Tư liệu:

Tư liệu về 10 Vị Thừa Sai MEP đã phục vụ tại Giáo phận Huế - Phần 5


WTGP Huế sẽ lần lượt giới thiệu mỗi kỳ 10 Vị Thừa Sai MEP đã phục vụ tại Giáo phận Huế (1850 - 1975)

Tài liệu do Linh mục Stanislaô Nguyễn Đức Vệ chuyển dịch từ các tư liệu do ARCHIVES MEP cung cấp. 

41. Cha Gilbert (Quí) 

Cha Gilbert, Auguste-Emmanuel, gốc giáo xứ Saint-Gervais, trong tỉnh Avranches (Manche) sinh ngày 30.05.1967. Chủng sinh Tiểu chủng viện Abbeye-Blanche, ứng sinh Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại ngày 04.10.1886, thụ phong linh mục ngày 28.09.1890, và ngày 26.11 sau đó ngài lên đường đi Bắc Đàng Trong. 

Được giao nhiệm vụ lo vùng Kẻ Văn (Quảng Trị) đã bị phá hoại do cuộc bách hại 1885, ngài gặp tại đó khoảng 450 giáo dân. Ngài xây dựng một nhà thờ, rửa tội nhiều lương dân và nhiệt thành làm việc rất có kết quả cho đến khi mất tại Huế ngày 08.08.1907, giáo xứ lúc đó có khoảng 1200 giáo dân.  

Thi hài ngài an nghỉ trong nhà thờ Kẻ Văn.

42. Cha de Pirey (Đề) 

Cha Maximilien de Pirey hay cha Max như người ta thường gọi cách thân tình để phân biệt ngài với người em là Henri cũng là thừa sai ở Huế, sinh tại Maizières địa phận Besançon. Ngài là con thứ 5 trong một gia đình có 14 người con. Một người cậu, cha Jean de Longeville là người canh giữ Tu viện Capucin ở Besançon. Hầu hết các anh em ruột và anh em rể đều là sĩ quan, tuy nhiên đó là trong giới quý tộc áo dài (noblesse de robe) mà gia đình Arnoulx đã được vua Louis XIV chấp nhận. Vì vậy các anh em de Pirey đã từ bỏ áo thụng để cầm kiếm; họ đã mang thanh kiếm này cách dũng cảm cả tại Đông Dương vào thời đi chinh phục và tại Pháp vào cuộc đại chiến. 

Từ Đại chủng viện Saint-Sulpice khi ngài bắt đầu học thần học, thầy Maximilien đã qua Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại. Thụ phong linh mục ngày 21.02,1891 ngài lên đường ngày 15.04 đi miền truyền giáo Bắc Đàng Trong, Đến Việt Nam ngài được sai đi Tam Tòa, gần Đồng Hới, thủ phủ của tỉnh Quảng Bình, để học tiếng Việt và làm quen với phong tục tập quán đất nước dưới sự hướng dẫn của cha Bonin. Lúc đó Tam Tòa là một họ đạo mới thành lập chỉ gồm những người lánh nạn trong các cuộc bách hại 1885. Tiếc thay vị linh mục trẻ không thể ở lâu tại mái trường tốt lành này, ngay năm sau ngài phải nhiều tiếc nuối khi được bổ nhiệm làm giáo sư triết tại Tiểu chủng viện An Ninh. Chính trong tường rào của chủng viện này các giáo dân quanh vùng đã đến ẩn trốn vài năm trước đó trong thời kỳ bách hại; dưới sự hướng dẫn của cha Girard, họ đã cầm cự chống cuộc vây hãm trong 4 tuần lễ, một cuộc vây hãm chỉ được giải tỏa khi một đoàn quân Pháp đến. 

Mặc dầu cha Max ít ham thích làm nhà giáo, tuy nhiên ngài vẫn ở An Ninh cho đến đầu năm 1898, lúc ngài được sai đi Vạn Thiện; xứ ngài sắp ở rất đẹp, nhưng dễ bị sốt. Nơi đó ngài có vị phụ tá là chính em ngài là cha Henri đã đến miền truyền giáo từ gần 1 năm nay. Dưới sự điều hành của vị này vị kia, hay đúng hơn người này cộng tác với người kia, trong nhiều năm các ngài rao giảng Phúc Âm khu vực rộng lớn này, trong mệt nhọc và nguy hiểm, bởi vì vùng này có những ngọn đồi nhỏ đầy thú dữ và có một lần hai cha Max và Henri suýt trở thành nạn nhân do nhiệt tâm của các ngài muốn giải thoát xứ này khỏi một con cọp lớn đã xé xác nhiều người. Ở Vạn Thiện hai anh em đã biết liên kết các việc thuộc lãnh vực vật chất với việc mục vụ tinh thần. Nhà thờ của họ đạo được cha Izarn khởi sự ít lâu trước đó đã được hoàn thành và có thêm một tháp chuông đẹp đẽ. Nhà thờ này mặc dầu kích thước khiêm tốn, nhưng thanh cao và sánh vai được với những thánh đường đẹp nhất của miền truyền giáo. 

Năm 1906, tình trạng sức khỏe không được tốt buộc người anh em này phải đi Pháp và ở lại đó cho đến mùa xuân 1908. Trở về Việt Nam, Đức cha Allys không muốn cho ngài trở lại Vạn Thiện, xứ khí hậu độc hại, vì sợ ngài sẽ nhanh chóng ngã bệnh lại. Đức cha giao cho ngài nhiệm sở An Lộng gần thành Quảng Trị. Ở đó không khí trong lành hơn, công việc ít nhọc nhằn hơn và nếu bị bệnh, thì dễ đi khám nơi các bác sĩ người Âu hơn. Tuy nhiên thật rất khổ tâm cho cha Max phải rời bỏ Vạn Thiện, một vùng gắn bó với ngài thật nhiều, vì ngài đã lao nhọc cả xác lẫn hồn nơi đó; nhưng, là người của bổn phận trước tiên, ngài lên đường đi An Lộng, nơi chẳng bao lâu ngài được niềm an ủi là có người em đến ở gần ngài. Cũng trong nhiều năm hai anh em có thể cùng nhau làm việc như ở Vạn Thiện. Năm 1918 hai vị buộc dứt khoát tách nhau; cha Henri bấy giờ được bổ nhiệm làm hạt trưởng Quảng Bình và như thế phải ở Tam Tòa, giáo xứ mà anh ngài đã sống năm đầu tiên trong miền truyền giáo cách 25 năm trước. 

Ở An Lộng cũng như ở Vạn Thiện, cha Max say sưa làm việc trong mọi lãnh vực. Các bản báo cáo về thời này đã nêu lên rất nhiều cuộc trở lại của người lớn ngài thực hiện trong các họ đạo khác nhau. Theo sau nhiều cuộc trở lại đó, ngài đã thiết lập nhiệm sở mới Linh Yên, từ đó trở thành giáo xứ độc lập. Ngài xây dựng nhà thờ An Lộng, tô điểm thêm một tháp chuông cao vút. Rồi đến lượt nhà xứ, ngài  cũng làm lại hoàn toàn và nới rộng ra. Đồng thời, được một cha phó người Việt trợ lực, ngài nhiệt tâm lo đời sống thiêng liêng của các giáo dân và xứng với lời ca ngợi của vị Giám mục:”Giáo xứ An Lộng là một trong những giáo xứ tốt nhất của Dinh Cát, các giáo hữu xưng tội trung bình 5 lần trong một năm và các trẻ em được dạy giáo lý rất giỏi”. 

Cha Max  làm những công việc chăm sóc bình thường  để nâng đỡ và phát triển lòng sốt sắng của  các tín hữu, tuy nhiên điều này không ngăn trở ngài thực hiện những công cuộc phục vụ lớn lao trong một phương diện khác. Người ta thường gặp thấy ngài trên đường, bất cứ lúc nào và giờ nào. Ngài đi xe đạp, là bạn đường không hề tách khỏi cuộc sống tông đồ của ngài, đầu đội một chiếc nón pháo thủ (légendaire salako) huyền thoại, vai đeo chéo một xách da đen. Xách da này, là cả kho hàng đích thực chứa mọi thứ, đặc biệt  một cái bao đựng thuốc hút khá to mà anh em gọi chơi là “con tàu Noe”, rồi đủ mọi thứ đồ vật nhỏ để đáp ứng được mọi hoàn cảnh. Thắng cương như thế, ngài hăng hái đạp xe, vì ngài luôn có một vài việc cần giải quyết gấp. Ngài thường đi đến vị quan người Việt hay vị Công sứ Pháp vì có chuyện cần giải quyết cho những giáo dân, một vài bất công cần chỉnh sửa, một vài vụ kiện vô vọng cần phải bênh đỡ trong mức độ có thể. 

Người anh em của chúng ta mơ ước kết thúc cuộc đời tại An Lộng giữa các giáo dân được ngài thương mến thật nhiều, nhưng năm 1924 một khu vực quanh Huế thiếu vắng người lo và đòi hỏi một người trách nhiệm có những đức tính đặc biệt, Đức cha Allys không do dự lại kêu gọi thiện chí của vị thừa sai thật tận tâm này: cha Max de Pirey hoàn toàn vâng theo sự xếp đặt của Đức cha, và  đi Lại Ân. Ở đó không còn giáo dân đạo dòng nữa, chỉ có những người mới theo và nhiều linh hồn cần được cứu rỗi, những linh hồn đòi sự hiện diện của một linh mục nhiệt thành, chừng đó là đủ.

Ở Lại Ân, cha Max làm việc như đã làm ở Vạn Thiện và ở An Lộng không kể chi đến sức lực của ngài. Hàng ngàn khó khăn phải vượt qua, những nỗi âu lo làm cho ngài nhọc mệt mọi ngày, những công việc ngài lao mình vào không dè giữ cuối cùng đã nhanh chóng bào mòn sức khỏe của ngài. Cuối tháng 06.1931 ngài hoàn toàn xuống sức. Tuy nhiên các bác sĩ muốn thử một cơ may cuối cùng để cứu chữa và gửi ngài đi Pháp.. Kiệt sức rồi, ngài đành chấp nhận, lại nữa còn vì lý do nể nang. Than ôi! quá chậm rồi; các cơ quan của ngài bị hư hại do những cơn sốt., chứng sưng ruột (entérites) và  máu ứ ở gan (congestions du foie) không thể phản ứng gì trước những chăm sóc trong gia đình ngài với đầy tận tụy và trìu mến! Vừa được vài tháng sau khi ngài đến Marseille, người đã an ủi bao nhiêu khốn khổ và trợ giúp bao nhiêu người hấp hối đã tắt thở giữa các anh chị em mình ngày 09.04.1932. Một điều làm cho ngài  rất khổ tâm, chính ngài chia sẻ với vị linh mục giúp ngài trong giờ phút cuối cùng , đó là không thể trở về miền truyền giáo để phó dâng linh hồn cho Chúa tại đó. 

Cha Max tốt lành đã chết như ngài đã sống, rất khiêm tốn, không rộn ràng, không lôi kéo về phía mình sự chú tâm của bất cứ ai, trong lúc ngài có quyền làm như thế. Cái chết thật đơn sơ và đầy tính giáo dục này sẽ không gây kinh ngạc cho những người đã có diễm phúc biết vị thừa sai dũng cảm này. Nếu người ta có thể ngạc nhiên một điều đó là con người luôn bệnh hoạn này lại có thể sống lâu đến thế và làm bao nhiêu công việc, trong khi ngài ít quan tâm đến sức khỏe của ngài và ít chăm lo cho mình. 

Nét độc đáo đời sống tông đồ của ngài là ở khắp nơi và luôn luôn ngài tìm phục vụ kẻ khác, không trừ một ai. Quả thực ngài là chính sự tận tâm và lòng bác ái, luôn luôn sẵn sàng trợ giúp cho bất cứ ai chạy đến với ngài, trong bất cứ lãnh vực nào. Không bao giờ ngài từ chối, và điều ngài làm cho những kẻ khác, ngài cũng làm với bao nhiêu chăm lo như làm cho chính mình. Lòng bác ái luôn thực hành đó còn  bày tỏ ra bằng những trợ giúp ngài phân phát không tính toán, bất cứ phía nào, bất cứ cách nào. Thế nên hào phóng về tiền bạc cũng như sức khỏe, ngài không kể chi đến điều cần thiết cho ngài, ngài chịu thiếu mọi thứ để có thể cho điều người ta xin ngài và vì người ta biết lòng tốt của ngài, nên người ta xin ngài đủ thứ, vượt hơn cả sự tế nhị. Thường cha quản lý lo quan tâm đến sổ sách của tất cả các thừa sai phải xoe tròn đôi mắt và quả quyết rằng lần sau ngài buộc lòng phải từ chối mọi trợ giúp cho cha Max; đó chỉ là những lời hăm dọa suông, làm sao cha quản lý có thể hành động nghiêm khắc như vậy với cha Max tốt lành? Vị tông đồ có con tim quảng đại đến thế tự lột bỏ chính mình để giúp đỡ kẻ khác, đến độ sinh ra trong một gia đình khá giả, ngài lại chết rất nghèo.

Lễ an táng vị thừa sai quá cố đã được cử hành trong giáo xứ sinh quán của ngài là Scey-en-Varais. Người ta tham dự đầy cả nhà thờ rộng lớn, nơi cử hành lễ an táng. Hội Thừa Sai Hải Ngoại có vị đại diện là cha Lefèvre, giáo sư Chủng viện, là người trước nghi thức từ biệt đã ôn lại đời sống của vị thừa sai dũng cảm này, là người anh em đồng sự cũ của ngài tại Việt Nam. Cha đáng kính Alfred thuộc các Anh Em Hèn Mọn Capucin ở tu viện Besançon hiện diện bày tỏ một sự tôn kính cuối cùng đối với người cháu xứng đáng của cha Jean de Longeville. Và lúc này, giờ ân thưởng đã điểm; những người chết đói thật nhiều trên các nẻo đường An Ninh năm 1897, những người sốt ở Vạn Thiện, những người nghèo khổ ở An Lộng, những người mới theo đạo ở Lại Ân, những cô nhi của Viện Dục Anh đã được chuộc lấy và rửa tội do vị linh mục quá cố, tất cả chen chúc nhau hôm nay quanh vị tông đồ có con tim thật quảng đại . Lạy cha Max xin hãy đón nhận triều thiên mà cha rất xứng đáng,”intra in gaudium Domini tui”(Mt 25,21) (Hãy vào mà hưởng niếm vui của chủ ngươi). 

43. Cha Neyer (Niềm) 

Neyer, Charles, Simon, sinh ngày 27.10.1866 tại Bulk, trong địa phận Strasbourg (Bas-Rhin). Ngài thụ phong linh mục tại Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại ngày 27.09.1891 và lên đường ngày 09.12 sau đó đi Bắc Đàng Trong. 

Khởi đầu ngài làm giáo sư Tiểu chủng viện An Ninh. Phụ trách lớp nhất, ngài cho các chủng sinh dịch các đoạn trong kinh Thần vụ, các thánh thi, các bài thánh ca của Giáo Hội. 

Năm 1897, ngài làm cha sở Mỹ Duyệt (Quảng Bình) cho đến ngày đi Pháp năm 1908. Về lại năm 1910, ngài được bổ nhiệm đi An Hòa, xứ dể bị sốt và ở lại đó 20 năm. 

Là vị thừa sai tận tâm, nhiệt thành, ngài luôn gặp trở ngại do giọng cổ rất nặng mà không thể chữa khỏi được. Ngài chịu vậy suốt đời. Năm 1930, kiệt sức, ngài nhập bệnh viện Huế. Ngày 21.10, ngài lên Đà Lạt với hy vọng lấy lại sức, nhưng quá trễ. Có các cha Nicolas  và Cassaigne giúp đỡ,  ngài qua đời ngày 09.11.1930. Thọ 64 tuổi,  39 năm linh mục. 

44. Cha Cadière (Cả)  

Cha Léopold-Michel Cadỉère sinh ngày 14.02.1869  tại Aix-en-Provence, Thụ phong linh mục ngày 24.09.1892, ngài lên đường ngày 26.10 năm đó đi Bắc Đàng Trong. Ngài đã có một hoạt động tông đồ lớn lao nối kết với những khảo cứu liên tục và đáng trân trọng về ngôn ngữ học, nhân chủng học và về các loại cây. Các nghiên cứu khoa học của ngài được tưởng thưởng bằng một huy chương vàng ở Hội chợ các vùng thuộc địa tại Marseille năm 1923 và Bảo quốc huân chương năm 1931. Hội viên thông tin của nhiều viện hàn lâm. Ngài được Chúa gọi về ngày 06.07.1955, lúc nghỉ hưu ở Huế sau 6 năm rưỡi bị giam giữ dưới chế độ Việt Minh tại thành phố Vinh. 

Hội Thừa Sai Hải Ngoại có nhiều tấm gương thừa sai đã biết liên kết vào những lao nhọc tông đồ các việc học hỏi uyên thâm về các vùng đất họ rao giảng Phúc Âm. Tuy nhiên những công việc uyên bác của cha Cadière được biết đến khá nhiều cho phép quả quyết rằng, nhờ đặc tính và tầm mức rộng lớn cũng như sự hợp thời do Chúa Quan Phòng ban cho,  tất cả làm cho con người của ngài nổi bật gây ấn tượng. 

Vì vậy chúng tôi cố gắng vạch lại cách vắn tắt sự khơi dậy và thực hiện ơn gọi thừa sai của ngài cũng như các hoạt động nghiệp vụ của ngài, trong lãnh vực khoa học cũng như trong lãnh vực tông đồ. 

Cha Cadière sinh ra trong một gia đình nông thôn không xa Aix-en-Provence. Ngài đã phải trải qua phần lớn cuộc đời thừa sai bằng việc tiếp xúc hằng ngày với những nông dân Việt Nam, lấy làm thích thú gặp lại nơi những con chiên của ngài cũng một óc thực hành, cũng một thái độ vui tính giữa những công việc nặng nhọc, cũng một sự chân thành sâu xa và một cảm thức siêu nhiên, chắc hẳn được diễn tả theo cách thức khác nhau, nhưng không thiếu phần gợi lên đời sống nông dân xứ Provence. 

Trong môi trường gia đình lành thánh đó, thế nào mà không có ảnh hưởng  của một người mẹ trung thành từng ly từng tý với bổn phận kitô hữu đã góp phần nhiều vào việc tạo nên một bầu khí thuận lợi cho tiếng Chúa gọi. Về vấn đề này, chứng tá sau khi mất của vị hướng dẫn lương tâm của ngài thật rõ ràng khi công bố một cách đầy xác tín với cha Cadière lúc đến cầu nguyện bên mộ người mẹ đã khuất vào năm 1928:”Mẹ của cha ư ? một vị thánh, một vị thánh, một vị thánh!” Tiếng vang của lời này phải dội lại trong con tim của vị thừa sai cho đến giờ cuối cùng “Thế nhưng, ngài phải lưu ý, mẹ tôi không biết chữ A chữ B, cũng chẳng biết ký tên! Vì vậy mọi vinh quang của trí óc có là gì bên cạnh lòng yêu mến Thiên Chúa nhân lành?” 

Nhiều ảnh hưởng khác đã đánh dấu từng đoạn con đường sẽ dẫn đưa ngài tới Hội Thừa Sai Hải Ngoại. Đó là những linh mục tốt lành trong giáo xứ, mà một vị đã xuất bản những bài thơ nhỏ:”Cuộc vui nhàn nhã của một cha sở miền quê”, vị khác dạy cho ngài việc phục vụ bàn thờ, một vị thứ ba một ngày kia đội mũ barette của mình lên đầu Cadière và la lên giọng nửa vui đùa:”Aquéu pichot sera capelan!”(cậu bé này sẽ là linh mục). 

Từ việc học hành, nơi trường tiểu học rồi tại trường trung học Aix, ngài sẽ giữ mãi những nền tảng học thức chắc chắn, một niềm khao khát không bao giờ thỏa mãn về kiến thức và một tầm trí óc rộng lớn có thể đạt tới tất cả những gì là của con người. Sau khi đậu tú tài, ngài đã có thể vươn tới bậc đại học; nhưng ngài quay hướng ngay về với chính đại chủng viện Saint-Sulpice tại Aix. Ở đó ngài đã có diễm phúc gặp được một vị linh hướng, Monsieur Marie, mà ngài giữ mãi kỷ niệm cảm động và không phai mờ:”Diện mạo của ngài hơi lạnh lùng, nhưng tốt lành và hiền dịu:  tỏa ra sự tự tin và bình an, nghĩa là điều tôi vẫn còn cần đến nhất ” ngài viết thế trong sổ tay, vào 10 năm sau, khi được tin cái chết của người được ngài vẫn gọi là”người cha tốt lành”. 

Bên cạnh ảnh hưởng tinh thần thật sâu xa đó, chính người chủng sinh trẻ thú nhận niềm hứng thú mình cảm nhận được khi ý thức về sự phát triển của tư tưởng công giáo, trong một phần tư thế kỷ sau này ”Là chủng sinh trẻ khi tôi nhập môn vào nền triết học kinh viện và thần học tại Đại chủng viện Aix, đó là thời kỳ của những vị Sulpiciens lớn: những Le Hir, những Vigouroux, những Bacuez; những linh mục triều: những Fouard, những Le Camus, những Batifol; những nhà thông thái Bénédictins: những Dom Guéranger, những Dom Cabrol. Cả những vị khác đã hoàn thành việc công bố nghiên cứu của họ về Kinh Thánh, về Phụng vụ, về các nguồn gốc kitô, Dưới sự điều hành của các vị thầy thông minh, tôi nuốt lấy những công trình của họ. Và tôi muốn làm như họ một ngày nào đó “ (x. L.Cadière: Souvenirs d’un vieil Annamitisant, trong báo Indochine số 202 ra ngày 13.07.1944, trang 26) Chắc hẳn người ta có thể thêm giữa những tên không thấy xuất hiện ở đây, cha Mourret một linh mục sulpicien gốc Aix mà cuốn sách “Histoire générale de l’Église” lúc bấy giờ đã làm nên một trong những lập luận đầu tiên bác lại những luận đề quá nổi tiếng của Renan. 

Tuy nhiên luôn được thúc đẩy bởi một thứ lôi cuốn đặc biệt, vị giáo sĩ trẻ tìm tới một Hội có khả năng cung cấp cho mình“ vừa là một hoạt động tông đồ ở miền  truyền giáo vừa có thể hiến mình cho những nghiên cứu nghiêm túc”. Có lẽ ngài đã nghĩ đến Dòng Tên có một nhà vùng quê ở ngay cửa thành Aix xem ra mời gọi ngài bước theo các vết chân của thánh Phanxicô Xavier. Nhưng tính khí năng nổ và hết mình có gặp được ở đó khuôn mẫu thích hợp với mình chăng?  Và rồi lòng mong ước đến các miền truyền giáo trổi vượt nơi ngài đủ để làm cho ngài chọn một Hội chắc chắn sẽ thỏa mãn ngài. Lúc đó ngài nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại rue du Bac để được thụ phong linh mục sau một năm, vào tháng 09.1892. Có lẽ ngay từ lúc đó ngài đã ao ước có thể đi vào một ít trong những vấn đề tổng quát của khoa ngôn ngữ học và những bước đầu của các nền văn minh vùng Viễn Đông. Ngài phải bằng lòng, vài tháng trước khi lên đường, với hành trang nhỏ bé của vài tiếng học được với  lòng khao khát từ miệng cha Grosjean, một cựu thừa sai ở Huế, bấy giờ làm Giám đốc ở rue du Bac. 

Vào thời kỳ đó không có gì phân biệt “vị lên đường”trẻ này được sai đi cho miền truyền giáo Huế, với các anh em đồng sự khác, nếu không phải là sự năng động trong cái nhìn, tạng người nhỏ con và vóc dáng mảnh khảnh của ngài làm cho nột trong các vị giám đốc e ngại rằng”ngài chẳng sống được quá 5 năm ở miền truyền giáo...” Còn về giọng nhấn kiểu Provence của ngài, không bao giờ ngài mất đi hoàn toàn, như ngài nhận xét, thật chẳng hài hòa với một vài cung giọng lên xuống của tiếng Việt. 

Trong bài báo Souvenirs d’un vieil Annamitisant (x. những bài đăng trong báo “Indochine” từ tháng 12.1942 đến tháng 05.1944), ngài đã kể những thời gian đầu học tiếng Việt. Đó là một tập sách nhỏ thực hành rất thú vị bàn về phương pháp tốt nhất để hấp thụ đầy đủ một tiếng nước ngoài trong các điều kiện thô sơ mà vị thừa sai trẻ được đặt để. Với lòng hăng say thật đáng giá, chính ngài đã lăn lộn vào việc học hỏi này, xác tín rằng điều thiết yếu của bổn phận ngài lúc ngài đến và trong nhiều năm là đó, thể theo ý định của Chúa. Bấy giờ ngài có nghi ngờ chăng sự sốt sắng của ngài trong việc học tập khó nhọc này sẽ nhanh chóng làm cho ngài trở thành một trong những bậc thầy  của khoa ngôn ngữ Hán-Việt? Điều đó không chắc chắn; Ngay lúc đầu ngài cũng đã lo sợ rằng nhiệm sở giáo sư Tiểu rồi Đại chủng viện làm chậm bước tiến của ngài trong giai đoạn đầu tiên này. May thay, không có chút nào như vậy. Ngay khi đến Huế, ngài gặp được nơi bản thân Đức cha Caspar Đại diện tông tòa miền truyền giáo, một trí óc có khả năng biện phân những nguồn lực của một bản chất vừa tài năng vừa hăng say. Sau này cha Cadière sẽ phải làm bài điếu văn cho đấng mà ngài tôn kính như một gương mẫu và một người cha (x. Notice nécrologique de Mgr Caspar. Bulletin du Vieux Huế, 10-12.1917). Chân dung ngài vạch ra thật giống với chân dung của chính người làm bài điếu văn, người ta có thể nhận ra nơi đó những tương quan và ảnh hưởng đối với nhau không chối cãi được. Chắc chắn rằng chính Đức cha Caspar đã nhận về mình việc định hướng cho vị thừa sai trẻ của ngài về những nghiên cứu ngôn ngữ học, lịch sử và nhân chủng học tôn giáo. Vị Đại diện Tông tòa chẳng phải chính mình đã làm những điều tương tự, nhưng không thể đạt đến tất cả phạm vi rộng lớn như lòng mong ước, tuy nhiên thành công trong việc xuất bản một cuốn Tự Điển Hán-Việt và một sách giáo khoa căn bản khởi đầu học tiếng Việt có giá trị lớn cho thời kỳ đó sao ?

Cha Cadière nói:” Đó là một trí óc tìm tòi và tỉnh táo trước  mọi sự. Ngài chú trọng mọi thứ và muốn tất cả các thừa sai của ngài chú trọng như thế. Ngoài những khoa học vật lý khác nhau chẳng hề có gì bí nhiệm đối với ngài, ngài có được, đối với các phong tục tập quán, tín ngưỡng, thực hành tôn giáo của người Việt, những ý niệm chính xác và liên kết với nhau. Nhiều lần ngài tâm sự với tôi có lẽ ngài đã muốn làm về đề tài này một tác phẩm để giải thích cho các thừa sai trẻ rất nhiều sự kiện ngài thấy mà không hiểu được...tác phẩm mà tầm mức sẽ còn tổng quát hơn nữa.” 

Dự án này Đức cha biết rõ điều mình làm, đã giao phó cho người trẻ ngang tài ngang sức với ngài, người sẽ thực hiện với một tầm mức rộng lớn chứng tỏ việc định hướng này là do Chúa quan phòng. Như thế, sự chuyên biệt khoa học của cha Cadière từ nguồn gốc đã không mặc lấy một khía cạnh của trí tưởng tượng độc đáo của ngài, nhưng là một sự đáp trả lại nữa cũng đầy hứng thú, cho một sự truyền dạy đầy tình phụ tử được diễn tả bởi một vị bề trên sáng suốt. 

Ngay thời kỳ đó nhiều hoàn cảnh đã làm cho vị thừa sai trẻ được củng cố trong niềm xác tín rằng những nghiên cứu uyên bác có lợi để thực hiện trong các lãnh vực khác nhau vì lợi ích rất lớn  cho các hoạt động thừa sai tại Việt Nam. Sẽ là quá dài để xem xét nơi đây tất cả những khảo sát đưa ngài tới đần dần với ý thức này. Chỉ cần chú ý điều này là tại các nhiệm sở khác nhau ngài đã chăm sóc trong tỉnh Quảng Bình: Tam Tòa, Cù Lạc, Bồ Khê và Cổ Vưu, cũng như các anh em khác vào thời đó, ngài gặp phải những khó khăn đặc biệt. Đây không còn là những biện pháp bách hại trực tiếp, như trong năm 1863 và 1885;  mà đó là một áp lực thực hiện cách mờ ám trên những họ đạo và đôi khi làm nên yếu tố quyết định các cuộc bỏ đạo tập thể đáng báo động trong những môi trường mới trở lại đạo. 

Đứng trước sự dữ này, phải làm kiên vững những họ đạo lâu năm, cầu nguyện cho các con chiên lạc lối, cứu vớt những gì có thể được. Nhưng cũng nên quan sát những suy tư sâu xa của hồn Việt, lục lọi trong quá khứ, trong kho tàng khôn ngoan của các nho sĩ và kiến thức của người xưa. Nhất là phải xem xét , với một mối thiện cảm sáng suốt, vô số những biểu tỏ khuynh hướng tôn giáo để biết đúng từ đâu phải khởi sự và trên cái gì ân sủng phải được ghép vào khi nhìn về các cuộc trở lại người lớn. Đàng khác đó là nối lại những truyền thống rất xa xưa do các vị tông đồ đầu tiên của vùng Viễn Đông đã truyền lại: những vị Dòng Tên như cha Ricci và cha Alexandre de Rhodes, cũng như nhiều linh mục của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại (nhất là Đức cha Mossard, những cha Génibrel,Vallet, Ravier, Dronet, Maheu, Bon, Souvignet, Huc nếu chỉ kể tển các vị đó). Tất cả đã góp phần  bằng những nghiên cứu nhân chủng học, để thiết lập đức tin trên những nền tảng vững chắc. 

Đàng khác các công trình khoa học của một vài chuyên gia có thể nâng cao, theo một nghĩa nào đó, uy tín của tập thể các thừa sai, về một ít điều mà năng lực của họ đã được đánh giá cao bởi hàng ưu tuyển của đất nước: các nho sĩ, các quan hành chính, các giáo sư, các công chức. Thực sự, công trình rao giảng Phúc Âm hiếm khi được hiểu và chấp nhận bởi lớp người ưu tuyển này dưới khía cạnh hoàn toàn siêu nhiên. Ngược lại để làm cho người ta chấp nhận một sự góp phần quan trọng vào những nghiên cứu văn hóa chính thức được thực hiện chung quanh Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp , mà trụ sở đặt tại Hà Nội. Ít nữa, về lãnh vực này, các vị thừa sai cấp bách cần phải có lập trưởng trong khoa học các tôn giáo, nhân chủng học và các khoa học khác tương đối mới mẻ với thời đó; đây là phương thế duy nhất ngăn cản người ta dùng vũ khí chống lại Giáo Hội, cũng như mỗi lần các kitô hữu không quan tâm đến một môn học mới nảy sinh. Trong hướng đó, Tòa Thánh  bền bỉ cổ võ hình thức góp phần này cho sự minh giáo tổng quát; Đức Thánh Cha Piô XII mới đây nữa vẫn còn chứng tỏ qua các hội nghị khoa học rằng Đức Thánh Cha đánh giá ích lợi biết bao nhiệm vụ của các nhà bác học công giáo trên toàn thế giới. Về phần vị tiền nhiệm của ngài, Đức Piô XI, với một cử chỉ ưu ái của riêng ngài, đã chuẩn nhận cố gắng của cha Cadière, bằng cách cho in trong báo chí Vatican tập sách nhỏ của cha Cadière  “La famille et la religion en pays Annamite”(x. Cadière  Croyances et pratiques religieuses des Annamites, Hanoi 1944, Tome I, pages 33 à 84.(IDEO)). 

Tất cả các lý do đó chắc hẳn đã được thừa nhận bởi Đức cha Allys, vị kế nhiệm Đức cha Caspar tại Huế. Thế nên ngài quyết định đưa cha Cadière về Huế, làm tuyên úy trường Pellerin của các sư huynh các trường Kitô. Nhiệm sở này đã được ngài phụ trách từ 1912 đến 1918, giúp cho ngài một cách hiệu quả hầu dễ dàng hơn cho việc làm lan tỏa các hoạt động của nhà bác học. 

Ở đây người ta thích gợi lên hình bóng mảnh khảnh của ngài nghiêng trên  bản viết nào đó đầy chữ Hán-Việt. Nhưng chúng ta đừng tưởng tượng ngài ẩn náu trong một phòng thí nghiệm hay một thư viện. Nhà ngôn ngữ học này, nhà sử học về các tôn giáo này luôn thích làm việc trên những gì sống động, và chính ngay trong cánh đồng tông đồ của ngài mà có lẽ người ta bắt gặp được ngài, đang ở mặt tiền công trình linh mục và những tìm tòi của nhà bác học. Nói một cách loài người, khó mà thực hiện một phân tích xuyên thấu tâm hồn Việt Nam hơn những gì vị thừa sai này đã làm, luôn có tâm trí nhạy bén để tiếp tục ngạc nhiên, đặt vấn đề không mệt mỏi. Cuộc chuyện vãn với ngài hấp dẫn người đối thoại và nâng cao khỏi những lo toan trần thế. Nếu có khiêm hèn bao nhiêu, người nông dân này, đứa trẻ này, người giữ chùa này, người bán cá này đều đoán được trong vị linh mục này một sự cảm thông và một sự hiểu biết hiếm có, nối kết, tôi không biết nói sao, với một sự khiêm nhu ẩn giấu nào đó không làm cho người đối thoại cảm thấy bị áp đảo bởi trí óc trổi vượt của ngài. Ảnh hưởng tinh thần và lòng tin tưởng đã được nhân cách phi thường này gợi lên thật lớn lao! Cùng bao nhiêu dấu ấn của lòng tận tâm không hề suy giảm! 

Có khả năng quan tâm đến mọi lãnh vực, ngài không ngừng thu tích những điều quan sát về mọi thứ. Đó là một trí óc bền bỉ khám phá và đối diện. Điều này không làm ngài mệt mỏi; sự hấp thụ này làm giàu đời sống nội tâm của ngài và mang lại một niềm vui mà ngài không ngừng dâng lên Thiên Chúa. Khi gợi ý về điều  này trong các ghi chú cá nhân, ngài đã dùng tiếng “fìèvre”(sốt); chắc hẳn phải thấy trong sự thú nhận này, một ám chỉ đến điều nói lên sự gợi hứng nơi các nhà bác học và các nghệ sĩ, khi họ là những người tin, họ thấy trong tình trạng  này của tâm hồn

một trong những hình thức kết hiệp với Chúa. Trong một cái nhìn thực hành hơn, nó chỉ ra sự sử dụng sổ tay ghi chú ngài đã làm; ngài ghi  nhanh vào đó một chi tiết, vẻ lên một “chữ” mà ý nghĩa còn phải làm sáng tỏ...Nhưng rất thường khi chính trí nhớ của ngài, với một sự trung thành lạ lùng được ngài giao phó miếng mồi của cả ngày. Rồi trở về nhà, ngài ghi lại vào các tấm “phích” (fiches) với nét chữ đẹp đẽ rõ ràng và sắp đặt cách thứ tự. Ngài để lại như thế một lượng khổng lồ những tài liệu viết tay, mà một phần lớn còn đang được sử dụng. 

Chính ngài đã biết chọn lựa, giữa bao nhiêu điều tìm thấy được, những vấn đề đặc trưng soi sáng những tìm tòi của ngài. Với một cái nhìn xuyên thấu, ngài phân định được tài liệu-khóa (document-clé) có khả năng gỡ rối một vấn đề cho đến lúc đó vẫn còn mù mờ. Rồi ngài say sưa xem xét đầu đuôi của vấn đề trước khi kết luận, điều ngài làm với một sự khôn khéo và không thiên vị một cách tuyệt vời. Cuối cùng ngài cho xuất hiện một bài báo hoặc một tập sách nhỏ về đề tài đó, kèm theo những tư liệu và những tham khảo cũng như những điểm lưu ý để không giấu ẩn những  do dự của chính ngài và những băn khoăn của nhà bác học. Trong thời kỳ phong phú nhất của các hoạt động khoa học của ngài, giữa các năm 1900 và 1920, ngài cho  công bố cách như thế trung bình 4 đến 5 bài báo trong một năm, luôn  được chăm lo kỹ càng và dứt khoát. Kèm với đó là việc biên tập tờ bào ngài đã thiết lập ở Huế. 

Lòng nhiệt thành của một kẻ đi tìm không mệt mỏi của ngài đã trở thành, có thể nói, làm cho lây nhiễm. Ngài đã biết làm nảy sinh dần dần, quanh ngài, trong một nhóm rất rộng mở, một thứ hứng thú về nhũng công việc trí thức đó. Từ bấy giờ, trong năm 1913, ngài đi đến chỗ thành lập một thứ Hàn lâm viện miền (Trước kia ngài đã biết tại Aix một Hàn lâm viện tương tự như thế mà ngài là hội viên thông tin vào năm 1918), được mệnh danh cách khiêm tốn dưới tên “Amis du Vieux Huế” mà tờ “Bulletin” mang cũng tên đó, đã xuất hiện từng tam cá nguyệt không ngắt quãng cho đến năm 1945, ngày cuộc đảo chánh Nhật cắt đứt các hoạt động của tờ báo. Chắc hẳn năng lực của những người được gọi là”Amis du Vieux Huế” (và tất cả đều là “những người bạn của cha Cadière”) đã vượt lên cái bình thường; nhưng người làm sinh động, người thư ký và biên tập viên chính của Bulletin là chính người thành lập tờ báo mà sự uyên bác đã có uy thế.

Người ta đã bắt đầu tổng kết công trình lớn lao này. Nó  bao gồn 250 đề tài (x. báo France-Asie, tháng 09.1955, số 112 dành một phần cho cha Cadière. Cũng xem bài báo của cha Audigou trong “Études”) gồm các bài báo hoặc các  tập sách nhỏ xuất hiện trong Bulletin du Vieux Huế, hoặc trong Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême-Orient, trong Anthropos hoặc các báo khác cùng loại, cũng như trong Annales des Missions-Etrangères

Điều quan trọng ở đây không phải là làm lại một bài phân tích chi tiết, nhưng đúng hơn làm nổi bật sự duy nhất. Thế nhưng công trình này xuất hiện như được đặt trọng tâm rõ ràng vào nhân chủng học tôn giáo. Chính cha Cadière đã chẳng đề tựa ‘Tín ngưỡng và các thực hành tôn giáo của những người Việt” đó sao cho tác phẩm  quy tụ đa phần các công trình của ngài và đã xuất bản, khởi sự năm 1944 do Hội Địa Lý Hà Nội, và vẫn tiếp tục tại Paris nhờ cha Maleret, Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp. 

Phần Nhập đề của tác phẩm mạc khải cho chúng ta tình trạng tâm hồn của vị thừa sai: ngài phải kinh ngạc trước muôn màu muôn vẻ của những bày tỏ tôn giáo trước mắt:”Đạo của người Việt, nếu bao lâu người ta có thể dùng ở số ít,  cho một ấn tượng tương tự với đạo mà người ta cảm nhận khi xâm nhập vào cánh rừng rộng lớn  của Dãy núi Việt Nam (Chaîne Annamitique)” Sau một bảng liệt kê ngoạn mục thực vật quá dồi dào đã được ngài sưu tập lại, cha Cadière tiếp tục so sánh: 

Cũng thế, nơi các người Việt, và trong mọi tầng lớp xã hội, tâm tình tôn giáo bày tỏ cách  mạnh mẽ và làm chủ trọn cả cuộc sống: nó bao hàm những hành vi hằng ngày, quan trọng nhất cũng như khiêm hạ nhất, những mắt lưới đan xen nhau với những thực hành. Có khi nó bùng phát rõ ràng, với vẻ long trọng của những nghi thức theo luật trong các ngôi đền thờ cúng được Nhà Nước công nhận, có khi giấu ấn  dưới một gốc cây, trước một tảng đá nhẵn. Hoặc người ta diễn tả lời kinh của mình qua những câu thơ phổ nhạc và nhảy múa kèm theo, nhưng người ta cũng lẩm bẩm  lời cầu xin của mình khi đi ngang qua trước cái miếu đáng sợ, hoặc người ta chỉ biểu tỏ ước nguyện của mình tự sâu thẳm con tim. Người ta quì lạy, chậm rãi, nghiêm chỉnh, trang trọng, đầu đội mũ hình vuông, mặc những áo thụng bằng lụa tỏa ánh, hoặc người ta đi xin ý kiến của một thầy bói mù, cô đồng có đôi mắt sáng rực do kích thích thần kinh, thầy địa, thầy pháp, thầy phù thủy với đôi chân gà, người giữ chùa với những cây xăm...Và sự đa dạng chủ quan đó còn rườm rà thêm với cả một chùm thực hành tùy mỗi nơi mà người ta chỉ học hỏi được cách bất toàn, tất cả như cánh rừng rậm rộng lớn bao gồm  đủ mọi thứ thực vật không ai nói lên hết được. 

Sau phần nhập đề đó, cha Cadière phân tích một cách khách quan những nhánh chính của việc tôn thờ: Phật giáo, Lão giáo và nhất là Khổng giáo và Linh giáo (Animiste)  đối với ngài xuất hiện như hai lối diễn tả chân thực của tâm tình tôn giáo tại Việt Nam. Khi ngài đề cập vấn đề “gia đình”, thì đó là còn để chỉ rõ những tương quan chặt chẽ với việc thờ cúng tôn giáo (thờ cúng tổ tiên). Cũng thế đối với một số rất lớn các nghiên cứu nhân chủng học. 

Người ta có thể đi đến chỗ quả quyết rằng những nghiên cứu ngôn ngữ học, cũng như những đào bới khảo cổ của ngài chỉ là một công việc chuẩn bị và như là điều chỉnh một chiếc máy kỷ thuật chính xác bao nhiêu có thể, để  đạt đến kết quả tốt đẹp của việc hăng say học hỏi về nhân chủng học tôn giáo mà ngài đã bắt tay vào và định hướng cho các người kế tiếp trong hoạt động tông đồ cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến Việt Nam. Chẳng phải ngài đã quả quyết sự cần thiết phải sáp nhập các khoa học đó vào các khoa học về các tôn giáo khi tuyên bố tại một hội nghị học hỏi về truyền giáo được tổ chức tại Louvain do Đức Hồng Y Mercier băm 1912:”Một trong những điều kiện tôi cho rằng tuyệt đối cần thiết cho những học hỏi về lịch sử tôn giáo, đó là biết tiếng của đất nước đó và biết thật sâu .”  

Nếu công trình của ngài thật lớn lao do số lượng, thì vẫn không kém giá trị về mặt chất lượng khoa học. Chỉ cần nhận thấy trường hợp các chuyên gia lớn nhất đã làm về các vấn đề kỹ thuật này. Đối với điều chúng ta quan tâm đặc biệt hơn, hãy nhớ lại luận đề trung tâm mà vị thừa sai bác học liên kết không phải là không có một thứ cảm xúc nào đó:”Không có gì trong đời sống của dân tộc Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng tôn giáo. Tôn giáo nắm lấy họ từ khi sinh ra, dẫn đưa họ cho đến mộ và cả sau khi chết, vẫn còn giữ họ dưới ảnh hưởng của mình. Khi người ta thấy những gốc rễ sâu xa mà các thực thể (êtres) trong thế giới siêu nhiên đã tung vào trong tâm hồn người Việt, người ta không thể ngăn mình nhận ra rằng dân tộc này mang tính tôn giáo sâu xa.”(x.L.Cadieèe:Philosophie populaire AnnamiteCosmologie, trong báo “Anthropos” (1907-1908). Quả thực luận đề này xuất hiện đối với ngài là luận đề quan tâm nhiều nhất đến các sự kiện , bởi vì các thái độ tôn giáo vẫn tồn tại trong một mức độ rộng lớn tại Việt Nam, dưới những dáng vẻ một duy tân thuyết kiểu tây phương mà không thấy thay đổi cõi thâm sâu của tâm hồn. Đặc tính tôn giáo này từ lâu đã tưởng mình chống lại tận căn sứ điệp kitô giáo, tuy nhiên lại mang đến những bảo đảm đức tin vững chắc, ngay khi đức tin này đạt đến chỗ ghép vào trên nỗi ám ảnh về điều siêu nhiên (hantise du surnaturel) như thế. Ít nữa ý kiến này xem ra quan tâm đến quá khứ đáng ca tụng của Giáo Hội Việt Nam, với cả đoàn vô số các vị tử đạo. 

Từ đó người ta hiểu hơn làm sao những công việc uyên bác của cha Cadière không hề đi ngược lại sứ mệnh thừa sai của ngài, nhưng chỉ làm phong phú thêm, vừa cho ngài vừa cho tất cả những ai thụ hưởng các nghiên cứu của ngài. Chắc hẳn người ta có thể quả quyết rằng trong suốt 27 năm ngài trải qua tại Di Loan, gần bãi biển Cửa Tùng, như là hạt trưởng, không ai hơn ngài đã đi sâu vào trong những vòng quay tâm lý và xã hội của những”họ đạo”gây kinh ngạc này, những tế bào-mẹ đích thực của Giáo hội Việt Nam và là di vật quý báu của những vị thừa sai đầu tiên. Bài cuối cùng của ngài xuất hiện trong Bulletin này (x. Cadière: Organisation et fonctionnement d’une chrétienté vietnamienne, Bulletin des M.E.2me série, số 79 và các số sau) đã làm chứng điều đó một cách rộng rãi. Và nếu ngài có thể nói về hoạt động sôi nổi trong lãnh vực trí thức, ngài đã không kém phần hiểu biết vị đắng của nhiệt tình tông đồ, khi các con chiên đòi hỏi một cách đặc biệt hơn sự tận tâm của chủ chăn mình. Đây là một vài âm vang những ấn tượng của riêng ngài về điểm đó:”Có những lúc - than ôi quá hiếm - quần chúng bắt đầu chuyển động. Dưới ảnh hưởng của ân sủng, người ta không biết rõ làm sao cũng như tại sao dân chúng chạy đến vị thừa sai xin học giáo lý và chịu phép Rửa tội. Chẳng bao lâu vị thừa sai ngập đầy công việc. Bởi vì nói đến phong trào tân tòng là nói đến những buổi dạy giáo lý và kiểm tra, những cuộc chạy lui chạy tới trong các họ đạo mới để nâng đỡ làm cho kẻ yếu can đảm thêm và bênh vực họ khỏi những phiền toái, những vụ kiện hoặc những bách hại họ thường phải chống chọi; thăm viếng nơi những vị cao cấp, để làm cho công lý được tôn trọng, nhiều cuộc liên hệ với các tâm hồn bác ái để xin cầu nguyện và trợ giúp. Đó là một cuộc sống lên cơn sốt, sốt thánh thiện, bởi vì làm việc cho Chúa tốt lành. Phải nhận thấy rằng ít có giờ để học hỏi. Làm sao có tâm trí để học trong cuộc chạy lui chạy tới mãi mãi như thế, trong sự quấy rầy như vậy của các linh hồn ? Làm sao người ta có thể giữ tâm trí an bình...In patientia vestra possidete animas vestras...” (Những ghi chú chưa xuất bản: phác họa về”nhà thừa sai và việc học hỏi”). 

Sự khiêm nhu của ngài đã ngăn trở ngài nói lên những thành quả tông đồ, nhưng những văn khố truyền giáo chứng nhận đây là những hoa trái tốt nhất của thời kỳ đó. 

Để kết thúc, có lẽ nên xâm nhập vào tận sâu thẳm tâm hồn quá ư sống động này để hé nhìn mầu nhiệm của những tương quan mật thiết với Chúa của ngài Điều đó sẽ có thể được cho đến mức nào thôi, bởi cha Cadière thích ghi vào giấy những ý tưởng nhỏ nhất của ngài. Ở đây chúng ta bằng lòng với việc nêu lên hai nét nổi bật nhất. Trước tiên là điều người ta có thể gọi là những bối rối của người linh mục đứng trước nhiệm vụ kép mà ngài đã can đảm chấp nhận để đi tiên phong, theo lời truyền dạy của Đức cha Caspar. Như tất cả những người bắt tay vào một công trình dài hơi, ngài đã sợ tiêu phí thời gian mà không thể rút ra kết quả cho một công cuộc tông đồ hiệu quả hơn.Từ đó ngài lo phải nhường bước cho điều ngài gọi là “ham thích điều vụn vặt”, mất thì giờ cho những điều”vặt vảnh”; và những tiếng này có đó để chứng tỏ một sự kiểm soát cá nhân nghiêm nhặt, vì những “điều vặt vãnh”này là những yếu tố của một công việc khoa học với sự khô khan làm chán nản các tính khí khác ngài. Ngài không ngừng cầm mình không để cho các công việc khoa học xâm lấn trách nhiệm mục vụ của ngài: Age quod agis (Hãy làm điều bạn đang làm), đó là châm ngôn của ngài từ trong chủng viện, và ngài áp dụng một cách đầy ý thức vào bổn phận của ngài. 

Nhưng cần phải đi xa hơn. Vị thừa sai rất hoạt động này đã quan tâm liên tục đến việc thánh hóa bản thân. Thỉnh thoảng  ngài đã có hầu như dưới hình thức bị ám ảnh: một thứ “chiến đấu với Thiên thần” mà sự ý thức các hồng ân đã lãnh nhận trở thành lo ngại không trao mình đủ mãnh liệt cho Chúa.”Tại sao tôi không nên thánh ?”, ngài ghi chú vậy trong một sổ tay; rồi ngài mổ xẻ ra một sự dính bén nào đó với công trình uyên bác của ngài và một cách chân thành ngài tự hỏi để biết ngài có khả năng noi theo cử chỉ được cho là của thánh Phanxicô Assisi quẳng vào lửa một đồ vật  do ngài làm ra để cắt đứt với những lo xa thỉnh thoảng khi cầu nguyện bởi lý do nhỏ nhặt đó của vầng hào quang.”Tôi có sẵn sàng, cha Cadière tự hỏi cách không thương xót, đốt cháy việc nghiên cứu của tôi về”thổ ngũ của vùng Haut Annam”  hoặc”Lịch sử Quảng Bình”chăng?... Một cách chân thành?...Vâng, có lẽ. Tôi tin rằng có; nhưng sau điều đó việc thực hành sự thánh thiện không đòi hỏi hy sinh nào khác. Nhưng tôi thấy, bên kia điều đó, một danh sách dài những hy sinh lớn hơn, và điều này làm tôi run sợ, tôi lùi bước...Thế nhưng tôi biết rằng đó mới chỉ là bước đầu khó nhọc; Thiên Chúa chúc lành và giúp đỡ sau đó. Có lẽ tôi tự nhủ rằng tôi không ở trong một nơi thuận lợi; đó là một sai lầm: chính tại đây Chúa muốn tôi nên thánh, chính tại đây Ngài muốn tôi bắt đầu..”.Và để kết luận, ngài viết ngay một câu trích:”Một vị thánh , đó là một người bắt đầu lại mọi năm, mọi tháng, mọi ngày; luôn trao mình cho Chúa, dầu hoàn cảnh nào của tự nhiên”. 

Chỉ mình Thiên Chúa mới biết cho đến mức độ nào người tôi tớ của Ngài đã có thể đáp lại những lời mời gọi của Chúa. Xem ra chứng tá 7 năm bị giam giữ ở Vinh (1946-1953) là chứng tá của một hoạt động trí thức không bao giờ ngừng nghỉ hoàn toàn, nhưng cũng là chứng tá của một sự khiêm tốn. Và một sự kiên nhẫn không ngừng tiến triển. Sau khi trở lại Huế, điểm sáng nhất trong những ngày sống của ngài trôi qua trong một sự chiêm ngắm yên tĩnh giúp ngài”thưởng thức những hồng ân của Đấng Tạo Hóa”.Từ sân thượng của Sở quản lý, ngài để cho đôi mắt vui nhìn những cây sứ trắng nở hoa trong vườn Tòa Giám mục; bên cạnh đó tươi nỏ một vài cây đuôi chồn (sagittaires), được một người giúp việc già chăm sóc cẩn thận; phòng ngài có được niềm vui nghe tiếng hót của các con chim sâu nhỏ hoặc tiếng sột soạt bất ngờ của một con cá lội có hình dáng lạ mắt. Ngài tiếp tục nhận được những báo chí khoa học và vẫn đặc biệt chú ý đến những khám phá mới đây của khoa học. Đây không phải là sùng bái thái quá, vì nền văn minh hiện đại đối với ngài, theo một vài quan điểm nào đó, đáng ngại và cả”vô nhân đạo”. Nhưng trí óc của ngài vẫn dè giữ và sáng suốt cho đến ngày cuối cùng, điều ngài vẫn tạ ơn Chúa. Di chúc tinh thần của ngài là một bài thơ chúc tụng ôm lấy toàn thể tạo vật (x, bài thơ Elévation trong Bulletin des M.E. tháng 12.1955 ) một tái hiện lạ lùng của Người Nghèo Assisi, trong đó ngài dâng lên Thiên Chúa niềm vui tinh ròng được nhận biết (la pure joie de connaître). 

Ngài nhẹ nhàng tắt thở ngày 06.07.1955, vào lúc kết thúc những ngày tĩnh tâm linh mục của giáo phận Huế. Tất cả các linh mục đi theo linh cữu của ngài cho đến nghĩa địa nhỏ của Đại chủng viện. Và từ khắp nơi dồn về những chứng tá tiếc thương và khâm phục với một lòng chân thành cảm động. Chúng ta bằng lòng kể ra bức điện tán dương từ Sài Gòn của vị Lãnh đạo Chính quyền Việt Nam gửi cho Đức cha Urrutia Đại diện Tông Tòa Huế: 

Tôi đau buồn sâu xa được tin sự ra đi của cha Cadière đáng kính, mà trọn cuộc đời đã hiến dâng cho lợi ích của đất nước này. Những công trình người quá cố đã để lại, cả trong lãnh vực xã hội và tôn giáo cũng như trong lãnh vực Văn chương và Ngôn ngữ học, chứng tỏ tình yêu thâm sâu của ngài đối với dân tộc Việt Nam, sẽ  lưu giữ mãi một kỷ niệm không tàn phai về người học giả và là người bạn lớn này. Sự khuất bóng của vị tông đồ lỗi lạc khi còn sống đã không ngừng cúi xuống trên những người đồng hương của tôi, là một mất mát lớn đối với tất cả chúng tôi. Trong hoàn cảnh đau thương này, kính thưa Ngài Giám mục, tôi xin gửi đến Ngài sự biểu tỏ những tâm tình thương tiếc chân thành và những lời phân ưu đầy xúc động của chúng tôi”. 

45. Cha Payraudeau (Phê) 

Auguste, Alphonse, Édouard Payraudeau sinh ngày 01.08.1866 tại Saint-Fulgent, địa phận Luçon, tỉnh Vendée. Ngài theo học tại Tiểu chủng viện Chavagnes en Paillers từ 1881 đến 1886, rồi ở Tiểu chủng viện Sables-d’Olonne từ 1886 đến 1888, sau cùng ở Đại chủng viện Luçon từ 1888 đến 1890. Ngài chịu các chức nhỏ ngày 31.05.1890. 

Ngày 14.03.1891, ngài nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại. Chịu chức Năm ngày 03.07.1892, chức Sáu ngày 24.09.1892, thụ phong linh mục ngày 25.02.1893, ngài nhận bài sai đi giáo phận Bắc Đàng Trong (Huế) và lên đường  ngày 26.04.1893. 

Năm 1896 cha Payraudeau thay cha Léopold-Michel Cadière ở Tam Tòa, giáo xứ của giáo hạt Quảng Bình phía bắc và gần Đồng Hới. 

Năm 1898, cha Gabriel Bonhours hạt trưởng Quảng Bình phía bắc gồm 6 giáo xứ, trình cho Đức cha Caspar bản báo cáo sau đây:...” Các anh em và con cảm nhận một niềm vui lớn để trình lên Đức cha 3.650 người lớn và 1.988 trẻ em lương dân đã được Rửa tội...Từ 6 tháng nay, số dân Công giáo đã tăng gấp đôi trong giáo hạt mặc dầu 800 người đã chết vì nạn đói hoặc do hậu quả của nạn đói kém. Giáo xứ lớn được trao cho cha Cadière đã tăng thêm 4 họ mới. Con cũng muốn nêu lên hai làng mới nơi cha Payraudeau, 4 làng nơi cha Binder và 5 làng trong vùng lân cận Kẻ Bàng: cộng tất cả là 15 họ đạo mới mở kể từ tháng 10.1897... 

Năm 1901 trong giáo hạt Quảng Bình phía bắc, cha Payraudeau lo giáo xứ Kẻ Hạc, nơi đó Ngài đã làm cho nhiều người lớn trở lại”in periculo mortis”. Năm sau đó, ngài đếm được 72. 

Năm 1903, ngài rời Kẻ Hạc về Pháp và đến Pháp ngày 13.03 năm đó. Năm 1906, cha Payraudeau rời miền truyền giáo và Hội Thừa Sai Hải Ngoại. Ngài mất ngày 10.09.1947 tại Mozac. 

46. Cha Henrion (Hiền II) 

          Cha Victor, Auguste Henrion sinh ngày 29.07.1868 ở Lepecq, địa phận Versailles, tỉnh Seine-et-Oise (Yvelines). 

          Ngày 15.09.1888, ngài nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại khi còn là giáo dân. Ngài chịu phép Cắt tóc ngày 01.03.1890, các chức nhỏ ngày 17 hoặc 27.09.1891, chức Năm ngày 24.09.1892, chức Sáu ngày 25.02.1893, thụ phong linh mục ngày 02.07.1893 và nhận bài sai đi giáo phận Bắc Đàng Trong (Huế). Ngài rời Paris ngày 03.09 sau đó để đi đến miền truyền giáo. 

          Trước tiên ngài làm phó cha Izarn tại Vạn Thiện. Rồi ngài được đặt làm cha sở An Lễ mà nhà thờ đã bị tàn phá bởi một trận bão năm 1897 và được ngài xây dựng lại năm 1903. Năm 1905 ngài đếm được 895 giáo dân; ngài nhiệt thành nỗ lực đào luyện đời sống thiêng liêng cho họ. 

          Tháng 05.1908, ngài làm cha sở Mỹ Định. Năm 1910, ngài lo cả hai giáo xứ Mỹ Định và Phủ Việt về hướng Bắc. Năm 1912, có cha phó trợ lực, ngài làm cho nhiều người trở lại trong hai làng Thạch Xá , Xuân Hòa và ban phép Rửa tội cho 145 người. Năm 1913 ngài xây dựng một nhà thờ và một nhà xứ cho Xuân Hòa và còn rửa tội cho 54 người, trong đó có 29 người ở Xuân Hòa.  

          Ngày 02.11.1914, xanh xao, hoàn toàn kiệt sức, ngài vào bệnh viện Huế và chết ba tuần sau đó, vào ngày 21.11.1914. 

47. Cha Etchebarne (Chế) 

          Cha Pierre Etchebarne sinh tại Saint-Etienne-de-Baïgorry, địa phận Bayonne ngày 23.09.1870. Ngài học cấp trung học rất giỏi tại Tiểu chủng viện Larressore và nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris ngày 25.09.1888, lúc chỉ mới 18 tuổi. 

          Thụ phong linh mục do Đức cha Biet, Đại diện Tông tòa Thibet, lúc đó đang ở Pháp, ngày 15.10.1893, ngay chiều hôm đó ngài nhận bài sai đi miền truyền giáo Bắc Đàng Trong, hiện nay gọi là miền truyền giáo Huế. Trao cho ngài bài sai đó, cha Delpech, người được tưởng nhớ với lòng kính trọng, cho các ứng sinh nhận biết rằng chính từ Huế đã ra những sắc chỉ bách hại đạo trước đây đã làm đổ đầy máu trên đất nước Việt Nam và làm nên nhiều vị tử đạo. Từ lâu thời thế đã đổi thay, Pierre Etchebarne không phải được sai đi để chịu tử đạo bằng máu như những vị danh tiếng đã đi trước, nhưng bằng 45 năm âm thầm làm tông đồ trong lao nhọc dưới một khí hậu chết người. 

          Lên đường từ Paris ngày 19.12.1893, ngài đến Huế ngày 29.01 sau đó. Ngay khi ngài đến, Đức cha Caspar Đại diện Tông tòa đặt ngài ở Tiểu chủng viện An Ninh để học tiếng Việt và làm giáo sư trong 11 năm. 

          Trừ nhà nguyện vẫn còn như hôm nay, cơ sở này lúc đó chỉ có dáng vẻ khiêm tốn, nhưng cuộc sống ở đó thoải mái đối với các anh em đồng sự và vui tươi với khoảng 100 chủng sinh. Thế nên việc làm quen thủy thổ và học tiếng dễ dàng đối với ngài; trong việc chu toàn các bổn phận giáo sư, ngài tỏ ra là một nhà giáo dục tốt và cung cấp một công việc nghiêm túc và dài lâu nhất là để đào luyện các chủng sinh trẻ. Quả thực người ta nhận thấy họ học tiếng latinh rất giỏi; chẳng lạ gì về điều đó, vì người anh em chúng ta là một giáo sư tuyệt vời, rất có học thức, hấp thụ dễ dàng  những gì ngài đọc hoặc học hỏi và dạy cách diệu kỳ những gì ngài đã sở hữu thật tốt đẹp dường ấy. Vì vậy người ta có thể quả quyết rằng 11 năm trải qua tại An Ninh mang lại những lợi ích lớn lao cho nhà này. 

          Sau những năm dài làm giáo sư, đối với ngài chưa phải là đời sống nơi hoang dã như ngài đã mơ hồi còn ở chủng viện, nhưng là chính Sở quản lý được giao phó cho ngài cùng với việc lo tinh thần cho nhà trẻ và bệnh viện Phú Xuân. Trong 8 năm cha Etchebarne lo những bổn phận tế nhị cách đều đặn và mực thước. Sổ sách đàng hoàng, phục vụ các ban ngành, thăm viếng bệnh nhân, dạy giáo lý cho các trẻ, tất cả được sắp đặt và cùng làm với nhau, khi bất ngờ xảy đến nhiều biến cố quan trọng mang lại cho ngài nhiều âu lo khác.Trước tiên là trận bão khủng khiếp ngày 11.09.1904 gây nên những hư hại lớn lao trong miền truyền giáo và cái chết của cha Dangelzer; rồi sự ra đi của Đức cha Caspar về Pháp và không trở lại nữa, sau đó là sự bổ nhiệm Đức cha Allys làm Đại diện Tông tòa Huế và cuối cùng là việc di chuyển Sở quản lý về Phủ Cam. 

          Sau khi sắp đặt xong, cha Léculier được bổ nhiệm làm quản lý và cha Etchebarne không ngạc nhiên nhận sự bổ nhiệm về Diêm Tụ. Đây là nhiệm sở giáo xứ đầu tiên của ngài sau 18 năm truyền giáo. Không anh em nào bất ngờ về quyết định của Đức cha Đại diện Tông tòa, bởi vì nhiệm sở Diêm Tụ mới được thành lập và chỉ gồm những người mới theo đạo, thật khó cai quản. Dẫu sao, cha Etchebarne chấp nhận với một sự tùng phục và nhẫn nhịn đầy tính giáo dục. Ngài không đi đến đó với lòng hứng thú, nhưng là với cả một ý chí vững vàng để làm việc ở đó và hiến mình để mang lại lợi ích lớn lao cho những người đạo mới đáng thương chắc chắn đáng được quan tâm. 

          Ngài đã làm sống động đức tin của các tín hữu trong các họ đạo khác nhau, cổ võ những người nhút nhát, và an ủi bao nhiêu cảnh nghèo khó bằng một cuộc sống thực sự linh mục và thực hành cách tỉ mỉ những bổn phận trong trách nhiệm của mình, chính ngài dạy giáo lý cho các trẻ và các tân tòng. Đối với họ, ngài là vị chủ chăn nhiệt thành và khôn khéo cho đến khi ngài được bổ nhiệm đi Kẻ Bàng, phía bắc miền truyền giáo. 

          Giáo xứ này có khoảng 1.000 tín hữu và hầu hết là đạo lâu năm mang lại cho ngài đôi chút an ủi. Đàng khác ngài hết sức lo lắng chăm sóc họ. Thời gian không dùng để chăm sóc các con chiên thì ngài chia cho việc học hỏi và cầu nguyện, điều làm cho các anh em gặp được nơi ngài một người láng giềng tuyệt vời với tính tình dể chịu , luôn vui vẻ và các thừa sai lợi dụng cơ hội này để nhận được từ ngài những lời khuyên xác đáng nhất. 

          Sau 12 năm ở dưới chân dãy núi Sen-Bàng, Đức cha Allys gọi ngài về Huế để giao cho ngài giáo xứ Kim Long gần Đại chủng viện, nhưng ngài không ở đó lâu. Cha Etchebarne đã quen sống với các giáo dân, họ quí trọng và gắn bó với ngài, khi 10 tháng sau đó, các hoàn cảnh bất ngờ buộc Đức cha Chabanon giao phó cho ngài Sở quản lý một lần thứ hai. Không ai có khả năng hơn ngài để chu toàn công việc này vì trước kia ngài đã phụ trách trong nhiều năm dài và ai cũng bằng lòng. Mặc dầu  đã quá 60 tuổi, một cách đơn sơ và vui tính, ngài làm lại công việc thường khó chịu của quản lý, và ngài chu toàn một cách tỉ mỉ và trung thành. Cha Etchebarne có một sức khỏe tuyệt vời; thế nên người ta hy vọng ngài còn giữ lâu năm vai trò mới này. Tiếc thay những năm cuối cùng này ngài bắt đầu cảm thấy đau nhức nơi ống chân. Bước đi đối với ngài trở nên ngày càng nhọc nhằn và khó khăn, tuy nhiên ngài vẫn tiếp tục công việc bao nhiêu có thể. Ngày 08.12.1937, ngài bị liệt một phần và bệnh cứ tăng thêm không thể chữa lành; chính lúc đó cha Fasseaux tạm thời làm phụ tá cho ngài để phục vụ Sở quản lý. Ngài còn có thể dâng lễ trong vài tháng, nhưng cuối tháng ba, đôi ống chân của ngài không đỡ ngài nỗi và ngài đành thôi làm lễ. 

          Việc không thể dâng lễ rất cực nhọc đối với ngài, tuy nhiên ngài muốn tham dự và rước lễ hằng ngày. Dần dần liệt cả hai tay làm cho ngài hầu như không cử động gì được. Nhiều ngày ở lại bệnh viện không cải thiện được tình trạng sức khỏe của ngài. Thấy việc chữa trị vô hiệu và thấy trước cái chết đã gần kề, ngày 21.10.1938, ngài chuẩn bị chịu phép Xức Dầu Thánh được ban cho ngài ngày hôm sau. 

          Kể từ ngày hôm đó, một sự chuẩn bị ngay cho cuộc ra đi lớn lao, chuẩn bị không hề buồn bã, nhưng đúng hơn là vui tươi và tin tưởng, bởi vì trọn cuộc sống của ngài chẳng phải là đã phục vụ Người Chủ tốt lành nhất sao, và chẳng phải ngài đã vẫn trung thành với ơn gọi thừa sai sao, mặc dầu xưa kia người ta dự kiến đưa ngài đi châu Mỹ xa xôi để giúp cho những người đồng hương xứ Basque vì không có linh mục nói được tiếng của  họ? 

          Suốt những tháng dài chịu đau khổ, ngài đã nên gương giáo dục cho tất cả các anh em; chẳng bao giờ nghe một tiếng than vãn nào thốt ra từ miệng ngài, chẳng bao giờ tỏ dấu gì hối hả; ngài chỉ còn có một ao ước sinh động, đó là thấy lại người bạn đồng hương của ngài là cha Urrutia từ Pháp trở về, và về niềm vui này, ngài đã phải hy sinh, vì ngài mất vài ngày trước cuộc trở về đó. 

          Ngày 01.11 ngài đi vào trong cơn hấp hối lúc 9 giờ sáng và vào lúc 11 giờ 15, ngài phó linh hồn cho Chúa trong khi các cha Chapuis và Darbon, cũng như nhiều nữ tu Dòng thánh Phaolô thành Chartres đọc kinh cầu cho người hấp hối. 

          Thi hài ngài được tức khắc đưa về Sở quản lý, ở đó nhiều giáo dân đã đến cầu nguyện cho linh hồn người anh em quá cố đáng kính được nghỉ yên. Lễ an táng được cử hành ngày 03.11 trong nhà thờ Phủ Cam. Đức cha Lemasle hát lễ trọng thể. Đức Khâm Sứ Đông Dương hiện diện với khoảng 30 linh mục và chủng sinh Đại chủng viện vây quanh. Ngài Công Sứ trưởng tại Việt Nam cùng nhiều nhân vật dân sự và quân sự tham dự. Một phái đoàn các sư huynh trường Kitô, các sơ Dòng thánh Phaolô thành Chartres và nhiều tín hữu Pháp và Việt đã đến cầu nguyện cho vị thừa sai mà họ rất mến phục những đức tính của ngài. 

          Thi hài cha Etchebarne an nghỉ trong nghĩa địa nhỏ dành cho linh mục ở Phủ Cam, cạnh Đức cha Allys. 

          Nguyện xin Chúa khấng sai đến miền truyền giáo Huế nhiều vị thừa sai đáng giá như vậy. 

48. Cha Godet (Ngọc) 

          Cha  Séraphin Godet sinh ngày 10.02,1866 tại nông trại Gorère , giáo xứ Combrand, địa phận Poitiers. Ngôi nhà ngài sinh ra đã làm chỗ trú ẩn cho cha sở Combrand  trong cuộc bách hại 1893. Nhiều linh mục sinh ra ở đó, trong số đó có cha Roy là cha sở giáo xứ sinh quán vừa qua đời. Chính ngài đã cho Séraphin rước lễ lần đầu, cũng chính ngài gửi Séraphin vào Tiểu chủng viện như nhiều trẻ khác ở xứ Combrand. Vị linh mục xứng đáng này thích có các chủng sinh vầy quanh, nhưng ngài luôn có một cảm tình đặc biệt đối với nhà thừa sai trẻ này. Về phần cha Godet đối với cha Roy cũng có lòng kính trọng đến sùng bái ngài. Cả hai mất cách nhau ít ngày. Mộ của các ngài cách xa nhau, nhưng linh hồn các ngài họp nhau trên trời:”Quomodo in vita sua dilexerunt se, ita et in morte non sunt separati” (Trong cuộc sống họ đã mến thương nhau thế nào, thì trong cái chết họ cũng chẳng lìa xa nhau như thế). 

          Séraphin nhỏ tuỏi nhất trong 5 người con, 3 trai 2 gái.mà một người là nữ tu và người kia là mẹ của 12 đứa con. Khi mẹ mất, Séraphin mới có 15 tháng tuổi; ngài được đem đến giáo xứ Moulins và giao cho bà ngoại săn sóc. Vào 8 tuổi ngài trở lại quê nội. Cha của ngài là một tín hữu tốt lành, yêu thương âu yếm con cái, nhưng không yếu nhược đối với chúng. Ông mất vì chứng trúng phong (apoplexie), vài ngày sau khi đã biết con mình được chỉ định đi Đàng Trong. Sau khi rước lễ lần đầu, Séraphin vào lớp 8 trường giáo sĩ Châtillon-sur-Sèvre, đây như là vườn ươm giáo sĩ của cả vùng rất dồi dào về ơn gọi. Ngài ở đó hai năm và vào Tiểu chủng viện Montmerillon. Tính tình năng nổ và táo bạo, rất tinh nghịch. Than ôi! ngài cảm nhận hơn một lần những nỗi buồn phải làm các bài phạt, khi học lớp văn học cổ điển. Sau khi học triết, ngài được nhận vào Đại chủng viện Poitiers, tháng chín 1886. Từ lúc đó, người ta có thể dễ dàng đoán ra ngài muốn làm thừa sai. Phòng của chân phước Cornay , hiện nay gọi là”nguyện đường các vị tử đạo” rất thường được người tân chủng sinh thăm viếng, hầu múc lấy, bên cạnh hài cốt đáng kính của các vị Tử đạo,  sức mạnh cần thiết để hoàn tất hiến tế được Chúa nhân lành yêu cầu. 

          Thụ phong linh muc tháng 12.1889 ngài kế tiếp nhau làm cha phó ở Chapelle-Largeault và Boismé, và để lại những kỷ niệm tốt lành. Từ nhiều tháng rồi, ngài đã thỉnh cầu được đi các miền truyền giáo nhưng Đức cha Juteau không đồng ý với dự định này và đòi nhà truyền giáo tương lại thực hiện ít nữa một vài việc phục vụ địa phận, trước khi rời bỏ mãi mãi. Sau khi thụ phong linh mục, ngài thường nhắc lại thỉnh nguyện của ngài. Cuối cùng sau bốn năm làm phó xứ, ước nguyện bấy lâu  được ban phép, và cha Godet đã đến Chủng viện rue du Bac trong khoảng tháng 10.1893. 

           Một năm sau, ngài nhận bài sai đi Bắc Đàng Trong. Bấy giờ ngài viết: 

         “Hoan hô Đàng Trong. Ôi! Miền truyền giáo đẹp đẽ, tôi không có gì phải ghen tuông với Mouse Jozeau (vị này sắp bị bách hại ở Triều Tiên), Chính đó là nơi Minh Mạng và Tự Đức đã trị vì; là nơi đã chịu tử đạo những Marchand, những Jaccard, những Dumoulin-Borie, v. v. Hạnh phúc biết bao cho tôi được nghe tên Bắc Đàng Trong!” Than ôi! niềm vui của vị tông đồ trẻ phải bị trộn lẫn với một nỗi cay đắng  dữ dằn vài ngày sau đó. Quả thực cha bề trên Chủng viện đã nhận được điện tín báo tin cái chết của thân phụ cha Godet, Người con khóc sướt mướt, dưới chân Chúa trong nhà nguyện  rue du Bac và ngày hôm sau ngài đã ở bên thi hài người cha, Ngài vừa đến thì linh cữu vừa đóng lại được vài phút, Ngài cầu nguyện thật lâu trước thi hài người mà ngài yêu mến dường bao. 

          Sau khi đã thực hiện những bổn phận cuối cùng đối với người cha và trải qua một vài ngày với các anh chị em, cha Godet trở lại Paris. Ngài lên đường rời Chủng viện ngày 29.08.1894 và lên tàu tại Marseille ngày 02.09 sau đó. Đến Huế trong những ngày đầu tiên của tháng 10, ngài được đặt bên cạnh cha Stoeffler ở Diêm Tụ để học tiếng Việt. Sau khi học được vài tháng, ngài bắt đầu thi hành mục vụ khi Đức cha Caspar giao ngài phụ trách nhiệm sở Nước Mặn, Vị thừa sai tràn ngập niềm vui: ngài thấy giấc mơ của cả đời ngài được thực hiện. Ngài đã viết:”Ôi giáo xứ tốt đẹp mà Đức cha đã ban cho tôi! Ôi, những người dân tốt lành ! Đất nước đẹp biết bao ! Giữa nơi hoang dã: hồ ao, sông suối, không thiếu gì cả. Một Gavarnie thu nhỏ. Tôi hạnh phúc biết bao!”. 

          Bao nhiêu niềm hạnh phúc không kéo dài lâu. Cha Godet nhiệt thành lo dạy dỗ các tân tòng trong quyền hạn của mình, thì một lá thư của Đức cha Caspar đến kéo ngài ra khỏi Nước Mặn và gọi ngài về Thuận An với danh hiệu tuyên úy bệnh viện Pháp, thế chỗ cha Laffitte do bệnh hoạn phải đi Hồng Kông. 

          Theo nguyên tắc việc bổ nhiệm ngài chỉ mang tính tạm thời, nhưng chẳng bao lâu trở thành dứt khoát hẳn. Quả thực cha Laffitte bị buộc phải trở về Pháp, cha Godet phải đổi danh hiệu”par interim”thành tuyên uý thực thụ, điều không hợp với ngài.”Hãy làm cách vui lòng trong hoàn cảnh không thuận lợi, ngài nói vào dịp này,và dầu sao cũng hoan hô niềm vui!”         

         Mặc dầu chẳng cảm thấy một hấp dẫn nào đối với bổn phận mới, cha Godet vẫn chu toàn làm cho ai cũng bằng lòng ; sĩ quan và binh lính đều bằng lòng với Đức cha Caspar đã ban cho họ một vị tuyên úy. Mỗi buổi chiều nhiều người trong họ đến nơi ngài. Họ ưa đọc sách ư, ngài đưa cho họ những sách hấp dẫn. Họ thích chơi domino, chơi cờ, chơi bài, ngài cũng vui lòng tham gia một phần với họ.”Tôi lôi kéo họ bao nhiêu có thể, ngài viết; khi họ ở với tôi, họ không xúc phạm đến Chúa”. Nhất là ngài liên hệ rất tốt với vị thiếu tá giám đốc bệnh viện để biết được tình trạng của những người hấp hối. 

          Tại Thuận An cha Godet không chỉ lo cho lính Pháp, nhưng còn lo cho nhiều họ đạo nằm ven bờ sông. Dầu bao nhiêu công việc của vị tuyên úy quân đội, ngài vẫn không hề quên việc lo cho các kitô hữu bản xứ. Ngài quan tâm đến tất cả những gì liên hệ tới họ; các vất vả của họ là của chính ngài. Ngài giúp họ trong mọi hoàn cảnh theo quyền hạn của ngài. Ngài yêu mến nhất là những người mới theo đạo xứ Cồn Cỏ, họ đạo nhỏ cách xa Đà Nẵng một chút. Trước khi mất, ngài xin người thừa kế làm sao cho có một lễ hát cầu cho linh hồn ngài trong nhà thờ của nhiệm sở này do chính ngài đã xây dựng . Chính ngài thích lặp đi lặp lại”Ngôi nhà thờ này vững chắc qua mọi thử thách: nó có thể chống cự lại những bão tố”. 

           Rõ ràng Thuận An là nhiệm sở đối mặt nhiều nhất với những trận bão kinh hoàng. Tôi để chính người anh em kể lại trận bão ngày 15.10.1897:”Cơn cuồng phong ập vào tối ngày 14, lật đổ và phá hủy tất cả; nó kéo dài 36 tiếng. Khi gió bão quay cuồng mạnh nhất, nhà nguyện của bệnh viện sụp đổ. Lúc đó tôi đi ra khỏi chỗ tôi ở . Nhưng bất thần một cơn gió xoáy làm tôi quay mình như một con vụ rồi quăng tôi xuống đất và bị thương nhẹ. Tôi có thể đi vào bên trong nhà nguyện bằng cách luồn vào dưới những dổ nát và tôi rước được tất cả các bánh thánh. Lúc đó biển thấy khủng khiếp, nước biển tràn bờ và tràn lên sông Huế. Khi tôi trở lại nơi tôi ở, nhà bếp đã bay mất , nhà thờ đã  tróc mái; nhà tôi ở dầu bị thiệt hại nặng nhưng vẫn đứng vững. 

          Tôi ngồi co lại trên một chiếc chiếu và qua đêm. Tôi chờ bị chôn vùi dưới những đổ nát của nơi tôi ở hoặc bị nước biển cuốn đi. Cuối cùng , sáng ngày 16, gió dịu bớt và lúc đó người ta ngạc nhiên thấy bán đảo Thuận An đã trở thành một hòn đảo .Biển đã mang theo cát trên động  và nối liền với đầm nước bằng một khoảng bị xuyên thủng rộng 45 mét và sâu 12 mét  Tất cả nhà cửa ở Cồn Cỏ hầu như bị phá hỏng hết . Có nhiều người chết. Nhà thờ chống chọi được  Bây giờ các giáo đân của tôi chết đói và tôi vui vẻ trút hết hầu bao.Hầu bao của người thừa sai nghèo khó nhanh chóng bị cạn kiệt và ngài đau khổ nhìn một số lớn lương dân đáng thương chết trước cửa nhà, không thể kiếm được hạt gạo nào để cứu sống họ.” 

          Tuy nhiên Thuận An càng bị phân rẽ ra nhiều hơn, biển cả không ngừng bào mòn hai bên khoảng trống mới. Chính quyền Pháp tin rằng khôn ngoan là bỏ chỗ đóng quân đó đi và đưa bệnh viện về Đà Nẵng. Tuy nhiên cha Godet vẫn ở lại Thuận An để lo cho các giáo dân đang ở lại đó. Ngài luôn lo ngại các cơn bão:”Tôi đã thoát được cho đến bây giờ, ngài nói, nhưng nếu tôi ở lại Thuận An, cuối cùng tôi cũng phải ngụp lặn trong nước biển hay trong đầm phá mà thôi”. 

          Thế nhưng không phải các cơn cuồng phong đuổi cha Godet khỏi nhiệm sở. Một cơn bệnh đau tim đã làm cho ngài suýt chết hồi còn trẻ đột nhiên tái phát” Chứng nhức mỏi của tôi vừa lan đến tim, ngài viết một vài ngày trước khi đi Hồng Kông. Xin vâng theo thánh ý Chúa !” 

          Ngài bị đau như thế vào ngày Chúa nhật Thương Khó:”Con suýt sai người đi tìm cha hôm qua, ngài nói thế với cha Pieters vào ngày hôm sau, Trong buổi dâng lễ, con đã tưởng rằng tim con sắp ngừng đập. Từ lúc đó, con như bị chết ngộp nửa; con không thể đứng được.” 

          Tuy nhiên hai ngày sau, ngài giúp cha Pieters điều hành các giáo dân. Ngày lễ Lá, ngài dâng lễ cách rất mệt nhọc . Sau đó ngài đi Huế, và các anh em thấy ngài hoàn toàn đổi khác,”Cha hãy ở lại đây để được săn sóc”, người ta nói thế với ngài. Ngài muốn trở về nhà  dịp lễ Phục Sinh; hôm sau ngày lễ, ngài trở lại Huế và các bác sĩ truyền lệnh ngài phải đi Hồng Kông. 

          Ngay trong lần khám thứ hai, bác sĩ dưỡng đường thú nhận bất lực; cơn bệnh đã quá nặng. Các ống chân của người bệnh phù lên quá lớn do sự giãn nở của  tim và cuống họng co hẹp lại.”Đây có thể là lá thư cuối cùng tôi gửi cho  anh , ngài viết cho người anh họ, cũng là thừa sai; chứng phù thủng (oedème) nặng lên, nặng lên mãi và có thể sẽ làm tôi ngộp thở. Các đau đớn trở nên gay gắt hơn; tôi quá khát và bác sĩ lại cấm uống. Cho đến nay tôi đã từ chối chích morphine, mà cuối cùng tôi cũng phải chịu . Tất cả mọi dự phòng của tôi đã được chuẩn bị. Tôi sẵn sàng. Tôi hối tiếc là phải chết xa các anh em, tôi đã không tưởng đến điều đó. Xin hãy nói với các anh em cầu nguyện cho tôi”. 

          Một vài ngày sau ngài viết: 

          “Tôi đã rước Của Ăn Đàng hôm qua, ngày lễ Mình Thánh Chúa, giáp ngày tôi rước lễ Vỡ Lòng lần thứ 25. Ôi ngày đẹp biết bao! Tôi cảm thấy ngày chết không còn xa. Xin vâng theo ý Chúa !” 

          Quả thực mặc dầu sự tận tâm của những người vây quanh lo lắng cho người bệnh đáng thương, cái chết vẫn không phải chờ đợi lâu nữa. 

         “ Ngày thứ năm 04.07, cha Gaztelu kể, tôi rời ngài để đi dâng lễ và trở lại tạ ơn bên cạnh ngài. Tôi thấy ngài rất yên tĩnh và như chợp ngủ. Vì vậy tôi trở lại phòng ăn để dùng sáng, và để lại một người giúp việc trong phòng người bệnh thân yêu. Tôi vừa tới phòng ăn thì người giúp việc đến nói với tôi rằng cha Godet gọi tôi. Trong phút chốc tôi đến bên giường của ngài. Tôi thấy ngài ngồi trên giường. Ngài nói với tôi:”Xin sắp gối lại cho con, con đau nhiều”. Khi tôi bắt đầu làm việc nhỏ đó, người bệnh la lên:”Con không chịu được nữa” và ngài té ngửa người trên gối. Tôi thấy ngài sắp chết và tôi gọi các anh em. Lúc đó cha Godet thở ra hai lần ...mọi sự đã kết thúc”. 

          Ngày hôm sau, thánh lễ cầu cho các linh hồn vừa xong, chúng tôi đưa thi hài ngài vào trong nghĩa địa của chúng tôi đặt bên cạnh mộ cha Delsahut,vị thừa sai trước kia của miền truyền giáo Quảng Đông.”Requiescat in pace”. 

          Tin về cái chết của cha Godet, dầu đã được chờ đợi, gây một ấn tượng lớn trên các anh em và giáo hữu. Một lễ hát được dâng trong nhà thờ Cồn Cỏ, theo ước nguyện của ngài . Các giáo dân tham dự đông đảo. Người ta cũng thấy tại đó có 16 thừa sai và 4 linh mục bản xứ, vui mừng vì được bày tỏ tình cảm huynh đệ đối với người đã khuất đang được mọi người thương tiếc. 

 49. Cha Blancheton (Bạch) 

          Cha Jean-Baptiste Blancheton sinh tại Saint-Just de Baffie, địa phận Clermont. Ngài thuộc một gia đình kitô hữu sâu đậm; một trong các cậu của ngài và cũng là bọ đỡ đầu là thành viên của Bộ Truyền Giáo. Mẹ ngài bị cơn bệnh sớm đưa bà đi đã nói với ngài lúc ngài chuẩn bị đến với Hội Thừa Sai Hải Ngoại và trong lúc bà tự chuẩn bị cho mình ra đi:”Có thể chúng ta không còn thấy nhau nữa trên cõi đời này, nhưng có can gì! Con hãy đi đến nơi nào Chúa nhân lành kêu gọi con, mẹ còn ba con trai nữa, mẹ mong ước cả ba đều theo con”. 

          Sau khi đã bắt đầu học tại Courpierre, Blancheton hoàn tất tại Tiểu chủng viện Clermont. Ngài thi hành nghĩa vụ quân sự trong ngành pháo binh và bị một cú chân ngựa làm gãy chân. Tai nạn này không cản trở ơn gọi của ngài chút nào và sau khi ra khỏi quân ngũ, ngài vào Đại chủng viện Montferrand. Một người bạn cùng học với ngài đã nêu chứng tá sau đây, đó là ngài luôn tỏ ra khiêm tốn sâu xa và hết sức dịu dàng . Ngài cũng tỏ ra như thế tại Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại mà ngài đã nhập năm 1892. Những dòng sau đây sẽ nói cho chúng ta điều ngài nghĩ về đức khiêm tốn trong phương diện tông đồ: 

          “Không phải những bài nói hay làm cho các tâm hồn trở lại với Đức Giêsu Kitô. Ma quỷ cười chê những điều đó. Kinh nguyện và hy sinh trong một cõi lòng hoàn toàn đầy Chúa Giêsu và nồng cháy tình yêu Chúa: đó là những vũ khí, những vũ khí duy nhất có khả năng xua đuổi ma quỷ, những phương thế duy nhất không sai lầm để chống lại cách hữu hiệu trong đấu trường và để chinh phục thật nhiều trong nước của Luxiphe hầu làm lan rộng nước Chúa Giêsu. Ma quỷ run sợ biết bao khi thấy một tâm hồn được trang bị bằng những vũ khí ẩn giấu một cách khôn khéo như thế dưới lớp áo của một sự khiêm tốn sâu xa ! Mạnh bạo biết bao một tâm hồn được trang điểm như thế, vùng lên đánh ma quỉ và đồng bọn, với tiếng hét xung trận: Không, tự mình tôi chẳng là gì cả, tôi chẳng đáng giá gì, tôi không thể làm gì, nhưng tôi có thể mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi.” 

          Thụ phong linh mục tháng 09.1894, cha Blancheton lên đường ngày 21.09 năm đó đi Bắc Đàng Trong và đến đó vào tháng 01.1895. Ngài được đặt bên cạnh cha chính Dangelzer và ở đó cho đến mùa chay năm sau. 

          Cha Dangelzer viết:”Tôi có thể quả quyết rằng trong suốt thời gian đó, ngài chẳng gây cho tôi một nỗi buồn nhỏ nào, chẳng có một điều trái ý nhỏ mọn nào. Ngay từ ngày đầu tiên, ngài bắt đầu học tiếng Việt với một sự hăng say đáng phục, không để mình chán nản trước những khó khăn. Ngài nhờ các cậu học trò nhỏ của chúng tôi để tập nói cho đúng giọng; ngay cả việc chẳng bao lâu ngài tự mình giảng dạy giáo lý cho các trẻ để chuẩn bị rước lễ lần đầu và như thế chỉ sau một vài tháng, ngài có thể bắt đầu thi hành mục vụ thật sự.” 

          Cha Blancheton rất đúng đắn một cách tỉ mỉ trong việc chu toàn các việc đạo đức; gương thực hành của ngài đầy tính giáo dục trong mọi khía cạnh. Không bao giờ người ta nghe ngài tranh cãi rộn ràng hoặc chỉ trích những người khác; ngài sẵn lòng nghe hơn nói, bằng lòng trả lời khi người ta hỏi. Ngài không tìm cho mình được nổi bật bằng những xảo thuật nhỏ do tính tự ái có thể gợi lên; ngài luôn trung thành với nguyên tắc của sách Gương Phúc: Ama nesciri et pro nihilo reputari”(Hãy thích không được biết đến và được cho chẳng đáng là gì).   

          Vì đức khiêm tốn là mẹ của đức bác ái, nên không bao giờ cha Blancheton làm phiền lòng ai; ngài lợi dụng mọi cơ hội để làm vui lòng anh em; và những lao nhọc ngài đã phải đương đầu cho những người mới theo đạo chắc hẳn đã làm cho cơn bệnh  kết thúc những ngày sống của ngài tới nhanh. Riêng đối với tôi, ngài đã hết lòng giúp tôi ngay từ đầu và một cách thật sẵn lòng, đến nỗi chẳng bao giờ tôi cảm thấy ngại ngùng khi phải xin ngài giúp điều gì. 

          Để thực hiện đức khiêm tốn và lòng yêu mến tha nhân như thế, cha Blancheton đã phải có một tình yêu lớn lao đối với Thiên Chúa. Những khát khao nóng hổi do bàn tay ngài vạch ra nói lên điều đó cho chúng ta cách hùng hồn:”Có gì đáng ca tụng bằng đức bác ái ! Đó là nguồn và là nguyên lý của mọi điều tốt lành đẹp đẽ. Đức bác ái: nhưng đó là chính Chúa: Deus charitas est ! Đức bác ái, đó chẳng phải là khởi đầu và cùng đích của mọi sự sao ? Ôi người ta phải được hạnh phúc ở trên trời dường bao để chiêm ngắm các mầu nhiệm, những điều kỳ diệu khôn dò của đức ái thần linh!... Thế mà người ta tìm cách mọi ngày để trục xuất đức ái đó khỏi thế gian này ! họ thật đắc tội, những người gây lộn xộn phạm tội chống lại đức ái và Chúa Thánh Thần!... Lạy Chúa con, xin cho chúng con khỏi phải một tai họa lớn lao như thế; xin hãy làm cho chúng con ngày càng rực sáng lên tình yêu thánh thiện của Chúa; Xin hãy thiêu đốt chúng con trọn vẹn trong ngọn lửa đức ái của Chúa; xin hãy lôi kéo chúng con từ đất lên trời, xin hãy lôi kéo chúng con đến với Chúa, ôi Thiên Chúa tình yêu. Chúng con bất xứng biết bao để được thấy Chúa và yêu mến Chúa cho đến vạn đại trên trời, xin hãy làm, ôi xin hãy làm ít nữa cho chúng con yêu Chúa ở dưới đất, ôi Đức Ái vô biên, nguồn mọi điều thiện hảo !” 

          Khi hoàn cảnh bó buộc tôi phải xa cách ngài và phó giao cho ngài một họ đạo bên cạnh, cha Blanchẻton tỏ ra sau đó rất có khả năng để điều hành các giáo dân lâu năm. Trong khoảng vài tháng, ngài vui thích ban phép Rửa  cho hơn 150 tân tòng và hình thành nhiều nhiệm sở mới vẫn còn  tiếp tục phát triển dưới thời các vị kế nhiệm. 

          Khoảng cuối năm 1896, Đức cha gọi ngài về Huế để lo Sở quản lý của miền truyền giáo. Vào dịp đó ngài đã viết:” Chúa gửi đến cho tôi một thập giá mà sự yếu đức tin của tôi thấy khá nặng. Vẫn xin chúc tụng Chúa ! Mọi sự Ngài làm cho chúng ta đều tốt đẹp; chúng ta chỉ có vâng phục.”Trong hoàn cảnh mới này, cha Blancheton biện minh cho sự chọn lựa và sự tin tưởng của Đức cha; lại nữa ngài xứng đáng được các anh em biết ơn bởi những cách thức tốt lành ngài sử dụng đối với họ. Nhưng chẳng bao lâu Chúa thấy ngài đã chín muồi để ban thưởng. 

          Một người anh em khác viết:”Cha Blancheton xuống Thuận An trong tuần bát nhật lễ Đức Mẹ lên trời. Ngài rất mệt. Khi vị bác sĩ giám đốc bệnh viện đến thăm ngài, ông nhận thấy bệnh nhân bị bệnh lao cấp tính và cho chúng tôi biết cái chết gần kề. 

          Chẳng bao lâu cha Blancheton xin trở lại Huế; vị bác sĩ khám bệnh phản đối rõ ràng; ông nói với chúng tôi rằng ông thấy trước ngài sẽ ho ra máu nhiều khi giảm cơn sốt đang làm ngài quay cuồng. Và quả thực ngay ngày bác sĩ nói như thế, vào khoảng 7 giờ tối, khi cơn sốt hạ xuống, người bệnh vội vàng gọi chúng tôi và nói:”  Mau lên, xin ban bí tích xức dầu cho con, vì sắp xảy ra như lời bác sĩ đã báo.”Ngài vừa nói những lời đó, thì máu vọt ra từ miệng ngài như xối. Tôi chờ hết ra máu; người bệnh lãnh nhận các phép rất tỉnh táo: chính ngài thưa lại những kinh cầu” . 

          Từ ngày đó cho đến cuối là cả một sự ra máu hầu như liên tục và bất tỉnh. Ngài đã an nghỉ cách rất bình thản và phó dâng tâm hồn đẹp đẽ cho Chúa ngày 15.09, tuần bát nhật Sinh Nhật Đức Mẹ, có ba người anh em trợ giúp.

           Cha Blancheton không nghĩ mình bị lao phổi, nhưng cứ cho rằng mình đau là do sốt. Tuy nhiên ngài vẫn chờ đợi cái chết và chuẩn bị tử tế. Thế nên ngài chào cha Mendiboure vừa từ Pháp đến:””Cha đến thay cho con tại Bắc Đàng Trong; con chúc cha ở lại đó lâu hơn con”. 

          Cái chết của ngài là một đề tài xây dựng cho chúng tôi. Chẳng bao giờ có một lời than vãn nào phát ra từ miệng ngài, nếu không phải là để diễn tả sự tiếc nuối  vì phải để trống đi những việc thiêng liêng của ngài. Một giờ trước khi chết, ngài nói với cha Darbon đang đem nước cho ngài uống:”Con không còn sức để cám ơn Chúa, xin cha làm thay cho con”. 

          Trong những ngày cuối cùng của cơn bệnh, bác sĩ không biết phải cho ngài phương thuốc gì, ít nữa đã muốn làm dịu bớt những đau đớn của ngài bằng morphine. Cha Blancheton từ chối, nói rằng morphine là một phương thuốc do ma quỷ tạo ra và ngài thích chịu đựng cách tỉnh táo mọi đau khổ mà Chúa muốn gửi đến cho ngài. 

50. Cha André Chapuis (Châu) 

          Cha Chapuis là một người miền núi xứ Puy-en-Velay, người vạm vỡ, đi bộ không biết mệt và khỏe như voi. Cái nhìn của ngài vừa tốt lành vừa đặc biệt sắc bén, làm tỏa rạng một khuôn mặt khắc khổ rồi bất thần trở nên dịu lại bằng một nụ cười sắc sảo và hóm hỉnh. 

          Ngài thuộc nhóm các người tiên phong đến giáo phận Huế trước cuối thế kỷ XIX: những cha Cadière, Roux, de Pirey ... Vào thời kỳ đó không hiếm khi thấy ngài cưỡi ngựa đi dọc đường chính, rồi đường hẻm hoặc những con đê nhỏ cho đến ngày  con thú của ngài vô tình vất người kỵ mã xuống ruộng, may mà ngài khỏi bị bệnh thoát tràng (hernie). Từ đó người ta bắt gặp ngài đi bộ suốt những đoạn đường dài 5 dặm hoặc hơn nữa. Ngài đi những bước chậm rãi nhưng chắc chắn, chiếc quạt hoặc chiếc dù trên tay, bộ ngực được trang điểm một bộ râu theo kiểu xưa trải rộng ra và ngài vuốt khi gió thổi làm mất trật tự. Ngài đi đâu như thế ? Luôn luôn đi tìm tiếp xúc với các tâm hồn: đó là một phương pháp “móc vào” (accrochage). Ngài không để ai đi qua  mà  không liên hệ với một giọng vừa vui vừa tâm tình. Công giáo hay không người đi đường trở thành người nói chuyện: trước tiên ngạc nhiên, rồi  tin tưởng và thích thú vì một sự thân tình mời mọc như vậy. Kỷ thuật trí thức và rất tâm lý để tiếp cận các tâm hồn mới mẻ; điều này sẽ trở thành lối độc đáo của ngài. Ngài tò mò và thao thức những cuộc đi thẳng như thế vào trong cuộc sống của những người không quen biết. Ngài thực hiện một lối hỏi có vẻ nhẹ nhàng, rồi rẽ về hướng các tập quán và thực hành tôn giáo; cuối cùng ngài tìm cách len lỏi vào câu hỏi cơ bản:” bạn có nghe nói về những người Công giáo không ?” và cuộc đối thoại tiếp tục...Là người rất rành về xem diện mạo, cha Chapuis luôn hỏi thăm tên, và nếu được gia đình của người được ngài kêu mời. Trí nhớ tuyệt vời của ngài ghi lại và sắp đặt những  chứng minh. Những gia phả của trọn cả nhiều làng hiện diện trong trí ngài; điều này chỉ càng vững chắc thêm qua năm tháng. Vào năm 1947 (lúc ngài đã 76 tuổi) biết bao lần người ta chẳng thấy ngài, trong những cuộc gặp ngẫu nhiên của thời chiến, tiếp cận một người trai trẻ chưa được biết, mà tức khắc ngài xác nhận như là dòng dõi của một gia đình mà ngài kể ra dòng họ cho đến đời thứ ba, làm cho người gặp gỡ há miệng và lấy làm được an ủi vì gặp được một”người bạn của gia đình”như thế.

          Với những con chiên cũng một phương pháp trực tiếp như thế, nhưng nói thẳng hơn, dầu đượm vẻ vui tính:”Kìa hôm nay con ăn mặc đẹp lắm!(ở đây ngài phe phẩy chiếc quạt cách duyên dáng cho thấy sự khôi hài); Còn tâm hồn con, con có nghĩ phải trang điểm cho cuộc lễ này không ?” Ngài nói thêm cách nhẹ nhàng, với một nụ cười:”Đã bao lâu rồi con chưa tới tòa giải tội ?” Cung giọng đôi khi mạnh hơn với những ai có lối sống gây gương xấu liều mình mất ơn cứu rỗi: sự giận dữ cố ý, chứ không phải do bộc phát. Đàng khác nếu tình cờ, trường hợp xem ra ít tội lỗi hơn ngài đã tưởng, ngài vội dịu giọng lại và ngay cả xin lỗi vì sự bất cẩn đó. 

          Nhưng người tông đồ lữ hành này cũng là một người xây dựng các họ đạo. Cuộc điều tra kiên nhẫn của ngài về các phong tục tập quán địa phương đã cho ngài cảm thức được những đòi hỏi thực hành cho sự thiết lập vững bền. Chính như thế tại Thạch Bình, một trong những nhiệm sở đầu tiên ngài lo trong 18 năm, ngài đã tổ chức 15 làng công giáo ở các vùng chung quanh có được nhà thờ, nhà xứ tạm và một nhà cho các nữ tu, cũng không quên mua các thửa đất cho các việc chung của họ đạo Các công trình xây dựng của ngài được in dấu của người hiểu biết Chẳng phải ngài đã công bố một đồ họa danh tiếng  về”ngôi nhà” ở Việt Nam nhấn mạnh đặc biệt đến đặc tính tôn giáo của bao nhiêu chi tiết kiến trúc ? (Cha Chapuis cũng quan tâm đến lịch sử địa phận Huế bằng cách góp phần nhất là vào những nghiên cứu về đời sống của Đức cha Sohier). Trong mọi công trình xây dựng, ngài đã biết chi phí không tính toán , mà vẫn lo về tính cách hợp pháp của những giấy tờ mua bán. Ngài tỏ ra vừa kỹ càng vừa quảng đại, ngay cả bằng lòng để cho người ta lợi dụng đôi chút, đôi khi càm ràm, nhưng vẫn tiếp tục trao ban.

          Tuy nhiên nhất là chính trong lãnh vực tinh thần người ta có thể đo lường niềm tin sâu xa sinh động trong ngài. Tại các nhiệm sở trong vùng, ngài có thói quen mà ngài vẫn giữ  khi được bổ nhiệm làm quản xứ nhà thờ chính  tòa Huế (và làm đại diện thừa ủy) là mỗi ngày chúa nhật dạy một bài giáo lý thực sự hơn là một bài giảng. Ngài vui thích lặp đi lặp lại:”Có tất cả trong các kinh và giáo lý mà” và điều này đúng với điều kiện người ta gắn vào nền tảng thiết yếu đó tất cả những chú giải bổ ích. Thế nên phải nhìn thấy ngài sáng chúa nhật trước thánh lễ bước dài theo lối giữa lòng nhà thờ. Bằng một tiếng quạt nhẹ nhàng thân tình, ngài báo cho những ai ngài sắp hỏi. Rồi câu hỏi bắt đầu, vừa đơn sơ vừa gợi ý, để không làm người ta sợ sệt. Mọi câu trả lời sai là dịp để ngài chỉnh sửa lại cách tế nhị, đôi khi kèm thêm một chút hóm hỉnh, không bao giờ làm chán nản những tâm hồn thiện chí. 

          Lòng nhiệt thành với Lời Chúa đó nơi cha Chapuis chỉ có so được vói lòng nhiệt thành biến ngài thành người tù tự ý của tòa cáo giải. Người ta xưng tội nhiều trong các họ đạo trẻ. Đó cũng thường là dịp chen lẫn nhau khá rộn ràng làm cho thỉnh thoảng linh mục phải nhắc nhở. Cha Chapuis giải quyết vấn đề bằng cách hầu như luôn sẵn sàng ngồi tòa cho các con chiên: rất sớm vào ban sáng lúc đọc kinh Truyền tin, giữa trưa và thường trong buổi chiều tối. Ngài lợi dụng điều đó để đào luyện các tâm hồn sống đạo đức, nâng dậy các lương tâm mù mờ, mang an bình đến cho những người chịu thử thách: công việc kiên nhẫn và đôi khi thật nặng nhọc, nhưng quí giá biết bao trước mắt giáo dân và Thiên Chúa. 

          Giữa những nhiệm sở ngài đã thi hành mục vụ, chắc hẳn không có nơi nào gần gũi thân yêu đối với ngài cho bằng Bác Vọng Đông. Chính nhiệm sở này đã được ngài thiết lập như một họ nhánh của Thạch Bình. Thế nhưng một nhiệm sở nơi hoang dã hơi giống một công trình được tiến hành ở bìa của”no man’s land”. Ngài tổ chức như là một tế bào: một hạt nhân tiên khởi dùng làm điểm xuất phát và ngay khi có thể, phải củng cố nó bàng hai hoặc ba nhóm giáo dân khác trong các làng lân cận. Rồi sự tiến triển tiếp tục cách kiên trì bằng cách phân tổ (essaimant) ra mọi chiều hướng trong một bán kính nhiều cây số . Chính cách như thế mà vào thời đó (1930) cha Chapuis đã dần dần liên kết với trung tâm này 700 giáo dân. Họ được qui tụ thành 3 họ đạo chính kèm theo 8 họ đạo vệ tinh. Một trong những họ đạo này có hạt nhân là những người có đạo lâu đời: làng Nhu Lâm, là quê của thánh tử đạo quan Hồ Đình Hy, bị chém đầu năm 1847. 

          Ngài thương mến các”giáo dân cũ” này biết bao! Chắc hẳn thỉnh thoảng ngài la rầy quở trách họ nguội lạnh và làm theo thói quen(routine). Nhưng nếu tình cờ có ai dám nói xấu như thế trước mặt ngài, ngài liền đứng về phía các giáo dân, bênh vực họ như con ngươi trong mắt mình. 

          Cha Chapuis đã mơ một ngày nào đó được về hưu tại một trong các họ đạo của mình. Nhưng những hy vọng của ngài gặp phải thất vọng dữ dằn. Khi Việt Minh lên nắm chính quyền năm 1947, vùng này bị dội bom, đốt cháy, tàn phá. Chỉ còn nhà thờ và vách tường của nhà xứ đứng vững. Khi ngài được tin một số lớn giáo dân đã bị tàn sát, cha Chapuis không cầm được nước mắt. Tất cả xem ra sụp đổ trong công trình  đã được kiên trì xây dựng. Nhưng hôm nay, 10 năm sau cuộc sụp đổ bên ngoài đó, những cuộc trở lại đông đúc xảy ra chung quanh trung tâm đó, cũng như tại nhiều vùng đã chịu đựng đau khổ trong chiến tranh. 

          Cha Chapuis trở về Pháp năm 1950, cố gắng làm việc mục vụ trong họ đạo gốc bé nhỏ của ngài tại Bas-en-Basset, không ngừng trao hiến sức lực còn lại để cầu cho sự bền bỉ và trở lại của những người Việt thân yêu của ngài. 

(Còn tiếp...)

Website TGP Huế cập nhật