Tư liệu:

Tư liệu về 10 Vị Thừa Sai MEP đã phục vụ tại Giáo phận Huế - Phần 3


WTGP Huế sẽ lần lượt giới thiệu mỗi kỳ 10 Vị Thừa Sai MEP đã phục vụ tại Giáo phận Huế (1850 - 1975)

Tài liệu do Linh mục Stanislaô Nguyễn Đức Vệ chuyển dịch từ các tư liệu do ARCHIVES MEP cung cấp. 

21. Cha Girard (Hòa) 

47 năm hoạt động tông đồ trong các chủng viện của miền truyền giáo Huế: 44 năm ở Tiểu chủng viện (1977-1890), (1893-1924), 3 năm ở Đại chủng viện (1890-1893), trong các năm đó ngài lo đào luyện khoảng 100 linh mục bản xứ, đó là sự nghiệp mà cha Girard tốt lành đã kết thúc cách rất êm ái tại bệnh viện Huế ngày 09.02.1924. 

Về giai đoạn đầu của thời tuổi trẻ cũng như những năm được thụ huấn làm giáo sĩ của ngài, chúng ta hầu như không biết gì, vì cha Girard hiếm khi nói về mình; nhưng chúng ta có thể quả quyết rằng cuộc đời tông đồ lâu dài của ngài là một cuộc sống được phủ đầy một cách tốt đẹp. 

Chúng ta sẽ không nói lại về vai trò tuyệt vời của ngài trong suốt cuộc vây hãm Tiểu chủng viện An Ninh vào tháng 09.1885; - (Báo của Hội đã nói đến ngài trong số tháng 04.1924, và một Vị điều hành các việc dân sự của Đông Dương đã làm nổi bật ngài cách tuyệt vời trong một tập sách nhỏ: Một trang Lịch sử Quảng Trị, tháng 09.1885, của Jabouille, Công sứ Pháp ở Quảng Trị) – Chúng ta đồng ý rằng vai trò này cũng như vai trò ngài thực hiện ít lâu sau đó trong tư cách tuyên úy – thông dịch của quân Pháp, hoàn toàn vì vinh dự và lợi ích của Đạo, của Pháp và của Việt Nam. 

Đời sống của các chủng viện xem ra đồng bộ, đều đều; đó cũng là “vita communis”(đời sống chung) mà thánh Bênađô nói đến và sự hoàn thiện hệ tại chu toàn trọn hảo các bổn phận hằng ngày. Trong đời sống này, cha Girard là một mẫu gương đích thực cho các người cộng tác. 

Ngài hoàn toàn trao hiến cho các chủng sinh để đào luyện họ tập tành các nhân đức Kitô và làm linh mục. Trong những cuộc huấn đức thực hiện ít nhất mỗi tuần một lần, ngài giảng cho họ nhất là về tình yêu Chúa, tình bác ái huynh đệ, sự trung thành làm các việc đạo đức và tuân giữ luật lệ.

Các giờ lên lớp của ngài luôn được chuẩn bị hết sức chu đáo, như được chứng tỏ trong các bản chép tay ngài để lại; thế nên các chủng sinh theo dõi cách thích thú và học được rất nhiều điều. 

Lòng quý trọng của ngài đối với phụng vụ được thấy rõ bằng việc ngài giữ đúng các nghi thức khác nhau về thánh lễ và các kinh nguyện khác; và sự quý trọng này, ngài biết cách thông truyền cho các chủng sinh rất thích giúp lễ ngài và cũng sợ làm sai điểm nào đó khi giúp ngài, ngài nghiêm khắc biết bao đối với những điều quên đi nhỏ nhặt hoặc những điều sai chữ đỏ. 

Cha Girard có một cá tính nóng cách tự nhiên; nhưng tính xấu nhỏ mọn này cuối cùng đã được ngài cầm giữ hầu như hoàn toàn, nhờ ngài có một đức khiêm tốn mà tất cả giáo sư và chủng sinh đánh giá rất cao và rất kính phục đối với cha bề trên tốt lành. Những mối giao hảo tuyệt vời với ngài không ngừng được duy trì bởi tất cả những ai đã làm việc dưới sự điều hành của ngài, các anh em thừa sai, các linh mục bản xứ và giáo dân đều là những chứng cứ rõ ràng về điều đó. Hàng năm, ngày 19 tháng ba, những ai không thể đến dự lễ của ngài đều gửi thư chúc mừng với những lời cầu chúc tâm tình nhất; về phần các chủng sinh có mặt trong chủng viện ngày hôm đó, họ tìm mọi cách để làm vui lòng ngài; họ không từ khước cả việc tốn kém, cả những vất vả để chuẩn bị ngày lễ gia đình đơn sơ này; đây là một cách thức để họ biểu lộ những tâm tình hiếu thảo đối với người cha tốt lành.

Tâm tình này, ngài đáp lại cách tốt đẹp: có thể nói ngài yêu thương các học trò của mình cách đam mê. Thế nên các kỳ nghỉ xem ra quá dài đối với ngài và ngài hết lòng chờ kết thúc. Trong các kỳ nghỉ, ngài luôn trả lời các thư chủng sinh viết cho ngài. Tâm tình của ngài vẫn tiếp tục ôm lấy những cựu chủng sinh, các linh mục hoặc giáo dân đã trải qua việc học hành tại chủng viện từ năm 1877; ngài giúp đỡ người này người khác bằng những lời khuyên và kinh nguyện của ngài. Để khỏi quên ai, ngài ghi tên họ vào cuốn sổ tay đặt ở nhà nguyện trong ghế quì của ngài, và mỗi sáng, trước và sau thánh lễ, ngài lướt qua danh sách dài đó để phó dâng cho Chúa Giêsu Thánh Thể những người ngài luôn yêu mến.

Dầu bận rộn với việc đào luyện các chủng sinh và tưởng nhớ đến các cựu chủng sinh, cha Girard không lơ là khía cạnh vật chất của cơ sở mà ngài trách nhiệm. Khởi đầu nhiệm vụ bề trên của ngài, Tiểu chủng viện An Ninh chỉ là một cụm mái tranh cũ kỹ rất khó để cho không khí và ánh sáng xâm nhập vào. Ngài quyết định thay đổi bằng những công trình xây dựng khang trang: ngài bắt đầu bằng việc xây một nhà nguyện đẹp đẽ mà trong một thời gian dài đã là một trong những cơ sở tôn giáo đẹp nhất và chắc chắn nhất của miền truyền giáo. Nhà nguyện vừa xây dựng xong thì xảy ra các biến động năm 1885; bấy giờ nó có thể dùng làm nơi trú ẩn và đài quan sát cho các cha và giáo dân vào ẩn nấp trong hàng rào chủng viện. Khi hòa bình được lập lại, cha bề trên kiên trì tiếp tục các công việc của ngài làm sạch sẽ và đẹp đẽ lại các công trình mà nhiều năm dài trước khi ngài mất, ngài đã có niềm vui thấy được, thay vì các nhà tranh cũ kỹ là những cơ sở đẹp đẽ và lớn lao để cho các giáo sư và chủng sinh cư ngụ thoải mái. Về phần ngài, ngài dành làm chỗ ở cho ngài một trong những căn nhà cũ kỹ kiểu Việt Nam mà ngài đã sửa sang ít nhiều bằng cách xây tường chung quanh và lợp ngói.

Sẽ không đầy đủ- và có đầy đủ được chăng?- nếu để kết thúc chúng tôi không thêm một vài nét sẽ còn làm nổi bật thêm diện mạo tinh thần của người anh em quá cố. Cha Girard có một lòng kính trọng quyền bính; thế nên ngài hết sức vâng nghe đối với các mệnh lệnh và cả những ao ước đơn sơ của Giám mục. Lòng bác ái của ngài đối với các anh em rất lớn; ngài thích tiếp đón họ tại Tiểu chủng viện và đến thăm viếng tại nơi ở của họ, biết sống trẻ với các người trẻ và có dịp trao cho họ các lời khuyên một cách kín đáo mà nhân đức và kinh nghiệm lâu năm của ngài làm cho họ luôn vui lòng tiếp nhận. Khi ngài biết được có những vị thừa sai hoặc những linh mục bản xứ đang gặp khó khăn hoặc không có đủ nguồn vật chất cần thiết để hoàn thành một công trình, ngài mở hầu bao của ngài ra cho họ một cách rộng rãi lắm lúc họ không biết. Các người ăn xin, các người nghèo khổ chắc chắn được ngài đón tiếp cách tốt đẹp; ngài muốn tự mình phân phát các đồng tiền cho họ, rồi thêm vào đó những ý kiến hay của ngài luôn được đón nhận. Cuối cùng mặc dầu bận rộn bao nhiêu công việc, ngài vẫn lo tiếp tục nghiên cứu thêm thần học cho đến cuối đời, tìm những ánh sáng từ các tác giả xưa, mà không từ khước các tác giả hiện đại; thế nên trong các vấn đề tín lý và luân lý ngài vẫn có uy thế, dầu do khiêm tốn ngài không cho mình như vậy. 

Các ngày cuối cùng và cái chết của ngài là triều thiên xứng đáng của một cuộc đời linh mục thật đầy. Khi người anh em giúp ngài đề nghị ngài chịu các bí tích cuối cùng, ngài do dự, sợ rằng chưa đủ bệnh hoạn để tiếp nhận, nhưng sau khi cuối cùng tin rằng mình thực sự trong tình trạng nguy tử, ngài sẵn lòng chấp nhận những sự trợ giúp cuối cùng trong đạo và đón nhận cách minh mẫn với lòng đạo đức nên bài học sâu xa cho các học trò đang khóc thương ngài. 

Muốn thực hiện một cố gắng cuối cùng để cứu chữa vị linh mục tốt lành vì ít nữa thấy tình trạng khá hơn sau khi chịu các bí tích cuối cùng, Đức cha cho một chiếc xe hơi chở ngài đến Huế và vào chữa tại bệnh viện trung ương. Cuộc hành trình không quá nhọc mệt và các bác sĩ vẫn hy vọng làm chậm lại kết cục. Nhưng sau vài ngày, người bệnh không thể hấp thụ gì được nữa, rõ ràng cái chết đang đến gần. Vị tuyên úy bệnh viện lại mang Của Ăn Đàng đến cho ngài, ngài đón nhận hết sức vui vẻ. Đó là chiều ngày 07.02. Hầu như ngay sau đó người anh em chúng ta không còn dấu hiệu tỉnh táo nữa, và ngày 09.02, lúc 6 giờ 45 chiều sau khi thốt ra một tiếng lớn, ngàì xem ra đang hấp hối, rồi trút linh hồn, có cha Kaichinger là một trong các người bạn trẻ tốt lành của ngài giúp đỡ.

Sau khi các bác sĩ đã chứng nhận cái chết, thi hài cha Girard được chuyển về Đại chủng viện. Ngày thứ hai 11, Đức cha Allys đến đó dâng một thánh lễ trọng thể cầu hồn cho người đã khuất; trong thánh lễ này, có sự tham dự của phần lớn các người Pháp tại Huế, một số rất đông người Việt, trong số đó vào hàng ghế đầu người ta thấy có Vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, cựu học sinh An Ninh, nhiều vị thừa sai, các linh mục bản xứ và một phái đoàn các Tiểu chủng sinh. 

Cuối nghi lễ, thi hài được khiêng xuống thuyền để mang về An Ninh, nơi ngài phải được chôn cất. Sáng ngày 13, đoàn rước được tổ chức từ bến thuyền và đưa xác ngài đến nhà nguyện Tiểu chủng viện, làm thành một cuộc vinh thắng đích thực với sự tham dự của hầu hết giáo dân trong vùng và một đoàn vô số lương dân đến đó không phải chỉ vì tò mò, nhưng thực sự muốn bày tỏ sự tôn kính của họ và ngay cả để tỏ lòng biết ơn đối với người đã từng là một trong các ân nhân lớn lao của đất nước. Nhiều người cả giáo lẫn lương đã xin lễ cầu cho linh hồn ngài. 

Và bây giờ, xác của vị linh mục tốt lành an nghỉ ngay giữa nghĩa địa, được bao quanh bởi nhiều người anh em trước đây và một số chủng sinh. 

Ước gì chúng ta, tất cả chúng ta là những người đã biết và yêu mến ngài, giữ lâu dài lòng tưởng nhớ ngài và bắt chước các nhân đức của ngài! 

22. Cha Guillot (Cao) 

Sinh ngày 26.01.1853 tại Belmont trong tổng giáo phận Chambery, cha Pierre Guillot học rất giỏi và vững chắc tại Tiểu chủng viện Pont-de-Beauvoisin; ngài cùng học với các Đức cha Guillon và Berlioz là những vị ngài thích gợi lại kỷ niệm. Ngày 23.09.1873, ngài vào Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại và ở đó hơn ba năm. 

Ngay khi đến Huế ngày 26.03.1877 cùng với cha Girard được chỉ định cùng miền truyền giáo, ngài được sai đi tỉnh Quảng Bình, ở đó ngài bắt đầu học tiếng Việt dưới sự chỉ dẫn của cha Mathey, trước ở Sáo Bùn, rồi tại Trung Quán, quê hương của thánh Tôma Thiện. Ngày 01.01.1882, Đức cha trao cho ngài như một tặng vật, đó là làm giáo sư Đại chủng viện Huế. Vào giữa năm 1885, ngài bị thương hàn rất nguy hiểm và sau khi tạm phục hồi, ngài phải xa miền truyền giáo để đến dưỡng đường Bêtania. Từ Hồng Kông trở về năm 1886, ngài được sai đi Dương Sơn, nơi trước kia một người đồng hương tiếng tăm là thánh Jaccard đã thi hành mục vụ. Chính đó là nơi ngài đã trải qua thời gian còn lại trong sự nghiệp tông đồ. 

Người anh em của chúng ta luôn có một sức khỏe yếu ớt và mỏng manh; chính ngài thích coi mình là”túp lều cũ kỹ”; nhưng túp lều cũ kỹ luôn có nguy cơ sụp đổ đó dầu sao vẫn đứng vững trong 45 năm. Thiếu sức mạnh thể lý, tâm hồn ngài vẫn tràn đầy năng lực và cuộc đời thừa sai của ngài dồi dào nền tảng đẹp đẽ và vững chắc. Trong suốt thời gian ở Dương Sơn, ngài lo lắng đặc biệt cho hội “Con Đức Mẹ” trong đó ngài duy trì tinh thần tốt lành, yêu mến lề luật và tập tành các nhân đức; ngài gieo hạt giống trong 9 làng hoàn toàn lương dân, đã thành hạt nhân của một giáo xứ rộng lớn hôm nay. Điều làm cho ngài đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt từ những nền móng khác nhau này thỉnh thoảng ngài hé mở cho thấy trong các cuộc chuyện vãn của ngài với các linh mục bản xứ được trao phó cho ngài huấn luyện đời tông đồ; nhưng điều ngài thích làm nổi bật, đó là tâm tình các tân tòng biểu tỏ đối với ngài. 

Một trong những nét lộ rõ nhất trong diện mạo tinh thần của người anh em này, chắc chắn là lòng bác ái lớn lao của ngài đối với những người khốn khổ. Tất cả đều chắc chắn tìm được nơi ngài một sự đón tiếp nồng hậu; hầu bao của ngài luôn rộng mở đối với họ; áo xống, mền chiếu của ngài dễ trở thành của họ; ngay cả thường khi ngài lấy của ăn dọn sẵn cho ngài để cho họ. Gặp trên đường các cụ già, các người côi cút, các người bệnh tật ư? ngài cho họ trú lại nơi nhà xứ và giữ họ lại đó cho đến khi ngài có thể tìm được cho họ một nơi trú ẩn tiện nghi hơn hoặc chuẩn bị cho họ một cái chết lành thánh. Phải chăng người ta chẳng bao giờ lợi dụng lòng tốt của ngài? Thỉnh thoảng cũng xãy ra là ngài cho trú ẩn những kẻ ăn xin hoặc bệnh nhân giã hiệu bất chợt lấy chìa khóa nương đồng của ngài, không quên mang theo mền chiếu áo xống; nhưng điều này không bao giờ làm nhụt đi lòng bác ái của ngài. Ngài nói:”Nói thực, đúng là tôi đã bị phỉnh gạt!” và ngài liền tìm lý do bầu chữa cho những tâm hồn mà ngài vẫn cho là tốt lành đó;” Đối với những người đã phỉnh gạt tôi như thế, không lẽ lại để những người tội nghiệp đó sống trong tình trạng khốn khổ ?!” Và ngài cứ tiếp tục. Giáo dân Dương Sơn đều biết lòng quảng đại của vị chủ chăn, và những đồ ngài tự nhịn đi; thế nên họ đem đến dâng cho ngài nào lúa, nào tiền, hoặc ngay cả quần áo, và nhắc ngài một cách rõ ràng là những thứ này là để ngài dùng riêng; vô ích: các bạn nghèo của ngài sẽ không phải chờ đợi lâu để hưởng nhờ các thứ đó. 

Lòng nhiệt thành của ngài đối với các bệnh nhân không kém mãnh liệt cũng như lòng bác ái của ngài đối với các người nghèo khổ. Khi một người bệnh đã lãnh nhận các bí tích cuối cùng, ngài ở bên giường bệnh cho đến giây phút cuối cùng, ban dồi dào lời an ủi và giúp đỡ bằng kinh nguyện của ngài. Hoàn toàn cho bổn phận chủ chăn nhân lành, ở bên giường người hấp hối, chẳng bao giờ ngài nghĩ đến việc sợ phải lây bệnh, ngay cả chẳng cảm thấy một chút bất tiện nào dầu thực tế là như thế, trong những túp lều tồi tàn mà không khí và ánh sáng chẳng thể xâm nhâp được; ngài có thể nói với thánh Tông Đồ:”Nihil horum vereor, nec facto animam meam pretiosiorem quam me, dummodo consummem cursum meum et ministerium verbi”(Cv 20,24) (Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận...). Với lòng nhiệt thành lo cho phần rỗi các con chiên, ngài liên kết một sự chú tâm bền bỉ cho sự hoàn thiện của chính ngài: ngài là một linh mục rất đều đặn; ngài chia tất cả thời giờ không bận lo các việc bên ngoài, giữa sự chiêm ngắm, kinh nguyện, nhiều buổi chầu Mình Thánh Chúa lâu giờ và việc nghiên cứu thần học cũng như Kinh Thánh; tuy nhiên ngài cũng thích một môn khoa học đời: là thiên văn học, vì chắc hẳn học điều này giữ cho tâm trí ngài hướng lên vượt mọi thứ tầm thường của đời tạm này. 

Đời sống của ngài rất hãm mình; việc chuẩn bị cơm nước không bao giờ xuất hiện trên danh sách các mối lo của ngài; một chút sữa, những con ếch, những củ khoai luộc, một hoặc hai chén cơm nấu khô ít nhiều, đó là thực đơn hầu như hằng ngày của ngài. Áo xống, đồ dùng, nhà ở, tất cả đều là những thứ bình thường nhất. Thế nhưng một ngày kia, theo ý kiến của bề trên, ngài đã phải quyết định xây dựng một căn nhà tiện nghi hơn một chút, được chúng tôi gọi là “nhà của đức vâng lời”. Về điểm này, các đòi hỏi của đức vâng lời đã được giải thích chặt chẽ, bởi vì, so với phần lớn các nhà xứ của miền truyền giáo hoàn toàn vượt trên các giới hạn phân biệt giữa tiện lợi và dư dật, ngôi nhà mới của cha Guillot vẫn chật chội và không tiện lợi chút nào. Rõ ràng ngài đau khổ vì điều đó, bởi vì tình trạng sức khỏe của ngài càng đòi phải có một chút tiện lợi nào đó; nhưng người ta chẳng bao giờ nghe ngài rên than điều đó, cũng như cả những đau khổ thể lý và tinh thần khác ngài phải gánh chịu: có chăng nữa thỉnh thoảng người ta mới nghe ngài thở dài, dấu hiệu của một sự đau đớn hoặc một nỗi khổ không cầm giữ được. Ngài có tính tình nhã nhặn, vui tươi và sẵn sàng chịu để cho anh em chọc ghẹo cho vui; ngài là người đầu tiên bật cười về nhiều sự lãng trí làm cho ngài trở thành nổi danh. Một tối kia, ngài tìm một cái chụp đèn, có lẽ là đồ duy nhất dư thừa trong nhà, dư thừa vì đầu tim đèn đang đỏ đầy khói và ngài định làm cho bớt ánh sáng, mà đâu phải chói lắm; ngài đã tìm nhiều lần rồi và vẫn cứ tìm, khi một cử chỉ vô vọng làm cho ngài khám phá ra ở ngay trên đầu mình mà do vô ý ngài đã đặt nó thay cho cái mũ. 

Năm 1919, càng ngày càng mệt nhọc và bị một thứ viêm thanh quản nổi hạch (laryngite tuberculeuse) làm tắt tiếng, cha Guillot tiếp nhận một vị phụ tá quý báu là cha Bertin và đã trao cả mối lo điều hành cho ngài. Điều ao ước lớn nhất của cha Guillot là có thể chuẩn bị cái chết mà ngài cảm thấy gần kề và kết thúc đời mình giữa đoàn chiên; nhưng cơn bệnh càng nặng thêm và đòi được chuyên chăm, ngài phải nhẫn nhục chịu đựng, dầu hy sinh có nặng nề bao nhiêu và ngài đã phải rời Dương Sơn ngày 10.01.1921. Vài ngày sau ngài nhập bệnh viện trung ương Huế nơi đó những sự chăm sóc chu đáo của cha Guide không thể đem lại cho ngài một biến chuyển khả quan nào; ngày 25.01, ngài ở luôn tại Sở quản Lý hoàn toàn phó thác trong tay Chúa và cho cha quản lý. Trong suốt một tháng ngài còn được niềm hạnh phúc dâng thánh lễ mỗi ngày; nhưng từ ngày 24.02 ngài yếu sức đến nỗi phải từ chối việc dâng lễ, Tuy nhiên ngày lễ Phục Sinh, 27 tháng ba, ngài cố gắng để tiến lên bàn thánh: đó là thánh lễ cuối cùng. Từ đó ngài phải ở lại trong phòng và mỗi sáng bằng lòng đi vài bước đến phòng bên cạnh để dự lễ và rước Thánh Thể. 

Ngày 29.09 người ta tưởng rằng giờ cuối cùng của ngài đã đến: trong buổi chiều cha quản lý đã ban các bí tích cuối cùng cho ngài, trước sự hiện diện của Đức cha Allys, nhiều thừa sai và linh mục bản xứ đến Huế để mừng lễ ngân khánh cha Pieters, Người bệnh sau đó có đôi chút cảm giác; ngài có thể ăn và nghỉ ngơi như là lâu rồi chưa được thế. Ngài vui mừng và hết lòng cám ơn Chúa đã kéo dài việc chuẩn bị chết của ngài. Chính trong những tâm tình đó ngày 07.10, ngài gặp được người bạn tốt lành và là người cùng lên đường với ngài, cha Girard đã thực hiện một hành trình dài để đến nói lời giã biệt; cuộc thăm viếng này đã tạo nên nơi người bệnh một niềm vui rất mãnh liệt và là một niềm an ủi lớn lao. Ngài càng cảm thấy một niềm an ủi còn lớn hơn khi ngày 20.11, ngài nhận được lá thư từ biệt của người bạn học cũ và đồng hương là Đức cha Berlioz, giám mục Hakodaté. Ngày hôm sau, 21.11, lễ Mẹ dâng mình, cha Darbon kêu mời người bệnh hợp lòng hợp ý cùng các anh em trong ngày hôm nay sắp làm mới lại lời hứa giáo sĩ; người bệnh hấp hối chuẩn bị lãnh phép giải tội và rước Thánh Thể hết sức sốt sắng và lại hiến mình làm của lễ hy tế dâng Chúa Giêsu nhân lành là Đấng ngài đã yêu mến dường bao và phục vụ tốt đẹp. Ngay lúc đó, ngài càng yếu đi, hơi thở càng lúc càng khó khăn, rõ ràng cái chết sắp kết thúc phần việc của mình: cây sồi già sắp ngã xuống. Xảy ra một điều mà chính các vị thánh lớn đã cảm nghiệm: một nỗi buồn sâu xa và sự ái ngại cái chết gây xao động những giây phút cuối cùng của vị chủ chăn đã giảng lòng tin tưởng cho biết bao người hấp hối; ngài xin cha Darbon ở lại bên ngài. 11 giờ đêm có khá hơn; niềm vui lại xuất hiện trên khuôn mặt. Ngày hôm sau, 22.11 lúc 4 giờ sáng, cha Darbon lại được gọi đến bên người bệnh đang xin rước Mình Thánh Chúa; người ta mang đến cho ngài. 7 giờ sáng cơn hấp hối bắt đầu; bệnh nhân vẫn giữ được sự tỉnh táo; cha Darbon khuyên bảo và đề nghị người bệnh đón nhận phép giải tội và xức dầu lần cuối. Người bệnh cầm tay cha Darbon, nắm chặt với sức còn lại và ra dấu cho thấy ngài hiểu được. Đôi mắt ngài lúc đó bừng sáng lên cách lạ thường; khuôn mặt ngài tỏa sáng, ngài nắm chặt một lần nữa tay cha Darbon, như để cám ơn và giã biệt; khi làm các nghi thức Xức Dầu Thánh, người ta nghe ngài thầm thĩ: Ôi Giêsu của con! 

Kinh nguyện phó dâng linh hồn ngài vừa xong; đầu người hấp hối nghiêng nhẹ, một tiếng thở ra nhẹ nhàng: thế là hết, linh hồn đến trước nhan Chúa. 

Fiant novissima nostra tuorum similia!  

23. Cha Barthélémy (Mỹ) 

Sinh tại Paris ở giáo xứ Saint-Roch ngày 01.07.1852, Alfred-Marie-Eugène Barthélémy học tại Tiểu chủng viện Saint-Nicolas. Học xong và đỗ bằng tú tài, có lẽ ngài sẽ gia nhập Saint-Sulpice nếu chiến tranh 1870 không buộc ngài phải rời Paris đi sang Bỉ, để sống trong nhiều tháng. Sau khi hòa ước được ký, ngài vội trở về nhà cha mẹ hy vọng có được một chút yên tĩnh; không phải thế. Vừa ổn định, cuộc nổi loạn của xã buộc ngài lại phải ra đi và lần này, ngài ẩn trốn tại Bretagne, nơi đó ngài có đủ thời gian để học biết thêm những điều mà ngài thích gợi lại như một kỷ niệm êm đềm. 

Trước khi trở lại Paris, ngài dừng chân nơi tu viện Bênêđitô Solesmes, dưới sự hướng dẫn của các thầy dòng. ngài thực hiện một cuộc tĩnh tâm làm cho ngài xác tín dứt khoát mình phải hiến thân phục vụ Chúa và các linh hồn. Thế nên vừa về tới Paris, ngài xin nhập Saint-Sulpice và tại đó, học xong triết, ngài lãnh phép Cắt tóc. Nếu ngài chỉ nghe theo những ước mong của gia đình và nếu ngài chỉ nghĩ đến tương lai về mặt thỏa mãn thỏa thích mà ngài có đủ lý do đợi chờ, thì ngài có thể đã kéo dài thời gian ở lại nơi đó và chỉ rời khỏi đó để có chỗ giữa hàng giáo sĩ Paris. Nhưng một tiếng gọi vang lên tự sâu thẳm tâm hồn ngài và dầu có đòi hỏi bao nhiêu, ngài vẫn quyết định đáp trả; vào tháng 09.1874, ngài nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại rue du Bac, ở lại đó cho đến ngày 27.12.1877, ngày ngài rời Paris để lên đường đi miền truyền giáo Bắc Đàng Trong, nơi đó ngài sẽ hiến dâng 41 năm cuối đời ngài. Tối hôm trước khi lên đường đi Marseille, ngài vuốt mắt người mẹ đầy thương mến và nỗi đau của ngài càng lớn với nỗi khổ tâm không thể đưa mẹ yêu quý đến nơi an nghỉ cuối cùng. 

Cha Barthélémy đến Huế đầu năm 1878, cùng lúc với cha Julien, là người sẽ phải chết vì một trận thương hàn chỉ sau 8 năm ở miền truyền giáo. Theo thói quen đáng ra cha Barthélémy sẽ được sai đến với một người anh em ở xa Huế, vừa để học tiếng Việt vừa để tập sống đời tông đồ; nhưng Đức cha Pontvianne đã bị bệnh làm cho ngài mất vài tháng sau đó, giữ ngài lại bên mình và khi ngài đã biết tiếng Việt vừa đủ, Đức cha trao phó cho ngài kế tiếp nhau, rồi cùng một lúc các việc quản lý địa phận, cha sở Kim Long và bề trên Đại chủng viện, chưa nói đến nhiều công việc khác dầu không quan trọng cũng tốn thời gian và đòi nhiều cồng sức. Những công việc này vừa nhiều vừa bận rộn, thay vì làm cha Barthélémy nhọc mệt và chán ngán, ngược lại là nguyên nhân mang lại vui thích cho ngài, vì ngài thấy đó là một cơ hội thường xuyên để thỏa mãn lòng nhiệt thành và làm nổi bật các khả năng mà ngài được trang bị dồi dào. Thế nên sự vất vả của ngài thật lớn, khi Đức cha Caspar kế vị Đức cha Pontvianne, sau khi đã từ từ bớt nhiều công việc cho ngài, bổ nhiệm ngài làm cha sở Vạn Thiện, nhiệm sở chắc chắn tuyệt vời, nhưng cô quạnh và ở trong một vùng khí hậu không tốt còn nhiều điều phải mong ước. 

Tuy nhiên, nhờ thể chất cường tráng và các phương thuốc ngài biết dùng đúng lúc, cha Barthélémy có thể chống chọi được bệnh sốt được ít lâu và tích cực lo quản trị giáo xứ. Nhưng đến ngày sức đề kháng của ngài không chịu nổi, ngài phải đi Huế tại đó sự thay đổi không khí và chế độ ăn uống, chưa nói đến niềm vui được gặp lại những người và những nơi thân thiết với ngài, nhanh chóng làm cho ngài phục hồi sức khỏe và sẵn sàng đi về xứ của mình lại. 

Ngài trở về đó ít lâu thì xảy ra các biến cố dẫn đến việc chiếm đóng Huế và một đoàn quân Pháp đồn trú trong hoàng thành, rồi khốn thay một trận dịch tả sớm hoành hành. Các vị thừa sai ở Huế lo cứu chữa các giáo dân cũng bị dịch tả chỉ có thể cứu giúp những người đồng hương bất hạnh một cách khó khăn; vì vậy phải cho họ một cha tuyên úy. Không do dự Đức cha Caspar chỉ định cha Barthélémy để lo nhiệm vụ khó khăn này và trong hoàn cảnh hiện tại quá nguy hiểm. Việc chọn lựa không thể nào tốt hơn. Người anh em của chúng ta đạt được rất tốt sự quý chuộng và thiện cảm của sĩ quan cũng như lính tráng, do ngài biết xử thế và tận tâm không kể mệt nhọc, đên nỗi ngài được đề nghị tặng thưởng Bảo Quốc Huân Chương. Chỉ vì những thay đổi thường xuyên trong các lãnh đạo cao cấp trong quân đội nên việc thực hiện dự định này bị ngăn trở. 

Mặc dầu cha Barthélémy luôn sẵn sàng cho các người được ngài cai quản, việc mục vụ của ngài, nhất là sau khi trận dịch tả chấm dứt, còn lâu mới chiếm mọi thời gian của ngài. Để thỏa mãn các sở thích và đồng thời giúp các người Pháp thiếu thông ngôn và cho những người Việt trờ thành thông ngôn để có một chỗ đứng vinh dự và có tiền, ngài tự ép mình hằng ngày mở lớp cho một số thiếu niên và ngài chỉ ngừng công việc này khi phải đi chu toàn công việc tuyên úy tại Đà Nẵng, thành phố thuộc miền truyền giáo Đông Đàng Trong, nhưng Đức cha Van Camelbeke chưa thể gửi các thừa sai đến được. 

Một ít thời gian sau khi cha Barthélémy trở lại Huế, ngài dứt khoát rời nhiệm vụ tuyên úy để coi sóc nhiệm sở Di Loan và trở thành hạt trưởng Đất Đỏ, trong tỉnh Quảng Trị. Lúc này giáo xứ Di Loan cũng như cả giáo hạt Đất đỏ vẫn còn dư âm của những biến cố khủng khiếp theo sau cuộc chiếm đóng Huế của quân Pháp. Nếu trong giáo hạt này số người chết không lớn bằng trong giáo hạt Dinh Cát, cùng nằm trong tỉnh Quảng Trị, thì những mất mát vật chất cũng giống nhau ngoại trừ Tiểu chủng viện An Ninh đã được cứu khỏi, tất cả các nhà thờ, tất cả nhà giáo dân trong giáo hạt đều bị bị đốt cháy do những toán quân của Tôn Thất Thuyết. Vị tiền nhiệm của cha Barthélémy đã đựng một nhà thờ, nhưng đó chỉ là một mái tranh thô sơ. Không biết làm sao tìm được những ngân khoản cần thiết, ngài quyết định làm cho giáo xứ Di Loan một nhà thờ bằng đá, bằng gạch và theo kiểu kiến trúc gôtích thuần túy. Dần dần tiến đến, và cứ thế các bức tường, các cây cột và các vòm nhọn mọc lên; đến nay, dầu mặt tiền chưa hoàn thành, Di Loan có một thánh đường hoàn hảo và rộng lớn nhất trong miền truyền giáo. 

Chỉ mình Chúa biết công trình xây dựng này gây ra cho cha Barthélémy bao nhiêu lao nhọc, khắc khoải và cả những buồn lo; bởi vì nhiều lần các trận bão đã làm hư hại và phá hỏng các công trình của ngài, rồi nếu thỉnh thoảng ngài được khích lệ trong công trình của ngài, ngài vẫn không tránh khỏi những lời cười chê. Nhưng không gì làm ngài dao động và ngài không để mình hoàn toàn bị cuốn hút vào công trình thật khó khăn này. Thường ngài cũng xuống khỏi sàn thợ nề đứng xây, hoặc để thăm viếng các người bệnh, hoặc nhất là để ngồi tòa giải tội. Bởi vì việc canh tân tinh thần của các giáo dân làm ngài quan tâm cũng bằng việc xây dựng thánh đường cho họ. 

Để thực hiện nhanh chóng cuộc canh tân này, cha Barthélémy không thấy phương thế nào tốt hơn là dâng giáo xứ cho Trái Tim Chúa Giêsu và thực hành việc tôn thờ Trái Tim Chúa. Trong mục đích này, ngài thiết lập và công bố thánh lễ thứ sáu đầu tháng làm cho các kitô hữu đến tham dự ngày càng đông. Cũng thế, hôm áp lễ, các cuộc đi xưng tội tăng lên thật nhiều đến nỗi cha Barthélémy và cha phó ngồi giải tội không hết và phải mời thêm các linh mục quanh vùng. Sự sốt sắng này luôn tăng triển từ đó, đến nỗi số các lần xưng tội chỉ là 1.647 khi ngài khởi sự điều hành giáo xứ, hiện nay đã lên tới 7.095. Và số này không kể đến các lần xưng tội của các nữ tu bản xứ mà tu viện được xây dựng cạnh nhà thờ Di Loan. Cả tu viện này cũng đã bị cướp phá và thiêu rụi bởi quân của Tôn Thất Thuyết; khi cha Barthélémy khởi sự điều hành, tu viện còn xa mới được phát triển như hôm nay. Chắc hẳn tất cả các sự tiến triển của tu viện này không phải chỉ do cha Barthélémy thực hiện, nhưng cũng nhờ ngài phần lớn; bởi vì sự thúc đẩy làm cho tăng số các nữ tu thật nhiều, cũng như làm cho thêm nhiều các nguồn lợi vật chất và nhất là thiết lập một sự đều đặn hầu như hoàn hảo, thực sự là công trình của ngài. Nhưng các công việc khác nhau không cuốn hút tất cả hoạt động của ngài: việc làm cho lương dân trở lại cũng là đối tượng được ngài thao thức với hết lòng nhiệt thành. Nhờ sự chăm sóc của ngài hoặc nhờ các linh mục trong giáo hạt được ngài điều động và khích lệ, đạo Chúa xâm nhập vào trong hơn 20 làng chưa từng có người công giáo. Các cuộc trở lại đông đảo này thỉnh thoảng mang lại cho ngài những niềm vui lớn, nhưng đồng thời cũng có những nỗi thất vọng nặng nề; tuy nhiên vì ngài chỉ làm việc cho vinh quang lớn lao nhất của Chúa và lợi ích các linh hồn, các nỗi thất vọng không làm ngài nản chí. Cho đến năm 1908 ngài đã cố sức trong mọi sự và ở khắp nơi để làm cho các công trình ngài phụ trách được phồn thịnh. 

Vào thời kỳ đó, một sự thay đổi lớn được thực hiện trong hoàn cảnh của ngài. 

Người kế vị Đức cha Caspar, từ nhiệm năm 1907, đặt ngài làm cha chính và bề trên Đại chủng viện Huế. Trong việc này hay việc khác, ngài đều mang lại nhiều việc phục vụ cho miền truyền giáo, nhất là bằng cách làm việc tích cực và kết quả cho việc đào luyện hàng giáo sĩ bản xứ. 

Vào lúc cha Barthélémy nhận quyền điều hành Đại chủng viện, việc học hành và lòng đạo đức cùng sánh đôi trong cơ sở này đến nỗi ngài có lý do để có thể bằng lòng duy trì chủng viện trong tình trạng tốt đẹp này. Nhưng ngài nhắm đến sự hoàn hảo; thế nên ngài cố gắng in sâu vào trong các chủng sinh một tình yêu ngày càng mãnh liệt cho công việc trí thức và nhất là cho việc tiến triển đường thiêng liêng. Để đạt được kết quả đó, ngài không tiếc những bài huấn giáo, những lời khuyên răn, những sự hướng dẫn; và vì ngài là một linh mục đạo đức thực sự, rất thấm nhuần đời sông siêu nhiên, nên các cố gắng của ngài trổ hoa kết trái tuyệt vời. Trong 11 năm vừa trôi qua, Đại chủng viện Huế mang lại nhiều nguồn an ủi cho các anh em điều hành.. 

Nhưng không phải chỉ có các đại chủng sinh được cha Barthélémy quan tâm tiến tới trên đường trọn lành mà thôi. Được trao nhiệm vụ hướng dẫn các nữ tu Dòng Kín có cơ sở tại Huế vào năm 1910, ngài không tiếc thì giờ và vất vả để giúp các người nữ tu thánh thiện này hoặc về phương diện vật chất, hoặc về phương diện tinh thần. Dầu rất nhiều công việc, ngài vẫn trung thành đến giải tội theo các ngày giờ ấn định, và cả ngoài thời gian đó, nếu một chị em nào ao ước hỏi ý kiến ngài, luôn luôn ngài sẵn sàng không chút than phiền. Đặc biệt ngài giúp ích rất nhiều cho các con cái tốt lành của mẹ Têrêxa này trong việc xây dựng đan viện của họ: ngài giúp mua những vật liệu, hỏi han giá cả, trông coi cách sử dụng và đốc thúc các công việc. Nhờ sự can thiệp của ngài, đan viện được dựng lên nhanh chóng và chẳng bao giờ chị em Dòng Kín Huế sẽ có thể cám ơn cho đủ về tất cả những gì ngài đã làm để chuẩn bị cho họ một cơ sở đẹp đẽ và tiện lợi. 

Khi cha Barthélémy đến tuổi 65, ngài xem ra mạnh khỏe và chúng tôi nghĩ rằng ngài sẽ còn làm việc nhiều năm cho phần rỗi các linh hồn. Chính ngài cũng không thấy có dấu hiệu gì bất an gây chút nào lo âu, khi trở về sau cuộc hành trình đi Đà Nẵng, ngài cảm thấy một sự khó chịu làm ngài lo ngại sau vài ngày. Bác sĩ chẩn đoán bệnh sưng ruột (entérite),và để dễ dàng lo cho ngài những săn sóc cần thiết, ông truyền đưa ngài đến bệnh viện trung ương Huế. Sau khoảng ba tháng lưu lại bệnh viện này, cha Barthélémy cảm thấy một sự phục hồi rõ ràng, liền về Đại chủng viện. nơi đó, nhiều lần đau lại nhanh chóng cho thấy rằng bệnh tình chẳng thuyên giảm. Lúc đó người ta quyết định đưa ngài đi Hồng Kông với hy vọng thay đổi không khí và chế độ ăn uống sau cùng sẽ chữa ngài lành. Nhưng ở nơi đó cũng như ở Huế, khoa học và sự tận tâm không thể mang lại tình trạng tốt cho một bộ phận đã quá suy nhược. Trong hoàn cảnh đó, cha Barthélémy chỉ mong một điều thôi: trở về Huế nhanh nhất có thể. Ngài quá sức mệt nhọc đến nỗi người ta thấy rằng cần phải đưa ngài trực tiếp từ nhà ga đến bệnh viện nơi đó ngài ở lại cho đến ngày cuối đời: 13.05.1918. 

Cái chết của người anh em quá cố thân yêu là một trong những cái chết đầy tính giáo dục và êm dịu nhất: không nghi ngờ gì về việc 8 tháng đau đớn trước khi chết đã giảm bớt tất cả, hay ít nữa phần lớn, các món nợ ngài mắc phải đối với sự công thẳng của Chúa. Xác ngài an nghỉ trong nghĩa địa Đại chủng viện Huế. 

24. Cha Julien (Du) 

Là người đưa những tin tức cực nhọc, cha Héry viết cho Đức Giám mục Đại diện Tông tòa của ngài, con chu toàn một lần nữa một sứ mạng đau khổ để báo tin cho Đức cha cái chết của cha Julien, ngườì anh em ihân yêu, mất tại Kẻ Bàng, ngày 14.04 lúc 2 giờ rưởi chiều, do bị bệnh sốt độc hại.

Chắc chắn cuộc hành trình của linh mục thân yêu này đến vùng núi, để tìm xác của người giáo dân bị cọp mang đi, không gây cái chết cho ngài. Theo sau những sự nhọc mệt quá sức, bệnh sốt đã dày vò ngài, thay đổi ngay tính chất để trở thành hiểm nghèo, mà không lộ ra một dấu gì nặng nề. Nhưng khi bùng phát ra, nó làm bàng hoàng và khốn thay không có ai đó để mang đến cho người bệnh một liều thuốc đủ mạnh may ra mới có thể cứu được ngài. 

Ngày thứ hai, cha Julien trải qua một ngày quá nặng nề, đổi chỗ không thôi và chẳng tìm được chỗ nghỉ ngơi nơi nào cả. Ban đêm còn day dứt hơn ban ngày, nhưng không ai nghĩ đây là một cơn bệnh nặng. 

Ngày thứ ba, ngài cố gắng thức dậy để dâng thánh lễ, nhưng ngài chỉ có đủ sức để bước qua nhà hội, và nằm dài trên một chiếc chiếu, từ đó, than ôi! ngài không chỗi dậy được nữa.. Tuy nhiên vị linh mục thân yêu nói chuyện vui vẻ với cha Chu. Ngài nói rằng mình lành rồi, dự tính đi Đồng Hới, ngay sau lễ Phục Sinh. Khi cha Chu rời ngài để đi đọc kinh thần vụ, ngài bảo cho mình một cuốn sách, rồi vài giây sau đó, ngài không còn biết gì nữa. Lui lại cha Chu nhận thấy rằng lưỡi cha Julien đã bị cứng, Chính lúc đó người ta gọi các bác sĩ và họ cho biết không làm gì được nữa. Tuy nhiên người ta thử một liều thuốc nhưng vô hiệu. 

Ngày hôm sau, người anh em thân yêu chịu phép Xức Dầu Thánh và ngay lúc đó, Chúa nhân lành cho ngài tỉnh lại; đồng thời một người đưa tin đến tìm con. Con đi ngay, nhưng đến không kịp để đón nhận hơi thở cuối cùng của người quá cố thân yêu. Việc an táng được thực hiện giữa đông đảo giáo dân không ngừng cầu nguyện cho linh hồn vị thừa sai được an nghỉ. 

Chúng tôi tiếc rằng không biết chi tiết nào về sự nghiệp tông đồ của cha Julien. Sinh ở Barges, địa phận Puy, ngày 16.11.1852, ngài nhập Chủng viện Paris tháng chín 1874. Vào cuối năm 1877 ngài lên đường đi miền truyền giáo Bắc Đàng Trong. 

25. Cha Dezalay (Lễ I) 

Sinh tại Rouez-en-Champagne, địa phận Mans, cha Louis-François Dezalay đã làm linh mục khi nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại ngày 04.10.1878. Năm sau đó, ngài được chỉ định đi Bắc Đàng Trong. 

Đức cha Caspar viết:”Đó là một vị thừa sai nhiệt thành và sức khỏe dồi dào, mới vừa qua, hứa hẹn một sự nghiệp tông đồ lâu dài. Ở Tiểu chủng viện, trong mục vụ giáo xứ và nhiệm vụ tuyên úy quân đội, lòng nhiệt thành của ngài bao giờ cũng chúng tỏ như thế. Ngài dấn thân trọn vẹn cho mỗi công việc được trao phó cho ngài không cho thấy một sự thay đổi nhỏ nhặt nào trong lòng tận tâm của ngài. 

Tháng chín 1888, cha Dezalay bị bệnh kiết lỵ tấn công. Nhờ sự chăm sóc của bác sĩ bệnh viện quân đội ở Thuận An, ngài nhanh chóng bình phục và ngày 16.10 ngài lên đường đi dưỡng đường Hồng Kông để hoàn tất việc dưỡng bệnh. Nhưng cơn bệnh thêm rắc rối do chứng ứ huyết ở gan (engorgement du foie), có một cục u ngay khi ngài đến Đà Nẵng. Tuy nhiên cơn bệnh xem ra không nặng và sau vài ngày lưu lại nơi cha Laurent, người bệnh thân yêu tin rằng mình có thể tiếp tục cuộc hành trình. Chúng tôi không ngạc nhiên sao được khi một tháng sau nhận được tin sức khỏe của ngài giảm sút buộc ngài dừng lại tại Hải Phòng? Thế nên kể từ lúc đó, các niềm hy vọng của chúng tôi biến thành những sự lo ngại mãnh liệt.” 

Ở Hồng Kông, cha Holhann viết, cục u nơi gan lại thấy xuất hiện trong buồng phổi, làm thành một lỗ hổng đầy mủ, chảy ra từ từ qua các cuống phổi. Các bác sĩ đều có ý kiến thử thực hiện một cuộc giải phẩu để giúp cho bệnh nhân một cơ hội cứu sống cuối cùng. Thế nhưng họ cho ngài biết ca bệnh nặng và tình trạng nguy tử ngài đang gặp phải, dầu mổ cũng như không mổ. 

Cha Dezalay bằng lòng chịu mổ và ngài chuẩn bị mổ cũng như chuẩn bị chết bằng việc lãnh nhận các bí tích. Cuộc giải phẫu được thực hiện ngày 21 do 3 bác sĩ và ống thụt xâm nhập ngay lần đầu tiên vào một khối u lớn, người ta không ngờ nằm thấp đến thế và thực tế nó chỉ cho mủ từ buồng phổi chảy qua mà thôi. Cuộc giải phẫu được thực hiện không gặp bất trắc nào và người ta chờ đợi sau đó tìm một lối ra khác cho mủ chứa trong gan. Nhưng người anh em chẳng bao lâu yếu đi thấy rõ và lưỡi líu lại: môi và lưỡi bị tê liệt. Sáng ngày 23, người bệnh rước Thánh Thể; khoảng 7giờ rưỡi tôi nhận thấy khuôn mặt đổi khác và đôi mắt khép lại. Tôi hỏi ngài vài câu, và ngài trả lời lẫn lộn. Sau đó một chút, tôi bắt đầu đọc kinh cầu cho người hấp hối. Cho đến 10 giờ người bệnh cho thấy còn hiểu biết, đôi môi làm cử chỉ hôn thánh giá. Từ lúc đó tôi không nhận thấy một dấu hiệu nào chắc chắn là còn tỉnh táo Sốt cao, và hơi thở rên rỉ từng chặp. Vào khoảng 2giờ25p, sau vài tiếng kêu, hơi thở trở nên êm hơn và hầu như đều đều. Mạch đập còn đều. Lúc 2 giờ rưỡi hơi thở hầu như bất ngờ lịm đi, người hấp hối thở hơi cuối cùng”. 

Ngày hôm sau, 24.12 một bức điện báo tin cái chết của ngài cho Đức Giám mục:” Một thừa sai mất đi, Đức cha viết, luôn luôn gây xúc cảm mãnh liệt, sự trống vắng ngài để lại chỉ được lấp đầy sau nhiều tháng. Cái chết của cha Dezalay để lại cho chúng tôi niềm thương tiếc sâu xa, khi chúng tôi nhớ lại các đức tính của ngài và lòng trung thành với ơn gọi tông đồ của ngài mang lại biết bao hoa trái cho công trình của miền truyền giáo.” 

26. Cha Héry (Y) 

Cha Jean-Marie Héry sinh tại Bouin (Luçon, Vendée) ngày 18.01.1854. Cháu của chouan, ngài múc lấy trong những chuyện kể về cuộc chiến Vendée năng lực và sự tận tâm bất khả chiến bại làm nên tính cách của ngài.

Năm 1866, ngài vào lớp tám ở chủng viện Sables-d’Olonne, để học và luôn đứng đầu lớp. Tại Đại chủng viện Luçon, ngài cũng tỏ ra như ở Tiểu chủng viện. Thấy bản tính ngài nhút nhát và hiền lành, không ai ngờ rằng ngọn lửa tông đồ đã bừng cháy trong tâm hồn và kêu mời ngài đến các vùng truyền giáo. Chỉ vào năm 1877, sau khi chịu chức phụ phó tế, ngài mới nhận được phép nhập Hội Thừa Sai Hải Ngoại. 

Được chỉ định cho Bắc Đàng Trong năm 1879, ngài học tiếng Việt và khởi sự công việc dưới sự hướng dẫn của cha Dangelzer, cha chính miền truyền giáo tại Di Loan, gần Tiểu chủng viện An Ninh mà ngài đã phải góp phần cứu vớt vào các cuộc bách hại 1885. Năm 1882, ngài được bổ nhiệm ở Sáo Bùn, tỉnh Quảng Bình, nơi ngài đã hiến trọn cho lợi ích của giáo dân, những người chài lưới đáng thương, chỉ giàu có của cải tâm hồn. 

Đến năm 1885, năm kinh khủng, nhưng lại vinh quang cho Giáo hội Việt Nam. Cuộc mai phục cạm bẫy ở Huế (05.07) báo hiệu cuộc tàn sát người Công giáo. Cuộc tấn công ban đêm chống lại quân Pháp thất bại; vua Hàm Nghi và các quan bỏ trốn với đội quân ô hợp, nhưng gửi các chiếu chỉ truyền sát hại tất cả người Công giáo, mà họ gọi là”những quân Pháp trong lòng”. Vì nhà vua đi về phía Quảng Bình với một đoàn tùy tùng và các kho báu, hai tàu chiến Pháp, do tướng de Courcy sai đi, đã đến đúng lúc để chiếm thành Quảng Bình, ở gần biển. Thấy các tàu chiến các quan hỗn loạn đến xin lời khuyên với cha Héry và dâng cho ngài của lễ.. Vị thừa sai bảo họ mang chìa khóa thành và của lễ đến cho vị chỉ huy Pháp, để thành phố khỏi bị dội bom. Đã xảy ra như thế; quân Pháp vào thành Đồng Hới mà không bắn một viên đạn nào và cắt ngang đường chạy của vị vua đang chạy trốn, ông quay lui lại và đi ẩn trốn trong núi non. Nhờ biện pháp đó, tỉnh Quảng Bình tạm thời yên tĩnh. 

Tuy nhiên tỉnh Quảng Trị, là nơi nhà vua vừa vượt ngang qua, tràn lửa cháy. Các giáo dân bị tàn sát và các thôn làng bị đốt cháy. Chỉ có Tiểu chủng viện An Ninh, nằm ở một trung tâm lớn gần biển, còn chống cự và đang có 4000 người Công giáo trú ẩn. Họ tổ chức kháng cự trong gần một tháng chống lại bọn nho sĩ và các thuộc hạ say máu và cướp bóc. 

Ngay ngày 07.09 được tin thành Quảng Trị bị các nho sĩ chiếm đóng, Tiểu chủng viện đã sai một chiệc thuyền đánh cá đến với cha Héry để xin trợ giúp. Vị thừa sai vội vã báo cho viên chỉ huy Pháp. Để bảo vệ An Ninh, ông này đã cho vài khẩu súng thần công Việt nam cũ kỹ, những súng bắn đá và một ít thuốc súng. Khi loạn quân bắt đầu bao vây chủng viện, ngày 10.09, chúng bị một cơn mưa đạn và súng thần công làm cho chúng rút lui. Những ngày sau đó, chúng lại tấn công và luôn luôn bị đẩy ra. 

Ngày 20.09, đạn dược cạn dần, một chiếc thuyền khác đi trong đêm tối đến tìm trợ lực nơi cha Héry. Ngày 24, người anh em này viết trong nhật ký:”Tôi nhận được từ chủng viện An Ninh một tiếng kêu cứu khẩn cấp. Chính hôm nay, ngày lễ của Đức Trinh Nữ, chúng tôi không phải chết!” Ngài tức tốc lại kêu nài viên chỉ huy Pháp, đang phải ở lại theo lệnh trên để giữ tỉnh Quảng Bình và không thể gửi quân vào tỉnh Quảng Trị, nhưng lại cho một số khí giới; và cha Héry viết trong nhật ký:”Giáo dân của tôi van xin tôi đừng bỏ rơi họ và đàng khác sự sống của các giáo dân và các anh em vùng Đất Đỏ có thể tùy thuộc vào sự hiện diện của tôi tại Tiểu chủng viện. Sau một kinh Hãy nhớ dâng lên Đức Mẹ, tôi nhảy xuống thuyền vào lúc 4 giờ chiều. Con thuyền đến An Ninh trong đêm hôm sau; các quân bao vây đã rút đi từng lúc. Một người chèo thuyền can đảm nhảy xuống đất, trườn đi trong những bụi rậm và hàng rào tre và được các người canh gác nhận ra. Tức khắc 200 đàn ông được sai đến hộ tống tôi, lấy vũ khí và kéo thuyền nhỏ vào trường”. 

Sự hiện diện của cha Héry và những trợ giúp ngài mang đến làm cho những người bị vây hãm thêm can đảm. Người ta muốn giữ ngài lại; đây là thời gian lụt lội và bão tố, biển dậy sóng. Ngài không chịu. Ngài nói:”Nếu gió mang tôi đến phía bắc, tôi sẽ gặp được các giáo dân của tôi để cứu vớt họ hoặc cùng chết với họ”; nếu gió đưa tôi về phía nam, tôi sẽ đến Huế để xin gửi “sự trợ lực đến giúp anh em ”. Ngài tiếp tục trong nhật ký của ngài ngày 27.09:”Tôi xuống thuyền lúc nửa đêm, có thiên thần hộ thủ canh giữ. Xem ra tôi đang đi đến cái chết khi tìm cách cứu mạng sống của các kẻ khác. Chúng tôi hướng thuyền về phía bắc; còn ba tiếng nữa chúng tôi sẽ đến Sáo Bùn, khi cơn bão ập xuống trên chúng tôi. Con thuyền quay tròn, chúng tôi bị ngập nước; cột thuyền và cánh buồm bị bay mất, người chèo thuyền không cầm lái được nữa. Không có ngôn từ loài người nào diễn tả được tình trạng của chúng tôi. Ba lần chúng tôi đã cố gắng cập bờ, và ba lần sóng lớn xua chúng tôi ra biển. Chúa Quan Phòng biết rằng chúng tôi không thể chạm đất, bởi vì các người lương chứng kiến nối thất vọng của chúng tôi, đã tụ họp trên bờ với gươm giáo để giết tất cả chúng tôi. Vì vậy chúng tôi hướng về giữa biển khơi, đang hung hãn cách khôn khéo làm cho chúng tôi trôi nổi về hướng nam cho đến cảng Đà Nẵng. Từ đó, tôi đi Huế, ở đây tôi cảm thấy hạnh phúc tạo nguồn trợ lực cho Tiểu chủng viện An Ninh.” 

Quả thực ngày 02.10, một đoàn quân Pháp giải vây Tiểu chủng viện và cứu 1.000 giáo dân. Ít lâu sau đó, cha Héry trở về nhiệm sở, trên một tàu hơi nước tiếp tế cho quân trú phòng ở Quảng Bình. 

Nhiều đau khổ mới chờ đợi ngài ở Sáo Bùn. Người ta đọc được trong nhật ký của ngài:”Nhà tôi ứ đầy người, chính nhà thờ cũng đầy các giáo dân Quảng Trị và Quảng Bình. Người ta thấy họ lo sợ chạy như điên. Tôi phân phát số gạo còn lại, vì mọi người đã đến tay không. Tòa giải tội của tôi đầy người từ sáng đến tối. Sáo Bùn đã biến thành đồn lũy, để giúp chúng tôi nếu bị tấn công thì có giờ chờ đợi sự trợ giúp của quân Pháp đóng cách đó nửa dặm”. Cuộc tấn công chỉ phải đến vào tháng 05.1886, khi vị thừa sai không còn ở đó nữa. 

Ngày 14.01.1886, cha Héry viết:”`Công giáo Quảng Bình thân yêu chỉ còn lại một hình bóng, Sáo Bùn. Cha Cơ bị sát hại; 400 giáo dân họ đạo của ngài cùng đi lên với ngài trên đồi Canvê, và từ đó đến cõi trời, tôi đã thấy bao nhiêu điều hãi hùng đến nỗi tôi không thể sống được nữa. Trong tất cả các họ đạo Nam Quảng Bình, chỉ còn lại tro tàn.. Không một nhà nguyện, không một ngôi nhà nào khỏi bị tàn phá. Tượng Đức Mẹ đã bị chặt thành nhiều mảnh; 146 giáo dân vẫn còn sống, than ôi! để chết đói nơi nhà tôi hiện đang trống rỗng, nước mắt cũng chẳng còn; hôm nay nguồn suối đã cạn kiệt. Với một nhóm hộ vệ do lòng tốt của vị chỉ huy quân đội, tôi đã đi qui tụ họ nơi này nơi khác”. 

Ít lâu trước đó, đã xảy ra một sự kiện mà người anh em không nói. Trong cơn tàn sát, cha Héry ở với một toán lính sắp đi qua những làng lương dân đang dấy loạn, với hy vọng chừng đó đủ để cứu những giáo dân. Nhưng “các con thuyền” vừa lui về thành phố, thì tất cả các họ đạo đều bị chém giết. 

Người ta đọc trong đời sống của thánh Pierre Dumoulin-Borie rằng khi vị quan đọc cho ngài nghe bản án tử hình, vị tử đạo thinh lặng nghe đọc sắc chỉ nhà vua rồi cách trang trọng ngài ngẩng đầu về phía quan tòa và nói những lời sau đây;” Từ khi còn nhỏ, tôi chẳng bao giờ quỳ lạy ai. Hôm nay tôi cám ơn quan lớn bằng cách lạy ông một lạy.” Và ngài quỳ gối trước vị quan bị xúc động đến rơi nước mắt khi đối diện với tâm hồn cao cả này. Cha Héry thấy các giáo dân bị tàn sát, sau khi đã khẩn khoản van nài viên chỉ huy đoàn quân để ông đi cùng với lính đến trợ giúp các tân tòng, cuối cùng cũng quỳ lạy ông theo kiểu người Việt nhưng vô ích. Viên chỉ huy không dám làm theo sáng kiến đó, và trở về thành xin lệnh. Tức khắc, phép được ban ra; nhưng than ôi! Quá chậm rồi. Cha Héry cùng với đoàn quân chỉ có thể tụ họp được 106 giáo dân trú ẩn trong các hàng rào và hầm hố. 

Một vài ngày sau vui hơn. Quả thực, nhờ một nhóm lính Pháp hộ tống, ngài thâu họp từ các vùng khác về Sáo Bùn 410 giáo dân và 50 nữ tu, mà nhà cửa và tu viện đã bị đốt cháy và họ đã trốn trên những động cát. Ngài cũng đã quy tụ được nhiều trẻ mồ côi của Viện Dục Anh; và ngài viết:”Các lương dân nói” chỗ ở đã sạch sẽ, chúng ta sẽ sống bình an xa quân Pháp”. Thinh lặng tuyệt đối từ tỉnh Quảng Trị cho đến Sáo Bùn; bởi vì tất cả giáo dân đã bị tàn sát không còn tiếng nói để kêu tới Chúa nữa. Tuy nhiên Sáo Bùn đầy ứ người, nhà thờ, các nhà ở, các con thuyền đều đầy người và không có gạo! Ôi lạy Chúa! chúng con sắp chết đói, trước khi các nho sĩ đem chúng con đi làm vật hy tế. 

Vị chỉ huy Pháp đồng ý cho ngài những trợ giúp đầu tiên, Đức cha cung cấp những trợ giúp khác và cơ quan bác ái Pháp xúc động khi nghe kể về bao nhiêu khốn khổ đã không để những người còn sống phải chết đói. 

Nhưng cha Héry đã kiệt sức. Bao lâu những cuộc tàn sát còn kéo dài, nhiệt tâm và tình thương của ngài đối với các giáo dân đã vượt quá sức ngài gấp bội.Trận chiến kết thúc, thân xác ngài suy sụp. Cơn bệnh kiết lỵ dai dẳng buộc ngài phải đi Hồng Kông mùa xuân 1886. Ngài phải ở lại đó 8 năm; trước tiên ở dưỡng đường, sau đó khi khá hơn mà vẫn không lành bệnh, tại Nadaret, nơi ngài giúp nhiều cho nhà in. 

Ngài trở về với chúng tôi năm 1894, và phụ trách 4 họ đạo hoàn toàn tân tòng, và ngài đã thành công trong việc duy trì họ trong đức tin và đào luyện họ trong nếp sống kitô hữu. 

Vào tháng 08.1902, cơn bệnh lại xuất hiện dữ dằn hơn và làm cho ngài không còn xa cái chết bao nhiêu. Một thời gian lưu lại bệnh viện Huế làm cho ngài đủ sức để đi Pháp và đến dưỡng đường Montbeton. Ngài ở lại đó cho đến khi chết. 

Trong ba năm ở tại Pháp, xem ra ngài khá phục hồi sức khỏe và thường xin được trở về Đàng Trong; nhưng vì gần như ngài đã mất hoàn toàn trí nhớ, ngài không thể nhận được phép đó. 

Sự trở chứng đã làm cho ngài ngán ngẩm mọi thứ đồ ăn; ngài không thể ăn gì cả. Vị bác sĩ không thấy cơ quan nào bị tổn hại, xét rằng ngài bị một trạng thái đau tủy xương sống (affection de la moelle épinière). Ngày 14.08.1905, lúc 11giờ rưỡi sáng, ngài chịu các bí tích cuối cùng và qua đời vào lúc 1 giờ trưa, hầu như không có cơn hấp hối. 

27. Đức cha Caspar 

Đức Cha Caspar sinh tại Obernai ( giáo phận Strasbourg, tỉnh Bas-Rhin) ngày 23.07.1841. Cha mẹ ngài là những thương gia được trọng vọng, những kitô hữu rất tốt lành và những người rất hăng hái phục vụ đất nước mình.

Thân phụ ngài, phụ tá thị trưởng Obernai, đã rất đau buồn về những tàn phá của cuộc chiến năm 1870, và không ai an ủi nổi khi thấy vùng Alsace thân yêu của mình bị rơi vào tay quân Đức đến nỗi ông đau buồn mà chết. Vào thời kỳ bị tàn phá đó, Louis Caspar đã ở miền truyền giáo. Cũng yêu đất nước mình như người cha, ngài đã không được biết sớm hơn rằng ngài có tự do chọn lựa vì nước Pháp hoặc lệ thuộc vào nước Đức, ngài liền hối hả tuyên bố theo đúng thể thức rằng sinh là người Pháp, ngài sẽ sống và chết là người Pháp. 

Sau khi học nhiều năm ở trường Obernai, cùng với bạn đồng hương Louis Dangelzer, mà ngài sẽ gặp lại sau này trong miền truyền giáo Bắc Đàng Trong, cậu Louis Caspar hoàn tất môn văn học cổ điển (humanités) ở Metz, tại trường Saint-Clément, do các cha Dòng Tên điều hành. Từ đó ngài qua Đại chủng viện Strasbourg, nơi ngài sớm rời bỏ để đến Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris. 

Sau thời gian huấn luyện bình thường trong cơ sở này với bao kỷ niệm đẹp, ngài thụ phong linh mục ngày 17.12.1864. Ngày 15 tháng 2 năm sau, ngài xuống tàu đi miền truyền giáo Tây Đàng Trong. 

Với lòng yêu thích cuộc sống đều đặn và bình lặng, vị thừa sai trẻ lấy làm hạnh phúc đã được bổ nhiệm làm giáo sư chủng viện Sài Gòn ngay khi đến, và vài năm sau đó, ngài hết sức vui thích khi được Giám mục của mình trao trách nhiệm thành lập một trường giáo lý viên tại Tân Định. Tự do hoạt động hơn khi ở chủng viện, ngài đã có thể chăm lo đào luyện các học trò của mình những ý tưởng chắc hẳn phù hợp với cá tính của ngài hơn là trong thực tế; bởi vì công trình này sau khi bị ngưng trệ, đã được phục hồi với những nền tảng mới. 

Cùng lúc này ngài đã xuất bản nhiều tác phẩm tu đức và ngôn ngữ học rất bổ ích, đặc biệt cuốn Dictionnaire annamite-francais (Tự điển Việt-Pháp ,Tân Định,Sài Gòn, 1877) và Notions pour servir à l’étude de la langue annamite (Những khái niệm giúp học tiếng Việt ,Tân Định, Sài Gòn, 1879). 

Việc này tồn tại cho đến năm 1880, khi ngài được gọi làm Giám mục kế vị Đức cha Pontvianne, với hiệu toà Canathe, làm Đại diện Tông toà Bắc Đàng Trong. 

Ngài được tấn phong tại nhà thờ chính toà Sài Gòn, ngày 24 tháng 08 năm 1880 do Đức cha Colombert. Ít ngày sau, ngài đi Huế và đến đó vào đầu tháng 9. 

Công việc tông đồ đặc biệt mà Đức cha Canathe đã trách nhiệm trong miền truyền giáo Tây Đàng Trong chỉ chuẩn bị cho ngài cách khá xa vời cho một hoàn cảnh biết bao khó khăn khi miền truyền giáo ngài cai quản lại khác nhiều điểm hơn miền truyền giáo ngài đã sống trong suốt 15 năm qua.

Không phải ngài không biết tình trạng này. Nhưng cậy trông vào Chúa và sự trợ lực của hàng giáo sĩ, ngài bắt tay vào việc một cách can đảm. Xác tín rằng không lời giáo huấn nào có giá trị bằng gương sáng, sau vài tuần lễ chuyện trò trao đổi với các linh mục và tiếp đón các chức sắc của nhiều giáo hạt khác nhau, ngài quyết định đi đến một giáo xứ tại một vùng có khí độc ngăn trở mọi thừa sai lưu trú cố định tại đó. Ngài ở lại đó trong vòng 15 ngày, và trở về khá mệt, nhưng lấy làm hạnh phúc đã dạy dỗ một vài trẻ em và sống giữa những tín hữu, mà không bao giờ ngài quên được lòng nhiệt thành và sự đơn sơ của họ. 

Sau đó, ngài chuẩn bị đi một vòng đầu tiên để ban phép Thêm Sức. Ngài mới bắt đầu, thì được tin hoả hoạn vừa thiêu rụi các ngôi nhà mới xây tại nông trại Ba Trục (nay thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền). Đây là một thiệt hại không thể sửa chữa lại về mặt vật chất, và làm cho trở thành hư không những niềm hy vọng của Đức cha Sohier khi lập nên cơ sở này, để cung cấp nguồn tài chánh cho miền truyền giáo đang hoàn toàn bị thiếu hụt.

Dominus dedit, Dominus abstulit (Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi). Xin chúc tụng thánh ý Chúa ” (x.Gióp 1,21). Đức cha chỉ nói thế, và ngài tiếp tục cuộc hành trình, tưởng như không có gì khác thường xảy ra. 

Tùng phục hoàn toàn sự Quan Phòng của Chúa là một đặc điểm trong diện mạo tinh thần của Đức cha Caspar. Ngài sẽ thường có dịp thực hành trong suồt triều giám mục dài của ngài, khi phải chịu đựng bao nhiêu thử thách đủ mọi thứ. 

Một trong những lần nặng nề nhất là thử thách theo sau việc chiếm Thuận An vào tháng 8 năm 1883 và cái chết của vua Hiệp Hoà là người tỏ ra thân tình với vị đại diện nước Pháp tại Huế. Trong vòng 1 tháng, từ 30 tháng 11 đến cuối tháng 12, mọi họ đạo của tỉnh Thừa Thiên đều bị vây hãm bởi những băng nhóm được các quan lại thuê sẵn sàng tàn sát các thừa sai và các kitô hữu. Trong số đó, một vài nhóm ham cướp bóc hơn, không có lệnh chính thức, đã bắt đầu công việc độc ác và trong chưa đầy 3 ngày tất cả các họ đạo nằm trên đường quan giữa Đà Nẵng và Huế đều bị cướp bóc, đốt cháy, và hầu như mọi cư dân đều bị tàn sát. 

Trong tháng này, Đức cha Caspar phải ở ẩn trong Toà Giám mục không thể đi ra mà không bị nguy hiểm đến tính mạng, nghe những tin xấu nhất và càng thêm đau khổ khi những người có lẽ có thể làm cho hoàn cảnh nên tốt hơn, lại tỏ vẻ không tin lời ngài mà xem ra chỉ muốn tin vào lời những kẻ nghịch đạo. 

Cuối cùng việc chiếm Sơn Tây ở Bắc Kỳ và sự rút lui của quân Tàu đánh thuê chấm dứt những khốn khổ dữ dằn trong vòng 1 tháng đã làm cho vị Giám mục không chút nghỉ ngơi. 

Tuy nhiên tiếp sau những ngày khốn khổ đó lại là những ngày còn nặng nề hơn, khi hai năm sau đó, Huế âm mưu và các quân của tướng de Courcy chiếm thành phố này. Theo lệnh của các quan nhiếp chính Tường và Thuyết, những người bách hại nổi lên từ mọi phía, tàn phá miền truyền giáo Đông Đàng Trong và tiếp tục công trình huỷ diệt đó trong tỉnh Quảng Trị và một phần lớn tỉnh Quảng Bình, nghĩa là trong hết hai phần ba miền truyền giáo Bắc Đàng Trong. Khắp mọi nơi các băng nhóm này đi qua, không một thánh đường nào, không một nhà có đạo nào thoát khỏi cảnh bị đốt cháy; chỉ riêng tại tỉnh Quảng Trị, trong vòng một tuần, 5 linh mục bản xứ và hơn 7000 tín hữu hoặc bị thiêu cháy hoặc bị nhận nước, hoặc bị tàn sát. 

Miền truyền giáo đáng thưong và thiết thân của chúng tôi xem ra đã bị triệt tiêu và triệt tiêu mãi mãi, những người lương nói thế, nhiều người Âu cũng lặp lại như thế: Đạo Công giáo đã chết tại miền Bắc Đàng Trong, chắc sẽ không bao giờ sống lại đâu! Mặc dầu đau khổ, vị Giám mục và các thừa sai vẫn giữ một niền hy vọng bất khuất vào tương lai, và ngay khi bão táp lặng yên, họ lại lo làm việc để thể hiện điều này, Đức cha Caspar cho tìm những người kitô hữu thoát khỏi gươm đao của những người bách hại, để đưa họ trở về trong các làng của họ và xây dựng lại các xứ đạo.  

Nhưng lấy đâu ra ngân khoản để giúp những người khốn khổ này làm lại nhà cửa, dựng lại nhà nguyện?. Các cấp chính quyền tây cũng như Việt từ chối giúp đỡ họ. Nhưng những tiếng kêu van thất vọng của họ lại được nghe ở trời Âu. Nhờ của cải trợ giúp từ những tấm lòng bác ái quảng đại, các làng mạc đã được xây dựng lại và những nguyện đường được dựng lên. Ở nơi nào gươm đao và lửa cháy chỉ để lại tử thi và tro tàn, nay lại mọc lên những ngôi thánh đường đẹp đẽ giữa những ngôi làng mà dân cư mỗi năm càng tăng thêm. 

Than ôi! những biến cố kinh hoàng đó không phải đánh dấu sự chấm dứt các thử thách của miền truyền giáo Bắc Đàng Trong. 

Những thiệt hại do nhiều trận bão rất dữ dội để lại cảnh hoang tàn trong giáo phận. Hai trong các trận bão này đã ghi dấu kỷ niệm đáng buồn nhất. Trận đầu xảy ra vào các ngày 15 và 16 tháng 19 năm 1897, khắp cả giáo phận đều phải chịu đựng và cảnh đói kém lan tràn, nạn nhân đếm được hàng ngàn.  

Trận thứ hai vào ngày 11.09.1904, chỉ thử thách tỉnh Huế, nhưng những thiệt hại gây nên thật kinh khủng; nhà của những người Âu, đền đài vua chúa, nhà thờ, chùa chiền, đều bị phá huỷ, hoàn toàn hay một phần. Còn những nơi ở của dân chúng hiếm thấy nhà nào thoát khỏi tai ương , sức gió lớn đến nỗi lật đổ và quăng xuống sông 4 trong 6 vài của cây cầu ở Huế (Trường Tiền) nối khu phố tây với khu phố Việt. Thế mà mỗi vài của chiếc cầu này dài 75 mét do hãng Creusot xây dựng. 

Trong các nạn nhân có cha Dangelzer, cha Chính Miền Truyền Giáo và bạn đồng môn của Đức Cha Caspar tại trường Obernai. Trong hoàn cảnh đó, vị Giám mục thân yêu của chúng ta hối hả cứu giúp những người bị nạn và sự can thiệp của ngài, với sự trợ lực rất mạnh mẽ của hàng giáo sĩ, đã cứu mạng sống cho hàng ngàn người bất hạnh và giúp xây dựng hoặc tạm thời sửa chữa lại các nhà thờ hoặc các nhà cửa bị tàn phá hoặc hư hại. 

Khi đọc bản tóm lược các thử thách này liên tục xảy đến cho miền truyền giáo Bắc Đàng Trong trong gần một phần tư thế kỷ, chắc người ta có thể tự hỏi phải chăng cả thời giờ và năng lực của Đức cha Caspar chỉ dùng để sửa chữa lại những đổ nát mà thôi?. Không, con người khiêm tốn, trầm lặng, hầu như luôn ở trong phòng làm việc này, lại dẫn đầu các bước tiến thật quan trọng của Công giáo trong triều giám mục của ngài. 

Điều đầu tiên đã lôi kéo sự quan tâm của ngài, đó là sự thiếu thốn, nếu không nói là hoàn toàn thiếu những ngân khoản cần thiết cho hoạt động của giáo phận được tốt đẹp. Để chữa trị tình trạng thiếu thốn này và để chuẩn bị bao nhiêu có thể cho những bất định trong tương lai, nhờ ý chí và kiên trì, ngài đã thành công lo cho miền truyền giáo có được một số ruộng, với thu nhập còn xa mới đủ cho việc duy trì tất cả các công trình, nhưng ít nữa cũng bảo đảm một phần lớn cho các chủng viện được tồn tại. 

Khi ngài đến, giáo phận chỉ có một Tiểu chủng viện đang thời kỳ phôi thai, với số chủng sinh khi nhiều khi ít và thời gian lưu trú khi vắn khi dài tuỳ theo ngân khoản. Nhờ những biện pháp của Đức cha Caspar và sự trợ lực của các thừa sai phụ trách cơ sở này, mọi việc sớm đi vào trong một đường lối đều đặn, và số chủng sinh mỗi năm đều tăng, cuối cùng đạt tới con số 155. Nếu hoàn cảnh ít thuận lợi đã dẫn đến một sự hơi giảm sút trong con số này, thì kỷ luật và việc học lại ngày càng tốt hơn, và hiện nay Tiểu chủng viện An-Ninh ở trong tình trạng rất thoả mãn. 

Đại chủng viện mang ơn Đức cha Caspar về sự tồn tại và thiết lập bền vững tại Phú Xuân, cách tường thành Huế không đầy một cây số, trong một vị trí tuyệt đẹp. Từ cơ sở này, ngài rất lấy làm an ủi thấy 50 linh mục bản xứ ra trường mà 38 vị đang còn sống. 

Đức cha cũng muốn cho giáo phận hưởng được sự hiện diện của các nữ tu người Pháp. Ngài mời đến Huế các chị em Dòng Thánh Phaolô thành Chartres. Ngài giao cho họ cơ sở Viện Dục Anh đang phát triển nhanh và một trường trong khu phố tây ở Huế. 

Sau các xơ, nhờ những cuộc thương thảo được hướng dẫn khéo léo, các anh em trường Kitô (Lasan) cũng đã đến Huế và lập nên hai trường rất phát triển, một tập viện, một tuyển viện và một nhà tĩnh tâm. 

Ngài cũng khao khát sự hiện diện của các chị em Dòng Carmêlô. Ngài ở trong số những người vững tin vào sự phong phú của lời cầu nguyện và hy sinh, và ngài có lý. Những hoàn cảnh không như ý ngài muốn đã làm lùi lại việc hoàn thành ước nguyện này( nay đã được thể hiện) 

Thêm vào những công trình này là đông đúc các cuộc trở lại của lương dân, mà vị giám mục, nếu không trực tiếp làm như các thừa sai, thì cũng đã trợ lực bằng cách cổ võ, thúc đẩy và giúp ngân khoản. Từ 1886 đến 1906, 14 giáo xứ mới gồm hơn 20 họ đạo đã được thành lập và xây dựng vững chãi. Số các tín hữu từ 18.000 lên đến hơn 60.000. 

Sự tăng triển này không phải được thực hiện mà không vất vả trở ngại. Những ai trong chúng tôi cùng với các tân tòng đã là nạn nhân bất công nhất trong các cuộc bách hại của nhà cầm quyền, sẽ không bao giờ quên được những khắc khoải đã chịu, khi thấy một số người mới theo đạo phải sa ngã. Trong thời gian này, vị Giám mục cũng phải tranh đấu chống lại những kẻ bách hại này đang hung hăng lấy mất đi một số tài sản mà ngài đã tậu được cho miền truyền giáo. May thay Chúa Quan Phòng đích thân lo các việc này cho chúng tôi. Những người đối xử với chúng tôi như thù nghịch dần dần khuất đi từ người này đến người khác, và chúng tôi đã có được niềm an ủi đem về lại nhiều con chiên đã lạc mất và có thêm nhiều người hơn để thế chỗ cho những con chiên đã bỏ đi.

Các công việc này không hoàn toàn lôi kéo vị Giám mục của chúng ta khỏi các học hỏi thiết thân của ngài: ngài xuất bản các sách Bài giảng về các Phúc âm gồm 5 cuốn, Tháng Thánh Giuse, Một Phương pháp cầu nguyện v.v.) 

Do tư cách và tính khí của ngài, ngài là một con người ham thích học hỏi (homme d’étude); khi ngài đã hoàn tất các việc bên ngoài như bổn phận đòi hỏi, ngài liền trở về với sách vở; nhưng đó là những cuốn sách để làm việc chứ không phải để tiêu khiển (livres de travail et non de délassement). Ngài không đặt mua tờ báo hằng ngày nào thuộc chế độ thuộc địa, hoặc từ Pháp hoặc từ nước ngoài nào; thư viện của ngài chỉ gồm những tác phẩm triết học, thần học, tu đức, khoa học và sách chữ Hán, mà nhờ thông thạo các mặt chữ nên ngài đọc dễ dàng. Nói tóm lại, Đức Cha Caspar là một Giám mục đạo đức, khiêm tốn, uyên bác và là người, như đúng trong thực tế, chỉ thoát ra khỏi sự dè dặt thường tình khi thỉnh thoảng ngài nghĩ phải làm như vậy, chẳng hạn như trong dịp mà chúng tôi phải nêu lên. 

Đó là vào tháng 8 năm 1883, cửa Thuận An nằm cách Huế khoảng 12 cây số, vừa bị dội bom và bị đô đốc Courbet chiếm cứ. Vua Hiệp Hoà và các quan lại lấy làm lo lắng không bảo đảm về tương lai; họ rất ái ngại ngay cả trong việc xuất hiện trước vị đô đốc là người trước hôm dội bom Thuận An đã không tiếp và không cho hai vị sứ giả của Triều đình lên trên tàu Bayard. 

Trong cảnh ngộ đáng buồn và khó khăn đó, chính quyền Việt Nam thấy chỉ có một người có thể giúp họ san phẳng các nẻo đường dẫn đến một thoả thuận giữa nước Pháp và Việt Nam: đó là vị Giám mục Huế. Một phái đoàn đến gặp Đức Cha Caspar để, nhân danh nhà Vua và tất cả các bộ trưỏng, xin ngài vui lòng đồng hành và giới thiệu các quan phụ trách việc cầu hoà với vị đô đốc. Đức Cha Caspar chấp thuận với ao ước phục vụ và cứu mọi người thoát khỏi hiểm hoạ chiến tranh. 

Vị đô đốc và cả bộ tham mưu tiếp đón ngài long trọng, và thể theo lời yêu cầu của ngài, ông sẵn sàng nghe các vị đại diện toàn quyền của Việt Nam trình bày. Một vài ngày sau, một hoà ước giữa Pháp và Việt Nam đã được ký giữa ông Harmand, uỷ viên chính phủ Pháp, và ông Tường, bộ trưởng ngoại giao Việt Nam. 

Ghi nhớ việc phục vụ này, Đức cha Caspar đã được trao tặng huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh (Légion d’honneur). Dầu rất xúc động trước việc tặng thưởng này, tôi có thể đoán chắc rằng ngài không bao giờ hoặc rất hiếm khi mang huy chương này. 

Những việc phục vụ Đức cha Caspar đã làm trong những hoàn cảnh khó khăn mang tầm quan trọng lớn lao. Nhưng những người ngài đã giúp đỡ hoặc là những kẻ nghịch thù khó hoà giải hoặc là những người bạn không đủ khả năng, thế nên ngài đau khổ thấy ông Tường kích động lương dân bách hại người có đạo, còn tướng de Courcy lại từ chối giúp đỡ những kẻ bị người ta bách hại. Ngài chỉ còn được niềm an ủi làm dịu bớt nỗi niềm cay đắng, đó là dầu sao ngài cũng đã muốn phục vụ nước Việt Nam và cả đất nước mình. 

Gần 42 năm trôi qua kể từ ngày vị Giám mục rời nước Pháp, 26 năm từ khi ngài cai quản giáo phận Bắc Đàng Trong. Chúng tôi nghĩ rằng còn giữ ngài lại được để dẫn dắt chúng tôi, khi một ngày kia ngài báo cho chúng tôi rằng ngài đi Rôma để cần bàn về những lợi ích của giáo phận. Ngài nói sự vắng mặt của ngài sẽ vắn thôi và ngài chỉ thực sự hạnh phúc khi đặt chân lại trên đất Việt Nam.

Rủi thay ngài chọn thời điểm cuộc hành trình không đúng lúc. Ra đi từ Huế khoảng cuối tháng 09 năm 1906, ngài đến Pháp ngày 14 tháng 11. Ngài muốn thực hiện vài cuộc hành hương và thăm gia đình của các vị thừa sai.

Ngài quá mệt khi vừa đến Rôma vào tháng 04 năm 1907, ngài lâm bệnh nặng. Ngài tưởng rằng không bao giờ có lại sức khoẻ để trở về Miền Truyền Giáo của mình, nhất là để lại sống cuộc đời làm việc, và ngài đã đệ đơn từ chức trong tay Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo là người chỉ đón nhận với bao tiếc nuối thực tình. 

Sau đó ngài có hơi khoẻ lại để đến Alsace, nơi đó ngài tưởng sẽ chóng bước lên con đường về với một thế giới tốt hơn. Sự yên tĩnh, bầu khí quê nhà và những lo lắng ân cần tận tâm của người chị dâu mà từ ngày chồng mất, vẫn ở một mình ẩn dật trong nhà của gia đình ngài, mang lại cho ngài đủ sức khoẻ để còn sống thêm khoảng 10 năm nữa.  

 Ở xa cũng như ở gần, ngài cảm thấy hết lòng gắn bó với miền truyền giáo đã được ngài lãnh đạo rất tốt đẹp.  

Khi người chị dâu mất, ngài đến ở viện dưỡng lão Obernai, sống trong cô tịch, cầu nguyện và từ tháng 08 năm 1914, trong bao nhiêu thao thức khắc khoải! Từ đó, chúng tôi không biết gì thêm ngoài ngày ngài mất là 13 tháng 06 năm 1917. 

Dầu xa giáo phận từ 10 năm qua, Đức cha Caspar không bị lãng quên ở đó và sẽ còn được nhớ lâu dài. 

Không thể cử hành nghi thức an táng long trọng cho di hài của ngài, cả miền truyền giáo Bắc Đàng Trong đã tích cực cầu nguyện cho ngài. 

Trong nhiều ngày, có lẽ tôi phải nói trong nhiều tuần, các thánh lễ đã được cử hành và các kinh nguyện đã được dâng lên cầu cho linh hồn ngài được nghỉ yên tại tất cả các nhà thờ và nguyện đường trong giáo phận. Nhất là trong lễ trọng thể tại nhà thờ Phủ Cam, tất cả các cấp chính quyền Việt - Pháp và các thành viên phái đoàn châu Âu đều đến tham dự để bày tỏ lòng tôn kính đặc biệt đối với vị Giám mục thánh thiện và là người con tốt lành của miền Alsace, nước Pháp. 

28. Cha Bonnand (Bổn) 

Ngài là cháu của Đức cha Bonnand, một trong những vị Giám quản Tông tòa của Hội Thừa Sai Hải Ngoại và của Ấn Độ , mất năm 1861. Đến Huế, cha Bonnand vừa học tiếng Việt, vừa lo Viện Dục Anh và giúp cha Renauld ở Ba Trục. Năm 1882, ngài được bổ nhiệm làm cha sở Thanh Hương. Vào tháng 09.1885, trước hiểm nguy các người Công giáo phải chịu, ngài quyết định cho họ chạy trốn trong đêm đến Thuận An, nơi có một đồn lính Pháp. 

Chính ngài đã làm việc với cha Bonin ở Tam Tòa trong một thời gian, rồi đến ở Bố Liêu. Năm 1895 ngài được bổ nhiệm làm cha sở Tam Tòa và hạt trưởng Quảng Bình. Ngài từ nhiệm năm 1905 và đến ở Đốc Sơ. Ngài trải qua năm 1908 ở dưỡng đường Hồng Kông. Trở về Đốc Sơ tháng 01.1909, ngài mất tại đó ngày 30.11.1919. Thọ 65 tuổi, linh mục 39 năm. 

29. Cha Closset (Lương) 

Các chi tiết về tiểu sử chúng tôi trình bày đã được truyền lại cho chúng tôi bởi cha Girard, bề trên Tiểu chủng viện An Ninh và là bạn của vị quá cố. 

Cha Jean Closset sinh tại Kappellkinger (địa phận Metz) ngày lễ Đức Mẹ Núi Carmêlô 1857. Ngài bắt đầu học tại trường Bitche và hoàn thành việc học tại Tiểu chủng viện Fenétrange. Chính trong thời gian lưu lại Tiểu chủng viện mà một ngày kia ngài bắt đầu nghi ngờ về ơn gọi linh mục của mình. Bị giằng co bởi sự nghi ngờ này, và chịu nhường bước cho cơn cám dỗ, ngài xin và đã được chấp thuận với một nguyên cớ nào đó để trở về gia đình. Về đến nhà, ngài tuyên bố với cha mẹ là không muốn trở lại chủng viện nữa. Một sự náo động lớn trong gia đình, vị quản xứ tốt lành là người rửa tội cho Closset, đã nhận định và khuyến khích ơn gọi của cậu, được báo ngay tức khắc, thấy rất rõ đây chỉ là một cơn cám dỗ. Lòng đạo đức, lối sống gương mẫu của người chủng sinh này chứng tỏ rõ ràng là có ơn gọi. Sau khi an ủi, ngài quyết định cậu phải trở lại chủng viện, nơi cậu đã tìm lại được bình an và niềm vui Chúa ban cho những người tận hiến cho Chúa. 

Ngài thích kể lại giai thoại này của thời trai trẻ để ca ngợi lòng thương xót của Chúa đối với ngài và bày tỏ lòng biêt ơn đối với cha quản xứ thật xứng đáng, mà như ngài nói, đã là người cứu vớt ơn gọi và linh hồn ngài. Ngoài tâm tình biết ơn mà ngài giữ mãi cho đến cuối đời đối với vị linh mục tuyệt vời này, ngài cũng bày tỏ đối với vị Giám mục thánh thiện của địa phận Metz, Đức cha Dupont des Loges một lòng kính trọng sâu xa. Trong một tấm giấy viết các ý chỉ để trong sách kinh thần vụ được ngài viết sau khi chịu chức phụ phó tế, ngài dâng hai ngày trong tuần để cầu nguyện cho vị Giám mục và địa phận Metz. Các bức thư Đức cha Dupont des Loges viết cho ngài được ngài giữ như báu vật chứng tỏ tâm tình yêu mến đặc biệt của vị Giám mục lớn lao đối với người giáo sĩ trẻ tuổi và sau này là vị thừa sai ở miền xa.  

Chính tại chủng viện, những mầm đầu tiên ơn gọi của ngài đã được bày tỏ; tuy nhiên những hoàn cảnh ngoài ý muốn ngăn cản Closset ra đi vào cuối những năm học văn chương. Vì vậy ngài trải qua một năm tại Đại chủng viện Metz, nơi đó ngài chịu phép Cắt tóc đầu tiên, và sau những năm học triết học, các khó khăn được san bằng. Ngài đã nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại vào tháng chín 1878. 

Sức khỏe của người mới nhập này không hề gây lo ngại, chỉ ít lâu trước khi chịu chức linh mục mới lộ ra những triệu chứng đầu tiên của cơn bệnh sẽ phải cất ngài đi 8 năm sau đó. Vị bác sĩ được tham khảo, do những ao ước đầy ham thích của bệnh nhân, đã bày tỏ một ý kiến ủng hộ, Closset được chịu chức linh mục, lên đường đi Bắc Đàng Trong ngày 09.11.1881. Ngài thường nói:”Can hệ gì nếu phải chết, nhưng tôi muốn chết như một nhà truyền giáo.” 

Cuộc hành trình thử thách ngài nhiều, ngay cả việc ngài phải dừng lại 15 ngày tại Singapore. Trên đường từ cảng này đến Sài Gòn, ngài bị sốt thương hàn, và ngài đã đến trong tình trạng hấp hối tại chủng viện của thành phố nầy, ở đó nhờ những chăm sóc chu đáo ngài nhận được, ngài phục hồi và có thể đạt đến đích cuộc hành trình. Ngài đến Huế vào tháng hai 1882. 

Sau vài tuần lưu lại kinh đô, ngài được sai đi làm giáo sư tại Tiểu chủng viện An Ninh, ngài đến đó vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Tám năm sau ngài trở về đó, nằm trong chiếc áo quan để ngủ giấc ngàn thu. Ngoài vài tháng ở Huế trong tư cách quản lý miền truyền giáo, cả đời ngài trải qua ở Tiểu chủng viện để phục vụ những ứng sinh làm linh mục. 

Trong việc chu toàn các bổn phận, vị giáo sư đã biết chinh phục lòng quý trọng và sự tin tưởng của các anh em cũng như các linh mục bản xứ và các học trò, không chỉ do lòng tốt , lòng quảng đại của ngài, nhưng nhất là do các nhân đức tỏa sáng của ngài. Chúng tôi ghi lại đây lời của người viết tiểu sử của ngài: 

“Viên đá đầu tiên của lâu đài thiêng liêng thánh thiện của ngài là đức khiêm nhường. Ama nesciri et pro nihilo reputari. Đó chính là câu châm ngôn được khắc ghi trong trái tim ngài. Không nói về mình, luôn tìm chỗ rốt hết, lấy làm vui thích hy sinh chính mình, xóa mình để làm cho mọi người thoải mái. Ngài rất khiêm tốn mà có lẽ không hay biết và không làm cho kẻ khác biết như thế. Một cuộc chuyện vãn lâu giờ với ngài mới có thể thấy được điều đó. 

Lòng tốt của ngài không thể ẩn giấu như thế, bởi vì luôn hoạt động. Giữa chúng tôi với nhau, chúng tôi gọi ngài là cha Closset tốt lành; hầu bao của ngài, cũng như lòng ngài, rộng mở cho mọi người. Không phải là người ưa nói chuyện, nhưng tới với ngài thật dễ dàng, người ta dễ dàng nhờ ngài một việc gì đó, vì người ta biết rằng ngài sẵn sàng giúp gấp mười lần. Các linh mục bản xứ biết ngài rõ ràng và thường chạy tới nhờ ngài. Ngài là cha linh hướng của rất nhiều chủng sinh và được tất cả tin tưởng. Ngài đoán được những khổ đau, những nỗi buồn, những sự thất vọng, những cơn cám dỗ, nhưng nhất là để giúp chữa lành. Ngài cảm nhận một cách sâu xa những nhục mạ, sự vô ơn, nhưng ngài tự chủ một cách hoàn hảo đến nỗi không gì tỏ lộ ra bên ngoài. 

Lòng quảng đại của ngài đối với các anh em và các chủng sinh còn bị vượt qua bởi nhiệt tình của ngài để trang hoàng nhà Chúa. Ngài là người luôn yếu đau, cần có một chế độ bồi dưỡng và ngải có thể có được điều đó nơi chủng viện, nhưng ngài cứ mãi từ chối, chắc hẳn để hãm mình, nhưng cũng để có thể làm nhiều hơn cho việc trang hoàng nhà nguyện. 

Nhưng có lẻ điều càng nổi bật hơn nơi người anh em, đó là sự đều đặn trong mọi sự và luôn luôn. Ngài tự làm cho mình một chương trình hài hòa với chương trình của chủng viện; chương trình này rất nghiêm khắc, tuy nhiên ngài đã để cho vị linh hướng của ngài chấp thuận và ngài trung thành giữ lấy. Chỉ có lòng bác ái mới có thể định cho ngài phải điều chỉnh điều gì trong đó. Chẳng bao giờ sự tò mò, ngay cả sự mệt nhọc, có thể dời lại hôm sau một điều gì đó trong các kinh nguyện của ngài. Ngài vẫn thản nhiên khi có thư từ Pháp đến. Báo chí là thứ cám dỗ hai tháng một lần ở miền truyền giáo luôn được để vào giờ giải trí. 

Cuối cùng lòng đạo đức của ngài được nuôi dưỡng mỗi ngày trong rất nhiều việc đạo đức cùng với những bổn phận khác chia sẻ thời giờ của ngài, và sự đúng đắn ngài hết lòng thực hiện các kinh nguyện cũng giống lòng sốt sắng để chu toàn. 

Đó là cuộc đời thừa sai của ngài trải qua hầu như hoàn toàn ở chủng viện. Đầu năm 1885, Đức cha Caspar gọi ngài về Huế, đến Tòa Giám mục và đặt ngài làm quản lý miền truyền giáo và làm tuyên úy Viện Dục Anh Trong nhiệm vụ này, ngài cũng hết lòng tận tâm như ở chủng viện. Các anh em có thể sử dụng ngài lắm lúc cách lộ liễu. Do những tương quan đầy hứng khởi và ích lợi, ngài cho họ biết ngay cả những biến cố chính trị quan trọng xảy ra ở Huế lúc bấy giờ và mang lại những hậu quả đẫm máu cho tất cả các miền truyền giáo tại Việt Nam. Bệnh dịch tả lúc bấy giờ đổ xuống Viện Dục Anh cũng cho ngài có cơ hội thực hiện nhiệt tình vai trò tuyên úy. 

Cuối cùng vào dịp nghỉ hè Đức cha sai ngài về lại Tiểu chủng viện. Sự trở về do Chúa quan phòng góp phần không ít vào việc cứu giúp cơ sở và giáo dân trong giáo hạt đang trú ẩn trong hàng rào chủng viện. Cha Closset đến đó ngày 01.09 và ngày 06, quần chúng lương dân trong tỉnh nổi dậy tàn sát các giáo dân nào họ gặp được tay không, cả trăm người đánh chưa tới một người. Tiểu chủng viện, cũng như các giáo dân, hoàn toàn thiếu vũ khí. Nhưng cha Closset đã làm quản lý nên có được một khẩu súng sẵn. 

Ngày 10.09, cuộc vây hãm này chỉ được giải tỏa vào hôm áp lễ Đức Bà Môi Khôi nhờ quân Pháp đến. Chính khẩu súng của cha Closset lúc ban đầu đã một mình nâng đỡ tinh thần của các giáo dân, làm cho những người bao vây phải đứng xa, và giúp cho những người trốn tránh họp nhau lại và tự bảo vệ, trong lúc chờ đợi những lối mở lớn để cướp được những khẩu súng thần công và súng trường của kẻ thù. 

Sức khỏe của cha Closset đã bị dao động nhiều vì sự thiếu thốn do cuộc vây hãm. Tuy nhiên ngài vẫn còn đứng lớp; nhưng khi đến kỳ nghỉ, ngài đi kinh đô ngay, ít nữa là do lời mời của Đức cha Caspar là người rất yêu thương ngài. Nhờ đổi khí và bồi dưỡng tại Tòa Giám mục ngài phục hồi sức khỏe và tiếp tục các công việc của ngài khi trở về. Ngài đáp lại lòng yêu mến đầy tình hiền phụ của Đức cha bằng một tâm tình thảo hiếu không bao giờ thôi. Năm 1889 sức khỏe của cha Closset yếu dẩn. Một cơn ho khan (toux sèche) dai dẳng, những cơn sốt ngắn, nhưng thường xuyên và bất thường, mồ hôi luôn chảy tràn, một chứng tắt giọng (aphonie) rõ nét, một chứng khạc đờm đầy mủ; tất cả chỉ rõ một bệnh lao phổi rất nặng nơi ngài. Theo bình thường, ngài không ngờ điều đó. Kỳ nghỉ đến, đường thủy đi Huế bị đóng cửa vài ngày, chính quyền cho vét kênh. Các chủng sinh thuộc tỉnh Huế, được thúc đẩy đi hưởng bầu khí tự do, cùng nhau thuê một con thuyền đi biển nhỏ. Cha Closset do quá nhiệt tình cũng muốn đi theo họ như thói thường. Nhưng vừa ra biển chiếc thuyền bị ngăn lại và bị sóng đánh trôi nổi vì ngược gió và phải trải qua hơn 58 giờ để thực hiện cuộc hành trình nhỏ này dự tính trong quá lắm là 10 tiếng. Cha Closset đến cửa biển Thuận An kiệt sức và bị hoàn toàn tắt tiếng. Sau khi được cha tuyên úy Renauld chăm sóc ban đầu, ngài về Tòa Giám mục, Đức cha và cha thư ký Chaiget lo chăm sóc sau đó. Vì vậy ngài có thể trở về chủng viện như lòng mong ước, tiếp tục dạy học khi hết kỳ nghỉ. 

Cơn bệnh có một lúc bị cầm hãm nhờ bệnh viện, nhờ chế độ ăn uống và nghỉ ngơi, bỗng chốc phát lại bất kể những điều đó. Tháng 02.1889, ngài lại bị buộc phải trở lại con đường dẫn đến dưỡng đường dành cho Giám mục. Tháng hai 1890, ngài còn trở về chủng viện. Nhưng sau vài ngày, cùng với các tật bệnh của ngài, lại thêm một thứ dữ dằn nhất, một thứ hẹp hoặc nóng thực quản (rétrécisement ou échauffement de l’oesophage) không cho phép ngài dùng đồ ăn cứng. Ngay đồ lỏng cũng chỉ rất khó khăn mới qua được nhân một cơn ho kéo dài dữ dội. Tòa Giám mục và Hồng Kông còn cho ngài một niềm hy vọng; nhưng ngài chỉ muốn chết tại chủng viện. Tuy nhiên ngài vâng lời ngay khi bề trên tỏ ý muốn ngài đi và ngài chuẩn bị như cho cuộc hành trình cuối cùng, bàng cách xưng tội và sắp đặt trật tự những gì ngài để lại chủng viện. 

Vừa tới Tòa Giám mục, bệnh tiêu chảy, triệu chứng giai đoạn cuối, hoành hành làm hao mòn những sức lực cuối cùng của ngài. Không còn nghĩ đến Hồng Kông nữa. Được cho biết về tình trạng của mình, ngài hiến dâng đời mình với sự chịu đựng hoàn toàn, đọc và ký lời trối qua đó ngài để lại tất cả những gì ngài có cho chủng viện và cho các anh em thừa sai và hoàn toàn tỉnh táo nhận lãnh các bí tích cuối cùng. Ngài cho biết đây là ngày giỗ đầu của mẹ ngài, mà ngài hy vọng gặp lại mẹ trên trời. Làm tờ di chúc xong, ngài không thể dằn được niềm vui vì không có gì nữa trên trần gian. Chính trong những tâm tình đó ngài êm ái phó linh hồn cho Chúa ngày thứ ba Tuần Thánh 01.04.1890, có Đức cha và tất cả các thừa sai của tỉnh Huế vây quanh. Beatus pauper et humilis, coelum dives ingreditur

Sau lễ an táng được cử hành tại nhà nguyện Tòa Giám mục với sự tham dự của tất cả các linh mục quanh vùng cũng như các vị chính quyền dân sự và quân sự Pháp tại Huế, thi hài ngài được chuyển về An Ninh để an nghỉ trong nghĩa địa Tiểu chủng viện, bên cạnh Đức cha Audemar và những vị thừa sai của Đàng Trong trước đây, mất vào thời Gia Long, dưới bóng nguyện đường, dưới đôi mắt của Chúa và Thánh Thể mà ngài yêu mến biết bao.

30. Cha Closset (Lương) 

          Các chi tiết về tiểu sử chúng tôi trình bày đã được truyền lại cho chúng tôi bởi cha Girard, bề trên Tiểu chủng viện An Ninh và là bạn của vị quá cố. 

          Cha Jean Closset sinh tại Kappellkinger (địa phận Metz) ngày lễ Đức Mẹ Núi Carmêlô 1857. Ngài bắt đầu học tại trường Bitche và hoàn thành việc học tại Tiểu chủng viện Fenétrange. Chính trong thời gian lưu lại Tiểu chủng viện mà một ngày kia ngài bắt đầu nghi ngờ về ơn gọi linh mục của mình. Bị giằng co bởi sự nghi ngờ này, và chịu nhường bước cho cơn cám dỗ, ngài xin và đã được chấp thuận với một nguyên cớ nào đó để trở về gia đình. Về đến nhà, ngài tuyên bố với cha mẹ là không muốn trở lại chủng viện nữa. Một sự náo động lớn trong gia đình, vị quản xứ tốt lành là người rửa tội cho Closset, đã nhận định và khuyến khích ơn gọi của cậu, được báo ngay tức khắc, thấy rất rõ đây chỉ là một cơn cám dỗ. Lòng đạo đức, lối sống gương mẫu của người chủng sinh này chứng tỏ rõ ràng là có ơn gọi. Sau khi an ủi, ngài quyết định cậu phải trở lại chủng viện, nơi cậu đã tìm lại được bình an và niềm vui Chúa ban cho những người tận hiến cho Chúa. 

          Ngài thích kể lại giai thoại này của thời trai trẻ để ca ngợi lòng thương xót của Chúa đối với ngài và bày tỏ lòng biêt ơn đối với cha quản xứ thật xứng đáng, mà như ngài nói, đã là người cứu vớt ơn gọi và linh hồn ngài. Ngoài tâm tình biết ơn mà ngài giữ mãi cho đến cuối đời đối với vị linh mục tuyệt vời này, ngài cũng bày tỏ đối với vị Giám mục thánh thiện của địa phận Metz, Đức cha Dupont des Loges một lòng kính trọng sâu xa. Trong một tấm giấy viết các ý chỉ để trong sách kinh thần vụ được ngài viết sau khi chịu chức phụ phó tế, ngài dâng hai ngày trong tuần để cầu nguyện cho vị Giám mục và địa phận Metz. Các bức thư Đức cha Dupont des Loges viết cho ngài được ngài giữ như báu vật chứng tỏ tâm tình yêu mến đặc biệt của vị Giám mục lớn lao đối với người giáo sĩ trẻ tuổi và sau này là vị thừa sai ở miền xa.  

          Chính tại chủng viện, những mầm đầu tiên ơn gọi của ngài đã được bày tỏ; tuy nhiên những hoàn cảnh ngoài ý muốn ngăn cản Closset ra đi vào cuối những năm học văn chương. Vì vậy ngài trải qua một năm tại Đại chủng viện Metz, nơi đó ngài chịu phép Cắt tóc đầu tiên, và sau những năm học triết học, các khó khăn được san bằng. Ngài đã nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại vào tháng chín 1878. 

          Sức khỏe của người mới nhập này không hề gây lo ngại, chỉ ít lâu trước khi chịu chức linh mục mới lộ ra những triệu chứng đầu tiên của cơn bệnh sẽ phải cất ngài đi 8 năm sau đó. Vị bác sĩ được tham khảo, do những ao ước đầy ham thích của bệnh nhân, đã bày tỏ một ý kiến ủng hộ, Closset được chịu chức linh mục, lên đường đi Bắc Đàng Trong ngày 09.11.1881. Ngài thường nói:”Can hệ gì nếu phải chết, nhưng tôi muốn chết như một nhà truyền giáo.” 

          Cuộc hành trình thử thách ngài nhiều, ngay cả việc ngài phải dừng lại 15 ngày tại Singapore. Trên đường từ cảng này đến Sài Gòn, ngài bị sốt thương hàn, và ngài đã đến trong tình trạng hấp hối tại chủng viện của thành phố này, ở đó nhờ những chăm sóc chu đáo ngài nhận được, ngài phục hồi và có thể đạt đến đích cuộc hành trình. Ngài đến Huế vào tháng hai 1882. 

          Sau vài tuần lưu lại kinh đô, ngài được sai đi làm giáo sư tại Tiểu chủng viện An Ninh, ngài đến đó vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Tám năm sau ngài trở về đó, nằm trong chiếc áo quan để ngủ giấc ngàn thu. Ngoài vài tháng ở Huế trong tư cách quản lý miền truyền giáo, cả đời ngài trải qua ở Tiểu chủng viện để phục vụ những ứng sinh làm linh mục. 

          Trong việc chu toàn các bổn phận, vị giáo sư đã biết chinh phục lòng quý trọng và sự tin tưởng của các anh em cũng như các linh mục bản xứ và các học trò, không chỉ do lòng tốt, lòng quảng đại của ngài, nhưng nhất là do các nhân đức tỏa sáng của ngài. Chúng tôi ghi lại đây lời của người viết tiểu sử của ngài: 

          “Viên đá đầu tiên của lâu đài thiêng liêng thánh thiện của ngài là đức khiêm nhường. Ama nesciri et pro nihilo reputari. Đó chính là câu châm ngôn được khắc ghi trong trái tim ngài. Không nói về mình, luôn tìm chỗ rốt hết, lấy làm vui thích hy sinh chính mình, xóa mình để làm cho mọi người thoải mái. Ngài rất khiêm tốn mà có lẽ không hay biết và không làm cho kẻ khác biết như thế. Một cuộc chuyện vãn lâu giờ với ngài mới có thể thấy được điều đó. 

          Lòng tốt của ngài không thể ẩn giấu như thế, bởi vì luôn hoạt động. Giữa chúng tôi với nhau, chúng tôi gọi ngài là cha Closset tốt lành; hầu bao của ngài, cũng như lòng ngài, rộng mở cho mọi người. Không phải là người ưa nói chuyện, nhưng tới với ngài thật dễ dàng, người ta dễ dàng nhờ ngài một việc gì đó, vì người ta biết rằng ngài sẵn sàng giúp gấp mười lần. Các linh mục bản xứ biết ngài rõ ràng và thường chạy tới nhờ ngài. Ngài là cha linh hướng của rất nhiều chủng sinh và được tất cả tin tưởng. Ngài đoán được những khổ đau, những nỗi buồn, những sự thất vọng, những cơn cám dỗ, nhưng nhất là để giúp chữa lành. Ngài cảm nhận một cách sâu xa những nhục mạ, sự vô ơn, nhưng ngài tự chủ một cách hoàn hảo đến nỗi không gì tỏ lộ ra bên ngoài. 

          Lòng quảng đại của ngài đối với các anh em và các chủng sinh còn bị vượt qua bởi nhiệt tình của ngài để trang hoàng nhà Chúa. Ngài là người luôn yếu đau, cần có một chế độ bồi dưỡng và ngải có thể có được điều đó nơi chủng viện, nhưng ngài cứ mãi từ chối, chắc hẳn để hãm mình, nhưng cũng để có thể làm nhiều hơn cho việc trang hoàng nhà nguyện. 

          Nhưng có lẻ điều càng nổi bật hơn nơi người anh em, đó là sự đều đặn trong mọi sự và luôn luôn. Ngài tự làm cho mình một chương trình hài hòa với chương trình của chủng viện; chương trình này rất nghiêm khắc, tuy nhiên ngài đã để cho vị linh hướng của ngài chấp thuận và ngài trung thành giữ lấy. Chỉ có lòng bác ái mới có thể định cho ngài phải điều chỉnh điều gì trong đó. Chẳng bao giờ sự tò mò, ngay cả sự mệt nhọc, có thể dời lại hôm sau một điều gì đó trong các kinh nguyện của ngài. Ngài vẫn thản nhiên khi có thư từ Pháp đến. Báo chí là thứ cám dỗ hai tháng một lần ở miền truyền giáo luôn được để vào giờ giải trí. 

          Cuối cùng lòng đạo đức của ngài được nuôi dưỡng mỗi ngày trong rất nhiều việc đạo đức cùng với những bổn phận khác chia sẻ thời giờ của ngài, và sự đúng đắn ngài  hết lòng thực hiện các kinh nguyện cũng giống lòng sốt sắng để chu toàn. 

          Đó là cuộc đời thừa sai của ngài trải qua hầu như hoàn toàn ở chủng viện. Đầu năm 1885, Đức cha Caspar gọi ngài về Huế, đến Tòa Giám mục và đặt ngài làm quản lý miền truyền giáo và làm tuyên úy Viện Dục Anh Trong nhiệm vụ này, ngài cũng hết lòng tận tâm như ở chủng viện. Các anh em có thể sử dụng ngài lắm lúc cách lộ liễu. Do những tương quan đầy hứng khởi và ích lợi, ngài cho họ biết ngay cả những biến cố chính trị quan trọng xảy ra ở Huế lúc bấy giờ và mang lại những hậu quả đẫm máu cho tất cả các miền truyền giáo tại Việt Nam. Bệnh dịch tả lúc bấy giờ đổ xuống Viện Dục Anh cũng cho ngài có cơ hội thực hiện nhiệt tình vai trò tuyên úy. 

          Cuối cùng vào dịp nghỉ hè Đức cha sai ngài về lại Tiểu chủng viện. Sự trở về do Chúa quan phòng góp phần không ít vào việc cứu giúp cơ sở và giáo dân trong giáo hạt đang trú ẩn trong hàng rào chủng viện. Cha Closset đến đó ngày 01.09 và ngày 06, quần chúng lương dân trong tỉnh nổi dậy tàn sát các giáo dân nào họ gặp được tay không, cả trăm người đánh chưa tới một người. Tiểu chủng viện, cũng như các giáo dân, hoàn toàn thiếu vũ khí. Nhưng cha Closset đã làm quản lý nên có được một khẩu súng sẵn. 

          Ngày 10.09, cuộc vây hãm này chỉ được giải tỏa vào hôm áp lễ Đức Bà Môi Khôi nhờ quân Pháp đến. Chính khẩu súng của cha Closset lúc ban đầu đã một mình nâng đỡ tinh thần của các giáo dân, làm cho những người bao vây phải đứng xa, và giúp cho những người trốn tránh họp nhau lại và tự bảo vệ, trong lúc chờ đợi những lối mở lớn để cướp được những khẩu súng thần công và súng trường của kẻ thù. 

          Sức khỏe của cha Closset đã bị dao động nhiều vì sự thiếu thốn do cuộc vây hãm. Tuy nhiên ngài vẫn còn đứng lớp; nhưng khi đến kỳ nghỉ, ngài đi kinh đô ngay, ít nữa là do lời mời của Đức cha Caspar là người rất yêu thương ngài. Nhờ đổi khí và bồi dưỡng tại Tòa Giám mục ngài phục hồi sức khỏe và tiếp tục các công việc của ngài khi trở về. Ngài đáp lại lòng yêu mến đầy tình hiền phụ của Đức cha bằng một  tâm tình thảo hiếu không bao giờ thôi. Năm 1889 sức khỏe của cha Closset yếu dẩn. Một cơn ho khan (toux sèche) dai dẳng, những cơn sốt ngắn, nhưng thường xuyên và bất thường, mồ hôi luôn chảy tràn, một chứng tắt giọng (aphonie) rõ nét,  một chứng khạc đờm đầy mủ; tất cả chỉ rõ một bệnh lao phổi rất nặng nơi ngài. Theo bình thường, ngài không ngờ điều đó. Kỳ nghỉ đến, đường thủy đi Huế bị đóng cửa vài ngày, chính quyền cho vét kênh. Các chủng sinh thuộc tỉnh Huế, được thúc đẩy đi  hưởng bầu khí tự do, cùng nhau thuê một con thuyền đi biển nhỏ. Cha Closset do quá nhiệt tình cũng muốn đi theo họ như thói thường. Nhưng vừa ra biển chiếc thuyền bị ngăn lại và bị sóng đánh trôi nổi vì ngược gió và phải trải qua hơn 58 giờ để thực hiện cuộc hành trình nhỏ này dự tính trong quá lắm là 10 tiếng. Cha Closset đến  cửa biển Thuận An  kiệt sức và bị hoàn toàn tắt tiếng. Sau khi được cha tuyên úy Renauld chăm sóc ban đầu, ngài về Tòa Giám mục, Đức cha và cha thư ký Chaiget lo chăm sóc sau đó. Vì vậy ngài có thể trở về chủng viện như lòng mong ước, tiếp tục dạy học khi hết kỳ nghỉ. 

          Cơn bệnh có một lúc bị cầm hãm nhờ bệnh viện, nhờ chế độ ăn uống và nghỉ ngơi, bỗng chốc phát lại bất kể những điều đó. Tháng 02.1889, ngài lại bị buộc phải  trở lại con đường dẫn đến dưỡng đường dành cho Giám mục. Tháng hai 1890, ngài còn trở về chủng viện. Nhưng sau vài ngày, cùng với các tật bệnh của ngài, lại thêm một thứ dữ dằn nhất, một thứ hẹp hoặc nóng thực quản (rétrécisement ou échauffement de l’oesophage) không cho phép ngài dùng đồ ăn cứng. Ngay đồ lỏng cũng chỉ rất khó khăn mới qua được nhân một cơn ho kéo dài dữ dội. Tòa Giám mục và Hồng Kông còn cho ngài một niềm hy vọng; nhưng ngài chỉ muốn chết tại chủng viện. Tuy nhiên ngài vâng lời ngay khi bề trên tỏ ý muốn ngài đi và ngài chuẩn bị như cho cuộc hành trình cuối cùng, bàng cách xưng tội và sắp đặt trật tự những gì ngài để lại chủng viện. 

          Vừa tới Tòa Giám mục, bệnh tiêu chảy, triệu chứng giai đoạn cuối, hoành hành  làm hao mòn những sức lực cuối cùng của ngài. Không còn nghĩ đến Hồng Kông nữa. Được cho biết về tình trạng của mình, ngài hiến dâng đời mình với sự chịu đựng hoàn toàn, đọc và ký lời trối qua đó ngài để lại tất cả những gì ngài có cho chủng viện và cho các anh em thừa sai và hoàn toàn tỉnh táo nhận lãnh các bí tích cuối cùng. Ngài cho biết đây là ngày giỗ đầu của mẹ ngài, mà ngài hy vọng gặp lại mẹ trên trời. Làm tờ di chúc xong, ngài không thể dằn được niềm vui vì không có gì nữa trên trần gian. Chính trong những tâm tình đó ngài êm ái phó linh hồn cho Chúa ngày thứ ba Tuần Thánh 01.04.1890, có Đức cha và tất cả các thừa sai của tỉnh Huế vây quanh. Beatus pauper et humilis, coelum dives ingreditur

          Sau lễ an táng được cử hành tại nhà nguyện Tòa Giám mục với sự tham dự của tất cả các linh mục quanh vùng cũng như các vị chính quyền dân sự và quân sự Pháp tại Huế, thi hài ngài được chuyển về An Ninh để an nghỉ trong nghĩa địa Tiểu chủng viện, bên cạnh Đức cha Audemar và những vị thừa sai của Đàng Trong trước đây, mất vào thời Gia Long, dưới bóng nguyện đường, dưới đôi mắt của Chúa và Thánh Thể mà ngài yêu mến biết bao.

(Còn tiếp...)

Website TGP Huế cập nhật