Tư liệu:

Tư liệu về 10 Vị Thừa Sai MEP đã phục vụ tại Giáo phận Huế - Phần 6


WTGP Huế sẽ lần lượt giới thiệu mỗi kỳ 10 Vị Thừa Sai MEP đã phục vụ tại Giáo phận Huế (1850 - 1975)

Tài liệu do Linh mục Stanislaô Nguyễn Đức Vệ chuyển dịch từ các tư liệu do ARCHIVES MEP cung cấp. 

51. Cha Binder (Vinh)

Cha Binder Emile, sinh ngày 04.02.1872 tại Krut, trong địa phận Strasbourg (Bas-Rhin).

Thụ phong linh mục tại Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại ngày 30.06.1895 cùng với các cha Chapuis và Maillebeau, ngài lên đường với họ đi Huế ngày 31.07 sau đó. 

Sau một cuộc thực tập 8 tháng nơi cha Barthélémy để học tiếng Việt ở Di Loan, ngài được chỉ định cho nhiệm sở Dinh Ngói. Cuối năm 1899, ngài làm cha sở An Do trong vòng 8 năm. Năm 1907, ngài trở thành bạn đồng liêu của cha Neyer ở Mỹ Duyệt và ngày 02.09.1908 được bổ nhiệm đi An Đôn. Năm 1911 ngài ở vài tháng tại Phủ Cam cùng với cha Stoeffler và lo nhiệm sở Loan Lý. 

Về Pháp năm 1914, ngài ra khỏi Hội Thừa Sai, làm việc trong giáo phận Strasbourg của ngài, rồi đi Marốc. Ngài mất tại Rueil năm 1938. 

52. Cha Maillebeau (Nhiệm)

Cha Maillebeau Antoine, em của cha Marcellin, sinh ngày 13-08-1869 tại Sebrezac, giáo xứ Saint Geniez-des-Ers trong địa phận Rogez (Aveyron). Thụ phong linh mục tại Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại ngày 30.06.1895, ngài lên đường ngày 31.07 sau đó đi Bắc Đàng Trong. 

Phó cha Rault ở Mỹ Định, đặc trách họ nhánh Nguyệt Áng, rồi sau khi họ này bỏ đạo năm 1897-1898, ngài được đặt làm cha sở Đại-Phong, nhưng cư trú tại Mỹ Phước. 

Vào tháng 09.1907, ngài làm cha sở Kẻ Văn và ở đó 33 năm. Quản xứ gương mẫu, ngài cùng sống cuộc sống của giáo dân. Chính ngài luôn dạy các trẻ, thiết lập vài họ nhánh, chỉnh trang và chăm lo gìn giữ các nhà thờ... 

Năm 1940, ngài vào bệnh viện Huế. Cảm thấy cái chết đến gần, ngài bảo đưa ngài về Kẻ Văn. Ngài mất ngày 10-09-1940 và được an táng trong giáo xứ trước nhà thờ. Thọ 71 tuổi, 45 năm linh mục. 

53. Đức cha Chabanon (Giáo)

Đức Cha Alexandre Paul Marie Chabanon, gốc giáo phận Mende, sinh tại Antrenas, gần Marvejols, ngày 07 tháng 07 năm 1873, nhưng lớn lên ở Cambon, xã Saint-Léger de Peyre, nơi song thân của ngài là những nông dân cần cù sở hữu một mảnh đất nhỏ. 

Ngài là con thứ trong 3 người con: một gái đầu và hai trai. Người con trai út nhập Dòng anh em trường Kitô (Lasan) và mang tên Thầy Baptiste. Thầy qua đời ở Huế, tại trường Pellerin, cách 25 năm về trước. Người chị, nay cũng đã từ trần, đã sống tại quê nhà và là mẹ của Thầy Vital, người đã theo gót cậu mình vào Dòng anh em trường Kitô. Thầy làm hiệu trưởng trường Sóc Trăng, ở Nam Kỳ. Thầy đi nghỉ tại Pháp khi Đức Cha Chabanon đến đó và qua đời. 

Thân mẫu ngài có tiếng là một người rất thông minh và nhất là rất đạo đức. Chính nhờ bà, dĩ nhiên sau Thiên Chúa, chúng tôi không nghi ngờ gì về điều đó, mà vị thừa sai mang ơn về những đặc tính vững chắc của khối óc và con tim chúng tôi biết được.

Ngài vào Tiểu Chủng viện lớp septième năm 1884. Một bạn cùng lớp vạch ra cho chúng tôi gương mặt đầy xây dựng của ngài như sau: 

Ở Tiểu chủng viện, Alexandre Chabanon là một mẫu học sinh khôn ngoan, chăm học, điềm tĩnh, ít nói, được mọi người yêu mến. Tháng nào cậu cũng lấy được điểm “ưu” và được cho về thăm nhà.. Tôi thấy cậu chỉ bị phạt một lần thôi. Đó là ở lớp Première (rhétorique), cậu hoặc người bên cạnh đã quên mang đến lớp một tác giả mà người ta phải chú giải, và cả hai nghe vị giáo sư giải thích trên cùng một cuốn sách, khi bất ngờ họ bị bắt gặp cười ngặt nghẽo (fou rire); điều đã làm cho cậu bị phạt dịch 30 trang sách Tite-Live và bạn cậu dịch 30 trang Tacite”. 

Cậu có một trí thông minh tốt, vững chắc hơn là toả sáng, một trí phán đoán lành mạnh, và nhất là một sự bền bỉ chuyên cần, làm cho cậu hằng năm lãnh được hầu như mọi phần thưởng. Về sau dễ nhận thấy, qua thư từ của vị thừa sai và vị giám mục cũng như trong các báo cáo phải viết, cậu đã học hành rất giỏi; cậu diễn đạt trong các bài viết một cách dễ dàng và chính xác, với những ký ức văn chương hay, dưới một hình thức không sai lỗi.

Cậu thi tú tài bán phần năm 1891. Vào tháng 10 cũng năm đó, cậu vào Đại chủng viện Mende trong hai năm. Đây là một chủng sinh gương mẫu về mọi mặt, cần cù, một lòng đạo sâu xa chắc chắn, không ôm đồm các việc sùng kính, nghiêm khắc với chính mình, luôn chu toàn mọi bổn phận, đơn sơ không phô trương, và bên ngoài xem ra không phải gắng sức. 

Các đặc tính phi thường này làm cho thầy thường được các chủng sinh đánh giá cao: theo bình thường, thầy Chabanon có lẽ cũng như các bạn đồng môn khác sẽ chịu phép cắt tóc vào dịp phong chức nhân lễ Chúa Ba Ngôi năm 1893, sau khi hoàn thành hai năm triết; do đặc ân mà chắc chắn không phải thầy tìm cách chiếm đoạt cho được và tôi nghĩ rằng thầy cũng chẳng khoe khoang gì về chuyện này, thầy đã lãnh phép cắt tóc vào dịp Bốn Mùa trước Lễ Chúa Giáng Sinh 1892. 

Thế nên thầy tư tế trẻ tiến vào cung thánh trong bình an và không rộn ràng, trung thành chu toàn những bổn phận của một chủng sinh tốt lành; đó là hoàn toàn hợp lòng hợp ý với ân sủng của ơn gọi linh mục.

Nhưng Thiên Chúa đã xác định tiếng gọi của Ngài: Chúa nuốn định cho thầy không phải để thánh hoá các linh hồn trong giáo phận Mende, nhưng Ngài muốn sai thầy đi cứu các linh hồn lương dân ở xa phía bên kia đại dương. Khi nào thầy nghe được tiếng gọi đặc biệt đó? Có bao nhiêu thời gian để thầy chín muồi trong cầu nguyện và suy tư? Người thỉnh sinh truyền giáo này được đưa dẫn cách nào để hướng bước chân về Chủng Viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại hơn là về một Hội dòng truyền giáo nào khác ?

Gia đình thầy nghĩ thế nào? Các cuộc chiến đấu nào có thể có? Dầu sao, những hy sinh nào đánh dấu sự giã từ cha mẹ thân thương? Về những điều đó, thầy im lặng chẳng bao giờ thổ lộ gì cho ai. Chỉ có Chúa làm chứng và là người tâm sự, đó là một trong những luật sống đời ngài. 

Dự định của mình, thầy chỉ bộc lộ ra ít tháng trước khi thực hiện cho người bạn cuối cùng của ngài là thầy Tardieu, nay là Giám mục Đại diện Tông toà Quy Nhơn, người mà thầy xét thấy có cùng những khát vọng như nhau. Họ cùng ra đi vào một ngày tháng 9 năm 1893 đến rue du Bac. Cùng học một lớp ở Tiểu chủng viện, cùng học các lớp ở Đại chủng viện Mende và rồi tại Hội Truyền Giáo Hải Ngoại. 

Họ lại gặp nhau tại Việt Nam trong hai miền truyền giáo kề cận nhau; và trong cùng một năm, các ngài được nâng lên vinh dự của hàng giám mục. Sự thân tình trìu mến của họ đã được thắt chặt trên ghế nhà trường không bao giờ phai mờ trong suốt 40 năm cuộc sống tông đồ của các ngài. 

Người thỉnh sinh truyền giáo ở Paris vẫn là người chủng sinh ở Mende: một mẫu gương đều đặn, đơn sơ, sống nội tâm và cũng là một người làm việc hăng say. Các đồng bạn và chắc hẳn cả các vị điều hành đều nhìn thấy thầy như là một trong số những người đứng ở tốp đầu các môn học của mình; còn thầy, luôn khiêm tốn, không bao giờ coi mình đáng giá gì. 

Chính như thế, trung thành chu toàn bổn phận hằng ngày, nhưng mất hút trong đoàn thỉnh sinh đông đúc vào thời đó, thầy đến với chức linh mục ngày 28/6/1896. 

Cha Chabanon đã nhận bài sai đi miền truyền giáo Huế, hồi đó gọi là Bắc Đàng Trong. Ngài rời Paris ngày 26/8 sau đó và lên đường cùng với 8 vị khác, trong số đó có cha Allo, cũng được sai đi miền truyền giáo Huế như ngài. 

Đức cha Caspar đã đặt vị thừa sai trẻ tại Cổ Vưu, gần Quảng Trị, ở với cha Bonin, là cha sở giáo xứ quan trọng này và Bề trên giáo hạt Dinh Cát.

Cha Chabanon ở đó nơi trường học tốt lành vừa để học tiếng vừa để khởi sự tìm hiểu các phong tục tập quán của xứ sở, vì cha Bonin là một vị tông đồ lão luyện, nói tiếng Việt rất giỏi và hoàn toàn thông suốt trong cách thực hành các việc đạo việc đời.

Vị phó xứ trẻ bắt tay vào việc một cách chuyên chăm và bền chí như bình thường, các cố gắng của ngài đạt nhiều thành quả tốt đẹp đến nỗi sau 6 tháng, ngài vượt qua kỳ khảo hạch học tiếng Việt cách xuất sắc. Việc tập sự tông đồ của ngài kéo dài trong 3 năm. Lúc bấy giờ ngài đã cảm nhận gự quý chuộng sâu xa và tâm tình kính mến đối với vị thừa sai là người thầy đầu tiên của ngài, ngài vẫn giữ suốt đời. Quả thật cha Bonin là một linh mục gương mẫu và giao tiếp dễ mến làm cho mọi người đều tôn kính như đã là một bậc tổ phụ.

Vào tháng 09 năm 1899, cha Chabanon được bổ nhiệm làm Điều hành (Directeur) Đại chủng viện. Ngài dạy triết học tại đó cho đến tháng 03 năm 1905, rồi được sai đi ra phía bắc của miền truyền giáo làm cha sở giáo xứ Tam Toà và bề trên giáo hạt Quảng Bình.

Cho đến 3 năm sau, vào tháng 08 năm 1908, ngài đổi vào giáo xứ Di Loan và bề trên giáo hạt Đất Đỏ, phía bắc tỉnh Quảng Trị.

Cũng năm đó, ngài được chọn làm cha chính bởi Đức Cha Allys là người đã sẵn lòng được tấn phong để cai quản miền truyền giáo. Cha Chabanon nhìn chung đã được xem như một trong những vị có khả năng nhất và đầy đủ nhất giữa các tay thợ tông đồ. 

Ở Tam Toà cũng như ở Di Loan, ngài là mẫu gương cho các cha sở. Dầu có một cha phó, ngài không đổ trên vị này công việc chính ngài có thể làm. Ngài không ngừng dạy giáo lý cho các trẻ và ngồi toà giải tội nhiều ngày tròn. Trong nhiệm sở này cũng như ở nhiệm sở kia, ngài phải lo cho một tu viện lớn các nữ tu người Việt; ngài tích cực lo huấn luyện đường thiêng liêng cho họ. 

Các họ nhánh Loan Lý và Hoà Ninh chỉ có nhà nguyện là những căn trại nghèo nàn mới đóng cửa; ngài đã xây dựng cho họ hai nhà thờ lớn lợp ngói và đẹp đẽ. Ngài cũng đã nới rộng nhà xứ Di Loan, để có thể dễ dàng tiếp đón các thừa sai và các linh mục bản xứ thường đến đó đông đúc để tham khảo ý kiến ngài. 

Quả thực, ngoài các lo lắng chăm sóc các giáo xứ của chính ngài, ngài còn lo cho toàn giáo hạt gồm 15 giáo xứ, sắp đặt giải quyết các tranh chấp nảy sinh, kiểm tra các sổ sách, khảo hạch các trẻ trước Vỡ lòng và Thêm sức. Chính trong khi thi hành công cuộc mục vụ này rất được ngài ưa thích, ngài đã được bổ nhiệm làm Bề trên Đại Chủng viện khoảng giữa năm 1918. 

Cũng như vào những lần đổi chỗ trước, cha Chabanon chẳng nghĩ ngợi gì, mặc dầu ngài cảm thấy rất cực lòng phải xa những con chiên ngài đã rất gắn bó và chân thành yêu thương; ngài xếp đồ và hết lòng đơn sơ đi vào Huế, đến nhiệm sở mới của ngài.

Tại Đại Chủng viện, ngài chỉ duy trì và tiếp tục công trình của các vị tiền nhiệm: quả thực cơ sở này đã được tổ chức từ nhiều năm dài theo các phương pháp khôn ngoan của Saint-Sulpice, về việc học cũng như đời sống thiêng liêng và tinh thần đang có nơi đó thật tuyệt vời. Cha Chabanon tránh làm đảo lộn bất cứ điều gì trong trật tự đã được thiết lập; nhưng ngài cũng làm việc không kém và còn làm nhiều. 

Công trình của ngài thực hiện đi vào chiều sâu, không rộn ràng và với tình phụ tử: ngài thực thi một ảnh hưởng thấm nhập (influence pénétrante) các ứng viên cho chức linh mục và ngài được họ yêu mến. Qua những bài huấn đức và hơn nữa qua gương sống của ngài, ngài thúc đẩy họ sống các nhân đức nền tàng của người linh mục: khiêm tốn, siêu thoát, hy sinh, yêu thích cầu nguyện và học hành. 

Người ta không hề thấy ngài ra mặt bên ngoài (se répandre au dehors); làm việc không mệt mỏi, có thể nói được, ngài chẳng bao giờ rời bàn viết; đồ dùng và tiện nghi trong phòng ngài không khác gì phòng các chủng sinh; chẳng bao giờ người ta nghe ngài than phiền về điều gì hoặc về một ai.

Ngài rất khó đối với chính mình: những lần bị sốt (fièvre) thường xuyên vẫn không làm ngài thay đổi điều gì trong nhịp sống thường ngày. Những lúc đó, người ta vẫn thấy ngài ở phòng ăn, ngồi yên, nghe đọc sách mà chẳng ăn gì, và ở trong lớp, giải thích bài học với một giọng yếu đi mà vẫn chịu khó cầm sách trong đôi tay run rẩy. Bị sốt lâu ngày làm cho bong võng mạc (décollement de la rétine) và làm cho ngài mất hẳn mắt trái năm 1924. Với người viết những hàng này khi bày tỏ tâm tình thông cảm đối với ngài vào dịp này, ngài trả lời cách đầy xây dựng như sau: “Tôi thực hiện câu quotidie morior” (mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết 1 Cor 15,31). 

Ngài dạy các môn thần học luân lý và giáo luật một cách thông thạo và rõ ràng. Ngài không lơ là khía cạnh vật chất của trách vụ ngài; ngài thực hiện những sửa sang quan trọng cho những khu nhà khác nhau của cơ sở và xây thêm những khu mới. Trong 13 năm làm bề trên, ngài vui mừng thấy 35 chủng sinh của ngài lên chức linh mục. 

Đại Chủng viện không chiếm hết tất cả hoạt động của cha Chabanon, những bổn phận làm cha chính địa phận cũng chiếm một phần lớn thì giờ của ngài: những tham khảo trực tiếp hoặc bằng viết, cộng tác điều hành miền truyền giáo, ngài cũng là cha giải tội của các chị em Dòng Kín. 

Vào năm 1921, Đức cha Allys còn trao phó cho ngài việc huấn luyện đời tu của Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm vừa được Đức cha thành lập ở cạnh Đại Chủng viện.

Tu viện này, gồm hoàn toàn người bản xứ, có mục đích chuẩn bị những nhà giáo và y tá cho các trường và các trạm xá của các giáo xứ. Cha Chabanon đã đổ ra nhiều thì giờ và lao nhọc, và ngôi nhà hiện nay rất phát triển, đời sống đạo đức ở đó đã được xây dựng vững chắc, có thật nhiều ơn gọi, nhiều trường và nhiều trạm khám đã được lập nên trong các giáo xứ. 

Sự hiểu biết rành tiếng Việt đã làm cho cha chính của Huế được vinh dự làm thành viên của hai ủy ban được hình thành gồm các Đại diện các miền truyền giáo Đông Dương và Xiêm La (Délégués des Missions de l’Indochine francaise et du Siam); một ủy ban lo việc thống nhất sách giáo lý, ủy ban kia lo việc thống nhất các kinh nguyện. Ủy ban các kinh nguyện họp tại Huế vào tháng tư 1924 và cha Chabanon được đặt làm chủ tịch. Vài năm trước đó, ngài đã là đại diện Miền Truyền Giáo Huế tại ủy ban Giáo lý ở Phát Diệm, dưới quyền chủ tịch của Đức Cha Marcou. Trong cuộc họp này hay cuộc họp kia, có nhiều cuộc thảo luận công phu. 

Rồi Đức cha Allys mờ mắt dần. Thế nên trong nhiều năm liền cha chính phải thay ngài đi ban phép Thêm Sức: ngài lợi dụng các tháng hè để thực hiện việc này, hầu chủng viện khỏi phải chịu cảnh vắng ngài. 

Rõ ràng tất cả các công việc này, bình thường hay tuỳ lúc, đã là một trách vụ khá nặng nề, cho dầu những đôi vai gánh lấy có vững mạnh chừng nào đi nữa, nhưng cha Chabanon không bao giờ biết nói không khi người ta trao cho ngài một công việc mới nào. Ngài chỉ biết thở ra khi thấy quá nhiều việc để làm, mà ngài không thể chu toàn mỗi việc một cách hoàn hảo như lòng ngài mong ước. Tình trạng quá nhiều việc đó ăn dần ăn mòn sức khoẻ của người lao động miệt mài này mà anh em đồng sự của ngài không nhận thấy được. 

Thế rồi, Đức cha Allys, mắt bị đục thuỷ tinh thể (cataracte), và gần như hoàn toàn bị mù, cần có một vị giám mục phó. Cha chính của ngài đã được Toà Thánh chọn để như lời Đức Khâm Sứ Toà Thánh diễn tả “làm Ximon thành Xyrênê tốt lành và vững chắc cho vị Đại diện Tông toà đáng kính của chúng ta

Tin báo việc bổ nhiệm ngài đến Huế ngày 26.06.1930 và vị tân giám mục đã được Đức Khâm Sứ Dreyer tấn phong ngày 28 tháng 10 sau đó...Chiếc áo dòng tím không thay đổi gì trong thói quen sống đơn sơ và làm việc của Đức cha Chabanon; ngài vẫn giữ chức vụ bề trên và giáo sư Đại chủng viện cùng tiệp tục hết lòng giúp Đức Giám mục Đại diện Tông toà trong việc điều hành miền truyền giáo.

Ngược với điều người ta hy vọng, Đức cha Allys không thấy lại được, mặc dầu được mổ hai lần do những chuyên viên thành thạo nhất. Thế nên vị giám mục đáng kính xin từ chức và Đức cha Chabanon trở thành Đại diện Tông toà, nhận trách nhiệm lãnh đạo miền truyền giáo vào tháng 06.1931. 

Vị Bề trên mới của Giáo phận Huế hết lòng hết sức lo bổn phận trong trách vụ cao cả này. Theo thói quen của ngài, điều gì ngài làm, ngài không làm nửa vời; vì thế trong các chuyến thăm viếng mục vụ, ngài dừng lại nhiều ngày trong mỗi nhiệm sở để nắm bắt tình hình của các giáo xứ; chính ngài trực tiếp khảo hạch các trẻ sắp chịu phép Thêm sức và chia sẻ những vất vả nơi toà giải tội với các thừa sai và các linh mục bản xứ.

Việc điều hành của ngài được chú ý bởi một sự rất mực khôn ngoan; ngài suy nghĩ lâu dài trước khi lấy một quyết định, đến độ người ta thỉnh thoảng cho ngài là chậm chạp. Ngài cũng rất mực từ phụ, hoặc trong những ý kiến phải trao ban, hoặc trong những la mắng hay những bắt phạt phải có. Các tương quan của ngài với hàng giáo sĩ thấm đượm một sự rất mực đơn sơ, một sự chân thành đầy tâm huyết và một sự tận tâm trọn vẹn. 

Chính dưới triều giám mục của ngài, Đan viện Phước Sơn đã được sát nhập vào đại gia đình Xitô.

Chính ngài đã là ngưòi bảo trợ và hướng dẫn cha Benoît (Denis) và người kế nhiệm là cha Bernard (Mendiboure) ngay từ khi lập đan viện. Vào ngày 21.03.1935 ngài đã vui mừng chủ toạ nghi thức sát nhập Hội dòng trẻ trung này với Dòng Xitô, nhân danh vị Tổng Quyền (Abbé génẻral) rất đáng kính.

Việc thiết lập “Trường Thiên Hựu” ở Huế làm trường dạy cấp hai cổ điển (enseignement secondaire classique) là do nhiệt tâm và hoạt động của Đức Cha Allys; nhưng chính vị Đại diện Tông toà mới phải lo điều hành việc xây cất cơ sở đồ sộ mà hiện nay, gần 200 trẻ tiếp nhận nền giáo dục trong một môi trường công giáo. 

Khi được nâng lên hàng giám mục, như chúng tôi đã nói, Đức cha Chabanon cảm thấy sức lực mình giảm sút. Người ta đã khuyên ngài một cách vô ích một cuộc trở về Pháp hoặc ít nữa một kỳ nghỉ lâu ngày. Công việc dai dẳng mà ngài vẫn tiếp tục dấn thân vào không ngơi nghỉ, cũng như những lo âu lớn lao của trách vụ giám mục nhanh chóng dẫn đến sự liệt lào toàn cơ thể.

Trong năm 1935 và nhất là đầu năm 1936, người ta thấy ngài xuống sức rất nhanh và chính ngài thường cảm thấy đuối sức. Người ta kính cẩn thúc đẩy ngài về nghỉ tại quê nhà; chính Đức Khâm sứ Dreyer cũng đã nhiều lần hết sức khuyên ngài như thế. Nhưng không ai thành công trong việc thuyết phục ngài điều đó.

Xem ra vị Giám mục đáng kính nhắm đến một lý tưởng anh hùng, là được chết trong miền truyền giáo mà không bao giờ trở lại Pháp. Cuối cùng trong khoảng tháng 3 năm 1936, bác sĩ công bố rõ ràng rằng sức khoẻ của ngài phải bị tổn thương nặng nề, nếu ngài không trở về Âu châu sớm nhất có thể. Đức cha Chabanon đành chịu phải chết trong tâm hồn. Khổ thay, đã quá chậm và chính ngài cũng biết rõ điều đó. Ngài nói: “Tôi sẽ không về tới Marseille”. 

Mặc dầu quá sức mệt, ngài vẫn tiếp tục làm việc cho đến khuya trước ngày lên đường đi Pháp. Ngày thứ năm Tuần Thánh, ngài đã muốn cử hành nghi thức làm phép Dầu Thánh, nhưng sức khoẻ không cho phép; cuối nghi thức dài, ngài đã phải dừng Thánh lễ ngay sau khi rước lễ. Ngày lễ Phục Sinh, ngài lên bàn thờ lần cuối; bị buộc phải dừng lại và ngồi xuống sau kinh Lạy Cha, tuy nhiên ngài đã có thể hoàn tất điều cần thiết của Thánh lễ. 

Ngày 24 tháng tư, ngài rời Huế, và lên tàu tại Tourane trên chiếc “Cap-Varella” cùng với cha Fasseaux. Đức Khâm Sứ Toà Thánh đã yêu thương dành xe hơi Toà Khâm Sứ để chở ngài đi và cha Bresson thư ký Toà Khâm Sứ đưa ngài đến tận bến cảng cùng với cha chính Lemasle và cha Roux. Ở đó, họ gặp Đức cha Tardieu từ Qui Nhơn ra để bày tỏ mối thiện cảm thân tình và giã từ người anh em đồng hương và là bạn thân từ thời thơ ấu. 

Cho đến Colombo, cuộc hành trình chẳng có gì đặc biệt: tình trạng của người bệnh cao quý này vẫn cứ như thế. Nhưng một ít lâu trước khi đến Djibouti, ngài càng yếu dần và bị tiêu chảy (dysenterie). Ngài chuẩn bị giờ chết và lãnh các bí tích cuối cùng.

Đức cha đến Marseille ngày 29 tháng 05 trong tình trạng kiệt sức, đến độ xe cứu thương phải tới tận bến cảng đón ngài để đưa về thẳng bệnh viện Saint-Joseph. Các bác sĩ chỉ có thể thấy mình đang đứng trước một cơ thể rã rời, không hy vọng cứu chữa.

Người bệnh cảm thấy sự sống cất khỏi ngài từ từ, chuẩn bị một cách gương mẫu cho tiếng gọi của Chúa. Những cuộc viếng thăm của anh em Sở quản lý (Procure) mang lại niềm an ủi cho những ngày cuối đời của ngài, cũng như của một bạn đồng lớp ở chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại và đang là một linh mục xuất sắc trong giáo phận Marseille. Đức cha Chabanon biết rằng người thỉnh sinh xưa kia này vẫn giữ con tim truyền giáo sống động. Ngài nói: “Này cha Kinh sĩ, cha đã luôn là người bạn của những nhà truyền giáo, hãy giữ mãi như thế cho đến cùng”. 

Vị linh mục đến thăm này đã cảm động sâu xa khi thấy lại ngài sau 40 năm, một vị thừa sai dũng cảm kiệt lực đến mức này sau một nửa thế kỷ làm việc không ngơi nghỉ và đã không thể cầm được nước mắt khi nghe những lời đầy xúc động đó. 

Người bệnh đáng kính đã có niềm vui lớn trong những ngày cuối đời là gặp được bên giường bệnh một trong những người cháu gái của ngài, nữ tu dòng Đa Minh và một người cháu trai, thầy Vital, sư huynh Lasan. Cả hai chứng kiến hơi thở cuối cùng của ngài sáng 4 tháng sáu.

Ba người anh em chúng tôi, đang phục vụ tại bệnh viện Saint-Joseph cũng ở bên cạnh ngài: cha Pessein thuộc dưỡng đường Nilgiris, cha Colin, thuộc Coimbatore và cha Bélet thuộc Malacca. Khoảng 10 giờ, người ta báo cho cha Colin rằng Đức cha Chabanon nguy kịch; ngài nói vói người hấp hối chuẩn bị lãnh phép giải tội lần cuối. Bấy giờ Vị Giám mục đáng kính đưa tay lên trong một cố gắng cuối cùng để làm dấu thánh giá và thở hơi cuối cùng trong an bình. Ngài vẫn giữ được sự minh mẫn cho đến phút cuối. Ngài hưởng thọ 63 tuổi và được 40 năm linh mục và sống đời tông đồ. 

Việc chôn cất đã thực hiện tại Marseille theo ước mong của Đức cha quá cố là người đã muốn ra đi trong khiêm tốn và không rộn ràng, cũng như ngài đã luôn sống như thế.

Thánh Lễ an táng được cha Sibers, Bề trên dưỡng đường Montbeton cử hành: nghi thức từ biệt lần cuối do Đức cha Dubourg, giám mục Marseille, chính ngài chủ tọa tang lễ.Tham dự nghi lễ còn có các cha, các thầy và các sơ của Sở quản lý (Procure), cũng như đại diện của các Hội dòng Thừa sai có nhà tại Marseille. 

Cha Ferrières, Đại diện miền truyền giáo Huế tại Hội đồng Trung ương, đưa xác ra nghĩa địa. Người quá cố an nghỉ ở đó trong hầm mộ các thừa sai của Hội, bên cạnh Đức cha Dominique Lefèbvre, Giám mục Đại diện Tông toà Sàigòn, và cha Léculier, thừa sai miền Huế.

Ngay khi tin báo về cái chết của ngài đến Huế, hai lễ hát trọng thể đã được tổ chức: một lễ đặc biệt dành cho người Pháp tại nhà thờ Phanxicô Xavie ngày 9 tháng 6 và lễ kia ngày hôm sau tại nhà thờ Chính toà Phủ Cam. Cha Lemasle Bề trên miền truyền giáo cử hành cả hai lễ với sự phụ giúp của Đại chủng viện. Tất cả các linh mục đều tham dự như là bổn phận đạo đức của mình.

Tại giáo xứ tây Phanxicô Xavie, người ta thấy ở hàng đầu có các Đại diện chính thức của chính quyền Bảo hộ và của Triều đình Việt Nam. 

Điều Đức cha Chabanon tiếc nhất và cả giáo phận cùng chia sẻ, đó là không được chết trong miền truyền giáo của ngài, giữa đoàn con cái, các linh mục và giáo dân của mình. 

Đức cha Chabanon đã để lại cho chúng ta một tấm gương đẹp về đời linh mục thừa sai. Ngài có hồn tông đồ: Ở mọi nơi, công cuộc mục vụ ngài thực hiện đều in dấu một lòng nhiệt thành lớn lao cho việc thánh hoá các linh hồn. Phải chăng đó cũng là phản ảnh các tâm tình nội tâm từ câu châm ngôn giám mục của ngài: “Charitas Christi urget nos” (Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta), nhưng xem ra ngài cũng đã có một câu khác rất mật thiết, làm luật sống cho cả đời ngài: “Ama nesciri et pro nihilo reputari” (Hãy thích không được biết đến và được cho chẳng đáng là gì).

Quả thực Đức cha Chabanon đã luôn yêu thích đời sống âm thầm, hết lòng chăm chú chu toàn bổn phận hằng ngày, một người làm việc hăng say, luôn tiện tặn thời giờ, làm nhiều việc lành không rộn ràng.

Dưới vẻ bên ngoài rất dè dặt, mà có lẽ người ta xem như lạmh nhạt, ngài giấu ẩn một trái tim vàng. Vì ngài có chừng mực trong lời nói và ít phô bày ra, người ta không hề đoán được lòng nhân lành sâu xa của tâm hồn ngài, ngoài một sự tiếp cận chân thành và đầy tâm tình, cũng như trong những cách thức tế nhị ngài dùng, tuỳ trường hợp đối với anh em đồng sự và các người thuộc quyền ngài và trong các thư từ trong đó mọi sự được ngài diển tả cách dễ thương chân tình.

Ngài sở hửu ở một mức độ cao các tính cách quý báu mà người ta rất thích gặp được nơi một đồng sự và còn hơn cả nơi một Bề trên; không bao giờ người ta nghe ngài nói điều xấu nhỏ mọn nào về một ai, sự kiên nhẫn của ngài không hề vơi cạn và sự tế nhị kín đáo của ngài như là châm ngôn. 

Suy tư nhiều, ngài là một con người chỉ bảo đàng lành, cho ý kiến rõ ràng, đích xác và phán đoán tốt, người ta không bao giờ thấy đam mê ảnh hưởng nơi ngài. 

Đức Khâm Sứ đánh giá cao ngài và chính ngài cũng có một sự kính trọng đầy yêu mến và tin tưởng đối với Đức Khâm Sứ. Vì thế, trong những bức điện phân ưu, có điện văn của Đức Khâm Sứ Dreyer từ Paris gửi cho miền truyền giáo Huế để bày tỏ sự xúc động sâu xa của ngài.

Là linh mục và Giám mục đơn sơ và tốt lành, với một năng lực bình lặng, ngài được người ta thương mến trong mọi nhiệm sở ngài đảm trách và người ta luôn luyến tiếc khi thấy ngài phải ra đi: Đó là một người Cha được mọi người thương mến và các linh mục miền truyền giáo khóc thương ngài sớm khuất bóng.

54. Cha Allo (Thanh)

Cha Allo Alexandre, Ferdinand, sinh ngày 30.11.1871 tại Lanfains, trong địa phận Saint Brieux. Khi còn là giáo dân ngài nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại ngày 17.09.1892, thụ phong linh mục ngày 28.06.1896 và lên đường đi Bắc Đàng Trong ngày 26.08 sau đó cùng với Đức cha Chabanon.

Ngài ở tại Di Loan, phó cha Barthélémy, cho đến cuối năm 1899, ngày ngài được bổ nhiệm làm cha sở Ba Ngoạt. Cuối năm 1904, ngài thay cha Laffitte ở Tiên Nộn, Đi Pháp năm 1909, ngài trải qua một năm ở Montbeton; rồi khi trở về, ngài được đặt làm cha sở Kẻ Bàng. Rất mệt nhọc, ngài đến ở Sở quản lý Huế trong năm 1918 và năm 1921 ngài làm tuyên úy trường Pellerin. Năm 1923 ngài làm cha sở Cồn Cỏ.

Ngày 08.07.1924, ngài đến Sở quản lý trong tình trạng sức khỏe quá suy nhược. Ngày 12.07 Đức cha Allys ban bí tích Xức Dầu Thánh cho ngài và ngài mất vào sáng ngày 14.07.1923.

Ngài được chôn cất trong nghĩa địa các thừa sai ở Phú Xuân. Hưởng dương 53 tuổi, linh mục 28 năm.

55. Cha Pieters (Phiên)

Cha Pieters Gabriel, Albert, Désiré, Joseph, sinh ngày 09.05.1872 tại Linselles, trong địa phận Cambrai. Ngài thụ phong linh mục tai Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại ngày 27.09.1896 và lên đường ngày 18.11 sau đó đi Bắc Đàng Trong.

Ba năm làm phó cha Dangelzer ở Kim Long và cuối năm 1899, ngài được bổ nhiệm làm cha sở Trài (Cự Lại). Khi xảy ra trận bão ngày 11.09.1904, nhà xứ, nhà thờ của ngài và một nhà thờ khác trong một họ nhánh đã bị sụp đổ hoàn toàn. Ngài sửa sang lại tất cả khá nhanh.

Tháng 02.1923, ngài đến ở Hương Lâm. Tháng 06.1926 ngài được bổ nhiệm đi Đá Hàn,, rồi 6 năm sau, vào năm 1932, ngài trở lại Hương Lâm. Năm 1942, sức khỏe không cho phép ngài làm việc nữa, ngài lui về Sở quản lý. Ngài mất tại đó ngày 21.05.1946, trong lúc tất cả các thừa sai đều bị giữ tại Sở quản lý.

Vì không thể mang thi hài ngài đến Phú Xuân, ngài đã được an táng tại nghĩa địa Pháp ở Phủ Cam. Thọ 74 tuổi, 50 năm linh mục.

56. Cha Arnoulx de Pirey (Huề)

Cha Arnoulx de Pirey Henri, Marie, François, sinh ngày 05.07.1873 ở Maisières trong địa phận Besançon (Doubs). Sau khi học trung học tại địa phận, ngài nhập Hội Thừa Sai Hải Ngoại ngày 21.10.1892, Thụ phong linh mục ngày 13.03.1897 và được sai đi, như anh ngài là cha Maximilien, đến miền truyền giáo Bắc Đàng Trong , ngài lên tàu ngày 05.05.1898.

Cũng như người anh và chẳng bao lâu ở với anh, ngài học tiếng Việt tại Vạn Thiện. Cuối năm 1899, ngài được bổ nhiệm làm cha sở Tân Yên (Cam Lộ) và ở đó 10 năm (1899-1909). Ngài tạm thế cha Guichard ở Linh Thủy. Tháng 09.1910, ngài được bổ nhiệm làm cha sở Bố Liêu, giáo xứ kề cận An Lộng, nơi anh ngài là cha Maximilien vừa được bổ nhiệm (1910-1917).

Năm 1917 ngài thay cha Darbon ở Tam Tòa (Quảng Bình), rồi trở thành cha sở Tam Tòa và hạt trưởng Quảng Bình (1918-1933). Cũng như anh ngài đã biết liên kết các bổn phận mục vụ với việc học hỏi chuyên sâu về tiền cổ, cha Henri trước tiên đã giúp anh mình trong lãnh vực đó. Tuy nhiên ngài nhanh chóng chuyên biệt về cuộc đào xới và nghiên cứu khảo cổ học, được thực hiện trong cả giáo hạt rộng lớn Quảng Bình. Trước kia, nhận thấy mức sống thấp của phần đông giáo dân, ngài đã giúp họ khởi sự đi vào trong nghề chạm khắc các đồ đạo: thánh giá, đầu Chúa Kitô v.v. trên những loại gỗ quí, như cây đàn hương, gỗ huê mộc...tất cả các đồ đó được đánh giá cao tại chỗ và ở Pháp.

Về các nghiên cứu khảo cổ học, được thực hiện với sự chính xác kỹ thuật đòi hỏi, có ảnh hưởng trên một số lớn cơ xưởng và đi đên chỗ khám phá những thành lũy xưa hoặc những nơi thờ phượng của thời Champa và cả vào thời tiền sử của Đông Dương. Những vật quí đủ mọi loại, vũ khí, tượng nhỏ, đồ nữ trang, làm phong phú thêm cho bảo tàng viện Champa ở Đà Nẵng và được báo cáo chi li cho Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp mà hai cha de Pirey đều là thành viên thông tin rồi sau này được đăng trong Bulletin des Amis du Vieux Huế, do cha Cadière thành lập và điều hành (xem thư mục tiếp sau). 

Các nghiên cứu khoa học này không hề xâm hại đến việc mục vụ của cha Henri (biệt danh là “Huế” trong giáo phận Huế) mà lại giúp thêm mà thôi. Không lạ gì từ đó ngài có nguy cơ mệt nhọc quá sức.

Ngay từ đầu năm 1934, cha Henri de Pirey cảm thấy mình bị một cục bướu ung thư (tumeur cancéreuse) dưới lưỡi. Trước tiên được chữa trị bằng phóng xạ liệu pháp (radiologie) mà không kết quả, ngài được chuyển đến bệnh viện Saint Paul ở Hà Nội, tại đó ngài can đảm chịu đựng cuộc cắt bỏ cục bướu thật đau đớn. Chính tại đó ngài phó dâng linh hồn cho Chúa ngày 26.07.1934 với 61 năm tuổi đời và 37 năm linh mục.

57. Cha Darbon (Triết) 

Cha Paul, Louis, Joseph Darbon sinh ngày 15.09.1874 tại Marseille, giáo xứ St. Victor, địa phận Marseille, tỉnh Bouches-du-Rhône. Trước tiên ngài bắt đầu học tại trường nhà thờ St.Victor – một ngày kia ngài đã giúp lễ cha Gioan Bosco tại đó - rồi từ năm 1886 đến năm 1992, ngài học cấp hai tại Tiểu chủng viện Marseille. Sau đó ngài vào Đại chủng viện của địa phận, tại đó ngài đã chịu phép Cắt tóc và các chức nhỏ. 

Sau một năm nghĩa vụ quân sự ở Marseille, ngài nhập Chủng viện Hội Truyền Giáo Hải Ngoại ngày 01.10.1895. Chức năm ngày 27.09.1896, chức sáu ngày 13.03.1897, thụ phong linh mục ngày 27.06.1897 , nhận bài sai đi giáo phận Bắc Đàng Trong (Huế), ngài lên đường ngày 28.07.1897. 

Ngày 03.09.1897, ngài đã cập bến Thuận An; vào tháng 10 năm đó, ngài được đặt làm phó cha Gontier Joseph ở Thanh Hương , học tiếng Việt tại Nhứt Đông, và ở đó cho đến tháng 12.1899. Bấy giờ ngài làm cha sở Linh Thủy, trong giáo hạt Thừa Thiên Nhiệm sở này do cha Gontier thành lập, tách khỏi Thanh Hương, được nâng lên giáo xứ ít lâu sau khi cha Darbon đến miền truyền giáo. Ngài đã xây dựng nơi ở của ngài , rồi sau hai năm xây dựng nhà thờ được làm phép năm 1908 và phát triển rộng lớn nhiệm sở truyền giáo này với 9 trụ sở trực thuộc. 

Tháng 04.1906, ngồi trên lưng voi, cùng với cha Gautier, ngài đã thực hiện một cuộc viễn du vào”xứ rừng rú” trong thung lũng Tchepan, từ nguồn sông lớn cho đến Lào. Họ trở về Quảng Trị qua đường Lào và sông Mai Lanh. Cuộc hành trình này kéo dài trong vòng một tháng. Vào tháng 05.1906, họ đi ngược lên con sông từ Cổ Bi (nhánh sông cái Huế). Đến làng Dong, họ men theo thung lũng và đến Saravan trong vòng 10 ngày. Suốt đời họ cứ tiếc là địa phận Huế chưa thiết lập được những nhiệm sở truyền giáo trong vùng này. 

Tháng 05.1909 cha Darbon trở thành hạt trưởng Quảng Bình và cha sở Tam Tòa. Giáo xứ này do cha Bonin thành lập năm 1886, để quy tụ những cư dân của họ đạo cũ Sáo Bùn, bị phá hủy năm 1885, ở vị trí gần thành Đồng Hới. Vào Noen năm 1909, ngài phải đi chăm sóc sức khỏe tại dưỡng đường Hồng Kông và trở về nhiệm sở tháng 05.1910. 

Bị động viên tháng 03.1917 ở Huế, xuất ngũ tháng 03.1918. ngài được đặt làm quản lý miền truyền giáo ngày 20.07.1918 và ở đó cho đến tháng 05.1931. Ngày 01.06.1931 cha chính Lemasle bị buộc phải về Pháp, vì lý do sức khỏe, để giáo xứ thánh Phanxicô Xavie ở Huế lại cho cha Darbon làm cha sở tạm thời và tuyên úy bệnh viện. Tháng 03.1933, từ Pháp về cha Lemasle trở thành bề trên trường Providence, còn cha Darbon được xác nhận là cha sở thực thụ. 

Trước tiên ngài quan tâm giới trẻ, qua phong trào hướng đạo. Năm 1934, được cha Bresson Dòng Phanxicô trợ lực, rồi cha Ferrand , ngài đã lập cho các lính tráng đoàn thánh Louis được khai trương vào ngày 01.07 năm đó và đã có kết quả lớn lao. Cũng như ở bệnh viện, các cuộc viếng thăm của cha Darbon được nôn nóng chờ đợi. Những trò bông đùa, từ ngữ ngài dùng, giọng marsellais vẫn được ngài giữ cho đến chết, làm mọi người vui tươi và thường được ngài dùng làm nhập đề để bàn đến những vấn đề nghiêm trang hoặc tế nhị. 

Tháng 10.1936, ngài bảo đảm thường xuyên một cours latinh cho trường Jeanne-d’Arc, bậc trung học. Dịp Phục Sinh 1939, người ta báo tin ngài được đặt làm Chevalier du Dragon d’Annam. 

Năm 1941, ngài tổ chức một cuộc cổ động trong tuần thánh theo ý giáo dân. Ngày lễ Phục Sinh, trong bài giảng kết thúc, ngài tâm sự với họ. Ngài gợi ý về một dự án nới rộng nhà thờ và xây một tháp chuông có ngọn tháp vươn cao. Ngài biết làm cho đất trời lay động để hoàn thành tốt việc này. 

Bị điếc nặng, ngài đã được thay thế tại giáo xứ Phanxicô Xavie năm 1947 và lui về câu lạc bộ quân sự vừa làm nhiều việc giúp Tòa Giám mục, vừa bảo đảm chức vụ tuyên úy trường Jeanne d’Arc. Hoàn toàn thích hợp với khí hậu Huế, ngài chẳng bao giờ thấy lại Marseille thân yêu của ngài. Ngài mất cách nhẹ nhàng chiều thứ ba tuần thánh 16.04.1957, có Đức cha Urrutia trợ giúp là người đã được ngài tiếp đón năm 1925 khi ngài làm quản lý miền truyền giáo. Ngài được chôn cất tại Phú Xuân, trong nghĩa địa các thừa sai. 

58. Cha Bernard Mendiboure (Nhơn)

Tôi xem cha Bernard như đã chết trong trại tập trung nơi ngài đã bị đem đến năm 1953. Có lẽ chẳng bao giờ chúng tôi được xác nhận về cái chết này, ngay cả do ủy ban đình chiến. Trước những câu hỏi làm họ khó chịu hoặc khi họ không muốn trả lời, Việt Minh nói:”Chúng tôi sẽ điều tra” hoặc”chúng tôi sẽ đưa lên cấp trên và sẽ trả lời” Và câu trả lời chẳng bao giờ có...Tức khắc sau cuộc bắt giữ, các thầy Phước Sơn đã bị đem đi vào một trại tập trung cách đan viện 40 cây số về phía nam, trong một thung lũng dãy Trường Sơn cách thành phố Quảng Trị 25 cây số về phía tây, trên con sông cũng mang tên đó. Họ bị giam trong một nhà có công an giữ. Tuy nhiên cha Bernard bị giam riêng. Tất cả đã bị lột hết áo nhà tu. Họ chỉ mặc một chiếc quần sọt. Sau hai tuần người ta đem họ đi vào một trong những cánh rừng chung quanh tại một nơi có những túp lều xa nhau khoảng 30, 50 hoặc 100 mét. Mỗi thầy dòng bị giam trong một lều, mỗi người đều có lính canh trách nhiệm không rời; ban ngày họ chỉ đi ra để lấy cơm, ban đêm họ ngủ ngay trong lều. Mỗi lần lính canh đi xa và trong đêm từ 18 giờ chiều đến 7 giờ sáng hôm sau, người tù bị cùm sắt giữ chân và buộc vào nơi ngủ. Đồ ăn vừa đủ nhưng không thay đổi. 

Lúc ban đầu không ai biết được người ở lều bên cạnh là ai, cấm nói chuyện với nhau. Dần dần nghe giọng ho hoặc tiếng hát, mỗi người có thể xác định một hay những người bên cạnh. Họ ở 15 tháng như thế không gặp nhau , không thể xưng tội. Sau hiệp định Genève, ngày 06.08, họ được qui tụ lại ở trung tâm trại. Tất cả gặp lại nhau trừ cha Bernard, Họ được phóng thích. Rất đơn sơ để dẫn họ về thành phố Quảng Trị cách khoảng 25 cây số và trao họ cho chính quyền Pháp-Việt. Thực tế họ bị dẫn đi về hướng bắc và đi bộ 400 cây số trong vòng 20 ngày. Sau một thời gian nghỉ ngơi 10 ngày chung quanh Vinh, họ đã được phóng thích ở Sầm Sơn, trung tâm trao đổi tù binh. Tuy nhiên hai cha và một thầy vẫn còn bị giam giữ. 

Ngày 06.08 khi họ bị quy tụ lại trong trại tập trung, các linh mục muốn biết tin về cha Bernard. Với những người này thì người ta trả lời đã chết rồi, với những người khác thì họ nói”vẫn còn sống”, nhưng không thiếu thốn gì, đừng lo cho ông ấy vô ích... Đã và sẽ không thể có một xác nhận chính thức về cái chết này. Các thầy dòng cứ nghĩ rằng ngài ở một thời gian trong một túp lều trong làng của những “vị ẩn tu”. Một buổi tối kia một thầy dòng nghe người lính gác chòi bên cạnh nói với người tù:

Này, duổi thẳng chân ra để tôi cùm xích sắt.’ Người tù trả lời:”Ôi nặng quá, đau quá...”Người lính canh nói lại:”Đau hay không đau, cấp chỉ huy đã lệnh cho tôi phải cùm xích sắt, nhanh lên, duổi chân ra”.Rồi sau một chốc thinh lặng, người lính canh lại nói:” Có ăn cháo tối nay không ...” và người tù trả lời:”Vâng, tôi sẽ ăn cháo. Ôi tôi mệt quá, tôi không chịu nổi nữa!...” Thầy dòng đã nhận ra tiếng của cha Bernard. Chuyện này xảy ra vào tháng 08.1953. Từ đó không ai thấy ngài cũng chẳng nghe tiếng ngài nữa. 

Những kẻ bệnh nặng được săn sóc trong một bệnh xá của trại. Những kẻ chết được chôn ở ngoài trại. Trong một hố chung hay riêng ? Tôi không thể biết được. Chắc rằng cha Bernard đã chết. Vào ngày nào? Không ai có thể nói cho tôi điều đó. Với 80 tuổi, ngài không thể chống chọi lại được với những cực hình phải chịu. Ngài đã phải đau đớn biết bao, ôi tội nghiệp cha! Nhưng một cái chết đẹp đẽ dường bao đối với một linh mục và một thừa sai. Phó thác, hận thù, ghen ghét: cũng một cái chết như Chúa Giêsu trên đồi Canvê. 

Đến miền truyền giáo năm 1897, ngài được đặt làm giáo sư Đại chủng viện. Năm 1902 ngài được bổ nhiệm làm cha sở Lăng Cô, giáo xứ cách Huế 60 cây số về phía nam. Ngài nhiệt thành dạy dỗ các giáo dân. Năm 1906 Đức Giám mục gọi ngài về lại Đại chủng viện và trong 14 năm ngài lo lắng đào tạo các đại chủng sinh trẻ tuổi bằng việc dạy dỗ và nêu gương đều đặn cùng thích làm việc. Năm 1918, một vị thừa sai là cha Denis thuộc giáo phận đã được phép lập một nhà cho các thầy dòng Xitô trong giáo phận Huế, và đã khởi sự công trình trong một vùng xa thuộc tỉnh Quảng Trị, trên một trong những ngọn đồi sát chân núi. Năm 1920 ngài xông xáo giữa rất nhiều khó khăn . Ngài có được những ơn gọi, nhưng phải một mình đào luyện các ứng sinh và lo điều hành vấn đề vật chất của nhà dòng, Cha Mendiboure đến với ngài: ngài muốn làm một mẫu “đời sống tu trì”. Những bước đầu rất nhọc nhằn. Tình trạng vật chất quá thô sơ. Họ chịu khổ, họ khẩn hoang...Tôi đã thấy nhà đó năm 1925. Nhà đã thành hình. Khoảng ba mươi thầy dòng và tập sinh ở những dãy nhà xây chắc chắn...Năm 1945 Phước Sơn (tên của đan viện mới) đã lập nhà mới tại miền bắc và miền nam Việt Nam... 

Cha Denis đáng kính (tên dòng là Benoît) chết kiệt lực năm 1933. Cha Mendiboure (tên dòng là Bernard) nắm quyền điều hành đan viện. Chính dưới thời ngài làm đan phụ, nhà miền bắc được thiết lập (Châu Sơn trong giáo phận Phát Diệm) và nhà miền nam (Phước lý trong giáo phận Sài Gòn). Năm 1948 sức khỏe giảm sút – đã 74 tuổi – ngài xin được thay thế trong chức vụ đứng đầu đan viện. Ngài vẫn là vị cố vấn rất được lắng nghe và yêu mến của đan viện, chăm lo cầu nguyện và học hỏi hơn bao giờ hết. 

Nếu người ta muốn nói đến nét độc đáo đời sống của cha Bernard, tôi tin rằng phải nêu bật sự trung thành với bổn phận của ngài. Những năm đầu đời sống đan tu của ngài rất cực nhọc. Tinh thần đức tin và những khích lệ của mẹ ngài là bà Célestina d’ Iribamea đã giúp ngài vượt qua mọi khó khăn. 

Con cái nông dân, ngài đã có”đôi chân đạp đất”. Vị sáng lập dòng trappe, cha Benoît là một người”tìm lý tưởng”(idéaliste) và một người đầy hứng khởi . Ngài phải tung ra một cuộc mạo hiểm như thế, không trợ lực, thiếu mọi phương tiện vật chất. Năm 1920 ngài vùng vẫy trong những khó khăn không gỡ ra được. Chúa Quan Phòng cho cha Bernard đến : mọi người đều đồng ý rằng ngài đã cứu các đan viện bằng cách nắm lấy những vấn đề vật chất. 

Từ việc ngài trải qua Đại chủng viện, ngài đã giữ lấy sự ham thích thần học; ngài thích đọc những tờ báo lớn để cập nhật sự phát triển các tư tưởng thần học, tu đức, huyền bí, lịch sử. Trong các hành trình của ngài, ngài luôn mang theo một hoặc hai số báo Revue théologique hay một số báo Etudes. Ngài thích tìm hiểu về những tác phẩm đàng hoàng mới xuất bản. 

Với một tính tình luôn bình đẳng, ngài được tiếp đón mọi nơi. Người ta thích bông đùa ngài cách dễ thương để kích thích những câu trả lời luôn luôn được chú ý do phán đoán tốt và cụ thể của ngài. Ngài đã giữ lòng yêu quê hương đến cùng. Khi ngài đến gặp tôi, tôi thích nghe ngài thì thầm”Hemen nuzinola zira ?” Và một trong những câu hỏi đầu tiên của ngài là”Có gì mới trong nước không ?” 

Đây là một cuộc sống đẹp, hoàn toàn đơn sơ và hoàn toàn ngay thẳng đặt trọng tâm nơi ơn gọi thừa sai của ngài.. Để kết thúc cuộc đời đó, Thiên Chúa đã xét thấy ngài có khả năng mang lấy thập giá nặng nề đã được vác lấy bới Đức Kitô-linh mục, thầy và gương mẫu của chúng ta. Tôi tin rằng đó là hành động tình yêu đẹp đẽ nhất mà người ta có thể kể về một linh mục và là một tu sĩ... 

59. Hilaire (Tri) 

Cha Hilaire Auguste sinh ngày 13.11.1869 tại Saint Gernier, trong địa phận Poitiers. Thụ phong linh mục tại Poitiers ngày 30.03.1895, ngài làm phó 18 tháng trong địa phận của ngài. Ngài nhập Hội Thừa Sai Hải Ngoại tháng 11.1896 và lên đường ngày 17.11.1897 đi Bắc Đàng Trong. 

Ngài thực tập tại Di Loan bên cạnh cha Barthélémy trong gần hai năm. Tháng 07.1899 ngài làm cha sở An Lộng và Bố Liêu. Ngài xây dựng một nhà xứ mới ở An Lộng và xây cho nhà thờ Bố Liêu một tháp chuông đẹp đẽ.

Sau khi cha Rault rời chỗ, cha Hilaire thay thế tại Mỹ Định tháng 03.1905. Vào tháng 11.1907 ngài đi Pháp, vừa để chữa bệnh tại Vichy vừa để sắp đặt việc nhà.Trở về ngài được đặt làm cha sở Vạn Thiện, tại đó ngài lại xây một nhà xứ mới. Khi ngài còn ở Vạn Thiện , vào năm 1911, Đức cha Allys tách 300 giáo dân của ngài thuộc về các họ đạo xa nhất để làm thành nhiệm sở Kim Đầu. Ngài còn lại 800 giáo dân . Được đặt ở Đại Lộc tháng 02.1917, ngài bị động viên vào tháng ba và giải ngũ vào tháng 07.1918. Ngày 24.07.1921, ngài đến ở Dương Sơn rồi năm sau vào tháng 09.1922, ở An Lễ. 

Đầu tháng 04.1923 ngài bị té xe đạp nặng ở Ba Dốc trong vùng Gio Linh. Chuyển vào bệnh viện Huế, ngài bị nội viêm (phlegmasie) và mất ngày 20.04.1923. Hưởng dương 54 tuổi, 28 năm linh mục. 

60. Cha Petit (Ký) 

Cha Petit, Philippe-Joseph sinh ngày 01.07.1871 tại Désertines (Allier), làm việc ở xưởng Saint-Jacques de Montluçon, và ngài cảm nghe trong lòng mình ao ước dâng mình cho Chúa. Ngài học tiếng latinh cách nhanh chóng với cha sở giáo xứ quê nhà, trải qua vài năm tại Đại chủng viện địa phận và chịu các chức nhỏ, rồi ngày 13.03.1896 nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại. Ngài thụ phong linh mục ngày 26.09.1897 và lên đường ngày 17.11 sau đó đi Bắc Đàng Trong. 

Ngài rao giảng Phúc Âm các vùng Dương Sơn và Thạch Bình, tỉnh Thừa Thiên. Bị bệnh, ngài đi dưỡng đường Saint-Théodore ở Wellington (Coïmbatour), tại đó rủi thay ngài không phục hồi sức khỏe được. Trở về miền truyền giáo ngài được đặt ở La-Khê gần Huế; ngài mất tại đó ngày 01.03.1906 ; thi hài ngài an nghỉ trong nhà thờ Dương Sơn. Gia đình ngài còn giữ lại những bức thư của ngài viết đầy những tâm tình tông đồ.

(Còn tiếp...)

Website TGP Huế cập nhật