Tư liệu:

Tư liệu về 10 Vị Thừa Sai MEP đã phục vụ tại Giáo phận Huế - Phần 4


WTGP Huế sẽ lần lượt giới thiệu mỗi kỳ 10 Vị Thừa Sai MEP đã phục vụ tại Giáo phận Huế (1850 - 1975)

Tài liệu do Linh mục Stanislaô Nguyễn Đức Vệ chuyển dịch từ các tư liệu do ARCHIVES MEP cung cấp. 

31. Cha Grosjean (Gioang) 

          Cha Joseph-Victor Grosjean sinh tại Servance (Besançon, Haute-Saône) ngày 15.06.1859. Vào thời kỳ đó Servance là một giáo xứ mẫu hoàn toàn thấm nhuần tinh thần kitô giáo, nhờ lòng nhiệt thành của cha Kolb, như một cha sở thực sự xứ Ars và  các vị tiền nhiệm thánh thiện của ngài. 

          Gia đình Grosjean không giàu có, nhưng nằm trong số những gia đình sốt sắng nhất của giáo xứ. Người cha la Ferdinand, thành viên Dòng Ba Phanxicô, làm việc và cầu nguyện: người ta nói là ông cầu nguyện cả đêm ngày. Quả thực ông luôn có tràng chuỗi trên tay và lần hạt lúc dẫn bò về chuồng cũng như khi dẫn chúng ra cày ruộng. 

           Bà mẹ là Louise Jacquey, tín hữu dũng cảm và dịu dàng, là một bà chủ nhà đúng nghĩa. Khiêm nhu và cần cù, bà có một trí phán đoán ngay thẳng một cách đặc biệt. Bà nuôi dưỡng 4 người con, một gái ba trai trong lòng yêu mến và kính sợ Chúa. Victor là người con thứ hai trong gia đình và là con trai trưởng. 

          Chào đời một tháng trước thời hạn, ngài làm cho cha mẹ phải lo lắng: mọi người đều tự hỏi không biết đứa con yếu ớt này có sống được chăng. Nhưng Đức Trinh Nữ chăm lo đứa trẻ mới sinh này và Ngài cứu vớt mang lại niềm vui lớn cho gia đình và cả nhà không ngừng bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Mẹ xứ Servance. Cũng thế sau này cha mẹ đứa trẻ cho rằng ơn gọi linh mục và tông đồ của con mình là nhờ Đức Mẹ. 

          Vào chín tuổi, Víctor được giao phó cho một người chú, thầy giáo của thời xưa và là kitô hữu đầy xác tín, ông yêu mến cháu nhiều, mặc dầu thấy cháu “hơi nhác nhớn”. Đứa trẻ rước lễ lần đầu tại nơi chú ở, trong nhà thờ Haut-du-Them, giáo xứ gần Servance. 

          Sau khi đã học những điều nhập môn tiếng la tinh, Victor vào học lớp sáu tại Tiểu chủng viện Luxeuil năm 1872. Tại đó cậu nổi bật về lòng đạo đức và sự khôn ngoan cũng như lòng yêu thích làm việc, cậu rất được chúng bạn yêu mến và không lạ gì điều đó bởi vì, như chị cậu làm chứng:”Lúc đó lòng tốt là căn bản cá tính của cậu, và châm ngôn sống của cậu là làm vui lòng mọi người” Phụ trách phòng thánh trong hai năm, cậu chu toàn bổn phận tốt đẹp đến nỗi người ta nói rằng cậu là người “tư thánh lý tưởng” Làm Trưởng Hiệp hội Thánh Mẫu ở lớp triết, cậu được trao phần thưởng khôn ngoan do các bạn cùng lớp đồng loạt  bầu chọn. 

          Ở chủng viện triết học Vesoul, cậu là một học trò gương mẫu, còn hơn thế nữa tại Luxeuil ”Vào thời đó cậu có một sự quan tâm vui tươi, nồng nhiệt và liên tục đối với các miền truyền giáo” Đây là chứng tá của một trong những kẻ rất thân tình với ngài. 

          Được nhận là ứng sinh Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại, Grosjean đến rue du Bac ngày 13.09.1879 và trải qua ba năm học hành, cầu mguyện và tập tành đời sống thiêng liêng. Thụ phong linh mục ngày 23.09.1882, ngài lên đường đi Bắc Đàng Trong  ngày 08.11 sau đó. 

          Làm giáo sư lớp đệ nhị, rồi đệ nhất ở Tiểu chủng viện An Ninh, ngài làm cho người ta chú ý đến sự hăng say của ngài trong công việc. Ngài học tiếng Việt rất nhanh và rất giỏi, như được chứng tỏ trong một bản dịch đúng và thanh cao về sách Minh giáo của Tertullianô ngài đã để lại. Ngài có một học trò xuất sắc tại An Ninh, đó là cụ Bài,  Bộ trưởng  bộ Binh và bộ Công trong triều đình Huế. 

          Hướng dẫn ca hát, ngài đưa vào thói quen làm lễ hát trong những ngày lễ trọng. Ngài sáng tác bằng tiếng Việt một cuốn phương pháp học đàn Harmonium cho các sschủng sinh trong Tiẻu chủng viện và tất cả các người đàn dương cầm trong miền truyền giáo đã được đào luyện theo phương pháp này vừa đơn sơ vừa thực dụng. 

          Trong hai năm rưỡi làm giáo sư, cha Grosjan đã xây dựng cả cộng đoàn An Ninh  bằng lòng đạo sốt sắng của ngài, Người ta thấy ngài đi qua đi lại trong nhà vừa đi vừa lần hạt; ngài viếng Thánh Thể mỗi ngày đến bảy lần và thường âm thầm đánh tội với một thứ kỷ luật thép. 

          Được đặt làm quản lý miền truyền giáo, cha Grosjean đi Huế vào tháng 08.1885 và ở Tòa Giám mục với Đức cha Caspar mà ngài kính trọng và yêu mến hết lòng. Thi hành bổn phận, ngài làm người phục vụ anh em và chứng tỏ cho tất cả lòng bác ái lớn lao nhất. 

          Một tháng sau khi đến Huế, ngày 06.09 nổ ra cuộc bách hại làm cho 10.000 vị tử đạo ở Bắc Đàng Trong. Tỉnh Huế được miễn trừ nhờ sự hiện diện của những người Pháp đang chiếm đóng kinh đô; nhưng các nho sĩ trả thù trên những giáo dân ở các tỉnh khác của vương quốc, Nhà thờ, nhà xứ, trường học tất cả đều bị đốt cháy. Miền truyền giáo có bốn tu viện, mỗi tu viện có 60 nữ tu: các tu viện đều bị đốt cháy và các nữ tu tìm nương ẩn nơi các thành Quảng Trị và Quảng Bình đã được lính Pháp chiếm lại từ các loạn quân. Chỉ có Tiểu chủng viện An Ninh thoát khỏi cuộc tàn phá chung. 

          Cơn biến loạn qua đi, Đức cha Caspar truyền cho các nữ tu không nơi trú về Huế và cho họ ở trong những nhà dựng tạm. Phải có một cha tuyên úy cho các nữ tu; cha Grosjean được chỉ định chu toàn nhiệm vụ này năm 1886 và ở trong một ngôi chùa cũ gần tu viện. Ngài ở đó trong hai năm. Những người lương gọi ngài là “ông sư” và trong thân tình nhiều anh em thỉnh thoảng gọi ngài bằng tên đó, làm cho ngài cười phá lên trước hết. 

          Vị tuyên úy mới hết sức chăm lo để mang lại lợi ích thiêng liêng cho các tâm hồn được giao phó cho ngài. Ngài dạy họ hầu như mỗi ngày và giải tội cho họ, không chỉ mỗi tuần một lần, nhưng  cũng thường xuyên khi nào họ ao ước. Ngài không thấy phiền hà gì, ngay cả việc linh hướng mang lại ích lợi và bình an cho các lương tâm xao động. Các chị em trong tu viện yêu mến cũng như kính trọng ngài và rõ ràng sự chuyển đổi ngài làm cho dòng suối lệ ngập tràn cả cộng đoàn. 

          Cuộc thuyên chuyển xảy ra vào tháng 08.1888. Lúc đó Đức cha Caspar cần một thừa sai tráng kiện và nhiệt thành để xây dựng lại những đổ nát của các họ đạo trong tỉnh Quảng Trị. Đức cha trao nhiệm vụ khó khăn này cho cha Grosjean và giao phó việc hướng dẫn các nữ tu cho cha chính Dangelzer. 

          Vì vậy cha Grosjean rời Huế và đi Nhứt Đông. Tất cả giáo dân trong vùng được gọi là Thanh Hương đều được đặt dưới quyền cai quản của ngài. Một mình với cha phó người Việt, ngài tổ chức lại các nhiệm sở và dựng lại các nhà thờ. “Thiên Chúa và các linh hồn” đó là châm ngôn sống của vị hạt trưởng dũng cảm. Cho đến lúc đó, lòng nhiệt thành của ngài chỉ được thể hiện trên một số tâm hồn ưu tuyển tại Tiểu chủng viện An Ninh và tu viện ở Huế; tại Nhứt Đông ngài có ít nữa 1.200 tân tòng để quản trị, an ủi và nuôi dưỡng bằng bánh Lời Chúa. Thật nhiều, nhưng chưa đủ cho lòng ngài mong ước. Không chỉ bằng lòng lo cho các kitô hữu, ngài còn bắt tay vào việc làm cho các lương dân trưởng thành trở lại và thực sự thúc đẩy công cuộc Phúc âm hóa ở Bắc Đàng Trong. Ngài đã rửa tội rất nhiều người và xây dựng những họ đạo mới. Nếu đếm những địa điểm được ngài thiết lập như thế tại vùng Thanh Hương, thì người ta dễ dàng tìm được cả tá. 

          Người bạn thân tình của người anh em quá cố này là cha Girard đã có cơ hội  gặp một trong nhiều người trở lại của cha Grosjean. Ngài đã viết:” Người này trước đây là một lương dân hung hăng, là một người thực sự bị quỉ ám . Một ngày kia cha Grosjean gặp anh ta, nói với anh về đạo Công giáo một cách nồng nhiệt và xác tín làm cho người lương đáng sợ này xúc động sâu xa và tức khắc đã xin được rửa tội. Anh bắt đầu học giáo lý và các kinh nguyện một cách hăng hái, nhưng ma qủy thấy linh hồn này thoát khỏi tay mình, liền bắt đầu gây ra lắm trò. Ngày chịu phép Rửa tội, ma quỉ làm cho anh ta đột nhiên hung hăng, đến nỗi phải trói anh ta vào một cái cột để tiếp tục nghi thức. Nhưng ngay khi cha Grosjean đổ nước lên trán anh, anh ta trở lại yên tĩnh và vui vẻ như đã không có gì xảy ra. Người này đã giữ lấy trong cả cuộc sống kỷ niệm đầy tri ân đối với vị thừa sai đã giải thoát anh khỏi ách nô lệ ma quỷ.” 

          Cha sở Nhứt Đông cũng là vị giảng thuyết nổi tiếng trong cả giáo hạt Quảng Trị. Vào mỗi dịp đặc biệt: lễ bổn mạng, lễ Vỡ Lòng, cuộc họp mục vụ hằng năm của anh em linh mục, hầu như luôn luôn có cha Grosjean giảng và rất được đón nhận: các  tân tòng không thấy mệt khi nghe ngài giảng. 

          Sau ba năm sống cuộc đời hoạt động hăng say như thế, cha sở Nhứt Đông cảm thấy mệt và, được phép Đức cha, ngài đi nghỉ vài tháng tại dưỡng đường Hồng Kông, Khi trở về Đàng Trong, ngài được bổ nhiệm làm giám đốc Tiểu chủng vện An Ninh, nơi ngài đã để lại kỷ niệm rất tốt đẹp; nhưng ngài chỉ có rất ít thơi gian để điều khiển cơ sở này. Quả thực hai tháng sau khi bổ nhiệm, ngài được gọi về Paris làm Giám đốc Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại và Quản lý các miền truyền giáo Đàng Trong và Cao Miên. 

          Như thế, vào lúc sắp rời Việt Nam để trở về Pháp, cha Grosjean đã thi hành hầu như mọi thứ công việc cũng như mục vụ có được trong miền truyền giáo. Sau khi đã tiếp nhau làm giáo sư, tuyên úy các nữ tu, quản lý, hạt trưởng, ngài có đủ kinh nghiệm để làm một vị Giám đốc thực sự ích lợi cho Chủng viện Paris và tất cả các miền truyền giáo của Hội. Không phải là không đau lòng khi ngài nói tiếng giã từ Đàng Trong thân yêu, nơi ngài đã hiến dâng với bao nhiêu thương mến những năm tháng đẹp nhất đời ngài; nhưng ngài phải vâng lời và một cách quảng đại. 

          Khi ngài đến Chủng viện Hội Thừa Sai, cha Grosjean làm mọi người bỡ ngỡ bởi khuôn mặt tươi tốt của ngài: người ta không hề ngờ gặp lại ngài với thái độ tưoi vui và sẵn sàng như thế sau 10 năm ngài ở Việt Nam. Đặc biệt cha Pernot rất thán phục sức khỏe dồi dào của người bạn đồng liêu xứ Đàng Trong, nơi ngài luôn trìu mến.         

          Được đón nhận trong tư cách Giám Đốc ngày 15.05.1892, cha Grosjean đi gặp gia đình ngài, trải qua vài tuần ở Franche-Comté và trở về lại Paris. 

          Ở Chủng viện ngài đã lần lượt chu toàn phần lớn các công việc có thể đặt trên vai một vị Giám Đốc, cũng như, tại Đàng Trong, ngài đã lo hầu hết mọi công việc có thể trao cho một nhà truyền giáo. Được đặt làm quản lý các Ủy ban và giáo sư Kinh thánh ngày 04.07.1892, ngài lãnh trách nhiệm Sở quản lý của Chủng viện ngày 01.07.1895 và lo giữ cơ sở này trong 12 năm. Được bầu chọn làm phụ tá Bề trên  ngày 27.06.1904, mà vẫn giữ vai trò quản lý, ngài được chỉ định cùng với cha Catesson tháp tùng đền Pinăng 30 ứng sinh mà Hội đồng Chủng viện xét thấy thích hợp để gửi đến đó vào cuối năm 1906, và ngài rời Pháp  ngày 05.12, dẫn đầu  nhóm nhỏ những người thiên cư này. Vẫn là phụ tá Bề trên và lo hướng dẫn các ứng sinh vào các cuộc bầu cử ngày 01.07.1907, ngài trở về Pháp vào tháng 10 năm đó, sau khi đã hoàn thành sứ mạng tế nhị đã được giao cho ngài 10 tháng trước đó.

          Tuy nhiên trước khi lên tàu trở lại Âu châu, cha Grosjean đã buộc phải thăm lại các anh em ở miền Bắc Đàng Trong. Trong dịp này, các giáo dân Nhứt Đông và các tân tòng vùng Thanh Hương là những người đã chịu ơn ngài về cuộc trở lại Đạo  đón tiếp vị thừa sai cũ và là người cha một cách  thực sự đầy vinh quang.  

          Trở về Paris, người anh em chúng ta hết lòng chăm lo các  công việc của vị phụ tá Bề trên và hướng dẫn các ứng sinh. Được trao việc phụ tá cha Cazenave, Tổng quản lý của Hội tại Rôma ngày 27.06.1910, ngài đã tận tâm trợ giúp trong vòng hai năm và kế nhiệm khi cha Cazenave mất vào ngày 29.09.1912. 

          Ở Paris và tại Rome, trong 22 năm trôi qua từ ngày ngài trở lại từ miền truyền giáo, cha Grosjean vẫn bền bỉ là một linh mục đạo đức và nhiệt thành, là người anh em tốt lành và bác ái như hồi ngài ở Đàng Trong. Phục vụ và làm vui lòng mọi người: đó là châm ngôn điều khiển lối sống của ngài trong mọi hoàn cảnh khác nhau được  ngài lần lượt chăm lo. 

          Quản lý các Ủy ban, chắc hẳn hơn một lần ngài đã cảm nhận khó mà làm vừa lòng hết mọi người; nhưng vì ngài kiên nhẫn, không bao giờ phật ý về những kêu ca thỉnh thoảng hướng về ngài, đôi khi một cách sai lầm. Nhất là ngài không thù hằn ai trong những dịp đó, Là giáo sư KinhThánh, ngài không từ chối gì để làm cho  các giờ học được sinh động bao nhiêu có thể. Là quản lý Chủng viện, ngài chứng tỏ một sự hiểu biết rộng rãi về các công việc và chăm lo các nguồn lợi vật chất cho Nhà (Maison) với một sự chăm lo đáng mong ước.. Nếu ngài cảm thấy bối rối, ngài chạy đến nhờ cha Pernot soi sáng và làm theo những lời khuyên đầy kinh nghiệm của cha Pernot. Là phụ tá Bề trên, ngài sống liên kết chặt chẽ, vui vẻ giúp đỡ và thay cha Bề trên một cách rất xứng đáng khi cần. Giám đốc các ứng sinh, ngài lo duy trì kỷ luật  và sự giữ đúng chương trình. Một vài người có thể cho ngài hơi quá kỹ lưỡng về vấn đề này, nhưng ngài xác tín rằng một ứng sinh truyền giáo phải khép mình theo tất cả những đòi hỏi của luật lệ và ngài thấy trong việc liên tục từ bỏ ý riêng này, sự bảo đảm tốt nhất để bền bỉ trong tương lai. 

          Là quản lý tại Rome, ngài tỏ ra tích cực hoạt động  để bảo đảm xử lý các công việc đã giao phó cho ngài một cách nhanh chóng. Ngài cũng nhiệt tình chăm lo các  Án phong thánh cho các vị Tử đạo của chúng ta và nhiều Án khác mà ngài là cáo thỉnh viên bên cạnh Thánh Bộ Lễ Nghi. Ngài biết tạo được sự quý trọng của các Bộ ở Rôma mà ngài có liên hệ, và thiện cảm của tất cả những người mà Sở Tổng quản lý có những mối tương quan. 

          Chúng tôi hy vọng rằng cha Grosjean sẽ còn thi hành các công việc của vị Tổng quản lý trong nhiều năm, vì ngài có đầy đủ năng lực để làm công việc đó; nhưng Chúa nhân lành đã sắp đặt cách khác, và chúng tôi chỉ có thể nghiêng mình trước thánh ý Chúa. 

          Đầu tháng 06, cha quản lý thân yêu viết cho cha Bề trên Paris:

          “Con hơi mệt, không đau ốm gì: đầu nặng, gân cốt căng thẳng, hàm răng làm cho con đau đớn kinh khủng. Con đã nhổ một cái, nhưng các cái khác cũng gây đau dữ dằn” 

          Cơn bệnh nhanh chóng bùng phát sau những nhọc mệt quá sức; bệnh nặng ngay từ đầu:

        “Con vừa bị một cơn chấn động nặng nề, người anh em viết ngày 06.07. Sốt, ho, đi tiêu chảy, bệnh này nối tiếp bệnh kia. Con không đau đớn nữa, giấc ngủ bình thường, nhưng không thấy ngon miệng. Con dùng trứng sống, sữa và cháo. Ngay khi cảm thấy đủ sức để thực hiện cuộc hành trình, con sẽ rời Rome. Con không dám lên đường đi Paris trong tình trạng hiện tại – Ngày 12 .07 – con tiếp tục khá hơn, nhưng còn quá yếu. Bệnh tiêu chảy vẫn còn, nhưng bác sĩ không muốn ngăn lại trước khi gan được thông (dégorgé) hoàn toàn - Ngày 16.07- sự phục hồi của con tiến triển chậm, nhưng con còn rất yếu. Gan đã trở lại tình trạng bình thường, bệnh tiêu chảy đã ngưng từ hai ngày nay. Con bắt đầu có thể ăn uống. Con hy vọng gặp cha tuần tới, nếu đẹp ý Chúa”. 

          Cha Grosjean đến Chủng viện Hội sau một cuộc hành trình dài và vất vả. Thấy ngài thật đáng thương: biến dạng, ốm đi, người ta nói rằng ngài không còn máu trong các mạch máu nữa. Tuy nhiên ngài còn dâng thánh lễ được và xuống nhà cơm trong các bữa ăn. Bác sĩ Tisné danh tiếng cố gắng để mang lại sức khỏe cho ngài, nhưng chẳng thành công. Mọi hy vọng chữa lành đều mất hết: người bệnh thân yêu từ từ xuống sức và cuối cùng tắt ngúm như ngọn đèn hết dầu. Ngày càng yếu, ngài phải chịu ở trong phòng riêng và ít lâu sau chịu nằm trên giường thôi. Một y tá được gọi đến vào cuối tháng tám để thức với ngài và giúp tình trạng bệnh hoạn của ngài. 

          Ngài đã chịu các bí tích cuối cùng từ tay cha Bề trên chiều ngày 11.09, với những tâm tình đầy đức tin và dâng lên Chúa hiến lễ đời ngài. Đêm đó khá yên tĩnh, nhưng ngày hôm sau lúc 1giờ20 chiều, người anh em thân yêu nhẹ nhàng phó dâng linh hồn cho Đấng Tạo Hóa, sau khi đã nhận phép lành xá giải cuối cùng và trong lúc chúng tôi đọc cho ngài những lời kinh cầu cho người hấp hối. 

           Kết thúc tiểu sử ngắn này, chúng tôi muốn kể nhận định của Đức cha Allys, Đại diện Tông tòa Bắc Đàng Trong, về vị linh mục quá cố và đời sống truyền giáo của ngài. Đức cha Allys  nói:”Cha Grosjean đã nhận được về phần mình tất cả các tính cách làm cho ngài nên linh mục tốt lành:  đạo đức, bác ái, nhiệt thành thánh hóa các linh hồn và làm cho lương dân trở lại. Trong 10 năm trải qua nơi miền truyền giáo, trong mọi công việc đã chu toàn, ngài hăng say làm việc cho lợi ích lớn nhất của các linh hồn được trao phó cho ngài. Tôi tin rằng ngài đã vui hưởng được sự an nghỉ Chúa dành cho ngài”.

          Requiescat in pace

32. Cha Chaiget (Soái) 

          Chaiget Auguste, Alexandre sinh ngày 11.04.1860 tại Montmirey-la-Ville, trong địa phận Saint Claude. Nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại ngày 18.09.1883. Thụ phong linh mục ngày 28.02.1885 và lên đường ngày 03.04 sau đó đi Bắc Đàng Trong. 

          Đến Huế ngài ở lại Sở quản lý Kim Long để học tiếng Việt và được đặt làm quản lý năm 1888. Ngài ở trong chức vụ đó 11 năm. Tháng 01.1897, ngài phụ trách Viện Dục Anh Thanh Tân, nơi miền truyền giáo đã mua một thửa đất cho các trẻ mồ côi. Ngài điều hành công trình này và các họ đạo Sơn Công và Sơn Quả. Ngài dâng cả đời mình cho công trình này. Với những thanh niên trai tráng xuất thân từ nông trại này, ngài làm thành một làng hoàn toàn công giáo. 

          An ủi và khổ tâm không thiếu, ngài theo đuổi bao nhiêu có thể “những đứa con hoang đàng” rời bỏ ngài. Năm 1927, vào một cuộc thăm viếng Đức cha Allys, ngài bị bất tỉnh. Ngài được đưa đến bệnh viện và mất ngày 08,06.1927. Thọ 67 tuổi, 42 năm linh mục. 

33. Cha Izarn (Ý) 

          Izarn Denis, Célestin, Alphonse, sinh ngày 23.03.1861 tại Decazeville, trong địa phận Rodez (Aveyron), Nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại khi đã là phụ phó tế, thụ phong linh mục ngày 30.05.1885 và ngày 15.12 sau đó ngài lên đường đi Bắc Đàng Trong. 

          Cha Izarn khởi đầu ở Di Loan để học tiếng Việt; sau đó ngài thường trú tại Tùng Luật để dạy các tân tòng (Tùng Luật là một làng bên cạnh có các tân tòng tùy thuộc Di Loan; trước kia đây là trạm thu thuế). Khi những người tân tòng của Tùng Luật đi vào Đàng Trong, cha Izarn được bổ nhiệm ra Phủ Việt (Quảng Bình).Ngài ở đó không lâu: ngài được bổ nhiệm làm cha sở Vạn Thiện. Tháng tư 1898, ngài kế nhiệm cha Renault làm bề trên Đại chủng viện. Trong mười năm ở đó ngài chú tâm  giúp các chủng sinh thực hành phụng vụ và thánh nhạc. Sau khi cha Dangelzer mất, ngày 11.09,1904, ngài trở thành cha chính địa phận. 

          Năm 1908, ngài từ chức cha chính và bề trên chủng viện. Ngài ở tại An Lễ (Đất Đỏ). Năm 1911, sau vài tháng ở Hồng Kông, ngài đi Pháp. Trở về An Lễ ngài ở lại đó cho đến đầu tháng 05.1917. Bị bệnh tiểu đường, ngài trải qua 10 ngày ở bệnh viện Huế và mất ngày 24.05.1919. Hưởng dương 58 tuổi, 34 năm linh mục. Ngài đã làm cha chính trong vòng 4 năm. 

34. Cha Visseq (Vị I) 

          Cha Bonin viết:

          “Cha Édouard-Eugène Visseq sinh ngày 04.08.1860 tại Saint-Félix-de-Lunel, địa phận Rodez (Aveyron). Ngài học những năm đầu tiên ở Tiểu chủng viện Saint-Pierre; sau đó vào Đại chủng viện Rodez, để học hỏi thấu đáo hơn về ơn gọi truyền giáo của ngài. Được nhận vào Chủng viện Paris, thụ phong linh mục tháng 09.1886,  ngài nhận bài sai đi Bắc Đàng Trong và lên đường vào tháng 12 năm đó để đi đến miền truyền giáo. 

          Đến Huế vào tháng 01.1887, cha Visseq trước tiên được đặt bên cạnh cha Renauld ở Đại chủng viện, để bắt đầu học tiếng Việt. Được một thầy giáo sĩ bản xứ giúp đỡ, vị thừa sai trẻ dấn thân vào môn học khô khan này với một sự hăng say đến nỗi sau một ít thời gian ngài tiến bộ rất rõ ràng. Thế nên vào tháng tư sau đó, Đức cha de Canathe đã có thể chỉ định ngài ở giáo hạt Quảng Bình để giúp tôi nâng dậy và tổ chức lại các họ đạo bị tàn phá khắp nơi bởi cơn bão kinh hoàng đã hủy hoại mọi sự năm 1885. Chúng tôi cùng nhau xây dựng, dưới các tường thành Đồng Hới, họ đạo Tam tòa gồm những mảnh vụn của nhiều giáo xứ. 

          Ngay lúc đó, vị thừa sai trẻ tung mở lòng nhiệt thành cho phần rỗi các linh hồn. Mặc dầu còn tập nói tiếng Việt, ngài vẫn dùng nhiều cơ hội để dạy các trẻ của giáo xứ. Ít lâu sau khi chúng tôi thành lập được một viện cô nhi, người anh em đã quá cố này, như lời ngài nói, làm cho nơi này thành nơi hoan lạc của ngài, vì niềm hạnh phúc ngài cảm nhận khi ghi sâu những bài học giáo lý đầu tiên vào các trẻ và những người lớn được nhận vào cơ sở này. Những người đầu tiên được ngài dọn lòng chịu phép Rửa và ngài thích gọi họ là những đứa con đầu lòng, và đối với ngài họ vẫn là những đứa con được ngài ưu ái nhất. 

          Chính lúc đó, tôi giao cho người anh em này điều hành đặc biệt giáo xứ Sáo Cát là họ nhánh của Tam Tòa, và ngài vun trồng cánh đồng này với nhiều nhiệt tình hơn nữa. Ngài hãnh diện cách chính đáng về việc giáo dục các học trò của ngài khi mời tôi khảo hạch cho cuộc rước lễ lần đầu. 

          Cha Visseq đã trở thành một vị phụ tá quý báu cho tôi; Đức cha de Canathe xét thấy cha Visseq có thể tự bay bằng đôi cánh của mình, bèn giao phó cho ngài giáo xứ Kẻ Hạc. 

          Giáo xứ này, mặc dầu được cai quản qua những năm dài bởi các linh mục đạo đức và nhiệt thành, nhưng vẫn không bao giờ tăng số tín hữu; lại nữa giáo xứ này lại bị phân tán và tàn phá như phần còn lại của miền truyền giáo và khi cha Visseq đến đó, chẳng có nhà thờ cũng chẳng có nhà xứ: một nhà kho tội nghiệp được dùng làm chỗ hội họp. Vị chủ chăn mới quyết tâm đối diện với mọi sự; ngài buộc mình phải hy sinh nhiều để có nơi ở tạm được và làm cho nhà nguyện của ngài phần nào xứng đáng hơn. Nhưng điều ngài ao ước cách hăng say nhất, đó là đem các linh hồn về cho Đức Giêsu Kitô. Than ôi, mảnh đất này quá bội bạc, như tôi đã nói ở trên, vị linh mục đáng thương này làm việc trước tiên mà không hy vọng, rồi cuối cùng Chúa nhân lành đã thương xót và ban cho ngài cũng lôi kéo được một số người trong số những kẻ cứng lòng này khỏi nanh vuốt Satan. 

          Tuy nhiên lương dân Kẻ Hạc vẫn điếc lác với Tin Mừng, Vị chủ mùa nhân lành lại bù đắp cho tôi tớ của ngài phía khác; những lương dân Kẻ Đợi tỏ ra dễ dạy hơn và xin được học đạo. Ngài liền lên đường không chậm trễ đến ở nơi họ cách khiêm tốn. Ngày 14.12 ngài viết cho tôi với tràn đầy niềm vui:”Bây giờ con có 10 người tân tòng, nhưng dần dần con sẽ có cả trăm”. Ngài đã hình thành bao dự án tốt đẹp rồi! Thiên Chúa là Đấng có những tư tưởng khôn dò, chắc hẳn thấy tôi tớ trung thành của Ngài đã chín muồi cho cõi trời và gửi dến cho ngài nột cơn sốt nhẹ, như chính ngài nói, tuy nhiên lại buộc ngài ngừng tất cả việc dạy dỗ và trở về Kẻ Hạc để được săn sóc. Nghe tin đó, cha Laffitte là người kế nhiệm cha Visseq bên cạnh tôi liền đi gặp ngài và thấy ngài khỏe; ngài đã sẵn sàng để trở về bên những người tân tòng của ngài. Cha Laffitte trở về, đến lượt tôi lại đi thăm người bệnh; thấy ngài trong tình trạng  khá  khỏe, tôi trở lại nhà sau vài ngày. Tôi vừa trở về đến nhà thi ngài viết cho tôi hay tình trạng ngài xấu đi. Tức tốc tôi lên đường trở lại bên ngài. Tôi thấy ngài lo ngại. Ngài đã xin vị linh mục bản xứ ở với ngài ban bí tích Xức Dầu Thánh cho ngài. Ngài bằng lòng đi với tôi về Tam Tòa để đi Huế với hy vọng sẽ tìm được cách thức cứu chữa và những chăm sóc cần thiết. Đến Tam Tòa, có một chút khá hơn nhưng tình trạng của người bệnh nhanh chóng nặng thêm. Không có bác sĩ , tôi đi mời ông Thanh tra Đồng Hới đến thăm người anh em . Ông này có đôi chút hiểu biết thực hành về y học, vội vàng đi theo tôi. Người bệnh thân yêu có những lúc mê sảng. Tuy nhiên ngài nhận ra ông Thanh tra và xin ông làm dịu bớt cơn đau.Thuốc dán( cataplasme) đắp vào bắp đùi của ngài  không dính, dấu chỉ cho thấy bệnh đã đến một giai đoạn đáng lo. Người bệnh đã lãnh nhận các bí tích cuối cùng cách tỉnh táo, tự mình thưa lại các kinh nguyện hết sức đạo đức. Từ lúc đó cha Laffitte và tôi không rời ngài nữa. Suốt cả ngày lễ Ba Vua, ngài chịu làm mồi cho những cơn mê sảng hầu như liên tục. Trong khi chúng tôi đọc lên những lời cầu và gợi lên những tư tưởng thánh thiện, đột nhiên người hấp hối la lên rõ ràng:”Ôi lạy Mẹ Maria, Mẹ của con! Vâng, con sắp đến gặp Mẹ, ôi hạnh phúc biết bao! “ Lời cầu với Đức Mẹ Lộ Đức cũng gây xúc động sâu xa nơi ngài; ngài cầm nước Lộ Đức và tiếp tục thầm thĩ kêu cầu Chúa và Đức Mẹ. Tối ngày 07.01, ngài không nói được nữa, đôi mắt nhắm lại, và sau một cơn hấp hối vắn, ngài phó linh hồn cho Chúa, lúc 10 giờ tối. 

          Tức khắc bắt đầu các kinh cầu hồn cho người quá cố thân yêu. An táng lúc 10 giờ sáng, sau một thánh lễ long trọng. Vị Công sứ Pháp tại Đồng Hới và tất cả các nhân vật chính thức đều đến tham dự lễ an táng. Tất cả các họ đạo trong giáo hạt đều có đại diện tham dự, còn các giáo dân của người quá cố đến hàng đoàn không gì an ủi được. 

          Người anh em được tiếc thương an nghỉ chờ ngày sống lại, trong ngôi nhà thờ mới Tam Tòa. Orate pro eo! (Hãy cầu nguyện cho ngài)” 

35. Cha Rault  (Lộ) 

          Cha Yves-Marie Rault sinh ngày 10.05.1861 tại Lanfains, địa phận Saint-Brieuc, tỉnh Côtes d’Armor. 

          Ngày 24.09.1882, ngài nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại chưa có chức tước gì. Chịu phép Cắt tóc ngày 22.09.1883. Lãnh các chức nhỏ ngày 20.09.1884, chức Năm ngày 27.09.1885, chức Sáu ngày 07.03.1886, ngài thụ phong linh mục ngày 26.09.1886, nhận bài sai đi địa phận Bắc Đàng Trong (Huế) và lên đường ngày 15..12.1886. 

          Đến miền truyền giáo năm 1887, Đức cha Caspar sai ngài đến Phủ Cam làm phó cha Allys để học tiếng Việt và bắt đầu làm quen với phong tục tập quán của đất nước. Sau đó ngài được bổ nhiệm làm cha sở Mỹ Định và ở đó cho đến năm 1905, năm ngài rời những hoạt động mục vụ đa dạng và lui về họ đạo Tiên Nộn ở với người anh em cô cậu của ngài là cha Allo Alexandre. Ngài có lưu lại Pháp từ ngày 12.03.1901 cho đến 02.09.1902. 

          Năm 1910, cha Allo đi Pháp và cha Rault về ở Tòa Giám mục cũ Phú Xuân. Ngài mất ở Huế ngày 11.08.1917. 

36. Cha Stoeffler (Thể) 

          Cha François, Antoine Stoeffler sinh ngày 02.01.1863 tại Krautergersheim, địa phận Strasbourg, tỉnh Bas-Rhin. 

          Ngày 07.09.1883, ngài nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại chưa có chức gì. Chịu phép Cắt tóc ngày 20.09.1884, các chức nhỏ ngày 27.09.1885, chức Năm ngày 26.09.1886, chức Sáu ngày 05.93,1887, ngài thụ phong linh mục ngày 24.09.1887, nhận bài sai đi địa phận Bắc Đàng Trong (Huế) và lên đường ngày 14.12,1887. 

          Đến miền truyền giáo, ngài được sai đi Di Loan, ở với cha Barthélémy để học tiếng Việt và làm quen phong tục tập quán của đất nước. Năm 1890, ngài được giao phó nhiệm sở Diêm Tụ và là cha sở đầu tiên. Họ đạo này hoàn toàn đạo mới. Cha Stoeffler hết sức chăm lo, cho tất cả những gì ngài có, sống cũng nghèo như các giáo dân. Cho dẫu những kết quả không xứng với nhiệt tình của ngài, nhưng đức tin vững chắc đã được vun trồng.  

          Vào tháng 09.1906, ngài đi Pháp, ở lại đó hơn một năm. Năm 1908, Đức cha Allys được nâng lên hàng Giám mục, rời giáo xứ Phủ Cam và chọn cha Stoeffler làm người kế nhiệm. Ngài ở suốt 28 năm trong giáo xứ khó khăn này. Giáo xứ này rất đông đúc, nên việc mục vụ bề bộn, lại cũng rất hỗn hợp, gồm những người mới theo đạo và những tín hữu lâu đời,  những người tình trạng khiêm tốn và những công chức cũng như những vị quan thuộc mọi cấp bậc, cha Stoeffler trở nên mọi sự cho mọi người, trao hiến cho họ mọi thời gian. 

          Sắp đặt, trang bị, làm đẹp ngôi nhà thờ chính tòa của miền truyền giáo là một trong những mối quan tâm liên tục của ngài. Ngài mở rộng cung thánh với những ghế gỗ bao quanh, dựng một bàn thờ lớn, làm một ghế dựa chạm trổ, một tòa giảng, đặt một bàn quỳ rước lễ nghệ thuật. Ngài có được niềm vui thấy Đức cha Chabanon thánh hiến ngày 15.11.1931. Sau đó ngài khởi công xây nhà xứ, cao và rộng được  hoàn tất vào giữa năm 1936. Ngài sắp vào ở thì bị đau nặng, phải rời công việc mục vụ hoạt động; ngài cũng từ chức hạt trưởng Bên Thuỷ và Bên Bộ rồi lui về Tòa Giám mục. 

          Ngày 02.06.1937 cha chính Urrutia, bề trên Tiểu chủng viện An Ninh xuống tàu đi Pháp để nghỉ thường lệ, lúc đó Đức cha kêu gọi sự tận tâm của cha Stoeffler, ngài đã 74 tuổi, mặc dầu sức khỏe yếu kém, nhưng vẫn chấp nhận điều hành cơ sở này. Chính tại đây ngài đã cử hành lễ vàng linh mục của ngài ngày 24.09.1937. Năm 1938 ngài trùng tu cơ sở cũ kỹ được cha Girard xây dựng cách đó 50 năm và làm nên một ngôi nhà đẹp đẽ hoàn toàn mới và được sắp đặt tốt hơn. Ngày 08.11.1938 cha Urrutia trở về và nhận lại chức bề trên chủng viện, cha Stoeffler lui về họ đạo nhỏ Tiên Nộn, gần thành phố Huế và ở đó cho đến khi chết. 

          Vào hạ tuần tháng 07.1940, bệnh tình trở nặng, ngài nhập bệnh viện Huế, cùng lúc với cha M.Maillebeau. Cả hai cùng nằm một phòng. Mọi hy vọng chữa lành không còn, họ cùng nhau lãnh nhận các bí tích cuối cùng từ tay Đức cha Lemasle và rời bệnh viện để từ giã cõi đời, cha Stoeffler tại Sở quản lý, còn cha Maillebeau ở giữa đoàn chiên. Vị này mất chiều 10.09.1940, còn cha Stoeffler mất vào sáng 11.09.1940 

          Đám tang cha Stoeffler diễn ra ở giáo xứ Phủ Cam. Đức cha Lemasle cử hành thánh lễ an táng trọng thể, trước sự hiện diện của Đức Khâm Sứ Tòa Thánh với 40 linh mục. Chính quyền Việt Nam và Pháp, cũng như rất đông người đến bày tỏ lòng tôn kính đối với vị thừa sai lớn lao này. Tất cả đi theo ngài cho đến nghĩa địa dành cho hàng giáo sĩ của Phủ Cam. 

37. Cha Bonhours (Bữu) 

          Cha Gabriel-Constantin-Alphonse Bonhours sinh ngày 19.12.1858 tại Bais (Mayenne) nhập tịch địa phận Coutances, chịu phép Cắt tóc và nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại ngày 01.09.1886, thụ phong linh mục ngày 22.09.1888,  rồi ngài lên đường ngày 28.11 tiếp đó để đi Bắc Đàng Trong.         

           Giáo sư Tiểu chủng viện An Ninh, sau đó ngài điều hành giáo xứ Kẻ Bàng. Sau những hoạt động lâu ngày không kết quả, ngài đã hưởng được niềm vui có được vào năm 1898 nhiều cuộc trở lại. Phong trào trở lại Công giáo này không kéo dài lâu. Vị thừa sai lo làm việc để mang lại một đời sống kitô nồng nhiệt hơn cho các giáo dân và các nữ tu Kẻ Bàng. Giáo hạt Tam Tòa hưởng được những hoạt động cuối cùng của ngài. Ngài mất ở Đại chủng viện Phú Xuân, tỉnh Thừa Thiên, ngày 28.04.1909. 

38. Cha Gontier (Công) 

          Vào tháng hai năm rồi, một bức thư báo tin cho chúng tôi cha Gontier qua đời. 

          Một người anh em viết:”Con có sứ mạng đau buồn là báo tin cho quí cha về cái chết của cha Gontier đã bị xuất huyết não (hémorragie cérébrale) làm liệt bán thân bên phải, ngày 09.02.1911 lúc 7giờ rưỡi sáng, tại khoảng 120 hải lý cách Port-Said, ở cảng Đà Nẵng. 

          Ngài trở về Pháp theo lệnh của bác sĩ Angier, người đã săn sóc ngài từ vài ngày nay ở Sài Gòn và thấy ngài quá yếu đến nỗi mặc dầu tài giỏi ông cũng đã từ chối mổ mắt bị vảy cá của ngài. 

          Cho đến Colombo, tình trạng ngài cũng đỡ. Trên Ấn Độ Dương, cơn say sóng nhanh chóng ảnh hưởng rất xấu đến các cơ quan trong cơ thể ngài. Cả cơ thể càng ngày càng khó chịu đến nỗi một ngày kia không thể ăn được gì. Tiếp sau đó  ngài quá yếu lại càng đáng lo vì thêm sốt nặng. Chẳng bao lâu sự tê liệt, cho dầu một phần thôi, nhưng tiến triển nhanh, làm cho lo ngại về điều sẽ phải xảy đến trong thời gian ngắn. Người bệnh thật đáng phục về sự kiên nhẫn và sức chịu đựng cho đến giây phút cuối. 

          Nghi thức dìm xuống nước đã xảy ra chính ngày ngài mất, lúc 6giờ chiều. Nghi thức này gây ấn tượng nhiều. Một số lớn khách trên tàu, đứng đầu là vị Thuyền trưởng, đến tham dự. Sau khi đọc các kinh phụng vụ, thi hài của người anh em quá cố đặt trong một quan tài phủ một tấm vải buồm dày và đóng lại bằng những miếng sắt nặng, được thả chìm trong sóng biển. 

          Trong suốt cơn biến chứng đã cất cha Gontier đi, trên tàu người ta đã chứng kiến mối thiện cảm rất nồng nhiệt đối với ngài. Vị bác sĩ Hà Nội và vị bác sỹ Đà Nẵng đã hết sức lo lắng chăm sóc ngài cách chuyên cần và thông minh: không gì xóa được cơn đau ngài phải chịu”. 

          Cha Gontier bị bệnh từ những tháng cuối năm 1910. Ngài đã rời Sài Gòn  ngày 15.01, cùng với các cha Izarn và de Pirey, các vị thừa sai như ngài ở Bắc Đàng Trong. Các vị này có được niềm an ủi đầy đau thương là tham dự những giây phút cuối cùng của cha Gontier và chuẩn bị cho ngài ra trước mặt Đấng Phán Xét Tối Cao. 

          Abel-Joseph Gontier sinh ngày 24.04.1862 tại Champorcher, trong miền Val-d’Aoste. Sau những năm học xuất sắc tại trường Aoste, ngài vào Đại chủng viện địa phận và chịu phép Cắt tóc ngày 20.12.1884. 

          Vào tháng 12.1885, ngài đến Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại. Thụ phong linh mục ngày 10.03.1889, 4 ngày sau ngài cử hành thánh lễ mở tay trọng thể tại Champorcher. Báo Famille d’Aoste lúc bấy giờ nói:”Hai mươi linh mục tham dự làm tăng thêm phần trọng thể. Quả thực cha Gontier được biết đến một cách danh giá và được mọi người quí chuộng: các đức tính và nhân đức của ngài đã làm cho người ta  thấy trước tất cả sự tận tâm và lòng nhiệt thành ngài sẽ mang đến cho sứ vụ sau này”. 

          Được chỉ định cho miền truyền giáo Bắc Đàng Trong, ngài lên tàu ở Marseille ngày 05.05.1889. Sau thời gian lưu lại vài tuần ở Huế, ngài được đặt làm phụ tá cha Guillot, quản xứ Dương Sơn. Ngài chỉ trải qua ở nhiệm sở này trong thời gian cần thiết để học vừa đủ tiếng Việt trước khi có thể làm việc kết quả cho phần rỗi các linh hồn. 

          Cha Grosjean quá bề bộn công việc ở giáo xứ Thanh Hương tiếp nhận ngài làm bạn lo các công việc. Đây là thời gian tốt đẹp trong việc tông đồ của cha Gontier; chỉ nhìn đến các nỗi lo lắng chăm sóc do sự quản trị giáo dân đòi hỏi, nói cách loài người ngài là một người hạnh phúc; bởi vì cha Grosjean đã ôm lấy thay cho ngài mọi nỗi u buồn, mọi trách nhiệm và mọi nhọc nhằn. 

          Nhưng những ngày tương đối yên tĩnh không kéo dài lâu. Kiệt sức bởi những công việc không ngừng nghỉ và ít nhiều bị hao mòn sức lực bởi những cơn sốt đã bắt đầu gây ra nhiều nạn nhân trong cả vùng Thanh Hương, cha Grosjean phải đi Hồng Kông, rồi ngài sớm trở về với ý định tiếp tục làm việc hơn bao giờ hết cho lợi ích của đàn chiên. Lúc trở về, Đức cha Caspar đặt ngài làm bề trên chủng viện An Ninh.  

          Bấy giờ cha Gontier chỉ còn hai năm rưỡi làm việc nữa thôi; nhưng ngài đã học hỏi và quan sát đầy đủ để hiểu đời sống tông đồ phải như thế nào. Đàng khác, người anh em thân yêu này đã phục vụ các linh hồn với một lòng nhiệt thành hăng say, được hỗ trợ bởi một lòng đạo vững chắc và thực hành cách tuyệt vời . May mắn thay   được một linh mục bản xứ trẻ là cha Bá trợ giúp, ngài có thể tiếp tục khá dễ dàng công trình đã được khởi sự mạnh mẽ bởi vị tiền nhiệm: ngài còn mở rộng ra vượt quá những  dự kiến của mọi người. 

          Những kết quả như thế không phải tự động mà có, không khó khăn, không lao nhọc nhiều. Cũng không thể kể hết được tất cả các vụ kiện mà cha Gontier phải đương đầu chống lại lương dân. Người ta cũng không thể kể hết được những cuộc đi bộ, đi ngựa, đi thuyền ngày đêm ngài phải thực hiện, để khuyến khích các người mới theo đạo, dạy dỗ hoặc bênh vực những tân tòng. 

          Đúng vào thời kỳ này hầu như tất cả các họ đạo của ngài đều đã bị tàn phá bởi những cơn sốt độc hại đến nỗi bứng đi hơn một phần ba cư dân trong vùng. 

          Trong những năm đó, có thể nói cha Gontier và cha Bá không bao giờ nghỉ ngơi hoặc yên tĩnh; nhưng cho cả hai vị, Chúa nhân lành đã ban sức mạnh và can đảm để chịu đựng mọi nỗi u buồn đầy dẫy. 

          Cùng với những khó khăn đó còn thêm những khó khăn đặc biệt khác, mà tất cả các thừa sai phải chịu, nhưng ngài phải chịu cách cá biệt hơn. Quá tức giận vì thấy tôn giáo mới này làm cho bao nhiêu người theo, Triều đình Huế, dẫn đầu là bà Hoàng thái hậu, mẹ vua Tự Đức, quyết định ngăn phong trào này và không che giấu ý định  bằng đủ mọi cách, làm cho đông đảo những người mới theo phải bỏ đạo. Đầy dẫy những lời than trách không công bằng chống lại những người mới theo đạo được mang tới tòa Công sứ Huế, và tòa này đã loại bỏ vì cho rằng một chiều hoặc quá khích. 

          Kẻ thù không chịu thua cuộc: bà Hoàng thái hậu kêu đến tòa Công sứ Bắc kỳ. Có tìm được ở đó những quan chức ít nhiều dễ tin hoặc dễ bị lừa không? Luôn luôn chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng các sự việc đã đổi thay. Các lương dân thấy mình rất dễ được lắng nghe; mạnh lên nhờ được bênh vực, họ nổi lên chống lại những kitô hữu, và những người này, sau khi là đối tượng của đủ thứ sách nhiễu, đã phải bị bắt một số lớn. Chẳng bao lâu sau các giáo dân hoảng hốt chạy đến xin các thừa sai giúp đỡ và bênh vực. 

          Cũng giống tất cả các khiếu nại của chúng tôi, người ta phản ứng lại bằng một kết cục là không tiếp nhận, chúng tôi chỉ có thể khích lệ các kitô hữu kiên nhẫn chịu đựng và để qua đi cuộc biến loạn có nguy cơ phá hủy thành quả của bao nhiêu công trình lớn lao.”Các tín hữu của chúng tôi để được yên tĩnh hoặc hơn nữa để khỏi bị đẩy ra khỏi quyền lợi chung- chắc hẳn nhân danh tự do lương tâm- phải bỏ đạo mà thôi!”.Không cần nhấn mạnh đến những đau khổ lớn lao của cha Gontier trong suốt những ngày buồn bã đó khi những tin tức xấu xảy ra hằng ngày và tiếp nối nhau cái này càng gây khổ tâm hơn cái khác. Mặc dầu sự can đảm ngài vẫn có, nhưng những nhọc nhằn thể xác và những nỗi lo phải chịu lớn lao đến nỗi sau cuộc thử thách khắc nghiệt đó, ngài phải đi Hồng Kông để lấy lại sức khỏe đang bị thử thách nặng nề. 

          Vừa phục hồi, ngài trở về Thanh Hương, và liền bắt tay thực hiện một dự án ấp ủ từ lâu. Ngài muốn xây dựng cho giáo xứ Nhứt Đông, thị trấn ngài thường xuyên cư trú, một thánh đường đẹp đẽ và lớn lao. 

          Công việc này đối với ngài xem ra càng dễ đi đến kết quả tốt đẹp khi ngài ít bận rộn hơn. Từ quá nhiều họ đạo trước đây ngài dẫn dắt, chỉ còn lại một vài chỗ thôi: các chỗ khác đã được giao cho cha Darbon và cha Bá, những cha phó cũ của ngài. Ngài bắt tay vào công trình năm 1903. Năm 1905 nhà thờ đã hoàn thành đúng như ngài ao ước; hai cây thánh giá trên hai tháp ở mặt tiền dựng cao gần 30 mét và nhìn thấy từ xa như một lời rao giảng về đạo thánh theo cách của mình. 

          Khi công việc này đã hoàn thành, cha Gontier thấy rằng lúc này rất khó làm cho lương dân chung quanh trở lại, ngài nghĩ rằng gần nơi ngài ở, trên miền núi viền theo chân trời có những dân bán khai đang sống và họ chưa từng được nghe rao giảng Phúc Âm. Để chuẩn bị con đường cho công trình mới này, ngài xin Đức cha Caspar cho phép đi thăm một vài làng bị bỏ quên này. Đức cha tỏ ra đồng ý với dự án này, với điều kiện ngài tìm ra vị nào đó đi theo ngài, Cha Darbon, quản xứ Linh Thủy, được chỉ định và hoàn toàn sẵn sàng. 

          Cả hai ra đi, đầy tin tưởng và hầu như xác tín trước về thành quả của công trình này. Sự đón tiếp nhận được khắp nơi củng cố các ngài vững tin và làm tăng thêm thiện cảm của các ngài đối với những người không may mắn này. Thế nên một ít thời gian sau khi trở về từ cuộc ra đi chinh phục này, các ngài bày tỏ ước ao đi lại và càng thúc đẩy bước tiến tìm hiểu của các ngài.Trong lần thăm viếng thứ hai này, họ ở lại hơn một tháng nơi vùng núi, tìm hiểu về tất cả những gì có thể ích lợi cho việc thiết lập một nhiệm sở. Họ trở về đầy hứng thú hơn bao giờ hết: họ hết lòng bênh vực cho vấn đề của những người bạn mới này. Nhưng dầu rất cảm kích, Đức cha vẫn xét thấy điều này chưa được trong hiện tại. 

          Vì vậy cha Gontier trở lại với các tín hữu Thanh Hương và bắt đầu làm các nhà nguyện cho đến trong các họ đạo khiêm tốn nhất. Ngài cũng đã nghĩ đến việc xây một ngôi nhà để ngài dùng tiện nghi hơn một chút và nhất là vệ sinh hơn; nhưng  ngài không thể cưỡng lại ao ước cung cấp những vật liệu để dựng một nhà nguyện cho Nhì Đông. 

          Đó luôn là tâm tình lo cho ích chung của người quá cố rất được thương tiếc mà dầu bên ngoài có vẻ nghiêm nghị, nhưng khắp nơi ngài chiếm được lòng quí mến và tâm tình kính trọng của giáo dân. Ngài không tiếc gì để giúp đỡ họ và chỉ dành cho ngài những gì tuyệt đối cần thiết. Trên bàn ăn ngài, thịt thà hiếm thấy; chẳng bao giờ thấy rượu trừ khi anh em đến thăm ngài. Chúng ta phải trả lại sự công bằng cho cha Gontier bằng cách thêm rằng ngài không ngại vất vả nào để phục vụ tất cả mọi người. Ngài để lại kỷ niệm về một linh  mục, rất sống động trong tinh thần đức tin lớn lao, một lòng đạo vững chắc và trên mọi sự, rất nhiệt thành cho phần rỗi các linh hồn ngài biết được, theo gương Thầy chí thánh, chinh phục với bất cứ giá nào, bằng cách hiến dâng mạng sống  không tính toán. 

39. Cha Jean Laffitte (Phi II) 

          Cha Jean Laffitte sinh ngày 02.02.1858 tại Marcelus (Agen). Ngài thụ phong linh mục tại Agen ngày 30.05.1885. Nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại năm 1888, ngài lên đường đi Bắc Đàng Trong ngày 07.08.1889. Ngài làm phó xứ hai năm tại Tam Tòa để học tiếng Việt. Năm 1891 ngài được bổ nhiệm làm quản xứ Kẻ Hạc. Ngay năm sau, ngài trở thành tuyên úy bệnh viện quân đội Thuận An. Năm 1896 ngài đi chăm sóc sức khỏe ở dưỡng đường Hồng Kông và từ đó ngài lên tàu đi Pháp và ở lại ba năm. 

          Trở về năm 1899, ngài được bổ nhiệm làm cha sở Tiên Nộn, rồi sau cái chết của cha Dangelzer ngày 11.09.1904, ngài kế nhiệm tại Kim Long. Năm 1918 ngài được bổ nhiệm ra Bố Liêu và năm 1927, ngài lui về Sở quản lý Huế. Vị thừa sai nhiệt thành, đều đặn, ngài luôn là một cha giải tội rất được đánh giá cao. Ngài đã dẫn dắt nhiều người trẻ vào đời sống tu trì: nhiều sư huynh các trường Kitô, nhiều chị em dòng thánh Phaolô thành Chartres, nhiều chị em Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, chị em dòng Mến Thánh Giá xem ngài như cha linh hướng đầu tiên của họ và xem mình như mang ơn ngài, sau Thiên Chúa, về ơn gọi của mình. 

          Ngài mất tại Sở quản lý  ngày 13.03.1929. Thọ 71 tuổi, 44 năm linh mục. 

40. Cha Maillebeau (Mầu I) 

       Cha Marcellin Maillebeau sinh ngày 28.11.1865 tại thôn Sebrezac, giáo xứ

 Saint Geniez-des-Ers, trong địa phận Rodez (Aveyron). Ngài học tại Tiểu chủng viện Espalion. Chịu phép Cắt tóc rồi nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại ngày 08.09.1887, thụ phong linh mục ngày 24.06.1890 , ngài lên đường ngày 15.19 sau đó đi Bắc Đàng Trong. 

        Được bổ nhiệm ở Tiểu chủng viện An Ninh. Ngài dạy tại đó trong 12 năm.

 Tháng 11.1902, ngài được bổ nhiệm làm quản xứ Hà Úc và ở đó trong 28 năm. Đây là một người của Thiên Chúa, một thừa sai nhiệt thành. Ngài không gây nhiều tiếng vang, nhưng làm việc tốt. 

        Năm 1902, nhiệm sở Hà Úc có dưới 1.000 giáo dân, toàn là tân tòng. Khi

 ngài mất, ngài để lại cho các vị kế nhiệm 3.093 giáo dân mà hàng trăm người mới đây đã được tách ra khỏi nhiệm sở chính để được giao phó cho một linh mục Việt Nam. Những ai phải lo cho các lương dân trở lại sẽ hiểu được vị linh mục này cần có lòng nhiệt thành, sự kiên nhẫn, sự khôn ngoan để làm tăng triển đoàn chiên như thế nào, nhất là ngài để lại những kitô hữu đã được dạy dỗ rất tốt. Các họ đạo của ngài được kể vào số sốt sắng nhất. 

        Khi  cha Maillebeau mất,  mọi anh em thừa sai thương tiếc cũng như tất cả

 các linh mục Việt Nam mà phần lớn đã được ngài đào luyện hoặc khi làm giáo sư Tiểu chủng viện, hoặc ở Hà Úc nơi đó khoảng 15 vị đã làm phó cho ngài. Ngài mất ngày 05.12.1930. Thọ 65 tuổi,40 năm linh mục.

(Còn tiếp...)

Website TGP Huế cập nhật