viện Kim Châu, do các sơ dòng thánh Phaolô thành Chatres điều hành. 

Chính nơi đó trong 4 năm ngài dâng lên Thiên Chúa các đau khổ của mình về tinh thần hơn thể xác; bởi vì ngài bị buộc ở một mình trong khi ngài là người thích có bạn bè. Tuy nhiên ngài nhẫn nhục chấp nhận thánh giá Chúa trao cho và ngài là người đã chẳng bao giờ đau ốm lại có thể dùng thời gian đau khổ này để đền tội mình và thu góp công nghiệp cho cõi trời. Cùng với bệnh phong còn thêm một thứ ung thư mà các bác sĩ đã không thể tìm ra gốc gác. Trong vòng 8 năm chỉ là một chấm nhỏ lớn lên từ từ; trong sáu tháng cuối, ung thư càng tăng thêm nhanh chóng, rồi vào lúc chết lỗ mũi hoàn toàn biến mất và một phần lớn gương mặt đã bị bào mòn. Tuy nhiên đôi mắt của ngài không bị gì và cho đến ngày cuối cùng, ngài vẫn có thể thỏa mãn đọc sách, điều an ủi ngài nhiều và là một nâng đỡ thực sự cho ngài. Ngài đã luôn đọc nhiều và nhớ nhiều, thế nên các cuộc chuyện vãn với ngài thật rất thú vị. Người bên cạnh ngài mỗi buổi chiều tối đến thăm ngài, để an ủi ngài trong cảnh cô đơn, không cần đọc báo hàng ngày, các tạp chí hoặc các tin tức, vị này được cha Mathey lượt lại những gì ngài đã đọc và thấy thích trong ngày; các đề tài thiêng liêng cũng có chỗ trong những lúc chuyện vãn này. 

Rất thường khi vị thừa sai ở gần ngài buộc phải vắng mặt không thể thăm ngài hằng ngày được, lúc trở về, vị đó được ngài nóng lòng chờ đợi; và khi vị đó đến thì ngài thở ra khoái chí”A! cha đó à? A! tôi vui mừng biết bao được gặp cha, nhưng tôi đã không thể thấy cha đi qua!” Chắc hẳn ngài chờ đợi và tỉnh thức, bởi vì từ nhà ngài có thể thấy con đường, điều làm cho ngài giải trí trong cảnh cô tịch. Trong 4 năm ngài được các sơ dòng thánh Phaolô thành Chartres điều hành bệnh viện tận tình săn sóc. Trước tiên sơ bề trên đến băng bó cho ngài mỗi ngày một lần, rồi sau đó cần phải thay băng hai lần nữa. Thỉnh thoảng ngài hơi rên đau một chút, nhưng rồi ngài cám ơn Chúa đã tránh cho ngài những nỗi đau lớn hơn. Cho đến tháng 08 vừa rồi đôi lúc ngài đã có thể dâng lễ một cách khó khăn trong căn phòng dùng làm nhà nguyện cho ngài nơi đó có đặt Mình Thánh Chúa. Từ chiếc ghế bành hướng về cánh cửa nhà nguyện mở hé, ngài có thể viếng Thánh Thể và mọi thứ năm thực hành giờ tôn thờ Thánh Thể theo luật của các Linh mục tôn thờ Thánh Thể và cầu nguyện cho lương dân trở lại. Trong những ngày cuối cùng, ngài cám ơn Chía đã bao phủ ngài bằng bao nhiêu sự săn sóc giúp ngài chịu đựng cơn bệnh. Ngài cũng tỏ lòng biết ơn đối với thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu là Đấng, sau tuần cửu nhật dâng kính thánh nữ, đã cho ngài thôi ngứa ngáy không chịu được do bệnh phong. 

Cuối cùng, khi ngày càng yếu sức, người ta đề nghị ngài chuẩn bị chết lành bằng việc lãnh nhận các bí tích; ngài chấp nhận ngay. Tuy nhiên sau lần xưng tội cuối cùng, ngài nói với cha giải tội:”Cái chết từ xa dễ chấp nhận, nhưng khi đến gần...!” Hoàn toàn nhẫn nhục, bởi vì ngài đã chuẩn bị từ lâu, ngài còn được nâng đỡ bởi cuộc thăm viếng của Đức cha, của cha chính Gagnaire, và một vài anh em khác tham dự bí tích Xức Dầu Thánh được cha chính Labiausse,và là cha sở Kim Châu ban. 

Trước khi rời ngài, Đức cha nói với ngài vài lời an ủi và ban cho ngài phép lành cuối cùng. Cha Mathey làm cử chỉ giã từ Đức cha cũng như các anh em cùng phó dâng mọi sự trong tay Chúa và thốt ra những lời sau đây:”In manus tuas Domine! cor contritum et humiliatum Deus non despicies” (Tv 51, 19) (Trong tay Ngài, lạy Chúa! Một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê) 

Vài hôm sau, ngày 19 tháng 12, cha Mathey vẫn còn minh mẫn, trút hơi thở cuối cùng lúc 3 giờ chiều. Việc chôn cất được định vào ngày hôm sau. Tiếc thay thời tiết xấu không cho phép các người anh em tham dự đông đúc lễ an táng. Ngài Công sứ tỉnh và phu nhân, cũng như hai người Âu ở gần đó cũng hiện diện. Sau thánh lễ cử hành tại nhà thờ Kim Châu, đi theo linh cữu đến nơi an nghỉ có các sư huynh trường Kitô, các nữ tu của bệnh viện và đông đúc giáo dân. Ngài an nghỉ trong nghĩa địa giáo xứ Kim Châu. 

20. Cha Patinier (Kính) 

Cha Patinier François, Charles, Xavier sinh trong địa phận Cambrai ở Steenbecque ngày 02.12.1850 . Sau khi chịu các chức nhỏ, ngài nhập Chủng viện Hội Thừa Sai ngày 25.09.1873, thụ phong linh mục ngày 22.05.1875 và ngày 30.06 năm đó, lên đường đi Bắc Đàng Trong. 

Sau một thời gian ngắn nghỉ lại Quảng Bình, ngài đến Cổ Vưu. Năm 1877 ngài chỉnh trang nhà thờ. Năm 1884 cha Mathey được bổ nhiệm quản xứ Cổ Vưu, nhưng khi cha Mathey đi Hồng Kông năm 1887 thì cha Patinier thay thế làm cha sở Cổ Vưu và hạt trưởng Dinh Cát. Năm 1889 ngài khánh thành nhà thờ mới. Nhà thờ do ngài chỉnh trang năm 1877 đã bị cháy vào tháng 09.1885 cùng với 400 giáo dân trốn trong đó. 

Năm 1923 Đức cha Allys nói rằng chính cha hạt trưởng Patinier đã tạo nên và nâng đỡ một phong trào trở lại rộng lớn trong những năm 1880-1898 ở Quảng Trị. Năm 1896, ngài được bổ nhiệm làm cha sở Thợ Đúc và ở đó cho đến ngày qua đời. Năm 1911, ngài đi Hồng Kông và ít lâu sau đó đi Pháp. Trở về miền truyền giáo năm 1914, ngài lại làm cha sở Thợ Đúc. 

Chính tại đó ngài từ giã cõi đời ngày 25.12.1922 và được chôn cất tại nghĩa địa các thừa sai ở Phú Xuân. Ngài thọ 72 tuổi, 47 năm linh mục. 

(Còn tiếp...)

Website TGP Huế cập nhật